MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Thị trường lên đỉnh, hàng trăm mã chứng khoán vẫn ngược dòng giảm trong 5 tháng đầu năm 2021

Thị trường lên đỉnh, hàng trăm mã chứng khoán vẫn ngược dòng giảm trong 5 tháng đầu năm 2021

Giảm sâu nhất là cổ phiếu YEG của CTCP Tập đoàn Yeah1 với mức giảm trên ngưỡng 55%.

Nối tiếp đà tăng trưởng năm 2020, TTCK Việt Nam tiếp tục bứt phá mạnh trong 5 tháng đầu năm 2021. Kết thúc phiên giao dịch 31/5, chỉ số VN-Index đạt 1.328,05 điểm, tăng 20,3% so với đầu năm và đây cũng là mức cao nhất trong lịch sử. Với mức tăng trưởng ấn tượng trong 5 tháng đầu năm, VN-Index đã nằm trong top 10 chỉ số chứng khoán tăng mạnh nhất Thế giới.

Dù thị trường chung đang diễn biến hết sức thuận lợi, tuy nhiên không phải cổ phiếu nào cũng mang lại lợi nhuận cho nhà đầu tư. Thống kê trên sàn HoSE trong 5 tháng đầu năm có tới hơn 120 mã ngược dòng giảm so với đầu năm.

Thị trường lên đỉnh, hàng trăm mã chứng khoán vẫn ngược dòng giảm trong 5 tháng đầu năm 2021 - Ảnh 1.

Top 20 cổ phiếu giảm giá trị mạnh nhất trong vòng 5 tháng 2021

Giảm sâu nhất là cổ phiếu YEG của CTCP Tập đoàn Yeah1 với mức giảm sâu trên ngưỡng 55%. Đặc biệt, trong nửa đầu tháng 4/2021, YEG đã có chuỗi giảm sàn 7 phiên liên tiếp rơi xuống đáy 20.500 đồng ngày 19/4. Điều này diễn ra sau khi YEG bị đưa vào diện kiểm soát kể từ ngày 12/4/202. Thị giá YEG chốt phiên 28/5 ở mức 20.800 đồng/cổ phiếu.

Thị trường lên đỉnh, hàng trăm mã chứng khoán vẫn ngược dòng giảm trong 5 tháng đầu năm 2021 - Ảnh 2.

Diễn biến cổ phiếu YEG từ đầu năm đến nay

Theo ngay sau là cổ phiếu TN1 của CTCP Thương mại Dịch vụ TNS Holdings với mức giảm hơn 43% trong vòng 5 tháng, chốt phiên 28/5 với giá 51.000 đồng/cổ phiếu.

Cùng đà giảm nhưng với tốc độ thấp hơn, cổ phiếu HBC của CTCP Tập đoàn Xây dựng Hoà Bình với giá 16.750 đồng/cổ phiếu đầu năm 2021 đã xuống còn 14.400 đồng (chốt phiên 28/5), tương đương mức giảm 14%.

Theo đó, Xây dựng Hoà Bình (HBC) không tránh khỏi áp lực từ việc giá nguyên vật liệu xây dựng tăng cao, doanh thu giảm hơn 7% so với cùng kỳ, lợi nhuận trước thuế chỉ đạt 12 tỷ đồng, giảm 37%.

Nhiều cổ phiếu vốn hóa lớn giảm điểm

Bên cạnh những cổ phiếu kể trên, hàng loạt tên tuổi với mức vốn hóa lớn trên thị trường cũng gây thất vọng khi xuất hiện trong danh sách.

Tiêu biểu có thể kể đến là cổ phiếu VNM của CTCP Sữa Việt Nam đã giảm tới hơn 16,6% từ đầu năm đến nay, chốt phiên 28/5 đạt mức 91.100 đồng. Nếu tính tại mức đỉnh gần đây nhất vào giữa tháng 1/2021, vốn hóa của VNM đã mất khoảng 55.000 tỷ đồng, tương đương hơn 2 tỷ đô la Mỹ.

Theo diễn biến, VNM cũng bị đẩy xuống vị trí thứ 6 trong top 10 cổ phiếu có giá trị vốn hóa lớn nhất thị trường, đồng thời thuộc top các cổ phiếu bị khối ngoại bán ròng nhiều nhất trên sàn HoSE. Kể từ đầu năm 2021, khối ngoại đã bán ròng VNM hơn 6.000 tỷ đồng, chiếm khoảng 25% tổng giá trị bán ròng của khối ngoại trên sàn HOSE.

Thị trường lên đỉnh, hàng trăm mã chứng khoán vẫn ngược dòng giảm trong 5 tháng đầu năm 2021 - Ảnh 3.

Diễn biến cổ phiếu VNM từ đầu năm đến nay

Cùng với VNM, cổ phiếu GAS của Tổng Công ty Khí Việt Nam-CTCP đã sụt giảm 7,6% giá trị so với đầu năm, chốt phiên 28/5 đạt 82.000 đồng/cổ phiếu. Riêng trong quý 1/2021, GAS ghi nhận lãi sau thuế hơn 2.057 tỷ đồng, giảm 12% so với cùng kỳ.

Thị trường lên đỉnh, hàng trăm mã chứng khoán vẫn ngược dòng giảm trong 5 tháng đầu năm 2021 - Ảnh 4.

Diễn biến cổ phiếu GAS từ đầu năm đến nay

Danh sách sụt giảm mạnh còn có sự góp mặt của cổ phiếu CTCP Nông nghiệp Quốc tế Hoàng Anh Gia Lai (HAGL Agrico, MCK: HNG). Chốt phiên 28/5 đã giảm về mức 10.600 đồng/cổ phiếu. Với mức giá đầu năm 2021 đạt 14.900 đồng, HNG đã sụt giảm gần 28%.

Về kết quả kinh doanh, luỹ kế cả năm 2020, HAGL Agrico ghi nhận doanh thu 2.374 tỷ doanh thu thuần, lãi sau thuế 21 tỷ, từ đó giúp HNG tránh được tình cảnh bị hủy niêm yết cổ phiếu bắt buộc khi đã liên tiếp thua lỗ trong giai đoạn 2018-2019. Dù vậy, tính đến thời điểm 31/12/2020, HAGL Agrico vẫn còn lỗ luỹ kế 2.307 tỷ đồng.

Với lĩnh vực bất động sản bán lẻ, cổ phiếu VRE của CTCP Vincom Retail đã ghi nhận thị giá phiên 28/5 đạt 30.550 đồng/cổ phiếu, giảm nhẹ 4% so với đầu năm.

Tiếp diễn đà giảm điểm, một cổ phiếu lớn trong ngành hàng không là VJC của CTCP Hàng không VietJet hiện có giá thị trường hiện tại quanh mức 112.000 đồng/cổ phiếu, tương đương mức giảm 13,8% so với 5 tháng trước đó.

Theo đó, sau khoảng thời gian tăng trưởng những tháng đầu năm, VJC đã quay đầu giảm sâu. Cuối tháng 4/2021, nội bộ lãnh đạo VJC đã liên tục đăng ký bán ra cổ phiếu. Đồng thời toàn bộ 17,7 triệu cổ phiếu quỹ cũng đã được công ty giao dịch bán thành công, tổng giá trị thu về ước đạt hơn 2.350 tỷ đồng.

Thị trường lên đỉnh, hàng trăm mã chứng khoán vẫn ngược dòng giảm trong 5 tháng đầu năm 2021 - Ảnh 5.

Diễn biến cổ phiếu VJC từ đầu năm đến nay

  

Các "ông lớn" tăng kém

Tuy không thuộc diện cổ phiếu sụt giảm giá trị, nhưng một vài cổ phiếu lớn đã ghi nhận mức tăng trưởng khá thấp so với đà tăng của VN-Index.

Cổ phiếu vốn hóa lớn nhất thị trường là VIC của Tập đoàn Vingroup đã tăng 8,6% so với đầu năm 2021, lực tăng yếu hơn nhiều mức tăng của thị trường. Cổ phiếu VIC kết thúc ngày cuối cùng tháng 5 trong sắc đỏ, đánh dấu phiên thứ 4 liên tiếp giảm điểm, thị giá VIC hiện tại đạt 117.500 đồng/cổ phiếu.

Bên cạnh đó, hai "ông lớn" ngân hàng là cổ phiếu VCB của NHTMCP Ngoại Thương Việt Nam và cổ phiếu BID của NHTMCP Đầu tư và Phát triển Việt Nam trong gần nửa năm 2021 cũng "dắt tay nhau" chỉ tăng lần lượt 0,71% và 1,67% về giá trị, từ đó tạo ra lực cản cho thị trường.

Thị trường lên đỉnh, hàng trăm mã chứng khoán vẫn ngược dòng giảm trong 5 tháng đầu năm 2021 - Ảnh 6.

Diễn biến cổ phiếu VCB từ đầu năm đến nay

Phương Linh

Doanh Nghiệp Tiếp Thị

Trở lên trên