MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Thị trường hàng hóa ngày 14/7: Giá thép cao nhất 10 tháng, vàng bạc thấp nhất 7 tháng

14-07-2018 - 09:43 AM | Thị trường

Giá dầu thô, thép, cao su và lúa mì tăng tại phiên vừa qua, trong khi đó khí gas, kim loại, dầu và hạt có dầu giảm mạnh.

Dầu tăng trong ngày, giảm trong tuần

Giá dầu tăng tiếp trong phiên cuối tuần do đình công ở Nauy và Iraq làm ảnh hưởng tới nguồn cung, song tính chung cả tuần vẫn giảm tuần thứ 2 liên tiếp. Dầu Brent tăng 88 US cent (1,18%) lên 75,33 USD/thùng, tính chung cả tuần giảm 2,7%; dầu Tây Texas tăng 68 US cent lên 71,01 USD/thùng, tính chung cả tuần mất 3,9%.

Hàng trăm công nhân ở các giàn khoan dầu khí ngoài khơi của Nauy đã đình công hôm 11/7/2018 sau khi đề xuất về tiền lương bị từ chối. Mỏ dầu RDSa.L Knarr của Shell, có sản lượng 23.900 thùng/ngày, đã bị ngừng hoạt động. Trong khi đó, tại Iraq cũng có khoảng 100 người biểu tình để yêu sách có việc làm và các dịch vụ tốt hơn, điều này khiến cảng hàng hóa Umm Qasr gần thành phố Basra bị đóng cửa vào ngày 13/6. Giá tăng mạnh tập trung vào cuối phiên sau khi Bloomberg đưa tin chính quyền của ông Trump đang tích cực khai thác kho Dự trữ dầu chiến lược – kỳ vọng sẽ giúp bổ sung nguồn cung ra thị trường. Dự trữ của Mỹ ước khoảng 660 triệu thùng, đủ cung cấp trong vòng 3-4 tháng.

Tuy nhiên, bức tranh toàn cảnh thị trường dầu trong tuần qua là giảm giá sau khi Libya mở cửa trở lại 4 cảng dầu lớn ở bờ Đông, và khả năng Iran có thể vẫn xuất khẩu một số dầu thô sau khi Ngoại trưởng Mỹ Mike Pompeo cho biết Washington sẽ cân nhắc việc miễn trừ một số nước khỏi danh sách cấm nhập khẩu dầu của Iran. Lo ngại tranh chấp thương mại Mỹ-Trung Quốc có thể ảnh hưởng đến tăng trưởng kinh tế toàn cầu cũng cản trở các nhà đầu tư mua vào.

Về nguồn cung, Bộ trưởng Năng lượng Nga Alexander Novak khẳng định Nga và các nước sản xuất dầu mỏ lớn khác có thể tiếp tục đẩy mạnh sản lượng dầu nếu nguồn cung bị thiếu hụt. OPEC và các nhà sản xuất chính khác, trong đó Nga, vào tháng 6 đã quyết định nới lỏng thỏa thuật cắt giảm nguồn cung để thị trường bớt căng thẳng vì thiếu cung.

Thị trường hàng hóa ngày 14/7: Giá thép cao nhất 10 tháng, vàng bạc thấp nhất 7 tháng - Ảnh 1.

Nhập khẩu dầu thô vào Trung Quốc tháng 6 giảm tháng thứ 2 liên tiếp, xuống mức thấp nhất kể từ tháng 12/2017, do lợi nhuận giảm sút và giá dầu biến động khiến một số nhà lọc dầu độc lập giảm quy mô mua vào. Số giếng khoan của Mỹ tuần này vẫn vững ở 863.

Về triển vọng thị trường, nhà phân tích Wang Tao dự báo giá dầu WTI có thể sắp chạm mức thấp mới 69,19 USD/thùng, còn Brent xuống 72,56 USD.

Khí gas giảm tiếp

Giá khí tự nhiên hóa lỏng (LNG) tiếp tục giảm và dự báo sẽ còn giảm thêm nữa cho tới tháng 9 do nhu cầu của Trung Quốc và Ấn Độ yếu trong khi nguồn cung dồi dào. LNG giao tháng 8 trên thị trường châu Á hiện ở mức 10 USD/mmBtu, giảm 10 US cent so với cách đây một tuần.

Về nhu cầu, mặc dù nhiệt độ ở Nhật Bản cao hơn so với mức trung bình song nhu cầu LNG không tăng lên, trong khi tại Trung Quốc, khách hàng vẫn đang chờ đợi giá giảm thêm nữa mới mua vào. Nhập khẩu LNG vào Trung Quốc cũng giảm sút. Tại Ấn Độ, giá thấp thu hút sự chú ý của khách hàng, nhưng nhu cầu cũng không cao, tuần này chỉ có Gali mua một chuyến tàu kỳ hạn giao cuối tháng 7.

Vàng bạc thấp nhất 7 tháng

Vàng và bạc giảm xuống mức thấp nhất 7 tháng do USD cao nhất 2 tuần và dự báo Mỹ sẽ tiếp tục tăng tỷ lệ lãi suất. Vàng giao ngay có lúc chạm 1.236,58 USD/ounce, thấp nhất kể từ 12/12/2017, trước khi hồi phục nhẹ lên 1.240,90 USD/ounce, giảm 0,5% so với đóng cửa phiên trước; vàng giao sau giảm 5,4 USD (0,4%) xuống 1.241,20 USD/ounce. Như vậy tính chung cả tuần giá giảm khoảng 1%, và so với giữa tháng 4/2018 đã mất khoảng 9%.

Bạc phiên vừa qua có lúc cũng xuống chỉ 15,67 USD/ounce (thấp nhất kể từ 13/12/2017) trước khi kết thúc ở 15,80 USD/ounce (giảm 0,6%); tính chung cả tuần mất 1,2%.

USD đã tăng mạnh lên mức cao nhất 2 tuần so với rổ các đồng tiền chủ chốt sau khi số liệu cho thấy thặng dư thương mại của Trung Quốc cao kỷ lục có thể khiến căng thẳng thương mại Mỹ - Trung leo thang thêm nữa, thúc đẩy các nhà đầu tư hướng vào những tài sản an toàn như đồng bạc xanh.

Cả bạch kim và palađi cùng giảm gần 2% trong tuần qua; kết thúc phiên cuối tuần bạch kim mất 1,9% so với phiên trước xuống 823,50 USD/ounce, trong khi palađi giảm 1,6% xuống 934,80 USD/ounce. "Căng thẳng thương mại toàn cầu cũng đe dọa làm sụt giảm tiêu thụ ô tô, ngành sử dụng nhiều bạch kim và palađi", các nhà phân tích của ANZ cho biết.

Thép cao kỷ lục 10 tháng

Giá thép Trung Quốc vừa trải qua tuần tăng giá mạnh nhất kể từ cuối tháng 3/2018 do tồn trữ giảm tuần thứ 3 liên tiếp.

Phiên vừa qua, giá thép cây trên sàn Thượng Hải tăng phiên thứ 5 liên tiếp, lúc đóng cửa tăng 0,6% lên 3.959 NDT/tấn, trong phiên có lúc đạt 3.995 NDT (599,09 USD/tấn), mức cao nhất kể từ 4/9/2017. Thép 0cuoonj cán nóng cũng tăng 0,8% lên 4.025 NDT/tấn, sau khi có lúc đạt 4.050 NDT, mức cao nhất kể từ năm 2014.

Tồn trữ các sản phẩm thép tại Trung Quốc tuần này giảm 128.200 tấn xuống 9,97 triệu tấn, trong đó thép cây giảm 2,1% xuống 4,51 tgrieeuj tấn, còn thép cuộn cán nóng giảm 0,3% xuống 2,08 triệu tấn. Tỷ lệ sử dụng công suất sản xuất của các nhà máy thép trên toàn Trung Quốc giảm 0,69 điểm phần trăm so với tuần trước, xuống 70,86% vì một số nhà máy đóng cửa bảo dưỡng.

Đồng giảm tuần thứ 5, nhôm xuống thấp nhất 3 tháng

Đồng vừa kết thúc 5 tuần liên tiếp giảm do xung đột thương mại Mỹ - Trung diễn biến xấu đi. Phiên cuối tuần, đồng giao sau 3 tháng trên sàn London tăng 0,2% lên 6.238 USD/tấn nhưng tính chugn cả tuần giảm 1%, và trong 5 tuần qua đã giảm tổng cộng 15%. Đồng càng chịu áp lực giảm giá sau khi Indonesia đạt được thỏa thuận với Freeport-McMoRan Inc và Rio Tinto để mua cổ phần đủ có phần kiểm soát mỏ đồng lớn thứ 2 thế giới - Grasberg.

Giá nhôm chạm mức thấp nhất 3 tháng trước khi diễn ra hội nghị thượng đỉnh giữa Tổng thống Mỹ Donald Trump và Tổng thống Nga Vladimir Putin tại Helsinki vào thứ Hai tuần tới (16/7/52018). Các nhà đầu tư đang dõi theo cuộc gặp gỡ này để xem Mỹ sẽ dỡ bỏ hay tiếp tục trừng phạt Rusal (nhà sản xuất nhôm lớn thứ 2 thé giới).

Kết thúc phiên cuối tuần, giá nhôm giảm 0,5% xuống 2.031 USD/tấn, trong phiên có lúc xuống thấp nhất 3 tuần (2.021,50 USD/tấn).

Cao su tiếp tục tăng

Giá cao su tại Tokyo tăng tiếp do yen giảm giá so với USD, nhưng đà tăng bị kìm hãm bởi lo ngại dư thừa nguồn cung và tồn trữ tăng tại các thị trường tiêu thụ chính như Trung Quốc.

Cao su giao tháng 12/2018 trên sàn Tokyo tăng 0,3 JPY lên 172,9 JPY (1,53 USD)/kg. Thị trường Nhật sẽ đóng cửa nghỉ 3 ngày tới vì thứ Hai là ngày lễ. Trên sàn Thượng Hải, cao su gia tháng 9 giảm 20 NDT xuống 10.325 NDT (1.545 USD)/tấn. Tồn trữ tại các kho của sàn Thượng Hải tăng 1,7% so với cách đây một tuần.

Đậu tương xuống mức thấp mới

Giá đậu tương tiếp tục giảm xuống mức thấp mới do gia tăng lo ngại về căng thẳng thương mại Mỹ - Trung sẽ ảnh hưởng tới xuất khẩu của Mỹ và khiến tồn trữ tăng lên. Đậu tương giao tháng 8/2018 trên sàn Chicago chốt phiên giảm 15 US cent xuống 8,18-3/4 USD/bushel, giảm 6,7% trong tuần vừa qua và là tuần thứ 6 giảm trong vòng 7 tuần vừa qua. Đậu tương vụ mới giao sau 4 tháng giảm 15 USD cent xuống 8,34-1/4 USD/ounce, thấp nhất của hợp đồng này kể từ 10/12/2008.

Nhập khẩu đậu tương vào Trung Quốc trong tháng 6 đã tăng mạnh 13,1% so với cùng kỳ năm trước bởi các nhà nhập khẩu tăng cường mua vào để né thuế. Cách đây 2 tuần Trung Quốc đã nâng thuế nhập khẩu đậu tương Mỹ để đáp trả động thái Mỹ bổ sung thuế đối với hàng hóa Trung Quốc. Bộ Nông nghiệp Mỹ vừa hạ dự báo về xuất khẩu đậu tương trong vụ 2018/19 giảm 250 triệu bushel và dự đoán tồn trữ cuối vụ sẽ cao kỷ lục.

Dầu thực vật giảm mạnh

Giá dầu cọ tiếp tục giảm xuống mức thấp nhất 3 năm trong bối cảnh thị trường dầu và hạt có dầu đồng loạt đang lao dốc. Dầu cọ giao tháng 9/2018 trên sàn Bursa (Malaysia) giảm 1,8% xuống 2.147 ringgit (530,12 USD)/tấn vào lúc kết thúc phiên, trước đó có lúc chỉ đạ 2.144 ringgit, thấp nhất kể từ 21/9/2015. Tính chung cả tuần giá giảm 5,3% do nhu cầu yếu và căng thẳng thương mại Mỹ - Trung.

Các loại dầu thực vật khác cũng theo xu hướng giảm. Dầu đậu tương tại Chicago giảm khoảng 0,24 đến 0,36 US cent/lb trong khi dầu lauric giảm 10 đến 25 USD/tấn.

Lúa mì tăng do lo ngại thiếu cung

Lúa mì giao tháng 9/2018 trên sàn Chicago vừa tăng 12-1/2 US cents lên 4,97 USD/bushel, là phiên thứ 2 liên tiếp tăng bởi lo ngại sản lượng sụt giảm ở EU và khu vực Biển Đen có thể khiến lượng dự trữ trên toàn cầu bị thắt chặt. Tuy nhiên tính chung cả tuần, giá vẫn giảm 3,5%.

Giá một số mặt hàng chủ chốt sáng ngày 14/7

Thị trường hàng hóa ngày 14/7: Giá thép cao nhất 10 tháng, vàng bạc thấp nhất 7 tháng - Ảnh 2.

Minh Quân

Trí Thức Trẻ

Trở lên trên