MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Thị trường hàng hóa ngày 02/6: Dầu, vàng, đường “đuối sức” trước đồng USD mạnh

02-06-2018 - 08:39 AM | Thị trường

Giá dầu nối dài chuỗi giảm khi tuần này mất thêm 3%, sau khi đã giảm 5% ở tuần trước. Trong nhóm kim loại cơ bản, giá nickel tăng mạnh và chạm đỉnh 6 tuần.

Dầu tiếp tục mất giá do đồng USD mạnh

Giá dầu thoái lui sau khi đồng USD mạnh lên bởi số liệu việc làm của Mỹ tốt hơn dự kiến, gây áp lực cho hàng hóa tính bằng đồng bạc xanh này.

Dầu thô Tây Texas WTI kỳ hạn chốt phiên giảm 1,23 USD/thùng xuống 65,81 USD/thùng. Trong tuần dầu WTI giảm khoảng 3%, cộng thêm vào mức sụt giảm gần 5% của tuần trước.

Dầu Brent giảm 77 US cent xuống 76,79 USD/thùng, giá tăng 0,4% trong tuần này.

Giá dầu WTI nới rộng khoảng cánh so với dầu Brent, chốt phiên ở mức 11,02 USD/thùng. Trong phiên có lúc mức chênh lên đến 11,57 USD/thùng, lớn nhất kể từ năm 2015.

Tăng trưởng việc làm tại Mỹ trong tháng 5 mạnh lên và tỷ lệ thất nghiệp giảm xuống 3,8%, con số thấp nhất trong 18 năm. Báo cáo của Bộ Lao động Mỹ cũng cho thấy mức tăng lương mạnh, làm tăng triển vọng Cục dự trữ Liên bang sẽ tăng lãi suất trong tháng 6 và cuối năm nay.

Những lo ngại về sản lượng dầu thô của Mỹ ngày càng tăng và công suất đường ống dẫn dầu không đủ đáp ứng đã gây sức ép lên giá dầu WTI làm tăng gấp đôi mức chiết khấu so với dầu Brent trong một tháng.

Trên cơ sở số liệu hàng tuần, sản lượng của Mỹ đã tăng lên 10,8 triệu thùng/ngày trong tuần trước, gần bằng sản lượng của Nga.

Theo công ty dịch vụ năng lượng Baker Hughes, các nhà khoan dầu Mỹ đã bổ sung 2 giàn khoan trong tuần này đưa tổng số giàn khoan lên tới 861 giàn, lớn nhất kể từ tháng 3/2015. Đã có 8 lần mở rộng số lượng giàn khoan trong 9 tuần qua.

Vàng giảm do số liệu việc làm của Mỹ lạc quan

Giá vàng giảm sau khi số liệu việc làm của Mỹ mạnh hơn dự báo làm thúc đẩy dự đoán rằng Cục dự trữ Liên bang sẽ tăng lãi suất trong tháng này, khiến đồng USD lên giá.

Vàng rất nhạy cảm với việc tăng lãi suất do làm tăng chi phí giữ vàng, đồng thời làm tăng giá đồng USD.

Vàng giao ngay giảm 0,2% xuống 1.295,19 USD/ounce. Vàng kỳ hạn tháng 8 của Mỹ giảm 5,4 USD hay 0,4% xuống 1.299,3 USD/ounce. Vàng giao ngay kết thúc tuần giảm 0,5%.

Đồng USD tăng so với đồng euro và lợi suất kho bạc đạt mức cao trong phiên sau khi báo cáo việc làm cho thấy nền kinh tế Mỹ đã bổ sung 223.000 việc làm trong tháng trước, cao hơn nhiều so với dự báo tăng 188.000 việc làm.

Tuy nhiên, các nhà đầu tư vẫn lo ngại về quan hệ thương mại giữa Mỹ và các đối tác ngày càng xấu đi trong ngày 31/5 sau khi Mỹ áp thuế với nhôm và thép nhập khẩu từ Canada, Mexico và EU, kết thúc hai tháng miễn trừ.

Tình trạng thương mại toàn cầu xấu đi có thể có lợi cho vàng nếu làm giảm nhu cầu đối với các tài sản rủi ro cao, nhưng vẫn không bù đắp được cho tác động tiêu cực từ dự đoán lãi suất tăng và ảnh hưởng của nó tới đồng USD.

Lượng vàng SPDR Gold Shares, quỹ giao dịch vàng lớn nhất thế giới giảm 0,52% xuống 847,03 tấn trong ngày 31/5.

Nickel đạt đỉnh 6 tuần

Giá nickel đạt đỉnh cao 6 tuần do các nhà đầu tư khôi phục việc mua vào khi giá tăng thúc đẩy bởi việc cắt giảm sản xuất tại Trung Quốc, dự trữ giảm và giá thép tăng.

Giá nickel trên sàn giao dịch kim loại London (LME) tăng 14% trong tháng qua, chốt phiên tăng 1,5% lên 15.445 USD/tấn sau khi chạm 15.690 USD/tấn, cao nhất kể từ 19/4.

Việc chốt lời đã đẩy giá nickel LME rơi vào vùng tiêu cực trong buổi sáng phiên giao dịch châu Âu trước khi phục hồi trở lại.

Nickel loại cao cấp giao dịch trên sàn LME đắt hơn khoảng 1.000 USD/tấn so với gang nickel, một nguyên liệu cho các nhà máy thép không gỉ. Điều này sẽ thúc đẩy các nhà máy này chuyển sang nguyên liệu rẻ hơn. Phần lớn nickel được sử dụng để sản xuất thép không gỉ.

Tuy nhiên, trong thời gian gần đây nickel được thúc đẩy khi một quan chức tại công ty Shandong Xinhai Technology khẳng định công ty này đã được yêu cầu giảm sản lượng gang nickel.

Hợp đồng nickel trên sàn giao dịch kỳ hạn Thượng Hải tăng khoảng 5,5% lên 129.000 NDT (18.702 USD/tấn), mức cao nhất trong 3 năm. Trong tuần qua hợp đồng này tăng 6,2%, mạnh nhất kể từ tuần kết thúc vào ngày 26/1.

Giá nickel cũng được thúc đẩy do giá thép cây Thượng Hải tăng lên mức cao nhất trong gần 3 tháng trong ngày 1/6.

Các thông tin khác trên thị trường, Canada và Mexico và Liên minh châu Âu đã trả đũa chống lại quyết định của Mỹ áp thuế với thép và nhôm nhập khẩu với khoản thuế đối với hàng tỷ USD hàng hóa của Mỹ.

Cao su giảm do nguồn cung tăng, nhu cầu giảm

Giá cao su kỳ hạn tại Tokyo giảm, theo xu hướng tại Thượng Hải trong bối cảnh nguồn cung tăng và nhu cầu giảm trước cuộc họp được tổ chức tại trung tâm sản xuất lốp lớn.

Giá cao su trên sàn giao dịch hàng hóa Tokyo (TOCOM), tham chiếu cho giá cao su trong khu vực Đông Nam Á, cũng bị áp lực giảm bởi căng thẳng thương mại mới trong tuần này giữa Mỹ và Trung Quốc.

Hợp đồng cao su kỳ hạn tháng 11 trên sàn TOCOM đóng cửa giảm 1,5 JPY xuống 189,4 JPY/kg. Trong tuần qua, giá cao su kỳ hạn tại đây đã giảm 1,8%.

Hợp đồng cao su giao tháng 9 trên sàn giao dịch kỳ hạn Thượng Hải giảm 25 NDT (3,9 USD) xuống 11.680 NDT/tấn.

Đầu tuần này Washington cho biết họ vẫn đe dọa áp thuế trị giá 50 tỷ USD với hàng hóa nhập khẩu từ Trung Quốc. Đáp lại, Bắc Kinh đã cảnh báo sẵn sàng đáp trả nếu Washington châm ngòi một cuộc chiến thương mại, vài ngày trước kế hoạch viếng thăm của Bộ trưởng Thương mại Mỹ Wilbur Ross.

Hợp đồng cao su giao tháng 6 tại sàn giao dịch SICOM, Singapore giảm 0,1 US cent xuống 141,7 US cent/kg.

Một số nhà máy sản xuất lốp cao su sẵn sàng cắt giảm hoạt động trước hội nghị SCO, diễn ra từ 9 – 10/6 tại Qingdao.

Giá dầu cọ tăng

Dầu cọ kỳ hạn của Malaysia tăng theo xu hướng của dầu đậu nành và do dự đoán sản lượng dầu cọ tại nước này tăng, mặc dù xuất khẩu trong tháng 5 sụt giảm đã hạn chế giá tăng.

Hợp đồng dầu cọ kỳ hạn tháng 8 tại sàn giao dịch phái sinh Bursa Malaysia đóng cửa tăng 0,41% lên 2.439 ringgit (613,28 USD)/tấn.

Theo công ty điều tra độc lập AmSpec Agri Malaysia xuất khẩu dầu cọ của Malaysia trong tháng 5 giảm 8,8% so với tháng trước, xuống khoảng 1,2 triệu tấn. Trong khi đó, công ty khảo sát hàng hóa Societe Generale de Surveillance (SGS) cho biết xuất khẩu dầu cọ của nước này trong tháng 5 giảm 9,9% so với tháng 4.

Tại Indonesia, nước xuất khẩu dầu cọ hàng đầu thế giới, theo hiệp hội Dầu cọ Indonesia xuất khẩu dầu cọ và cọ giảm 13,6% trong tháng 4. Dầu cọ bị ảnh hưởng bởi diễn biến trong thị trường dầu ăn do cạnh tranh thị phần tại thị trường dầu thực vật trên thế giới.

Đường giảm giá

Đường thô kỳ hạn giảm từ mức cao nhất trong nhiều tháng do các hoạt động tại Brazil dần trở lại bình thường sau khi gián đoạn bởi các cuộc biểu tình của lái xe tải.

Đường thô kỳ hạn tháng 7 giảm 0,27 US cent hay 2,1% xuống 12,52 US cent/lb, sau khi tăng lên 12,97 US cent/lb, mức cao nhất đối với hợp đồng giao tháng tới kể từ ngày 9/3. Trong tuần này giá đường tăng 0,5%.

Việc bán ra diễn ra sớm sau hai tuần tăng giá đã khiến đường tăng lên mức mua quá nhiều, một phần do biểu tình tại Brazil.

Vụ thu hoạch tại Trung Nam Brazil hiện nay trở lại bình thường trong khi các nhà máy cũng bắt đầu khôi phục hoạt động.

Đồng nội tệ của Brazil suy yếu cũng đe dọa kích hoạt việc khôi phục bán ra của nhà sản xuất.

Đường trắng kỳ hạn tháng 8 chốt phiên giảm 1,6 USD hay 0,5% xuống 353 USD/tấn sau khi đạt mức cao nhất hai tháng tại 360 USD/tấn.

Giá một số mặt hàng chủ chốt sáng ngày 2/6

Thị trường hàng hóa ngày 02/6: Dầu, vàng, đường “đuối sức” trước đồng USD mạnh - Ảnh 1.

Minh Quân

Trí Thức Trẻ

CÙNG CHUYÊN MỤC

XEM
Trở lên trên