MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Thị trường lo ngại về diễn biến leo thang của chiến tranh thương mại, Dow Jones có lúc mất hơn 400 điểm

04-09-2019 - 07:32 AM | Tài chính quốc tế

Kết thúc phiên giao dịch ngày 3/9, chứng khoán Mỹ ghi nhận diễn biến tiêu cực. Đây cũng là phiên giao dịch đầu tiên của một tháng đầy khó khăn, sau khi 2 nền kinh tế lớn nhất thế giới áp dụng thuế quan trả đũa nhau. Ngoài ra, số liệu sản xuất yếu kém cũng ảnh hưởng đến tâm lý nhà đầu tư.

Cụ thể, chỉ số trung bình công nghiệp Dow Jones đóng cửa giảm 285,26 điểm, tương đương 1,1%, xuống 26.118,02 điểm. S&P 500 mất 0,7% và chốt phiên còn 2.906,27 điểm. Trong khi đó, Nasdaq Composite sụt 1,1% xuống còn 7,874,16 điểm.

Các chỉ số lớn chạm mức thấp trong phiên sau khi Viện Quản lý cung ứng cho biết hoạt động sản xuất của Mỹ lần đầu tiên co hẹp kể từ đầu năm 2016. Khi đó, chỉ số Dow mất tới 1,6%, tương đương 425,06 điểm. S&P 500 và Nasdaq giảm lần lượt 1,2% và 1,5%.

Hôm Chủ nhật, thuế quan 15% của Mỹ áp dụng với hàng hoá Trung Quốc chính thức có hiệu lực và tương tự với động thái áp thuế của Trung Quốc với Mỹ.

Do thuế quan đáp trả lẫn nhau, cổ phiếu ngành bán lẻ giảm mạnh. SPDR S&P Retail ETF (XRT) giảm 1,5%, dẫn đầu là sự sụt giảm của Signet Jewelers và Guess. Signet giảm tới 9,5% trong khi Guess mất 8,1%.

Các nhà sản xuất chip như Nvidia và Skyworks Solutions lần lượt mất 2% và 1,5%. Cả Boeing và Caterpillar đều giảm hơn 1,6%, trong khi Apple rớt 1,5%. Cổ phiếu Boeing cũng chịu áp lực sau khi một báo cáo cho biết máy bay phản lực 737 Max có thể bị cấm hoạt động trong suốt kỳ nghỉ lễ.

Các nhà đầu tư lại tìm đến các loại tài sản an toàn hơn như vàng và trái phiếu dài hạn. Hợp đồng tương lai của vàng giao vào tháng 12 tăng hơn 1%.

Lợi suất trái phiếu kho bạc 30 năm giao dịch ở mức 1,95% sau khi chạm mức thấp nhất mọi thời đại vào tuần trước. Lợi tức trái phiếu 10 năm giảm xuống 1,47%. Cổ phiếu nhóm ngân hàng cũng diễn biến tiêu cực. Bank of America giảm 1,7% trong khi J.P. Morgan Chase mất 1,2%. Citigroup lùi 1,5%.

Hương Giang

CNBC

Trở lên trên