Thị trường ngày 15/11: Giá dầu đảo chiều tăng sau 12 phiên giảm liên tiếp
Sau kỷ lục 12 ngày giảm giá liên tiếp và một ngày mất giá mạnh nhất trong hơn 3 năm, thị trường dầu đã đảo chiều sau khi Reuters thông tin rằng OPEC và các đối tác của họ đang bàn luận một đề xuất cắt giảm sản lượng lớn hơn dự kiến.
- 14-11-2018Thị trường ngày 14/11: Giá dầu "bốc hơi" hơn 7% sau 1 đêm, mức giảm mạnh nhất trong hơn 3 năm
- 10-11-2018Thị trường ngày 10/11: Giá dầu, vàng tiếp tục lao dốc
Dầu phục hồi
Dầu tăng khoảng 1% trong phiên vừa qua (ngày 14/11) do triển vọng ngày càng tăng rằng OPEC và các nhà sản xuất đồng minh sẽ cắt giảm sản lượng tại cuộc họp trong tháng tới để hỗ trợ giá.
Sau kỷ lục 12 ngày giảm giá liên tiếp và một ngày mất giá mạnh nhất trong hơn 3 năm, thị trường dầu đã đảo chiều sau khi Reuters thông tin rằng OPEC và các đối tác của họ đang bàn luận một đề xuất cắt giảm sản lượng lên tới 1,4 triệu thùng/ngày nhiều hơn so với các quan chức đã đề cập trước đó.
Dầu Brent chốt phiên tăng 65 US cent hay 1% lên 66,12 USD/thùng, trong phiên có lúc lên mức 67,63 USD/thùng. Dầu thô WTI giao sau tăng 56 US cent hay 1,01% đóng cửa tại 56,25 USD/thùng sau khi giảm 12 phiên liên tiếp xuống mức thấp nhất kể từ tháng 11/2017.
Sau phiên giao dịch giá đã giảm do báo cáo của Viện Dầu mỏ Mỹ cho thấy dự trữ dầu thô của nước này tăng 8,8 triệu thùng trong tuần trước lên 440,7 triệu thùng, so với dự đoán của giới phân tích chỉ tăng 3,2 triệu thùng.
Thị trường dầu mỏ cũng chịu áp lực bởi nguồn cung đang tăng từ OPEC, Nga, Mỹ và các nhà sản xuất khác cùng với những lo lắng rằng kinh tế toàn cầu chậm lại có thể làm giảm nhu cầu năng lượng. Điều này đã thúc đẩy giá dầu Brent giảm hơn 20% kể từ đầu tháng 10, mức sụt giảm lớn nhất kể từ khi giá dầu sụt giảm trong năm 2014.
Chỉ số sức mạnh tương đối (RSI) đối với cả dầu Brent và dầu WTI vẫn dưới 30, một mức kỹ thuật thường xem như dấu hiệu thị trường giảm quá nhiều.
Trong báo cáo hàng tháng Cơ quan Năng lượng Quốc tế (IEA) dự báo tăng trưởng nhu cầu toàn cầu năm 2018 và 2019 không đổi so với tháng trước nhưng giảm dự báo tăng trưởng nhu cầu của các nước không thuộc OECD, động cơ tăng tiêu thụ dầu trên thế giới.
Cơ quan Thông tin Năng lượng Mỹ (EIA) dự báo sản lượng dầu thô của Mỹ từ 7 khu vực đá phiên chính tăng lên mức kỷ lục 7,94 triệu thùng/ngày trong tháng 12/2018. Hầu hết giới phân tích dự kiến sản lượng của Mỹ tăng trên 12 triệu thùng/ngày trong nửa đầu năm 2019.
Vàng tăng do đồng USD giảm
Giá vàng tăng 1% trong phiên qua do đồng USD giảm nhẹ và một số nhà đầu tư mua để đóng lại hợp đồng bán khống sau khi vàng giữ trên mức hỗ trợ quan trọng 1.200 USD/ounce.
Vàng giao ngay tăng 1% lên 1.214,14 USD/ounce. Đây là một ngày tăng mạnh nhất của kim loại này trong gần 2 tuần. Vàng kỳ hạn của Mỹ kết thúc phiên tăng 8,7 USD hay 0,72% lên 1.210,10 USD/oucne.
Chỉ số đồng USD, một thước đó giá trị của nó so với rổ 6 đồng tiền chính, giảm 0,2% sau khi đạt mức cao nhất trong 16 tháng trong ngày 12/11.
Suki Cooper, nhà phân tích kim loại quý tại ngân hàng Standard Chartered cho biết "động lực chính trong ngắn hạn tiếp tục là biến động tiền tệ"
Lượng vàng nắm giữ của quỹ tín thác vàng lớn nhất thế giới SPDR Gold Trust giảm 0,11% xuống 761,16 tấn trong ngày 13/11. Tuy nhiên lượng vàng nắm giữ của quỹ này vẫn gần mức cao nhất trong hơn 2 tháng.
Kim loại cơ bản ổn định
Các kim loại cơ bản giữ ổn định trong phiên qua do doanh số bán lẻ của Trung Quốc yếu đã lấy đi sự lạc quan về sản lượng công nghiệp và số liệu đầu tư tại quốc gia này.
Giá đồng trên sàn giao dịch kim loại London (LME) kết thúc phiên tăng 0,3% lên 6.090 USD/tấn.
Doanh số bản lẻ tại Trung Quốc trong tháng 10 tăng ở tốc độ thấp nhất kể từ tháng 5/2018, cho thấy tiêu dùng chậm lại, ngay cả khi sản lượng công nghiệp và đầu tư phục hồi.
Trong khi đó giá dầu sụt giảm trong ngày 13/11 đã ảnh hưởng tới kim loại và các tài sản khác như chứng khoán.
Cố vấn kinh tế hàng đầu của Tổng thống Mỹ Donald Trump nói rằng "bây giờ khá rõ ràng" Tổng thống Trump sẽ gặp Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình tại hội nghị thượng đỉnh G20 vào cuối tháng này, một ngày sau khi nhà thương thuyết hàng đầu Trung Quốc Liu He nói ông có thể đến Washington để chuẩn bị cho cuộc đàm phán.
Các nhà máy luyện đồng của Trung Quốc đang tìm cách đầu tư nhiều hơn vào các mỏ, đẩy mạnh nguồn cung quặng tại một thời điểm khi sự cạnh tranh nguyên liệu thô này đang nóng lên.
Sản lượng nhôm cơ bản của Trung Quốc giảm tháng thứ 3 liên tiếp trong tháng 10/2018, do giá nhôm thấp khiến các nhà máy luyện giảm sản xuất ngay cả trước khi hạn chế trong mùa đông của chính phủ bắt đầu.
Nhôm LME đóng cửa tăng 0,4% lên 1.943 USD/tấn sau khi chạm mức thấp 15 tháng trong ngày 13/11.
Thị trường chì toàn cầu thiếu hụt tới 21.400 tấn trong tháng 9/2018 trong khi thiếu hụt kẽm giảm xuống 54.700 tấn. Kẽm tăng 0,5% lên 2.502 USD/tấn, chì tăng 0,1% lên 1.953 USD/tấn, thiếc tăng 0,2% lên 19.305 USD/tấn, trong khi nickel chạm mức thấp mới trong 11 tháng giảm 0,3% xuống 11.315 USD/tấn.
Thép Thượng Hải tăng do hy vọng tăng cường kích thích kinh tế
Giá thép cây xây dựng của Trung Quốc phục hồi từ mức thấp nhiều tháng bất chấp sản lượng thép cao kỷ lục trong tháng 10/2018, do các nhà đầu tư dự kiến Bắc Kinh tiếp tục tăng cường kích thích kinh tế trong bối cảnh số liệu kinh tế trái chiều.
Số liệu của Cục Thống kê Quốc gia cho biết nước này đã sản xuất tổng cộng 82,55 triệu tấn thép thô trong tháng 10/2018, mức cao nhất trong ít nhất 8 năm, cho thấy các nhà máy thép đang duy trì công suất làm việc ở mức cao trước khi hạn chế sản xuất trong mùa đông.
Tăng trưởng đầu tư tài sản cố định lên 5,7% trong giai đoạn 10 tháng đầu năm nay. Tuy nhiên, tăng trưởng đầu tư bất động sản trong tháng 10/2018 giảm xuống mức thấp nhất 10 tháng và doanh số bán nhà giảm tiếp do các nhà phát triển kiềm chế các kế hoạch mở rộng đối mặt với nhu cầu đang yếu.
Trong khi đó tăng trưởng tín dụng tại nền kinh tế lớn thứ hai thế giới này giảm mạnh trong tháng 10, với cho vay hộ gia đình giảm xuống 563,6 tỷ CNY từ 754,4 tỷ CNY trong tháng 9/2018.
Dự trữ thép tại các nhà máy của Trung Quốc tiếp tục giảm trong tuần trước xuống 8,91 triệu tấn, mức thấp nhất kể từ giữa tháng 1/2018.
Giá thép cây xây dựng đóng cửa tăng 1,8% lên 3.937 CNY (566,47 USD), cũng thúc đẩy bởi gián đoạn nguồn cung tạm thời sau khi tỉnh sản xuất thép hàng đầu Hà Bắc công bố cảnh báo mức khói bụi màu vàng yêu cầu các nhà máy thép dừng hoạt động từ ngày 12/11 tới ngày 15/11.
Quặng sắt kỳ hạn tháng 1/2019 trên sàn giao dịch Đại Liên giảm 0,7% xuống 512 CNY/tấn.
Cao su TOCOM tiếp tục tăng
Cao su kỳ hạn Tokyo tiếp tục tăng trong phiên qua nhưng vẫn giao dịch gần mức thấp 26 tháng đã đạt được trong phiên trước đó trong bối cảnh lo lắng về nhu cầu toàn cầu yếu.
Cao su kỳ hạn tháng 4/2019 trên sàn giao dịch hàng hóa Tokyo đóng cửa tăng 0,5 JPY lên 159,8 JPY (1,4 USD)/kg. Hợp đồng này đã giảm xuống mức thấp nhất 26 tháng trong ngày 13/11.
Hợp đồng cao su kỳ hạn tháng 1/2019 trên sàn giao dịch Thượng Hải tăng 130 CNY đóng cửa tại 11.285 CNY (1.623 USD)/tấn.
Đường tăng giá
Đường trắng kết thúc phiên tăng 5,1 USD hay 1,17% lên 346,6 USD/tấn.
Thị trường tập trung vào Ấn Độ nơi có thể sản xuất đường ít hơn dự báo 7,4% do các nhà máy báo cáo sản lượng mía đường giảm mạnh bởi hạn hán và nhiễm ấu trùng trắng tại các khu vực trồng chính.
Giá đường toàn cầu bị áp lực giảm trong những tháng gần đây bởi lo lắng rằng nước tiêu thụ đường hàng đầu sẽ phải xuất khẩu một lượng dư thừa khổng lồ ra thị trường thế giới.
Đường thô kỳ hạn tháng 3/2018 tăng 0,04 US cent hay 0,3% lên 12,65 US cent/lb, đảo chiều sau khi chạm 12,53 US cent, yếu nhất kể từ ngày 5/10/2018.
Giá một số mặt hàng chủ chốt sáng ngày 15/11