Thị trường laptop quy mô hơn 10.000 tỷ đồng sẽ tiếp tục đem lại cơ hội tăng trưởng cho Thế giới Di động, Digiworld
Tại Việt Nam, quy mô thị trường máy tính xách tay hiện ở mức khoảng 10.000 tỷ đồng. ASP được dự báo tăng nhờ chiến lược cao cấp hóa của các nhà sản xuất để thúc đẩy tăng trưởng doanh số bán hàng.
Nổi lên như "vị cứu tinh" cho các doanh nghiệp điện máy giữa đại dịch Covid-19, thị trường Laptop và máy tính xách tay kỳ vọng sẽ tiếp đà tăng trưởng trong thời gian tới. Khi mà, nhu cầu học tập, làm việc trực tuyến dự duy trì trong bối cảnh dịch bệnh còn diễn biến phức tạp, thậm chí sẽ được hoàn chỉnh hoá và thực hiện song song với kênh trực tiếp hậu Covid-19.
Dự báo, số lượng Laptop sản xuất trong năm nay tăng 6% lên 170 triệu chiếc, không chỉ nhu cầu giao tiếp và học tập từ xa tăng mạnh, dịch Covid-19 cũng làm nhu cầu tìm hiểu kiến thức dựa trên nền tảng của Google tăng cao hơn.
Xu hướng cao cấp hoá đang tiếp tục tạo đà tăng trưởng cho thị trường Laptop và máy tính xách tay
Tại Việt Nam, quy mô thị trường Laptop và máy tính xách tay hiện ở mức khoảng 10.000 tỷ đồng. ASP được dự báo tăng nhờ chiến lược cao cấp hóa của các nhà sản xuất để thúc đẩy tăng trưởng doanh số bán hàng.
Mặc khác, cơ cấu doanh số bán hàng cho thấy thị phần máy tính xách tay có giá trên 14 triệu đồng/chiếc tăng lên 46% năm 2017 lên 60% trong 5 tháng đầu năm 2020, cho thấy người tiêu dùng đang chuyển sang các loại máy tính xách tay có thương hiệu tốt, chất lượng cao hơn, chức năng mạnh mẽ cho mục đích công việc của họ và sẵn sàng trả giá cao hơn để có được các sản phẩm này.
Thị phần tiêu thụ của kênh doanh nghiệp cũng được dự báo sẽ tăng từ 29% vào năm 2019 lên 36% vào năm 2025 nhờ môi trường kinh doanh khả quan hơn của Việt Nam sau Covid-19 và chiến dịch số hóa đang diễn ra của Chính phủ trong cộng đồng DNVVN.
Laptop và máy tính xách tay theo đó sẽ tiếp tục là điểm sáng cho doanh nghiệp điện máy, giữa gọng kìm dịch bệnh và sự bão hoà của thị trường. Xu hướng hợp nhất ngày càng tăng được quan sát thấy trên thị trường phân phối máy tính xách tay của Việt Nam.
MWG, DGW... đang tích cực thâm nhập sâu hơn vào thị trường
Về phía doanh nghiệp, các nhà bán lẻ lớn nhất đã có những động thái tích cực để thâm nhập sâu hơn vào thị trường máy tính xách tay từ cuối năm 2019.
Đáng chú ý, Thế giới Di động (MWG) đã nhanh chóng đưa 500 cửa hàng máy tính xách tay vào năm 2019 lên 800 cửa hàng vào năm 2020, mục tiêu nâng lên 1.500 cửa hàng vào năm 2021.
Thực tế, ngành Laptop bắt đầu gây chú ý khi vẫn tăng trưởng 2 chữ số trong năm 2019, giữa bối cảnh toàn ngành di động bão hòa và chính thức bước vào giai đoạn thấp nhất. Nắm bắt cơ hội, MWG đã có những động thái quyết liệt với thị trường này. Từ tháng 9/2019 MWG bắt đầu triển khai 26 trung tâm laptop hướng tới phục vụ nhu cầu đa dạng của khách hàng từ học tập, làm việc văn phòng, đồ hoạ, giải trí – chơi game. MWG cũng nâng số lượng cửa hàng thế giới di động và điện máy xanh có khu vực kinh doanh laptop từ 350 lên gần 500 cửa hàng với danh mục sản phẩm trưng bày tăng từ khoảng 20 mẫu lên gấp đôi.
"Laptop là nhóm sản phẩm có quy mô lớn nhất, chiếm 60% doanh số ngành hàng IT có dung lượng thị trường hàng năm khoảng 1 tỷ USD, MWG sớm đưa ra tham vọng chiếm 50% thị phần vào năm 2020 so với 20% hiện nay", đại diện MWG nhấn mạnh. Hiện MWG đang chiếm khoảng 20% thị phần Laptop (tính đến năm 2019).
Sang năm 2020, dịch bệnh bùng phát đẩy nhu cầu nhóm sản phẩm này tăng cao, chỉ sau 3 tháng đầu năm MWG tuyên bố đã thực hiện được đến 40% kế hoạch của cả năm 2020. Luỹ kế 9 tháng, Laptop và máy tính xách tay mang về hơn 2.500 tỷ đồng cho MWG, tăng trưởng 44% so với 9 tháng 2019.
Không kém cạnh, Digiworld (DGW) cũng nỗ lực mở rộng thị phần, từ mức 20,7% năm 2014 lên 31,5% tính đến năm 2019. Quý 3/2020, doanh thu từ Laptops và máy tính xách tay tiếp tục tăng 13% lên mức 1.280 tỷ đồng.
Theo quan điểm Chứng khoán Bảo Việt (BVSC), DGW đang ở vị thế thuận lợi để hưởng lợi từ xu hướng gia tăng hợp nhất của thị trường phân phối máy tính xách tay Việt Nam nhờ các lợi thế cạnh tranh:
(1) Mở rộng với thị trường máy tính xách tay lớn hơn nhờ nỗ lực mở rộng sang các sản phẩm và thương hiệu cao cấp hơn (Apple và Huawei);
(2) Hiểu thị trường qua hơn 20 năm hoạt động, phân tích dữ liệu và mối quan hệ chặt chẽ với các nhà cung cấp cho phép DGW ký kết các hợp đồng phân phối độc quyền cho các mẫu laptop bán chạy (được biết đến là "Chiến lược bắt kịp xu hướng");
(3) Mạng lưới phân phối rộng khắp trên cả kênh bán lẻ và kênh khách hàng doanh nghiệp.
BVSC dự báo doanh thu laptop và tablet của DGW sẽ tăng trưởng ở tốc độ kép là 9,9%/năm giai đoạn 2020-24, đóng góp trung bình 26% vào tổng doanh thu trong giai đoạn dự báo.
Cuối cùng, FPT Retail (FRT) – đơn vị dẫn đầu thị phần Laptop và máy tính xách tay (theo GFK tính đến cuối năm 2019) – từ đầu năm 2020 doanh số mảng này cũng ghi nhận mức tăng trưởng 2 chữ số. Từ đầu năm, FPT Shop (trực thuộc FPT Retail – FRT) đã tiến hành khai trương 7 trung tâm Laptop tại các tỉnh thành cả nước, mở một vài trung tâm máy tính xách tay bên trong các cửa hàng FPT và tái khởi động chương trình "Back to School".
Dù vậy, những bù đắp trên cũng không đủ hỗ trợ sự sụt giảm từ ngành truyền thống. Cùng với việc đẩy mạnh đầu tư cho mảng dược, quý 3 năm nay FRT lỗ trước thuế 8,5 tỷ đồng, cùng kỳ lãi hơn 91 tỷ. Luỹ kế 9 tháng đầu năm, Công ty báo doanh thu 10.847 tỷ, LNTT gần 18 tỷ đồng, lần lượt giảm 15% và 94% so với 9 tháng đầu năm ngoái. So với kế hoạch 15.320 tỷ doanh thu và 220 tỷ LNTT, Công ty hiện đã thực hiện được 71% chỉ tiêu doanh thu và 8% chỉ tiêu lợi nhuận. LNST thuộc về cổ đông công ty mẹ đạt 19 tỷ đồng, giảm 92% so với mức 234,4 tỷ đồng của cùng kỳ.
Trí Thức Trẻ