MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Thị trường ICT suy giảm, Digiworld "nhảy" vào kinh doanh lĩnh vực chăm sóc sức khỏe

13-04-2017 - 09:10 AM | Doanh nghiệp

Công ty Cổ phần Thế giới số - Digiworld (HOSE: DGW) công bố sẽ đầu tư vào ngành hàng chăm sóc sức khỏe mà cụ thể là sản phẩm chức năng với mục tiêu đến năm 2019 sẽ "phủ sóng" 20.000 điểm bán sản phẩm trên toàn quốc.

Theo báo cáo tại cuộc họp báo, doanh thu 2016 của DGW đạt 3.800 tỷ đồng, kỳ vọng năm sau đạt 3.969 tỷ, tăng 4%. Lĩnh vực ICT vẫn chiếm doanh thu lớn nhất của công ty năm 2016, đạt 2.170 tỷ mảng laptop và tablet, 1.070 tỷ lĩnh vực điện thoại di động. DGW đặt mục tiêu doanh thu mảng phân phối điện thoại di động giảm 1% trong năm nay. Năm 2017, công ty đạt kỳ vọng doanh thu 55 tỷ đồng, giảm 18% so với năm ngoái (66,7 tỷ), một phần do phải đầu tư vốn vào lĩnh vực mới.

Về kết quả kinh doanh quý I/2017, ông Đoàn Hồng Việt, Chủ tịch HĐQT kiêm Tổng Giám đốc Công ty, cho biết con số đạt tương đương cùng kỳ năm trước. Theo đó, quý I/2016, công ty đạt doanh thu 811 tỷ đồng, lợi nhuận sau thuế 20,67 tỷ đồng, giảm lần lượt 13% và 34% so với cùng kỳ năm trước. DGW sẽ chia cổ tức năm 2016 là 7% bằng tiền mặt.

Được biết, nửa cuối năm 2016 Digiworld cũng đã tuyên bố điều chỉnh kế hoạch kinh doanh năm giảm hơn 50% so với trước, từ mức dự kiến 139,84 tỷ đồng xuống còn 65 tỷ đồng. Nguyên nhân chính của việc một công ty phân phối thiết bị ICT lớn như Digiworld giảm doanh thu là do chính sách kinh doanh của Microsoft thay đổi, lúc đó hãng giảm lượng bán điện thoại Nokia tại Việt Nam khiến doanh thu của Digiworld - vốn phụ thuộc khá lớn vào doanh thu điện thoại Nokia mà DGW phân phối - bị ảnh hưởng nhiều.

Bên cạnh đó, việc các nhà bán lẻ lớn như Thế Giới Di Động, FPT Shop chiếm thị phần lớn, tự nhập trực tiếp hàng hóa từ hãng chứ không qua các nhà phân phối như Digiworld khiến cho doanh thu không chỉ của DGW mà cả các nhà phân phối hàng công nghệ khác gặp khó, doanh thu giảm.

Nguyên nhân lợi nhuận giảm, theo lý giải của lãnh đạo công ty là vì chi phí đầu tư hệ thống và sản phẩm con người cho ngành hàng mới là ngành hàng chăm sóc sức khỏe mà cụ thể là sản phẩm chức năng., trong đó có chi phí đầu tư về kho bãi, nhân viên marketing, chi phí nghiên cứu thị trường. Tính đến thời điểm hiện tại, DGW đã đầu tư hơn 40 tỷ đồng cho các công việc trên nhằm chuẩn bị nhày vào một mảng kinh doanh mới, dự kiến trong cuối tháng 5 hoặc đầu tháng 6/2017 sẽ có sản phẩm đầu tiên bán trên thị trường.

Ông Việt chia sẻ thêm, DGW sẽ đầu tư vào ngành hàng chăm sóc sức khỏe nhờ tận dụng thế mạnh phát triển thị trường xây dựng thương hiệu (MES). Nhóm chăm sóc sức khỏe DGW sẽ tham gia gồm thực phẩm sức khỏe cho nam giới, cho trẻ em, sản phẩm chăm sóc sắc đẹp, sức khỏe cho tim,… Công ty vẫn thực hiện công việc phát triển thị trường cho thực phẩm chức năng tương tự ngành ICT, phân phối nó đến các kênh nhà thuốc và bán ra cho người tiêu dùng.

Giải thích vì sao DGW lại chọn ngành hàng này kinh doanh, ông Việt cho rằng tăng trưởng GDP của Việt Nam ổn định, dân số xếp thứ 4 Đông Nam Á và 14 trên thế giới. Tập khách hàng tiềm năng là những người có tầng lớp thu nhập trung bình, năm 2012 là 12 triệu người và dự kiến tăng lên 33 triệu vào năm 2020. Theo nghiên cứu, thị trường hiện có 3.600 doanh nghiệp bán thực phẩm chức năng nhưng không có khả năng tiếp cận thị trường phân phối, có sản phẩm tốt chất lượng cao nhưng khâu marketing lại kém, không đủ nguồn lực...

Các số thống kê DGW dẫn ra cho thấy tổng chi phí chăm sóc sức khỏe năm 2015 của người Việt đạt 13 tỷ USD và có thể tăng lên 24 tỷ USD năm 2020.

Vào năm 2000 có khoảng 60 loại thực phẩm chức năng kinh doanh trên thị trường Việt, con số tăng lên đến 6.800 sản phẩm vào năm 2015. Điều này cho thấy nhu cầu thị trường đang rất tăng cao. "Do đó DGW tin rằng thị trường đang phân mảnh rất nhiều và thiếu các công ty chuyên nghiệp trong việc tiếp thị và bán sản phẩm, do đó công ty sẽ dựa vào kinh nghiệm của mình để phát triển các sản phẩm chăm sóc sức khỏe", ông Việt nói thêm.

Theo dự tính của DGW, ngành hàng mới này dự kiến sẽ đóng góp 80 tỷ đồng vào doanh thu của DGW và được kỳ vọng sẽ có lãi năm 2018. Đồng thời, DGW đặt mục tiêu ngành hàng chăm sóc sức khỏe sẽ tăng trưởng 100% mỗi năm và đến 2020 thì đạt doanh thu 600 tỷ đồng.

Đặc biệt, theo tiết lộ của ông Việt, thông qua việc kinh doanh mới mẻ này, DGW sẽ thực hiện mạnh mẽ chiến lược M&A trong thời gian tới. Các doanh nghiệp sản xuất, phân phối, hậu cần... cùng lĩnh vực sẽ là những đối tượng mà DGW nhắm đến, dựa trên phương châm các bên cùng win-win.

Khi đặt vấn đề về việc có hay không kế hoạch tăng vốn trong thời gian tới, ông Việt khẳng định rằng việc này hoàn toàn phụ thuộc vào tốc độ tăng trưởng kinh doanh hàng năm của công ty, từ đó HĐQT sẽ trình kế hoạch tăng vốn, tuy nhiên thời điểm này chưa thích hợp. Hiện tại, room ngoại của DGW còn tương đối lớn, khi kinh doanh lĩnh vực phân phối thực phẩm chức năng vẫn không lo ngại bị ảnh hưởng bởi các nhà đầu tư nước ngoài.

Nguyên Minh

Trí Thức Trẻ

Trở lên trên