Thị trường đường thế giới sẽ ổn định trở lại trong năm 2017
Sản lượng của Brazil cao kỷ lục sẽ giúp thị trường thế giới chuyển từ thiếu cung sang đủ hoặc thừa
- 18-02-2017Brazil lần đầu tiên trong lịch sử nhập càphê vối của Việt Nam
- 17-02-2017Bác thông tin thương lái Trung Quốc thao túng giá tiêu
- 16-02-2017Sản lượng nuôi giảm sâu trong khi tồn kho cạn kiệt đẩy giá cá tra tăng liên tục
Giá đường thô thế giới đã lên mức cao nhất trong vòng 4 năm vào cuối tháng 9, đầu tháng 10 năm 2016, sẽ ổn định trở lại trong năm 2017 khi khu vực sản xuất đường chủ chốt của Brazil thu hoạch vụ mía cao kỷ lục góp phần đưa thị trường đường thế giới từ thiếu cung dần chuyển sang dư cung, kết quả khảo sát của Reuters ở các chuyên gia và tổ chức hàng đầu thế giới cho thấy.
Tình trạng thiếu cung dự báo sẽ kết thúc vào niên vụ 2017/18 (tháng 10/2017 – tháng 9/2018) sau khi giá tăng mạnh trong năm vừa qua khích lệ nông dân gia tăng sản xuất, theo các chuyên gia và nhà phân tích ngành mía đường.
Thị trường đường thô thế giới đã rơi vào tình trạng thiếu hụt trong năm 2016 sau một nửa thập kỷ liên tiếp dư thừa. Tuy nhiên, bội thu mía ở Brazil có thể ngăn giá đường thô tiếp tục tăng thêm nữa. Dự báo giá đường thô hợp đồng tham chiếu trên sàn giao dịch New York sẽ duy trì ở mức khoảng 21 US cent như hiện nay cho tới cuối tháng 3/2017. Tuy nhiên, các hiệp hội mía đường cho rằng giá sẽ tăng nhẹ 1% so với hiện tại lên 21,25 US cent/lb vào cuối năm 2017.
Hình: Giá đường thế giới tăng mạnh trong năm 2016
Giá đường đã tăng ngoạn mục từ đầu năm 2016 và đạt 23,30 US cent/lb vào tháng 9/2016, lên mức cao nhất trong vòng gần 4 năm là 24,00 US cent vào tháng 10/2016, nhưng sau đó đã giảm nhẹ dần dần cho tới nay. Từ đầu tháng 10/2016 tới đầu tháng 2/2017, giá đã giảm 6,5%, dù hiện vẫn đang cao hơn 40,4% so với cùng kỳ năm ngoái. Nếu so với đầu tháng 11/2015, giá hiện cao hơn 46,3%. Giá tăng phản ánh tình trạng sản lượng tăng chậm hoặc thậm chí giảm sút ở những nước sản xuất chính, gây thiếu cung trên toàn cầu.
Tại Brazil, nước sản xuất đường lớn nhất thế giới, giá dự báo sẽ vẫn duy trì ở mức cao trong năm 2017 do một số dự báo rằng thị trường đường toàn cầu sẽ thiếu hụt trở lại.
Brazil sẽ tăng tỷ lệ mía sản xuất đường
Các nhà máy ở khu vực trung-nam Brazil – nơi sản xuất mía chủ chốt của quốc gia này – sẽ sử dụng trên 45% sản lượng mía để sản xuất đường trong niên vụ 2017/18, bắt đầu từ tháng 4/2017, mức cao nhất kể từ niên vụ 2012/13, theo số liệu của ngành mía nước này. Các nhà máy có thể dễ dàng điều chỉnh tỷ lệ mía dùng cho sản xuất đường hoặc ethanol. Sản lượng đường của vùng trung-nam Brazil dự báo sẽ đạt trên 35 triệu tấn trong niên vụ 2017/18, vượt mức kỷ lục trước của năm 2016/17.
Sản lượng mía Brazil có tác động rất lớn tới giá đường thô trong niên vụ 2017/18 sắp tới. Theo Datagro, sản lượng đường khu vực trung-nam sẽ đạt khoảng 36,1 đến 36,5 triệu tấn, so với 34,1 triệu tấn của niên vụ hiện tại. Dự đoán sẽ có khoảng 600 triệu tấn mía được chế biến thành đường, gần tương đương với niên vụ vừa qua. Tuy nhiên, hiệp hội ngành đường Brazil – Unica – lại dự báo sản lượng mía sẽ giảm, mặc dù thời tiết thuận lợi, bởi người sản xuất trong mấy năm qua đã đầu tư quá ít cho cây mía và không thể dễ dàng khôi phục và phát triển sản xuất trong một sớm một chiều.
Mặc dù dự báo sản lượng thế giới sẽ hồi phục trong niên vụ 2016/17, tăng khoảng 3% so với niên vụ trước lên mức 171 triệu tấn, nhưng sẽ vẫn không đáp ứng đủ nhu cầu – dự kiến là 174 triệu tấn, theo tính toán của Bộ Nông nghiệp Mỹ. Do đó, sẽ vẫn thiếu hụt khoảng 2,6 triệu tấn đường. Tổ chức Đường Quốc tế thậm chí dự báo mức thiếu hụt lớn hơn nhiều, khoảng 6,2 triệu tấn.
Giá đường trắng sẽ tăng vào cuối năm 2017
Dự báo giá đường trắng sẽ tăng mạnh hơn so với đường thô vào thời điểm cuối năm 2017. Các chuyên gia trong ngành cho rằng giá đường trắng sẽ tăng 1% lên 555 USD/tấn vào cuối tháng 3/2017, và tăng tiếp thêm 10% lên 605 USD/tấn vào cuối năm 2017. Tuy nhiên, các thương gia cho rằng giá tăng bao nhiêu sẽ tuỳ thuộc vào khối lượng đường EU sẽ sản xuất trong năm nay bởi Chính phủ sẽ xoá bỏ những hạn chế về sản xuất. Việc xoá bỏ hạn ngạch sản xuất đường ở EU có thể sẽ khiến nhập khẩu đường vào khu vực này giảm, đồng thời xuất khẩu gia tăng.
Trong khi giá đường trắng tăng, thị trường dự báo sẽ cân bằng trở lại trong năm 2017/18, sau khi thiếu hụt khoảng 5 triệu tấn trong niên vụ kết thúc vào cuối tháng 9/2017. Tuy nhiên, điều đó sẽ phụ thuộc nhiều vào sản lượng ở châu Âu, Thái Lan và Ấn Độ, và thời tiết trên toàn cầu.
Giá đường và các kịch bản về cung-cầu trên thị trường thế giới cũng sẽ phụ thuộc vào nhu cầu của Ấn Độ, nước tiêu thụ nhiều đường nhất thế giới. Ngoài ra, sẽ còn phụ thuộc vào việc USD sẽ tăng hay giảm, vì nếu USD tăng sẽ thúc đẩy các nhà máy Brazil tăng sản xuất đường – đường tính theo USD được giá hơn so với tính theo nội tệ trong năm 2016.
Các chuyên gia ngành đường cho biết gia tăng sẽ khích lệ nông dân gia tăng trồng mía. Kể cả ở mức hiện tại, giá đường vẫn cao hơn 1/3 so với đầu năm 2015. Số liệu từ Unica của Brazil cho thấy sản lượng mía ở khu vực trung – nam tăng 3,7%, nhưng sản lượng đường tăng tới 17%, cho thấy hầu hết mía được dùng sản xuất đường chứ không sản xuất ethanol. Tỷ lệ mía dùng sản xuất đường tới thời điểm này đã lên tới 46,8%, so với 41,7% cùng thời điểm này năm ngoái.
Tuy nhiên, những nước sản xuất lớn chỉ có thể gia tăng diện tích nguyên liệu đường trong niên vụ tới (2017/18). Sản lượng của Thái Lan - nước xuất khẩu đường lớn thứ 2 thế giới - dự báo sẽ giảm 5% trong niên vụ này, theo Bộ Nông nghiệp Mỹ. Hội đồng mía đường và Tổng Công ty TNHH các nhà máy đường Thái Lan đều dự báo sản lượng mía và đường trong vụ 2016/17 giảm khoảng 3%. Nguyên nhân do khô hạn tồi tệ nhất trong vòng hơn 2 thập kỷ trong 6 tháng đầu năm 2016. Hiệp hội sản xuất đường Thái Lan (TSMC) ước tính sản lượng mía đường niên vụ 2016/17 đạt 91,1 triệu tấn, giảm 3 triệu tấn so với niên vụ 2015/16. Dự báo giảm sản lượng đường của TSMC đồng quan điểm với nhận định của Hội đồng mía đường Thái Lan.
Tại Ấn Độ, một nước sản xuất mía và đường lớn khác, Hiệp hội các nhà máy đường (ISMA) cho biết sản lượng đường tới thời điểm 30/11/2016 đã tăng 17%, và các nhà máy vào vụ ép mía sớm hơn mọi năm. Do thời tiết xấu, sản lượng đường Ấn Độ niên vụ 2016/17 dự báo giảm so với vụ trước. Mặc dù giá gần đây giảm, song các nhà máy đường, nhất là ở bang Uttar Uttar Pradesh, sẽ được hưởng lợi từ việc giá đường tăng. Mặc dù nhập khẩu đường vào Ấn Độ chịu thuế tới 40% do chính sách bảo hộ ngành sản xuất trong nước, xu hướng giá đường thế giới giảm có thể vẫn ảnh hưởng tới ngành đường nước này.