MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Thị trường ngày 01/7: Giá dầu quay đầu giảm, vàng cao nhất gần 8 năm

01-07-2020 - 08:19 AM | Thị trường

Số trường hợp nhiễm virus corona trên toàn cầu tăng mạnh, đã khiến các nhà đầu tư tìm kiếm tài sản trú ẩn an toàn là vàng, đẩy giá vàng cao nhất gần 8 năm. Chốt phiên giao dịch ngày cuối tháng 30/6, giá dầu và quặng sắt giảm, trong khi khí tự nhiên cao nhất 3 tuần, vàng cao nhất gần 8 năm, đồng có quý tăng mạnh nhất 1 thập kỷ, ngô cao nhất hơn 1 năm.

Giá dầu giảm

Giá dầu giảm do các nhà đầu tư lo ngại số trường hợp nhiễm Covid-19 gia tăng sẽ ảnh hưởng đến nhu cầu dầu, cùng với sản lượng dầu Libya có thể hồi phục từ mức thấp nhất kể từ đầu năm nay.

Chốt phiên giao dịch ngày 30/6, dầu thô Brent kỳ hạn tháng 9/2020 giảm 58 US cent xuống 41,27 USD/thùng và dầu kỳ hạn tháng 8/2020 đã hết hiệu lực từ ngày 30/6/2020 giảm 56 US cent tương đương 1,2% xuống 41,15 USD/thùng. Tuy nhiên, tính chung cả tháng giá dầu Brent tăng 16,5% và tăng 81% trong quý 2/2020. Dầu thô Tây Texas WTI giảm 43 US cent tương đương 1% xuống 39,27 USD/thùng. Tính chung cả tháng, giá dầu thô WTI tăng 12,4% và tăng 95% trong quý 2/2020.

Giá dầu chịu áp lực giảm bởi Libya đang cố gắng tiếp tục xuất khẩu, vốn đã ngừng xuất khẩu kể từ tháng 1/2020 do nội chiến. Ngoài ra, giá dầu giảm sau số liệu từ API cho biết tồn trữ dầu thô của Mỹ cao hơn so với dự kiến.

Nhóm các nhà phân tích của Reuters dự kiến giá dầu sẽ duy trì ở mức khoảng 40 USD/thùng trong năm nay.

Giá khí tự nhiên cao nhất 3 tuần

Giá khí tự nhiên tại Mỹ tăng lên mức cao nhất gần 3 tuần, kết thúc quý tăng mạnh nhất kể từ tháng 6/2018 do dự báo thời tiết nóng hơn bình thường, thúc đẩy nhu cầu làm mát tăng.

Giá khí tự nhiên kỳ hạn tháng 8/2020 trên sàn New York tăng 4,2 US cent tương đương 2,5% lên 1,751 USD/mmBTU, sau khi tăng hơn 14% trong phiên trước đó, ngày tăng mạnh nhất kể từ tháng 1/2019. Tuy nhiên, tính chung cả tháng giá khí tự nhiên giảm tháng thứ 2 liên tiếp sau khi chạm mức thấp nhất kể từ tháng 8/1995 trong tuần trước đó, chịu ảnh hưởng bởi nhu cầu giảm do virus corona, tồn trữ cao và xuất khẩu khí tự nhiên hóa lỏng hồi đầu tháng giảm. Trong quý 2/2020, giá khí tự nhiên tăng gần 7% - quý tăng mạnh nhất kể từ tháng 6/2018.

Giá vàng vẫn gần mức cao nhất 8 năm, bạch kim, palađi và bạc đều tăng

Giá vàng tăng lên mức cao nhất gần 8 năm do lo ngại số trường hợp nhiễm virus corona mới tăng, thúc đẩy nhu cầu tìm kiếm tài sản trú ẩn an toàn là vàng. Do vậy, giá vàng có quý tăng mạnh nhất kể từ tháng 3/2016.

Vàng giao ngay trên sàn LBMA tăng 0,5% lên 1.779,44 USD/ounce, trong phiên có lúc đạt 1.785,46 USD/ounce – cao nhất kể từ tháng 10/2012. Vàng kỳ hạn tháng 8/2020 trên sàn New York tăng 1,1% lên 1.800,5 USD/ounce.

Đồng thời, giá bạch kim tăng 1,5% lên 817,83 USD/ounce, song có tháng giảm đầu tiên trong 3 tháng và có quý tăng mạnh nhất kể từ tháng 9/2012.

Giá palađi tăng 1,4% lên 1.929,55 USD/ounce. Tính chung cả tháng, giá palađi giảm tháng thứ 4 liên tiếp và có quý giảm mạnh nhất kể từ tháng 9/2011.

Giá bạc tăng 1,5% lên 18,13 USD/ounce và có quý tăng mạnh nhất kể từ cuối năm 2010.

Giá đồng có quý tăng mạnh nhất 1 thập kỷ

Giá đồng có quý tăng mạnh nhất 1 thập kỷ, do nhu cầu Trung Quốc tăng, nguồn cung gián đoạn và các biện pháp kích thích toàn cầu đã khiến giá đồng hồi phục từ mức thấp nhất 4 năm trong tháng 3/2020.

Giá đồng trên sàn London tăng 1% lên 6.018,5 USD/tấn, sau khi đạt mức cao nhất kể từ ngày 23/1/2020. Tính chung trong quý 2/2020, giá đồng tăng 22% và chỉ dưới mức cao nhất (6.343 USD/tấn) trong tháng 1/2020, trước khi virus corona lây lan mạnh trên toàn cầu.

Giá đồng tăng do lo ngại nguồn cung bị gián đoạn bởi virus corona lây lan tại các nước sản xuất đồng chủ yếu như Chile và Peru và trên hết nền kinh tế đang hồi phục – Trung Quốc, nhà phân tích Daniel Briesemann thuộc Commerzbank cho biết.

Ngoài ra, giá đồng tăng do tồn trữ tại London giảm 1.200 tấn xuống 111.650 tấn, thấp nhất kể từ ngày 17/1/2020 và tồn trữ đồng tại Thượng Hải chạm 99.971 tấn – thấp nhất kể từ tháng 1/2019.

Giá quặng sắt giảm, thép diễn biến trái chiều

Giá quặng sắt tại Trung Quốc giảm, do lo ngại nhu cầu thép suy giảm khi hoạt động xây dựng chậm lại bởi thời tiết xấu và đại dịch Covid-19.

Giá quặng sắt kỳ hạn tháng 9/2020 trên sàn Đại Liên giảm 0,5% xuống 745 CNY (105,38 USD)/tấn, giảm phiên thứ 2 liên tiếp.

Giá quặng sắt 62% Fe giao ngay sang Trung Quốc giảm 2,9% xuống 101 USD/tấn so với mức 104 USD/tấn hôm 2/6/2020, công ty tư vấn SteelHome cho biết.

Nhập khẩu quặng sắt của Trung Quốc trong tháng 6/2020 đạt 83,24 triệu tấn so với 93,15 triệu tấn tháng 5/2020.

Trên sàn Thượng Hải, giá thép cây kỳ hạn tháng 10/2020 giảm 0,1% xuống 3.565 CNY/tấn và giá thép không gỉ kỳ hạn tháng 8/2020 giảm 0,2% xuống 13.105 CNY/tấn, trong khi giá thép cuộn cán nóng tăng 0,3% lên 3.578 CNY/tấn.

Giá đường tiếp đà tăng

Giá đường thô kỳ hạn tháng 10/2020 trên sàn ICE tăng 0,19 US cent tương đương 1,6% lên 11,96 US cent/lb.

Đồng thời, giá đường trắng kỳ hạn tháng 8/2020 trên sàn London tăng 3,5 USD tương đương 1% lên 355,7 USD/tấn.

Giá cà phê tăng

Giá cà phê tăng, được thúc đẩy bởi hoạt động mua bù thiếu do lo ngại thời tiết lạnh tại nước sản xuất hàng đầu – Brazil.

Giá cà phê Arabica kỳ hạn tháng 9/2020 trên sàn ICE tăng 0,9 US cent tương đương 0,9% lên 1,01 USD/lb.

Đồng thời, giá cà phê robusta giao cùng kỳ hạn trên sàn London tăng 9 USD tương đương 0,8% lên 1.187 USD/tấn.

Giá ngô cao nhất hơn 1 năm, đậu tương và lúa mì tăng

Giá ngô tại Chicago tăng gần 4%, sau khi Bộ Nông nghiệp Mỹ báo cáo diện tích trồng ngô trong mùa xuân của nước này đạt 92 triệu acre - thấp hơn so với dự kiến của các nhà phân tích.

Trên sàn Chicago, giá ngô kỳ hạn tháng 9/2020 tăng 12-3/4 US cent lên 3,41-1/2 USD/bushel, trong phiên có lúc đạt 3,45-3/4 USD/bushel – cao nhất kể từ ngày 28/5/2019. Giá đậu tương kỳ hạn tháng 8/2020 tăng 17-1/4 US cent lên 8,78-3/4 USD/bushel và giá lúa mì kỳ hạn tháng 9/2020 tăng 5-1/4 US cent lên 4,91-3/4 USD/bushel.

Giá dầu cọ rời khỏi chuỗi giảm 4 phiên liên tiếp

Giá dầu cọ tại Malaysia rời khỏi chuỗi giảm 4 phiên liên tiếp, được thúc đẩy bởi giá dầu đậu tương tăng mạnh và thị trường chứng khoán châu Á tăng sau số liệu kinh tế tích cực từ Trung Quốc.

Giá dầu cọ kỳ hạn tháng 9/2020 trên sàn Bursa Malaysia tăng 13 ringgit tương đương 0,56% lên 2.354 ringgit (550,39 USD)/tấn.

Thị trường chứng khoán châu Á tăng sau số liệu cho thấy rằng lĩnh vực sản xuất của Trung Quốc trong tháng 6/2020 tăng nhanh hơn so với dự kiến, dấu hiệu nền kinh tế toàn cầu hồi phục từ tác động của khủng hoảng virus corona.

Xuất khẩu dầu cọ của Malaysia trong tháng 6/2020 tăng 29% so với tháng 5/2020.

Giá một số mặt hàng chủ chốt sáng ngày 01/7

Thị trường ngày 01/7: Giá dầu quay đầu giảm, vàng cao nhất gần 8 năm - Ảnh 1.

Minh Quân

Trí Thức Trẻ

CÙNG CHUYÊN MỤC

XEM
Trở lên trên