Thị trường ngày 12/9: Vàng đảo chiều giảm, đồng và quặng sắt cùng tăng cao
Chốt phiên đêm qua giá vàng giảm do không có thêm kích thích từ Ngân hàng trung ương Châu Âu và chính phủ Mỹ. Trong khi đó đồng và quặng sắt tăng nhờ lạc quan về nhu cầu.
- 10-09-2020Thị trường ngày 10/9: Dầu Brent bật tăng trở lại lên trên 40 USD/thùng, vàng tiếp đà tăng
- 09-09-2020Thị trường ngày 09/9: Dầu WTI lao dốc gần 8%, vàng đảo chiều tăng
- 08-09-2020Thị trường ngày 08/9: Giá dầu, vàng tiếp đà giảm
Dầu diễn biến trái chiều
Giá dầu thay đổi ít trong phiên qua, nhưng có tuần thứ 2 giảm giá liên tiếp bởi các nhà đầu tư dự kiến dư thừa dầu mỏ trên toàn cầu kéo dài do nhu cầu trì trệ.
Chốt phiên 11/9, dầu Brent giảm 23 US cent hay 0,6% xuống 39,83 USD/thùng, trong khi dầu thô WTI tăng 3 US cent lên 37,33 USD/thùng. Cả hai loại dầu này đã giảm khoảng 6% trong tuần qua.
Các thị trường chứng khoán Mỹ cũng có tuần thứ 2 liên tiếp giảm giá do các chỉ số kinh tế gần đây cho thấy sự phục hồi kinh tế sẽ kéo dài và khó khăn.
Cũng khiến tâm lý thị trường suy yếu là Thượng viện Mỹ đã ngăn chặn một dự luật sẽ cung cấp gói trợ cấp khoảng 300 tỷ USD của Đảng Cộng Hòa.
Các nhà khoan dầu Mỹ gần đây đã bổ sung số giàn khoan dầu và khí đốt, nhưng đã giảm số giàn khoan trong tuần này xuống còn 238 giàn.
Dự trữ ngày càng tăng có thể là một chủ đề trong cuộc họp diễn ra vào ngày 17/9 của hội đồng giám sát thị trường thuộc tổ chức OPEC+. Tổ chức OPEC+ đã cắt giảm sản lượng để giảm lượng tồn kho. Tiếp theo Saudi Arabia, Kuwait cũng giảm giá bán dầu chính thức sang Châu Á trong tháng 10 để đối phó với nhu cầu đang chậm lại.
Giá LNG Châu Á ổn định do cả nhu cầu và nguồn cung tăng
Giá khí tự nhiên hóa lỏng (LNG) giao ngay của Châu Á gần như ổn định trong tuần này, một số khách hàng đang tìm kiếm mua và nhà máy Sabine Pass tại Mỹ đã khôi phục sản xuất sau bão Laura.
Giá LNG trung bình giao tháng 10 tới đông bắc Á ước tính ở mức 4,55 USD/mmBtu cao hơn 0,05 USD/mmBtu so với tuần trước. Giá giao tháng 11 ước tính là 4,75 USD/mmBtu.
Giá tăng trong đầu tuần này được hỗ trợ bởi nhu cầu từ một số khách hàng trong khu vực nhưng giá giảm sau đó do dự đoán sản lượng tăng.
Vàng giảm
Giá vàng giảm trong phiên cuối tuần do không có thêm kích thích từ Ngân hàng trung ương Châu Âu và chính phủ Mỹ, nhưng tính chung cả tuần kim loại này vẫn tăng bởi lo ngại sự phục hồi kinh tế.
Vàng giao ngay giảm 0,7% xuống 1.941,07 USD/ounce, giá đã tăng 0,4% trong tuần này. Vàng Mỹ kỳ hạn tháng 12 chốt phiên giảm 0,8% xuống 1.947,9 USD/
Giá vàng đã tăng 28% trong năm nay, được hỗ trợ bởi các gói kích thích khổng lồ của các ngân hàng trung ương toàn cầu, kim loại này được coi như rào cản chống lại lạm phát và sự mất giá của tiền tệ.
Giá vàng có thể chạm 2.300 USD/ounce vào cuối năm nay do sự không chắc chắn về các thị trường chứng khoán, nền kinh tế và cuộc bầu cử của Mỹ vào tháng 11.
Đồng tăng giá
Giá đồng tăng trong phiên qua do lạc quan về nhu cầu tại Trung Quốc, tồn kho thấp trong lịch sử tại sàn giao dịch kim loại London và đồng USD giảm giá.
Giá đồng giao sau ba tháng trên sàn giao dịch LME tăng 1,1% lên 6.745 USD/tấn. Giá kim loại này đã chạm mức cao nhất trong 26 tháng tại 6.830 USD/tấn trong đầu tháng này.
Các nhà phân ước tính nhu cầu của Trung Quốc đã giảm 15% trong quý 1 do đại dịch Covid-19, nhưng đã có sự phục hồi mạnh trong quý 2. Nhu cầu đồng đã tinh luyện của Trung Quốc dự kiến tăng 1 tới 2% trong năm nay.
Nhu cầu đồng của Trung Quốc mạnh có thể được thấy qua nhập khẩu tăng lên mức cao kỷ lục 762.210 tấn trong tháng 7. Nhập khẩu đã tăng 38% so với một năm trước trong 8 tháng đầu năm nay lên 4,27 triệu tấn.
Dự trữ đồng của sàn LME ở mức 75.550 tấn, thấp nhất kể từ năm 2005, gây bởi nhu cầu của Trung Quốc đang tăng lên.
Quặng sắt Trung Quốc phục hồi
Giá quặng sắt trên sàn giao dịch hàng hóa Đại Liên đóng cửa tăng sau khi giảm trong đầu phiên, do những dấu hiệu nhu cầu thép toàn cầu phục hồi, nhưng nguyên liệu thô này vẫn có tuần giảm khi nhu cầu của các nhà máy yếu.
Công suất hàng tuần tại 163 lò cao ở các nhà máy của Trung Quốc ở mức 84,86% tính tới ngày 11/9, mức thấp nhất kể từ tháng 5, theo số liệu của công ty tư vấn Mysteel.
Hợp đồng quặng sắt giao tháng 1 trên sàn giao dịch Đại Liên đóng cửa phiên tăng 0,8% lên 837 CNY (122,45 USD)/tấn. Giá đã giảm 2,4% trong tuần này.
Xuất khẩu thép của Trung Quốc có thể tăng nhẹ trong tháng này do sự phục hồi nhu cầu thép toàn cầu và chênh lệch giá giữa giá xuất khẩu của Trung Quốc và các nhà cạnh tranh khác đang thu hẹp.
Giá thép trên sàn giao dịch Thượng Hải cũng tăng 0,1% lên 3.665 CNY/tấn. Thép cuộn cán nóng tăng 0,6% lên 3.779 CNY/tấn.
Tuy nhiên, hợp đồng thép không gỉ kỳ hạn tháng 11 ở Thượng Hải giảm 0,4% xuống 14.215 CNY/tấn.
Cao su Nhật Bản giảm theo thị trường Thượng Hải
Giá cao su Nhật Bản giảm trong phiên cuối tuần, đánh dấu tuần thứ 2 giảm giá liên tiếp theo thị trường Thượng Hải và giá dầu yếu.
Hợp đồng cao su kỳ hạn tháng 2/2021 trên sàn giao dịch Osaka (OSE) chốt phiên giảm 2,8 JPY xuống 176,7 JPY (1,66 USD)/kg. Tính chung cả tuần giá đã giảm 1,8% sau khi giảm 3,2% trong tuần trước.
Hợp đồng cao su giao tháng 1 trên sàn giao dịch kỳ hạn Thượng Hải giảm 30 CNY xuống 12.210 CNY (1.786 USD)/tấn.
Dự trữ cao su của sàn giao dịch kỳ hạn Thượng Hải tăng 1,7% so với tuần trước, làm tăng lo ngại về dư cung. Doanh số bán ô tô của Trung Quốc trong tháng 8 tăng 11,6% so với cùng tháng năm trước lên 2,19 triệu chiếc, tháng thứ 5 tăng liên tiếp.
Đường thô tăng nhẹ sau khi xuống thấp nhất 1,5 tháng
Đường thô kỳ hạn tháng 10 đóng cửa tăng 0,01 US cent hay 0,1% lên 11,92 US cent/lb, trước đó giá đã xuống 11,76 US cent, thấp nhất kể từ cuối tháng 7.
Các đại lý cho biết sản lượng đường của Brazil trong niên vụ này đạt hơn 37 triệu tấn, sản lượng tính tới nay cao hơn 43,8% so với cùng kỳ năm trước.
Đường trắng kỳ hạn tháng 10 tăng 2,9 USD hay 0,8% lên 357,2 USD/tấn.
Cà phê tăng
Cà phê arabica kỳ hạn tháng 12 đóng cửa tăng 0,75 US cent hay 0,6% lên 1,3245 USD/lb, vẫn gần mức đỉnh 8 tháng đã đạt được trong tuần trước.
Nông dân Brazil đã xuất khẩu 2,966 triệu bao cà phê (60 kg/bao) trong tháng 8, ít hơn 2,2% so với cùng tháng một năm trước, theo hiệp hội các nhà xuất khẩu.
Nông dân và giới phân tích dự đoán thua lỗ trong niên vụ 2021 do hạn hán kéo dài ảnh hưởng tới hầu hết khu vực sản xuất của nhà xuất khẩu và sản xuất cà phê lớn nhất thế giới này.
Cà phê robusta kỳ hạn tháng 11 tăng 10 USD hay 0,7% lên 1.433 USD/tấn.
Đậu tương vượt mức đỉnh 2 năm, ngô cao nhất 6 tháng, lúa mì thấp nhất 2 tuần
Giá đậu tương trên sàn giao dịch Chicago tăng lên mức cao nhất kể từ tháng 6/2018 do các thương nhân dự đoán xuất khẩu tăng với sản lượng trong nước tiếp tục giảm.
Trong một báo cáo hàng tháng Bộ Nông nghiệp Mỹ cho biết sản lượng ngô và đậu tương của Mỹ sẽ ít hơn so với dự đoán trước đó, do thời tiết khắc nghiệt trong tháng trước, bộ này cũng giữ nguyên ước tính xuất khẩu đậu tương của Mỹ và nhập khẩu ngô của Trung Quốc.
Đậu tương đóng cửa phiên tăng 18-1/2 US cent lên 9,96 USD/bushel sau khi tăng lên 9,98 USD, mức cao nhất kể từ tháng 6/2018.
Ngô CBOT tăng 3-1/2 US cent lên 3,68-1/2 USD/bushel sau khi đạt mức cao nhất kể từ ngày 13/3 tại 3,69-1/4 USD. Lúa mì CBOT đi ngược xu hướng này giảm 6-1/4 US cent xuống 5,42 USD/bushel.
Giá một số mặt hàng chủ chốt sáng ngày 12/9