MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Thị trường hàng hóa ngày 03/4: Giá vàng, thép, quặng sắt, đường cùng tăng trong khi dầu thô và cao su giảm mạnh

03-04-2018 - 08:20 AM | Thị trường

Giá dầu giảm hơn 2% do áp lực sản lượng tăng từ Nga và dự đoán Saudi Arabia sẽ giảm giá dầu thô bán sang châu Á cũng như những tranh chấp thương mại ngày càng sâu sắc giữa Trung Quốc và Mỹ.

Dầu giảm 2% khi sản lượng của Nga tăng

Giá dầu giảm hơn 2% do áp lực sản lượng tăng từ Nga và dự đoán Saudi Arabia sẽ giảm giá dầu thô bán sang châu Á cũng như những tranh chấp thương mại ngày càng sâu sắc giữa Trung Quốc và Mỹ.

Dầu thô Brent giảm 1,7 USD (hay 2,5%) xuống 67,64 USD/thùng, mức thấp nhất kể từ 21/3. Dầu thô Tây Texas mất 1,93 USD (3%) chốt phiên tại 63,01 USD/thùng, thấp nhất kể từ ngày 20/3.

Các nguồn tin thương mại cho thấy Saudi Arabia dự kiến giảm giá tất cả các loại dầu bán sang châu Á trong tháng 5, phản ánh giá dầu thô chuẩn Dubai thấp hơn.

Bất chấp thỏa thuận giảm sản lượng của OPEC, sản lượng của Nga đã tăng trong tháng 3 lên 10,97 triệu thùng/ngày từ 10,95 triệu thùng/ngày trong tháng 2.

Đồng thời tranh chấp giữa các nền kinh tế lớn nhất thế giới leo thang, Trung Quốc đã tăng thuế tới 25% với 128 mặt hàng của Mỹ.

Dầu Brent đã đạt mức cao nhất năm 2018 tại 71,28 USD/thùng trong tháng 1, nhưng kể từ đó khó vượt qua ngưỡng này. Hai đợt tăng giá cuối tuần trước chỉ đủ vượt mức 71 USD/thùng, mô hình đỉnh kép cho thấy xu hướng tiếp theo là giảm giá.

Một yếu tố giảm giá khác là sự phát hiện của Bahrain về mỏ dầu lớn nhất của họ trong nhiều thập kỷ.

Sản lượng của Mỹ ngày càng tăng cũng hạn chế giá. Số liệu chính thức phát hành ngày 30/3 cho thấy sản lượng của nước này trong tháng 1 tăng 6.000 thùng/ngày lên 9,964 triệu thùng/ngày.

Tuy nhiên căng thẳng Mỹ-Iran lại là yếu tố hỗ trợ dầu thô. Tổng thống Mỹ Donal Trump đe dọa rút khỏi thỏa thuận hạt nhân quốc tế năm 2015. Ông đưa thời hạn chót ngày 12/5 cho các nước châu Âu để giải quyết thỏa thuận này.

Vàng tăng hơn 1%

Giá vàng tăng hơn 1% do đồng USD yếu và Trung Quốc nâng thuế đối với hàng hóa của Mỹ khiến căng thẳng thương mại toàn cầu leo thang.

Trong bối cảnh nhiều trung tâm tài chính châu Âu nghỉ lễ Phục Sinh, giá vàng giao ngay đã tăng 1,4% lên 1.342,46 USD/ounce. Vàng kỳ hạn của Mỹ giao tháng 6 tăng 19,6 USD/thùng (1,5%) lên 1.346,90 USD/thùng.

Jeff Kleaman, nhà quản lý danh mục đầu tư tại GraniteShares cho biết "căng thẳng địa chính trị gia tăng, nổi bật là Trung Quốc và sự trả đũa của họ và điều này có thể đang hỗ trợ vàng trong ngày hôm nay". Một đồng USD yếu thường hậu thuẫn giá vàng. Chỉ số đồng USD giảm so với rổ 6 đồng tiền tệ chủ chốt khác.

Giá vàng đã giảm 1,7% trong tuần trước, mạnh nhất kể từ đầu tháng 12. Tuy nhiên giá đã tăng 1,7% trong quý 1, quý thứ 3 tăng liên tiếp.

Đối với các kim loại quý khác, bạc giao ngay tăng 2,1% lên 16,66 USD/ounce. Bạch kim tăng 0,6% lên 933,6 USD/ounce sau khi giảm xuống mức thấp nhất trong phiên trước kể từ 29/12. Palađi ngược lại mất 1,8% xuống 932,1 USD/ounce.

Thép tiếp tục tăng do dự đoán nhu cầu phục hồi

Hợp đồng thép kỳ hạn ở Trung Quốc tăng ngày thứ năm, hỗ trợ bởi dự đoán nhu cầu tại nước tiêu thụ nguyên vật liệu xây dựng hàng đầu thế giới này sẽ phục hồi cùng với các hoạt động xây dựng.

Hợp đồng thép thanh trên sàn giao dịch kỳ hạn Thượng Hải đóng cửa tăng 0,6% lên 3.344 NDT (533 USD)/tấn, trong phiên có lúc đã chạm 3.480 NDT/tấn, mức cao nhất trong gần hai tuần.

Việc hạn chế sản lượng thép tại một số thành phố Trung Quốc cũng đang hỗ trợ giá, mặc dù mức hạn chế thấp hơn so với mùa đông khi các thành phố miền bắc Trung Quốc buộc phải giảm đến một nửa sản lượng.

Thành phố Handan ở phía bắc tỉnh Hà Bắc, Trung Quốc đã yêu cầu các nhà máy thép cắt giảm sản lượng khoảng 25% như một phần của các biện pháp hạn chế ô nhiễm mới bắt đầu từ ngày 1/4 tới 15/11.

Quặng sắt tăng

Giá quặng sắt trên sàn giao dịch hàng hóa Đại Liên tăng 1,9% lên 446,50 NDT/tấn, trước đó giá đã tăng 5,7% lên 463 NDT/tấn.

Theo số liệu của công ty tư vấn SteelHome, dự trữ quặng sắt tại các cảng Trung Quốc đạt mức cao kỷ lục 161,68 triệu tấn trong ngày 30/3, tăng 9% trong năm nay.

Trong khi giá quặng sắt thường theo xu hướng trong thị trường thép, các thương nhân cho biết dự trữ lớn của nguyên liệu thô này tại các cảng Trung Quốc vẫn là một yếu tố tâm lý chủ yếu kìm hãm, giữ xu thế giá giảm.

Cao su kết thúc chuỗi tăng 5 ngày do chốt lời

Giá cao su tại Tokyo giảm sau 5 ngày tăng liên tiếp do các nhà đầu tư chốt lời.

Hợp đồng kỳ hạn giao tháng 9 tại Tokyo đóng cửa giảm 2,4 JPY (1,3%) xuống 181,6 JPY (1,7 USD/kg). Trong tuần trước giá đã tăng 5,4%, đánh dấu một tuần tăng mạnh nhất kể từ tháng 7/2017.

Giá cao su trên sàn giao dịch Thượng Hải kỳ hạn tháng 9 tăng 40 NDT lên 11.575 NDT (1.844 USD)/tấn.

Đường

Thị trường London vẫn đóng cửa nghỉ lễ Phục Sinh.

Giá đường thô kỳ hạn tháng 5 tại New York chốt phiên tăng 0,17 US cent (1,4%) lên 12,52 cent/lb. Các hợp đồng giao ngay đã giảm 18,5% trong quý 1, quý có diễn biến tồi tệ nhất trong 8 năm khi dự đoán lượng dư thừa lớn trên toàn cầu.

Dư thừa đường tại Ấn Độ có thể tăng lên 5,3 triệu tấn do sản lượng niên vụ 2017/18 đạt mức kỷ lục 30,3 triệu tấn.

Sự dư thừa sẽ tăng do sản lượng từ bang Maharashtra, bang sản xuất lớn thứ hai của Ấn Độ dự kiến tăng lên 10,6 triệu tấn từ 4,2 triệu tấn trong năm ngoái. Uttar Pradesh, khu vực sản xuất đường lớn nhất của Ấn Độ dự báo sản lượng cũng tăng lên 10,8 triệu tấn so với 8,8 triệu tấn năm trước.

Lượng đường dư thừa nhiều hơn dự kiến có kể gây sức ép cho giá trong nước ngay cả khi đã giảm xuống mức thấp nhất kể từ tháng 12/2015.

Tuần trước, Ấn Độ đã yêu cầu các nhà máy phải xuất khẩu 2 triệu tấn đường để giảm tồn kho và hỗ trợ giá trong nước. Giá đường tại Ấn Độ đã giảm 16% trong 6 tháng qua. Ngoài ra việc dư cung trong bối cảnh sản lượng ngày càng tăng do các nhà máy tích cực bán đường để thanh toán cho nông dân trồng mía.

Giá một số mặt hàng chủ chốt lúc 7h 30 sáng

Thị trường hàng hóa ngày 03/4: Giá vàng, thép, quặng sắt, đường tăng trong khi đó dầu và cao su giảm mạnh - Ảnh 1.

Minh Quân

Trí Thức Trẻ

Trở lên trên