Thị trường ngày 15/01: Giá dầu bật tăng sau 5 phiên giảm liên tiếp, palađi đạt mức cao kỷ lục mới
Chốt phiên giao dịch ngày 14/01, dầu, khí tự nhiên, cao su và quặng sắt đồng loạt tăng, palađi đạt mức cao kỷ lục mới, đồng vẫn cao nhất 8 tháng, đường cao nhất 2 năm, lúa mì cao nhất 6 tháng, trong khi vàng, ngô, đậu tương và dầu cọ đều giảm, bạc thấp nhất gần 3 tuần.
- 11-01-2020Thị trường ngày 11/01: Vàng đảo chiều tăng trở lại, giá dầu giảm tiếp xuống dưới 65 USD/thùng
- 10-01-2020Thị trường ngày 10/01: Vàng rời khỏi mức cao nhất 7 năm, dầu tiếp đà giảm
- 09-01-2020Thị trường ngày 09/01: Dầu giảm hơn 4%, vàng bất ngờ hạ nhiệt
Dầu tăng
Giá dầu tăng sau 5 phiên giảm liên tiếp do Mỹ - Trung chuẩn bị ký 1 thỏa thuận thương mại sơ bộ làm lu mờ căng thẳng Trung Đông suy giảm.
Chốt phiên giao dịch ngày 14/01, dầu thô Brent tăng 29 US cent tương đương 0,5% lên 64,49 USD/thùng và dầu thô Tây Texas WTI tăng 15 US cent tương đương 0,3% lên 58,23 USD/thùng.
Việc ký kết thỏa thuận thương mại Mỹ - Trung "giai đoạn 1" vào ngày 15/1/2020 đánh dấu 1 bước quan trọng kết thúc tranh chấp thương mại kéo dài gần 2 năm, đã cắt giảm tăng trưởng toàn cầu và khiến nhu cầu dầu suy giảm. Trung Quốc cam kết mua hơn 50 tỉ USD nguồn cung năng lượng từ Mỹ trong 2 năm tới. Trong khi nhập khẩu dầu thô của Trung Quốc trong năm 2019 tăng 9,5% lên mức cao kỷ lục năm thứ 17 liên tiếp, do nhu cầu từ các nhà máy lọc dầu mới của nước này tăng mạnh.
Tuy nhiên, giá dầu tăng bị hạn chế bởi giảm bớt lo ngại về khả năng nguồn cung dầu gián đoạn do căng thẳng Trung Đông suy giảm.
Khí tự nhiên tăng nhẹ
Giá khí tự nhiên tại Mỹ thay đổi nhẹ sau khi tăng trong đầu phiên giao dịch, do dự báo thời tiết ít lạnh hơn vào cuối tháng 1/2020.
Giá khí tự nhiên kỳ hạn tháng 2/2020 trên sàn New York tăng 0,5 US cent tương đương 0,2% lên 2,187 USD/mmBTU.
Tuy nhiên, tính đến nay giá khí tự nhiên giảm khoảng 25% kể từ mức cao nhất 8 tháng (2,905 USD/mmBTU) trong đầu tháng 11/2019 do thời tiết ôn hòa hơn bình thường. Dự kiến dự trữ sẽ vẫn cao hơn mức trung bình 5 năm do sản lượng đạt gần mức cao kỷ lục cho phép các tiện ích lưu trữ nhiều khí hơn trong kho, giảm bớt lo ngại thiếu hụt nguồn cung và đẩy giá tăng trong mùa đông này.
Vàng tiếp đà giảm, bạc thấp nhất gần 3 tuần, palađi đạt mức cao kỷ lục mới
Giá vàng giảm trước khi Mỹ - Trung ký kết 1 thỏa thuận thương mại tạm thời làm giảm sức hấp dẫn của vàng thỏi, trong khi giá palađi đạt mức cao kỷ lục do nguồn cung thiếu hụt kéo dài.
Vàng giao ngay trên sàn LBMA giảm 0,1% xuống 1.546,48 USD/ounce, trong phiên có lúc chạm 1.535,63 USD/ounce, thấp nhất kể từ ngày 3/1/2020. Vàng kỳ hạn tháng 2/2020 trên sàn New York giảm 0,4% xuống 1.544,6 USD/ounce.
Trong khi đó, giá palađi tăng 2,7% lên 2.189,77 USD/ounce và tăng phiên thứ 9 liên tiếp, trong phiên có lúc đạt mức cao kỷ lục 2.191,6 USD/ounce.
Giá bạc giảm 1% xuống 17,78 USD/ounce, trong phiên có lúc chạm 17,64 USD/ounce, thấp nhất kể từ ngày 24/12/2019.
Đồng vẫn cao nhất 8 tháng
Giá đồng đạt mức cao nhất 8 tháng do số liệu thương mại của Trung Quốc – nước tiêu thụ kim loại lớn nhất thế giới – tốt hơn so với dự kiến, cho thấy nhu cầu hồi phục và đồng CNY tăng mạnh.
Giá đồng trên sàn London tăng 0,2% lên 6.302 USD/tấn, trong phiên có lúc đạt 6.314,5 USD/tấn, cao nhất kể từ ngày 1/5/2019. Tính từ đầu tuần đến nay, giá đồng tăng 1,7%.
Nhà phân tích Nick Snowdon thuộc Deutsche Bank cho biết, các yếu tố kinh tế vĩ mô bao gồm đồng CNY tăng mạnh, số liệu thương mại Trung Quốc vững chắc và việc ký kết thỏa thuận thương mại giai đoạn 1 giữa Mỹ và Trung Quốc trong tuần này đã thúc đẩy giá đồng tăng. Ông dự báo giá đồng sẽ tăng lên khoảng 6.500 USD/tấn do nguồn cung đồng trong quý 2/2020 thắt chặt khi nhu cầu tăng.
Quặng sắt tăng, thép diễn biến trái chiều
Giá quặng sắt tại Trung Quốc tăng, rời khỏi chuỗi giảm 3 phiên liên tiếp do lo ngại về khả năng gián đoạn xuất khẩu quặng sắt từ nước cung cấp hàng đầu – Australia – nơi mùa bão bắt đầu.
Giá quặng sắt kỳ hạn tháng 5/2020 trên sàn Đại Liên tăng 2,1% lên 671,5 CNY (97,6 USD)/tấn. Trên sàn Singapore, giá quặng sắt kỳ hạn tháng 2/2020 tăng 1,5%.
Mối lo ngại nguồn cung đã thúc đẩy giá quặng sắt tăng do tồn trữ nguyên liệu này tại các cảng của Trung Quốc giảm 2 tuần liên tiếp đến ngày 10/1/2020 xuống 127,9 triệu tấn, thấp nhất kể từ giữa tháng 12/2019, công ty tư vấn SteelHome cho biết. Nhập khẩu quặng sắt của Trung Quốc trong năm 2019 tăng 0,5% lên 1,069 tỉ tấn, chỉ dưới mức cao kỷ lục năm 2017 do nhu cầu tại các nhà máy thép tăng mạnh và xuất khẩu từ các mỏ khai thác lớn hồi phục sau khi bị gián đoạn hồi đầu năm.
Trên sàn Thượng Hải, giá thép cuộn cán nóng tăng 0,5%, trong khi giá thép không gỉ giảm 0,7%.
Cao su tăng tại Tokyo, giảm tại Thượng Hải
Giá cao su tại Tokyo tăng hơn 3% bởi lạc quan về thỏa thuận thương mại Mỹ - Trung "giai đoạn 1".
Giá cao su kỳ hạn tháng 6/2020 trên sàn TOCOM tăng 6,4 JPY (0,0582 USD) lên 207,8 JPY/kg.
Trên sàn Thượng Hải, giá cao su kỳ hạn tháng 5/2020 giảm 30 CNY (4,36 USD) xuống 13.250 CNY/tấn. Giá cao su TSR20 giảm 50 CNY xuống 10.870 CNY/tấn.
Đường cao nhất 2 năm, cà phê diễn biến trái chiều
Giá đường đạt mức cao nhất 2 năm, trong bối cảnh nguồn cung thắt chặt và hoạt động thúc đẩy mua vào.
Giá đường thô kỳ hạn tháng 3/2020 trên sàn ICE tăng 0,28 US cent tương đương 2% lên 14,43 US cent/lb, trong phiên có lúc đạt 14,48 US cent/lb, cao nhất 2 năm. Giá đường trắng kỳ hạn tháng 3/2020 trên sàn London tăng 11,5 USD tương đương 3% lên 394,7 USD/tấn, trong phiên có lúc đạt 400 USD/tấn, cao nhất 2 năm.
Giá cà phê Arabica kỳ hạn tháng 3/2020 trên sàn ICE giảm 0,1 US cent tương đương 0,1% xuống 1,1445 USD/lb sau khi chạm mức thấp nhất 1,5 tháng. Trong khi đó, giá cà phê robusta giao cùng kỳ hạn trên sàn London tăng 16 USD tương đương 1,2% lên 1.328 USD/tấn.
Lúa mì cao nhất 6 tháng, ngô và đậu tương cùng giảm
Giá lúa mì tại Mỹ đạt mức cao nhất 6 tháng được hỗ trợ bởi hoạt động xuất khẩu tăng mạnh và Nga – nước xuất khẩu lúa mì hàng đầu thế giới – đang xem xét hạn chế xuất khẩu ngũ cốc đến tháng 6/2020.
Trên sàn Chicago, giá lúa mì kỳ hạn tháng 3/2020 tăng 5-1/4 US cent lên 5,67-1/2 USD/bushel, trong phiên có lúc đạt 5,73 USD/bushel, cao nhất kể từ ngày 28/6/2019. Trong khi đó, giá ngô giao cùng kỳ hạn giảm 1 US cent xuống 3,88-1/2 USD/bushel và giá đậu tương kỳ hạn tháng 3/2020 giảm 2 US cent xuống 9,4-1/4 USD/bushel.
Dầu cọ tiếp đà giảm
Giá dầu cọ tại Malaysia giảm phiên thứ 2 liên tiếp do đồng ringgit tăng mạnh và giá dầu thực vật khác suy giảm, trong khi Ấn Độ chỉ thị tạm dừng nhập khẩu dầu cọ từ Malaysia cũng gây áp lực giá.
Giá dầu cọ kỳ hạn tháng 3/2020 trên sàn Bursa Malaysia giảm 29 ringgit tương đương 1% xuống 3.063 ringgit (754,43 USD)/tấn.
Giá một số mặt hàng chủ chốt sáng ngày 15/01