MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Thị trường đào Tết vẫn… chưa “bung”

27-01-2021 - 06:26 AM | Thị trường

Dù chỉ còn khoảng 2 tuần nữa là đến Tết Tân Sửu nhưng thị trường hoa đào, cây cảnh vẫn còn khá đìu hiu. Người bán đã ít, người mua còn ít hơn. Dường như sự ảnh hưởng của Covid-19 vẫn còn hiện hữu trong không khí chuẩn bị Tết năm nay.

Thị trường đào Tết vẫn… chưa “bung” - Ảnh 1.

Đến thời điểm hiện nay mới chỉ có rất ít người đến xem đào.

Người bán ít, người mua thưa thớt…

Thông thường, hàng năm, những ngày này, đào, mai, cây cảnh đã ngập phố phường, người dân tấp nập đi xem cây, đào, quất để chuẩn bị cho gia đình những cành hoa đẹp nhất cúng rằm tháng Chạp và Tết ông Công ông Táo.

Tuy nhiên, năm nay, theo lý giải của nhiều người buôn đào, do dịch Covid-19 nên sức chi tiêu của người dân giảm hẳn. Cộng thêm việc thời tiết năm nay khá khó lường nên đa phần người dân đều đang ở thế… nghe ngóng.

Chị Phạm Thị Nga, một dân chuyên săn đào ở khu vực Nhật Tân, Quảng Bá cho biết, năm nay dường như đào đắt hơn mọi năm, bình thường một cành đào năm ngoái khoảng 200.000 đồng thì năm nay tăng lên 250 nghìn, thậm chí 300.000 đồng.

Do đó, dù đã đi ngắm nghía vài vườn đào nhưng chị Nga chưa dám quyết để ôm đào về buôn mà chờ để nghe ngóng tình hình dân tình sắm Tết và xem giá đào sẽ thay đổi theo chiều hướng như thế nào.

Dạo vài lượt quanh khu vực chợ hoa Quảng Bá nhưng chị Phùng Thanh Thủy (ở Trung Hòa - Nhân Chính, Thanh Xuân, Hà Nội) cho biết, rất khó để chọn mua được cành đào ưng ý ở thời điểm này vì giá vừa khá cao, đào lại ít hoa, nhiều nụ còn rất non, sợ không kịp nở vào đúng dịp Tết nếu thời tiết cứ kéo dài như hiện nay.

Chị Thủy cũng cho biết, năm ngoái chị cũng mua đào sớm về trưng nên năm nay cũng muốn có cành đào trong nhà, dù đắt, để bớt cái u ám do dịch Covid-19 kéo dài nhưng cũng không tìm được.

Theo khảo sát của PV Báo PLVN, năm nay, giá đào sẽ nhỉnh hơn từ 80.000 - 100.000 đồng/cành so với mọi năm. Ngoài ra, tùy từng loại, có loại chỉ là cành nhưng cũng lên đến tiền triệu, đắt hơn khoảng 20% so với Tết Canh Tý 2020.

Anh Nguyễn Văn Hoàng, một nông dân ở vườn đào Tứ Liên cho biết, giá đào năm nay có nhỉnh hơn nhưng nhỉnh hơn không nhiều. Tuy nhiên, có những loại đào hiếm như đào 5 cánh mà vợ chồng anh mới bán thì giá tăng lên 200.000 đồng, thậm chí 300.000 đồng/cành cũng có người mua ngay.

Anh Hoàng cho biết thêm, người trồng đào năm nay "tưởng chết" do thời tiết cách đây 2-3 tháng rất nắng, đào nở sớm nên có thời điểm đào xuống giá thấp, không đủ để bù lại các chi phí đã bỏ ra để chăm sóc đào, còn chưa kể công chăm sóc của mọi người trong gia đình. Nhưng "may quá, thời gian vừa qua có đợt lạnh với thời gian dài và nhiệt độ xuống sâu nên đã "kìm" được hoa đào nở nên đào mới lại tăng giá so với năm ngoái" - anh Hoàng nói.

Một nguyên nhân nữa khiến giá đào năm nay cao hơn là do lệnh cấm bán đào rừng nên lượng người mua đào Nhật Tân sẽ nhiều hơn, đặc biệt là các loại cây có "dáng khắc khổ" như đào rừng. Dù có lợi thế nói trên nhưng theo khảo sát của PV, hầu như tại các vườn trồng đào, lượng người đến xem và chọn cây không nhiều như các năm trước. Tại các chợ, lượng người tìm mua đào sớm cũng rất ít, có thể đếm trên đầu ngón tay.

Những vườn đào "khủng" giữ giá ổn định

Dù hiện nay, thị trường đào có xu hướng tăng giá nhưng anh Nguyễn Văn Hiệp, chủ vườn đào Hiệp Vụ với hàng nghìn gốc đào khẳng định, "không dám tăng giá dù các chi phí đầu vào đều tăng và công sức bỏ ra tốn hơn rất nhiều".

Theo anh Hiệp, vào mỗi dịp cận Tết lương nhân công đều tăng. Năm nay, dù ảnh hưởng bởi dịch Covid-19, lượng người thất nghiệp tăng nhưng người có nghề trồng đào vẫn chỉ có một nhóm nhất định nên vẫn tiền thuê nhân công trong những ngày này vẫn tăng.

Các năm trước khoảng 300.000 đồng/ngày thì hiện nay tăng thêm 50.000/ngày; thậm chí có người có tay nghề, tăng thêm 100.000, lên 400.000 đồng/ngày cũng là chuyện bình thường. Thời tiết càng thất thường, công chăm sóc sẽ đòi hỏi nhiều hơn, tốn thêm nhiều chi phí hơn nhưng giá bán ở vườn Hiệp Vụ vẫn giữ như năm ngoái "do đa phần toàn khách quen" - anh Hiệp lý giải.

Ngoài ra, do vườn chủ trương phục vụ tất cả các phân khúc khách hàng (với giá từ 2-3 triệu/cây lên đến vài chục triệu/cây) nên vườn Hiệp Vụ luôn là một vườn khá hút khách mỗi dịp Tết đến Xuân về. Tuy nhiên, so với các năm trước, năm nay vườn Hiệp Vụ cũng bán chậm hơn, hiện mới chỉ bán được hơn 60%, trong đó có khoảng 300-400 cây đã… lên đường vào Nam.

Cũng theo anh Hiệp, so với thời điểm này năm ngoái, mọi người đến xem đào ít hơn. Đặc biệt, do đợt lạnh vừa qua nên nhiều người không dám mua đào sớm như năm ngoái vì sợ gặp nhiều rủi ro trong thời tiết những ngày tới. "Nếu thời tiết Hà Nội như thế này (nhiệt độ lạnh tầm khoảng 17-20 độ - PV) kéo dài thì tôi đảm bảo đào năm nay sẽ rất đẹp vào đúng dịp Tết" - anh Hiệp khẳng định.

Tương tự, anh Lê Hàm, chủ vườn đào thất thốn (một loại đào quý hiếm rất ít người trồng được để cánh hoa đào bung nở vào đúng đêm Giao thừa hoặc Mùng 1 Tết) cũng không dám tăng giá thuê đào dù mỗi năm công xá người làm tăng, các loại nguyên phụ liệu cũng tăng, thậm chí lượng điện sử dụng nhiều hơn do thời tiết nóng bức bất thường.

Dù mỗi năm số lượng người biết "thưởng" đào thất thốn đều gia tăng và số lượng cây chăm sóc mỗi năm không tăng nhiều (thường chỉ được khoảng 10-20 cây/năm) nhưng anh Hàm quyết định vẫn giữ nguyên giá dù chăm sóc đào để ra đúng dịp còn khó hơn chăm con mọn. Giá thuê đào thất thốn ở vườn Lê Hàm dao động từ 5-10 triệu đồng/cây/ vụ Tết.

Theo Nhật Thu

Pháp luật Việt Nam

Trở lên trên