MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Thị trường hàng không Việt Nam: Chớm phục hồi lại đối mặt thách thức

Thị trường hàng không Việt Nam: Chớm phục hồi lại đối mặt thách thức

Sau nửa tháng khôi phục các chính sách nhập cảnh, thị trường hàng không Việt Nam tấp nập trở lại nhưng ngay lập tức phải đối mặt thách thức.

Tín hiệu vui

Cục Hàng không cho biết, sau 3 tháng khôi phục bay thường lệ quốc tế (tính từ 1/1/2022), tới nay có 23 hãng hàng không khai thác 67 đường bay kết nối Việt Nam với 20 quốc gia và vùng lãnh thổ.

Hiện còn 8 nước và vùng lãnh thổ chưa mở lại đường bay với Việt Nam như giai đoạn trước khi có dịch COVID-19, gồm: Brunei, Ấn Độ, Indonesia, Myanmar, Macao (Trung Quốc), Phần Lan, Ý, Thụy Sỹ. Dự kiến, từ tháng 4 tới, các hãng sẽ khôi phục thêm đường bay kết khách quốc tế tới Đà Nẵng, Nha Trang, Phú Quốc... bên cạnh điểm đến là Hà Nội và TPHCM.

 Thị trường hàng không Việt Nam: Chớm phục hồi lại đối mặt thách thức  - Ảnh 1.

Hàng không Việt vừa vui vì mở cửa thị trường đã đối mặt nhiều khó khăn


Tính chung 3 tháng đầu năm, khách quốc tế qua các sân bay của Việt Nam hơn 321 nghìn khách, tăng tới 176% so với cùng kỳ 2021. Trong đó, riêng các hãng hàng không Việt Nam chở hơn 141 nghìn lượt khách quốc tế, tăng tới 441% so với cùng kỳ năm trước (chiếm 44% thị phần khách quốc tế).

Với thị trường nội địa, hiện các hãng hàng không Việt Nam khai thác từ 55-60 đường bay nội địa. Tổng lượng khách nội địa qua các sân bay trong 3 tháng qua đạt hơn 13 triệu lượt, giảm 13% so với cùng kỳ năm trước.

Đường bay giữa Việt Nam và châu Âu phải bay vòng khiến thời gian bay kéo dài thêm 1-2 tiếng/chuyến bay so với bay qua không phận Nga, chi phí tăng thêm tương ứng từ 10 – 21 nghìn USD/chuyến. Hiện Vietnam Airlines khai thác 6 chuyến bay/tuần giữa Việt Nam và châu Âu, chi phí phát sinh thêm khoảng 70 – 130 nghìn USD/tuần, Bamboo Airways khai thác 3 chuyến/tuần giữa Việt Nam và châu Âu, chi phí phát sinh từ 35 – 65 nghìn USD/tuần. Tương tự, với đường bay Việt Nam – Mỹ, Vietnam Airlines đang khai thác 4 chuyến bay/tuần, thời gian bay phải kéo dài thêm 20-30 phút/chuyến khiến chi phí tăng thêm 20 – 40 nghìn USD/tuần.

Cục Hàng không đánh giá, Nghị quyết 32 của Chính phủ về khôi phục các chính sách nhập cảnh với khách quốc tế như giai đoạn chưa có dịch COVID-19, đã tạo thuận lợi cho hàng không phục hồi.

Lo xăng dầu và chiến sự

Dù nhiều tín hiệu tích cực, nhưng hàng không Việt Nam đang đối mặt muôn vàn khó khăn khi giá xăng dầu tăng cao cùng với chiến sự Nga - Ukarine.

Do ảnh hưởng chiến sự Nga - Ukarine, từ ngày 25/3, Vietnam Airlines phải tạm dừng khai thác đường bay thường lệ Hà Nội - Mátxcơva, các Cty du lịch cũng tạm dừng đưa khách Nga sang Việt Nam trên các chuyến bay thuê chuyến.

Chiến sự Nga - Ukraine còn kéo theo việc đóng không phận 2 nước này, khiến các đường bay giữa Việt Nam đi/đến châu Âu, Bắc Mỹ phải điều chỉnh bay vòng, làm tăng chi phí các hãng khi bay xa hơn; phát sinh các vấn đề bảo hiểm, thanh toán, bảo dưỡng và sửa chữa máy bay...

Với thị trường khách quốc tế thuộc nhóm đầu tới Việt Nam những năm qua là Hàn Quốc lại có những quy định hạn chế khai thác với các hãng hàng không Việt Nam.

Trong khi các hãng của Hàn Quốc được khai thác 20 chuyến bay/tuần chở khách từ Việt Nam nhập cảnh nước bạn, thì các hãng Việt Nam chỉ được phân bổ mỗi hãng 1-2 chuyến/tuần được chở khách tới. Các hãng còn có thể bị kiểm soát chặt chẽ hơn nếu trên 1 chuyến bay có từ 3 khách trở lên mắc COVID-19.

Bên cạnh đó, giá xăng dầu tăng cao cũng khiến chi phí nhiên liệu của các hãng hàng không biến động mạnh. Lãnh đạo Vietnam Airlines cho hay, hiện giá xăng máy bay (Jet A1) đã tăng bình quân lên mức hơn 100 USD/thùng, trong khi năm trước chỉ có giá bình quân gần 73 USD/thùng.

Lãnh đạo Vietnam Airlines tính toán, giá nhiên liệu bay nửa đầu tháng 3 duy trì mức giá bình quân 130 USD/thùng. Nếu mức giá này duy trì cả năm nay, chi phí của hãng sẽ tăng thêm 5.700 tỷ đồng. Trường hợp giá nhiên liệu bay lên mức 160 USD/thùng, chi phí của hãng sẽ tăng thêm 9.120 tỷ đồng. “Điều này làm trầm trọng hơn mức lỗ dự kiến của hãng trong năm nay”, lãnh đạo Vietnam Airlines nhận định.

Được biết, các hãng hàng không vừa đồng loạt kiến nghị Bộ Tài chính, Bộ GTVT giảm thuế bảo vệ môi trường, thuế nhập khẩu với nhiên liệu bay về 0%, hoặc giảm 70%; giảm thêm các loại phí, lệ phí sân bay, điều hành bay; triển khai các gói tín dụng ưu đãi với doanh nghiệp hàng không...

Đặc biệt, các hãng cùng đề xuất cơ quan quản lý cho phép được phụ thu phí nhiên liệu với hành khách để chủ động ứng phó khi giá nhiên liệu tăng cao; bỏ trần hoặc tăng trần giá vé máy bay nội địa...

Lãnh đạo Cục Hàng không cho hay, đang nghiên cứu các đề xuất của các hãng, trong đó nghiêng về lựa chọn cho phép các hãng phụ thu phí nhiên liệu .

Theo Lê Hữu Việt

Tiền phong

CÙNG CHUYÊN MỤC

XEM
Trở lên trên