Thị trường ngày 06/1: Giá dầu, vàng, quặng sắt tiếp đà tăng, nhôm cao nhất 2 tháng
Ảnh minh họa.
Phiên giao dịch 05/1 giá dầu tiếp tục tăng ngay cả khi OPEC+ tăng sản lượng, vàng, quặng sắt tiếp tục tăng, nhôm đạt đỉnh hai tháng, cao su và đường giảm.
- 04-01-2022Thị trường ngày 04/1: Giá dầu tăng mạnh, vàng giảm hơn 1%
- 31-12-2021Thị trường ngày 31/12: Giá dầu, vàng, nhôm… đồng loạt tăng, khí tự nhiên thấp nhất 6 tháng
- 30-12-2021Thị trường ngày 30/12: Giá dầu Brent tiến sát mốc 80 USD/thùng, đồng và nickel cao nhất 1 tháng
Dầu tăng ngay cả khi OPEC+ tăng sản lượng
Giá dầu tăng ngay cả sau khi các nhà sản xuất OPEC+ duy trì mục tiêu tăng sản lượng trong tháng 2 và tồn kho nhiên liệu của Mỹ tăng bởi nhu cầu giảm khi số ca nhiễm Covid-19 tăng lên.
Chốt phiên 5/1, dầu thô Brent tăng 80 US cent hay 1% lên 80,8 USD/thùng. Dầu thô WTI tăng 86 US cent hay 1,1% lên 77,85 USD/thùng.
Thị trường đã giảm bớt mức tăng vào cuối ngày sau khi Cục dự trữ liên bang Mỹ công bố biên bản cuộc họp mới nhất cho thấy các nhà hoạch định chính sách có thể phải tăng lãi suất nhanh hơn so với dự đoán của thị trường.
Dự trữ dầu thô của Mỹ giảm 2,1 triệu thùng, một phần do ưu đãi thuế cho các nhà sản xuất để giảm lượng tồn kho trước cuối năm.
Tuy nhiên, tồn kho xăng tăng hơn 10 triệu thùng và tồn kho sản phẩm chưng cất tăng 4,4 triệu thùng. Các nhà phân tích trích dẫn nhu cầu yếu trong tuần cuối năm 2021 khi mọi người lo lắng về biến thể Omicron.
Mỹ đã báo cáo gần 1 triệu ca nhiễm Covid-19 trong ngày 3/1, cao nhất trong ngày với bất cứ quốc gia nào trên thế giới và gần gấp đôi mức đỉnh tại Mỹ thiết lập một tuần trước đó. Tổng sản phẩm được cung cấp đã giảm mạnh, mặc dù 4 tuần qua đã chứng kiến nhu cầu mạnh hơn so với cùng kỳ hai năm trước, khi đại dịch bùng phát.
Các nhà sản xuất OPEC+ trong ngày 4/1 đã đồng ý bổ sung 400.000 thùng dầu mỗi ngày trong tháng 2, như họ đã thực hiện mỗi tháng kể từ tháng 8.
Tuy nhiên, các nhà phân tích Barclays cho biết OPEC+ sẽ phải vật lộn để đạt được mục tiêu đó, vì các thành viên gồm Nigeria, Angola và Libya gặp khó khăn trong việc tăng sản lượng.
Vàng tăng
Giá vàng tăng được hỗ trợ bởi sự sụt giảm của USD và lo lắng về biến thể Omicron lây lan nhanh chóng, khi tập trung chuyển sang lạm phát trước khi Cục dự trữ liên bang Mỹ phát hành biên bản cuộc họp chính sách mới nhất.
Vàng giao ngay tăng 0,5% lên 1.823,3 USD/ounce, vàng Mỹ kỳ hạn tháng 2 đóng cửa tăng 0,6% lên 1.825,1 USD/ounce.
Với lạm phát đang tăng trong 6 tháng qua, nhà đầu tư sẽ xem xét biên bản từ cuộc họp tháng 12/2021 của Fed để tìm những dấu hiệu các nhà hoạch định chính sách sẵn sàng thắt chặt chính sách tiền tệ.
Chỉ số USD giảm 0,4% khiến vàng thu hút những khách hàng nước ngoài. Hơn nữa sức hút các tài sản rủi ro như chứng khoán dịu đi, khi các chỉ số chính của Phố Wall mở cửa giảm bởi các chứng khoán công nghệ.
Giá nhôm đạt đỉnh hai tháng
Giá nhôm tăng lên mức cao nhất trong hơn hai tháng do dự đoán nguồn cung thiếu hụt mạnh bởi giá điện cao, đặc biệt tại Châu Âu và tồn kho đang giảm.
Giá nhôm trên sàn giao dịch kim loại London tăng 2,3% lên 2.905 USD/tấn, trước đó giá đã chạm 2.938,5 USD/tấn, cao nhất kể từ ngày 25/10 và tăng hơn 10% kể từ ngày 5/11.
Giá điện hiện tại chiếm khoảng 50% chi phí luyện nhôm.
Dự trữ nhôm trên sàn LME ở mức 926.800 tấn đã giảm hơn 50% kể từ giữa tháng 3/2021.
Ngân hàng ING ước tính công suất sản xuất nhôm ở Châu Âu bị đóng cửa từ 400.000 đến 500.000 tấn. Châu Âu chiếm khoảng 13% tiêu thụ nhôm toàn cầu, ước tính khoảng 70 triệu tấn trong năm nay.
Thị trường nhôm cũng tập trung vào Trung Quốc, nhà sản xuất hàng đầu thế giới, nơi giá than tăng bởi một lệnh cấm xuất khẩu của Indonesia. Trung Quốc và Ấn Độ là những thị trường lớn đối với than của Indonesia.
Quặng sắt tiếp tục tăng
Giá quặng sắt tăng do nhu cầu dự trữ tại Trung Quốc đã đẩy giá giao ngay lên mức cao nhất trong hơn một tuần, bất chấp việc kiểm soát sản lượng thép được kéo dài tại thành phố Đường Sơn.
Quặng sắt kỳ hạn tháng 5 trên sàn giao dịch hàng hóa Đại Liên đóng cửa tăng 2,1% lên 694 CNY (108,94 USD)/ tấn, tăng phiên thứ hai liên tiếp. Trong phiên giá đã đạt 696,5 CNY/tấn, mức cao nhất kể từ ngày 27/12/2021.
Hợp đồng quặng sắt kỳ hạn tháng 2 tại sàn giao dịch Singapore tăng 1,4% lên 124 USD/tấn.
Giá quặng sắt giao ngay hàm lượng 62% Fe từ Australia tăng lên 123,5 USD/tấn trong ngày 4/1, cao nhất kể từ ngày 27/12/2021, theo số liệu của công ty tư vấn SteelHome.
Thép thanh tại Thượng Hải tăng 2,1% trong khi thép cuộn cán nóng tăng 2,4%. Nhưng thép không gỉ giảm 0,4%.
Giá thép thanh giao ngay tăng lên mức cao nhất trong hơn hai tuần trong ngày 4/1 do người dùng cuối bổ sung nhu cầu của họ sau kỳ nghỉ lễ.
Các thương nhân cho biết nhu cầu dự trữ quặng sắt và thép làm lu mờ cảnh báo ô nhiễm môi trường tại thành phố Đường Sơn, tỉnh Hà Bắc, nơi vốn yêu cầu các nhà máy thép hạn chế hoạt động.
Mặc dù khởi đầu tích cực trong năm 2022, triển vọng quặng sắt và nhu cầu thép tổng thể tại Trung Quốc vẫn u ám.
Cao su Nhật Bản tăng do đồng JPY yếu
Giá cao su Nhật Bản tăng do đồng JPY yếu so với USD thúc đẩy nhu cầu mua vào, nhưng doanh số bán ô tô trong nước chậm chạp và lo sợ về số ca nhiễm Covid-19 đang tăng trên thế giới đã hạn chế đà tăng.
Hợp đồng cao su kỳ hạn tháng 6 trên sàn giao dịch Osaka đóng cửa tăng 4,2 JPY hay 1,8% lên 243,8 (2,1 USD)/kg.
Giá cao su kỳ hạn tháng 5 tại Thượng Hải tăng 15 CNY lên 14.750 SNY (2.316 USD)/tấn.
Đồng JPY giao dịch ở gần mức thấp nhất 5 năm so với USD trong bối cảnh dự kiến Fed sẽ tăng lãi suất.
Hạn chế đà tăng giá là doanh số bán ô tô mới của Nhật Bản giảm 11,4% trong tháng 12/2021 so với một năm trước, một dấu hiệu cho thấy tình trạng tắc nghẽn nguồn cung tiếp tục trì hoãn việc giao hàng và gây sức ép lên tiêu thụ của nước này.
Cà phê arabica ổn định, robusta tăng
Cà phê arabica kỳ hạn tháng 3 đóng cửa ổn định tại 2,3175 USD/lb.
Các đại lý cho biết thị trường này có đà sau khi tăng gần 4% trong phiên trước và có khả năng tăng lên mức cao 10 năm trong vài tuần tới.
Triển vọng vụ cà phê năm nay tại Brazil vẫn là tâm điểm chú ý với hạn hán và băng giá năm 2021 làm giảm triển vọng nhưng mưa gần đây giúp cải thiện độ ẩm ở nhiều khu vực.
Xuất khẩu cà phê của Costa Rica tăng 12,5% trong tháng 12/2021 so với cùng tháng năm trước, theo Viện Cà phê của nước Trung Mỹ này.
Cà phê robusta kỳ hạn tháng 3 giảm 28 USD hay 1,2% xuống 2.321 USD/tấn, tiếp tục thoái lui từ mức cao 10 năm tại 2.384 USD/tấn thiết lập hồi cuối tháng 12/2021.
Các đại lý cho biết thị trường này vẫn được củng cố bởi vấn đề chuỗi cung ứng gián đoạn từ nhà sản xuất robusta hàng đầu Việt Nam.
Đường thô giảm 2,2%
Đường thô kỳ hạn tháng 3 đóng cửa giảm 0,41 US cent hay 2,2% xuống 18,34 US cent/lb. Trong phiên giá đã giảm xuống 18,32 US cent/lb, mức thấp nhất trong 5 năm.
Các đại lý cho biết việc tái cân bằng quỹ chỉ số sắp tới là xu hướng giảm đối với đường, vốn đã tăng khoảng 20% trong năm 2021. Các mặt hàng hoạt động tốt trong năm 2021 đã tăng tỷ trọng một cách hiệu quả và do đó được bán trong giai đoạn tái cân bằng trong khi các hàng hóa kém hiệu quả được mua vào.
Đường trắng kỳ hạn tháng 3 giảm 7,1 USD hay 1,4% xuống 488,2 USD/tấn.
Đậu tương tăng, ngô giảm
Giá đậu tương trên sàn giao dịch Chicago tăng sau khi giao dịch theo cả hai chiều, được hỗ trợ bởi lo ngại về thời tiết khắp Nam Mỹ. Ngô giảm sau khi tăng một ngày trước đó bởi thời tiết nóng và khô tại Nam Mỹ.
Đậu tương CBOT kỳ hạn tháng 3 đóng cửa tăng 5 US cent lên 13,94-3/4 USD/bushel, sau khi đạt 13,99 USD, mức cao nhất đối với một hợp đồng được giao dịch nhiều nhất kể từ ngày 20/7/2021.
Khô đậu tương giảm 1,3 USD xuống 413,4 USD/tấn. Mỹ dự kiến bán 400.000 tới 1,35 triệu tấn đậu tương trong tuần kết thúc vào ngày 30/12, theo một thăm dò của Reuters.
Giá ngô CBOT kỳ hạn tháng 3 đóng cửa giảm 7-1/4 US cent xuống 6,02-1/4 USD/bushel.
Thời tiết tại Argentina trở nên khô hạn hơn kể từ giữa tháng 12, với tình trạng khô hạn đe dọa vụ ngô ngay khi cây ngô bước vào giai đoạn phát triển quan trọng.
Xuất khẩu ngô của Brazil dự kiến đạt 2,59 triệu tấn trong tháng 1.
Giá một số mặt hàng chủ chốt sáng ngày 06/1