Thị trường ngày 1/4: Giá vàng giảm hơn 2% do đồng USD tăng mạnh; đồng, quặng sắt, cà phê cùng tăng
Phiên 31/3, giá nhiều mặt hàng tăng sau khi Trung Quốc thông báo Chỉ số quản lý sức mua (PMI) tháng 3 tăng lên 52 điểm từ mức thấp kỷ lục của tháng 2. Kết quả này tốt hơn nhiều so với mong đợi, chủ yếu nhờ các biện pháp kích thích kinh tế mạnh mẽ của Chính phủ nước này. Tuy nhiên, tính chung trong tháng 3 cũng như quý I/2020, giá hầu hết giảm sâu.
- 28-03-2020Thị trường ngày 28/3: Giá dầu quay đầu lao dốc vì nỗi lo Covid-19, giá trứng tại Mỹ lên cao kỷ lục
- 27-03-2020Thị trường ngày 27/3: Vàng bật tăng mạnh do số đơn xin trợ cấp thất nghiệp của Mỹ cao kỷ lục, dầu đảo chiều giảm
- 26-03-2020Thị trường ngày 26/3: Palađi tăng mạnh nhất kể từ năm 1997, các hàng hóa khác cũng đồng loạt tăng cao
Giá dầu tháng 3 và quý 1/2020 giảm nhiều nhất trong lịch sử
Dầu thô vừa trải qua những chuỗi ngày biến động rất mạnh và kết thúc một quý giảm giá nhiều nhất trong lịch sử do kinh tế toàn cầu bị tổn thương bởi dịch Covid-19 và cuộc chiến giá cả giữa Nga và Saudi Arabia.
Cả dầu Brent và dầu ngọt nhẹ Mỹ (WTI) đều mất khoảng 2/3 giá trị trong quý vừa qua, trong đó mức giảm của riêng tháng 3 vào khoảng 55%, chiếm phần lớn mức giảm của cả quý.
Phiên cuối cùng của tháng, giá dầu WTI tăng 39 US cent (khoảng 2%) lên 20,48 USD/thùng; dầu Brent giảm 2 US cent xuống 22,74 USD/thùng.
Như vậy trong tháng 3, dầu WTI giảm 54%, trong khi dầu Brent giảm 55%. Tính chung trong quý I/2020, cả 2 loại dầu đều giảm 66%.
Thị trường dầu đã trở nên hỗn loạn từ đầu tháng 3, sau khi OPEC và các nước đồng minh dầu mỏ thất bại trong nỗ lực tiếp tục kiềm chế sản xuất và xuất khẩu để hỗ trợ giá dầu. Saudi Arabia ngay sau cuộc họp tuyên bố tăng mạnh sản lượng cũng như xuất khẩu để trả đũa việc Nga dẫn đầu trong nhóm không ủng hộ nói trên. Trong khi đó, nhu cầu dầu trên toàn cầu sụt giảm nhanh chóng do Covid-19 khiến các nước phải hạn chế việc đi lại.
Dự báo nhu cầu dầu mỏ thế giới sẽ còn tiếp tục giảm thêm nữa trong những tháng tới. Trafigura dự báo nhu cầu sẽ giảm 30% giữa bối cảnh ngành giao thông vận tái nói chung và hàng không nói riêng gần như đình trệ.
Vàng giảm trong phiên cuối quý nhưng tăng trong cả quý
Giá vàng giảm hơn 2% trong phiên giao dịch vừa qua, xuống mức thấp nhất trong vòng một tuần do đồng USD mạnh lên. Tuy nhiên, tính chung cả quý, giá vẫn tăng quý thứ 6 liên tiếp bởi lo ngại kinh tế toàn cầu suy yếu khiến nhà đầu tư tìm tới tài sản an toàn.
Kết thúc phiên 31/3, vàng giao ngay giảm 2,1% xuống 1.587,7 USD/ounce, trong khi vàng kỳ hạn tháng 4/2020 giảm 2,8% xuống 1.596,6 USD/ounce. Tâm lý thận trọng của các nhà đầu tư đã đẩy USD tăng trong phiên vừa qua so với các đồng tiền chủ chốt khác.
Tính chung cả quý I/2020, giá vàng tăng 4,6%. Lý do chủ yếu bởi căng thẳng Mỹ - Iran hồi tháng 1 và sau đó là đại dịch Covid-19 kéo dài cho tới hiện tại.
Giá bạch kim giảm 0,4% trong phiên vừa qua, xuống 720,25 USD/ounce, tính chung cả quý giảm mạnh nhất kể từ tháng 9/2008 do nhu cầu từ ngành ô tô suy yếu. Giá palađi tăng 1,1% trong phiên 31/3 lên 2.353,18 USD/ounce, tính chung cả quý tăng mạnh nhất kể từ 2010; tuy nhiên nếu tính riêng trong tháng 3 thì palađi giảm tháng đầu tiên trong vòng 8 tháng. Giá bạc giảm 1,1% trong phiên vừa qua, xuống 13,96 USD/ounce; trong quý I/2020 giảm quý đầu tiên kể từ tháng 6/2013; riêng trong tháng 3 giảm nhiều nhất kể từ tháng 9/2011.
Giá đồng quý I giảm nhiều nhất kể từ 2011
Giá đồng tăng trong phiên giao dịch cuối cùng của tháng 3 do số liệu hoạt động sản xuất của các nhà máy Trung Quốc tốt hơn dự kiến. Tuy nhiên, tính chung cả quý 1, giá giảm mạnh nhất kể từ 2011 do dịch virus corona lây lan khắp nơi khiến các nhà máy trên toàn cầu phải đóng cửa hoặc sản xuất cầm chừng, làm giảm nhu cầu kim loại.
Kết thúc phiên vừa qua, đồng kỳ hạn 3 tháng trên sàn London tăng 3,5% lên 4.935,5 USD/tấn, cao nhất kể từ 18/3. Tính chung cả quý I, giá giảm khoảng 20%. Các kim loại công nghiệp khác cũng giảm khoảng 10 – 20% trong cùng quý.
Quặng sắt tăng, thép giảm trong phiên 31/3
Giá quặng sắt trên thị trường Trung Quốc tăng trong phiên vừa qua bởi triển vọng nhu cầu tăng sau khi Trung Quốc mở rộng các chương trình kích thích kinh tế khiến hoạt động của các nhà máy ở nước này đang hồi phục nhanh chóng.
Trên sàn Đại Liên, quặng sắt kỳ hạn tháng 5 giá có thời điểm tăng 1,5%, trước khi kết thúc phiên ở mức tăng 0,9% lên 650,5 CNY (91,77 USD)/tấn. Tồn trữ quặng tại các cảng biển nước này giảm tuần thứ 2 liên tiếp, xuống 121,25 triệu tấn vào ngày 27/3, thấp nhất trong vòng 8 tháng.
Tuy nhiên, giá thép trong xu hướng giảm suốt quý I/2020. Cụ thể, thép cây trên sàn Thượng Hải giảm 4% trong quý vừa qua, thép cuộng cán nóng giảm 8,9%. Phiên cuối cùng của tháng 3, giá thép cây giảm 0,1% xuống 3.252 CNY/tấn, trong khi thép cuộn cán nóng giảm 0,1% xuống 3.252 CNY/tấn.
Đường giảm 20% trong quý I
Giá đường thô trên sàn liên lục địa ICE đã giảm 20% trong quý đầu tiên của năm nay do lo ngại giá năng lượng giảm sẽ thúc đẩy các nhà chế biến mía Brazil gia tăng sản xuất đường thay vì ethanil, khiến thị trường đường sẽ trở nên dư thừa.
Phiên cuối cùng của tháng 3, giá đường thô kỳ hạn tháng 5 giảm 31 US cent, tương đương 2,9%, xuống 10,42 US cent/lb. Đường trắng giao cùng kỳ hạn cũng giảm 3 USD (0,8%) xuống 353,1 USD/tấn.
Cà phê tăng 7% trong quý I
Giá cà phê arabica tăng 0,25 US cent (0,2%) trong phiên vừa qua, lên 1,1955 USD/lb; tính chung cả quý I giá tăng 7%, là một trong số ít những mặt hàng tăng giá ở quý này. Cà phê robusta phiên 31/3 giảm 17 USD, tương đương 1,4%, xuống 1,186 USD/tấn.
Cao su hồi phục ở cuối tháng 3 nhưng vẫn giảm trong quý I
Giá cao su trên sàn Tokyo (TOCOM) phiên 31/3 hồi phục khỏi mức thấp nhất 11 năm của phiên trước, mặc dù vẫn còn đó nỗi lo về dịch bệnh Covid-19 ảnh hưởng nghiêm trọng đến ngành sản xuất ô tô. Dầu thô giảm giá cũng tác động mạnh lên thị trường cao su.
Cao su kỳ hạn tháng 9 trên sàn TOCOM tăng 1 JPY (0,7%) lên 145,2 JPY (1,34 USD)/kg. Tuy nhiên, tính chung cả quý I, giá giảm 27%, riêng trong tháng 3 mất 16%.
Trên sàn Thượng Hải, cao su kỳ hạn tháng 9 cũng tăng 220 CNY trong phiên cuối tháng, lên 9.680 CNY (1.364 USD)/tấn.
Xuất khẩu gừng Trung Quốc sang Châu Âu giảm mạnh
Đơn đặt hàng mua gừng Trung Quốc từ phía các doanh nghiệp Châu Âu đã giảm mạnh kể từ khi dịch Covid-19 bùng phát ở Lục địa già.
Khối lượng gừng xuất khẩu của Trung Quốc sang Châu Âu hiện thấp hơn 30% so với cùng kỳ năm ngoái. Giá gừng tại Trung Quốc hiện ở mức 5-5,4 CNY (0,7 – 0,76 USD)/kg, thấp hơn khoảng 30% so với cùng thời điểm này của năm 2019. Giá gừng xuất khẩu cũng theo đó giảm xuống, từ 1.800 USD/tấn xuống khoảng 1.600 USD/tấn chỉ trong vài tuần qua.
Giá một số mặt hàng chủ chốt sáng nay 1/4