MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Thị trường dầu thô chuyển từ “hỗn loạn” sang “bình tĩnh”

13-04-2022 - 08:26 AM | Thị trường

Thị trường dầu thô chuyển từ “hỗn loạn” sang “bình tĩnh”

Thị trường dầu thô toàn cầu chỉ trong vài tuần đã chuyển từ trạng thái “hỗn loạn” sang “trầm tĩnh”. Giao dịch dầu từ chỗ “điên cuồng” và giá cả leo thang đang chuyển trở lại bình thường hơn.

Sự thay đổi có thể được nhìn thấy rõ ở mọi nơi, từ chỗ giá cả các hợp đồng kỳ hạn biến động như tàu lượn siêu tốc, chênh lệch giữa giá giao ngay với giá kỳ hạn tương lai biến động mạnh, giá tăng vọt khi nổ ra khủng hoảng ở Ukraine…chuyển sang mọi biến động đang thu hẹp dần.

Các thương nhân cho biết mức cộng đối với giá các loại dầu từ Trung Đông đến Tây Phi đã giảm xuống khi một số dòng chảy dầu từ Nga vẫn tiếp diễn và dịch Covid-19 bùng phát ảnh hưởng đến nhu cầu của Trung Quốc, và Mỹ cùng các đồng minh đã triển khai xuất kho dầu dự trữ.

Mặt hàng quan trọng nhất của thế giới đạt mức giá gần 140 USD/thùng vào đầu tháng 3/2022, khi xung đột giữa Nga và Ukraine làm dấy lên lo ngại rằng Nga – nhà sản xuất dầu trong nhóm OPEC + (Tổ chức Các nước Xuất khẩu dầu mỏ và các đồng minh) - sẽ không thể giao bất kỳ thùng dầu nào. Nhưng điều đó đã k hông xảy ra bởi châu Âu vốn phụ thuộc rất lớn vào dầu Nga nên vẫn tiếp tục nhận các thùng dầu thô Urals của nước này, chưa kể ngày càng nhiều dầu Nga được chuyển sang Châu Á.

Bên cạnh đó, Mỹ và các đồng minh đã nhất trí thực hiện một "chiến dịch" giải phóng kho dự trữ dầu chiến lược với quy mô lớn chưa từng có, kéo giá giảm trở lại mức 100 USD.

Giovanni Staunovo, một nhà phân tích hàng hóa thuộc cơ quan quản lý tài sản toàn cầu UBS Group AG cho biết: "Giá dầu physical đã bị ảnh hưởng, lý do bởi xuất khẩu dầu của Nga không giảm như dự kiến ​​và các nước tiêu thụ lớn giải phóng kho dự trữ. Ngoài ra, nhu cầu ở Trung Quốc và Nga yếu đi do các biện pháp hạn chế di chuyển và các biện pháp trừng phạt".

Thị trường dầu thô chuyển từ “hỗn loạn” sang “bình tĩnh” - Ảnh 1.

Giá dầu Brent đang giảm mạnh nhất kể từ khi xảy ra khủng hoảng ở Ukraine.

Chênh lệch giá giao ngay đối với nhiều loại dầu được khai thác ở những khu vực xa xôi trên thế giới là một trong những chỉ số quan trọng của thị trường physical (hàng thực), phản ánh số tiền mà người giao dịch phải trả thêm, hoặc được chiết khấu so với hợp đồng tham chiếu của thế giới. Giờ đây, khi thị trường "bình tĩnh" trở lại, các nhà giao dịch cho biết mức cộng giá dầu Murban ở Abu Dhabi đã giảm tới 10 USD/thùng so với tháng trước, trong khi mức cộng giá dầu Upper Zakum giảm hơn 4 USD/thùng.

Ngoài lo ngại về những vấn đền liên quan đến Ukraine, sự bùng phát virus Covid-19 ở Trung Quốc cũng là một yếu tố quan trọng làm thay đổi xu hướng thị trường dầu. Các nhà giao dịch cho biết, biện pháp phong tỏa chống dịch đã gây ảnh hưởng đến nhu cầu tại nước nhập khẩu lớn nhất thế giới, khiến các nhà máy lọc dầu ở nước này không còn hứng thú với việc mua hàng giao ngay. Đó là một phần cốt lõi trong những nguyên nhân đẩy nhanh đà sụt giảm mức chênh lệch giá, kể cả khi tỷ suất lợi nhuận lọc dầu - đặc biệt là đối với động cơ diesel - vẫn tăng.

Giá các loại dầu thô nhẹ, ngọt ở châu Âu cũng có dấu hiệu suy yếu mặc dù tỷ suất lợi nhuận chế biến vẫn cao. Dầu Forties Biển Bắc đã giảm xuống mức thấp hơn 70 US cent/thùng so với dầu Brent trong phiên thứ Sáu (8/4), theo dữ liệu của S&P Global Platts. Đó là mức thấp nhất trong vòng 23 tháng. Chỉ một tháng trước đó, giá dầu Forties cao hơn 3 USD/thùng so với dầu Brent.

Mặc dù dầu của Nga sẽ bị Mỹ và Anh ngừng sử dụng theo thời gian, nhưng dầu thô của quốc gia này vẫn chưa bị Liên minh châu Âu chính thức trừng phạt, vì vậy không có trở ngại pháp lý nào trong khối này đối với việc nhập khẩu và sử dụng dầu Nga.

EU đã bàn đến việc cấm nhập khẩu năng lượng của Nga, nhưng để có được sự đồng ý của tất cả các nước thành viên EU là điều rất khó khăn bởi mức độ phụ thuộc của các nước này vào dầu mỏ Nga rất khác nhau. Tổng thống Pháp Emmanuel Macron là một trong những nhà lãnh đạo đầu tiên của châu Âu công khai ủng hộ lệnh cấm hoàn toàn đối với dầu mỏ của Nga, song Hungary sẽ là quốc gia bị ảnh hưởng nhiều nhất và Thủ tướng tái đắc cử Viktor Orban có thể bác bỏ bất cứ đề xuất nào.

OPEC mới đây khẳng định rằng EU sẽ "gần như không thể" có giải pháp thay thế nếu nguồn cung dầu Nga bị cắt do các lệnh trừng phạt hoặc tẩy chay, bởi khoảng 25% lượng dầu nhập khẩu của EU đang dựa vào Nga.

Thị trường Tây Phi cũng chứng kiến ​mô hình tương tự về giá cả. Theo các thương nhân, dầu thô Djeno của Congo kỳ hạn giao tháng 4 đang được bán với giá thấp hơn 2 USD/thùng so với cách đây một tháng do nhu cầu của Trung Quốc giảm sút. Trung Quốc, Ấn Độ và châu Âu là ba khách hàng lớn nhất của dầu châu Phi.

Đến nay, Mỹ, Anh, Canada và Australia đều đã công bố lệnh cấm nhập khẩu dầu của Nga. Trong khi đó, nhiều ngân hàng, thương nhân và công ty bảo hiểm cũng đang cố gắng tránh né các giao dịch liên quan đến dầu Nga do lo ngại lệnh trừng phạt. Các công ty dầu khí châu Âu trong đó có Shell, TotalEnergies và Neste đã ngừng mua dầu thô của Nga, hoặc sẽ thực hiện động thái này vào cuối năm nay.

Tham khảo: Bloomberg

https://cafef.vn/thi-truong-dau-tho-chuyen-tu-hon-loan-sang-binh-tinh-20220412172612065.chn

Vân Chi

Nhịp sống kinh tế

CÙNG CHUYÊN MỤC

XEM
Trở lên trên