Thị trường ngày 17/11: Giá dầu vẫn diễn biến trái chiều, vàng, đồng, sắt thép, cao su và cà phê đồng loạt giảm
Chốt phiên giao dịch ngày 16/11, giá dầu vẫn diễn biến trái chiều, vàng, đồng, sắt thép, cao su, cà phê… đồng loạt giảm.
Giá dầu diễn biến trái chiều
Giá dầu diễn biến trái chiều, do triển vọng tồn trữ toàn cầu giảm bù đắp dự báo sản lượng trong những tháng tới tăng và lo ngại về các trường hợp nhiễm virus corona tại châu Âu tăng.
Chốt phiên giao dịch ngày 16/11, dầu thô Brent tăng 38 US cent tương đương 0,5% lên 82,43 USD/thùng, trong khi đó dầu thô Tây Texas WTI giảm 12 US cent tương đương 0,2% xuống 80,76 USD/thùng.
Nhà phân tích Carsten Fritsch thuộc Commerzbank cho biết, thị trường dầu trong ngắn hạn sẽ vẫn thắt chặt, điều này sẽ hỗ trợ giá.
Tuy nhiên, sản lượng dầu từ lưu vực Permian Texas dự báo sẽ đạt mức cao kỷ lục 4,953 triệu thùng/ngày (bpd) trong tháng 12/2021. Đồng thời, tồn trữ dầu thô của Mỹ dự kiến sẽ tăng trong tuần thứ 4 liên tiếp, với các nhà phân tích dự báo tồn trữ dầu thô trong tuần trước tăng khoảng 1,4 triệu thùng.
Các chuyên gia thuộc IEA dự báo, giá dầu Brent trung bình sẽ ở mức 71,5 USD/thùng trong năm 2021 và 79,4 USD/thùng trong năm 2022, trong khi hãng tin TASS dự báo giá dầu có thể đạt 120 USD/thùng trong nửa cuối năm 2022.
Giá khí tự nhiên cao nhất 1 tuần
Giá khí tự nhiên tại Mỹ tăng hơn 3% lên mức cao nhất 1 tuần, do dự báo thời tiết lạnh hơn, nhu cầu sưởi ấm trong tuần tới cao hơn so với dự kiến trước đó và dự kiến giá khí đốt tại châu Âu tăng sẽ thúc đẩy nhu cầu xuất khẩu khí tự nhiên hóa lỏng (LNG) tại Mỹ tăng mạnh.
Giá khí tự nhiên kỳ hạn tháng 12/2021 trên sàn New York tăng 16 US cent tương đương 3,2% lên 5,177 USD/mmBtu – cao nhất kể từ ngày 8/11/2021.
Giá vàng giảm trở lại, palađi cao nhất 1 tháng
Giá vàng giảm trở lại từ mức cao nhất hơn 5 tháng, do lạc quan về doanh số bán lẻ của Mỹ trong tháng 10/2021 đã thúc đẩy đồng USD tăng mạnh, khiến vàng trở nên đắt hơn khi mua bằng tiền tệ khác.
Vàng giao ngay trên sàn LBMA giảm 0,6% xuống 1.851,8 USD/ounce, trong phiên có lúc đạt 1.876,9 USD/ounce – cao nhất kể từ ngày 14/6/2021 và vàng kỳ hạn tháng 12/2021 trên sàn New York giảm 0,7% xuống 1.854,1 USD/ounce.
Doanh số bán lẻ tại Mỹ trong tháng 10/2021 tăng nhanh hơn so với dự kiến, giúp nền kinh tế tăng trưởng vào đầu quý 4/2021 và đẩy đồng USD lên mức cao nhất 16 tháng.
Trong khi đó, palađi tăng 0,5% lên 2.163,93 USD/ounce – cao nhất 1 tháng.
Giá đồng tiếp đà giảm
Giá đồng giảm do đồng USD tăng, theo tâm lý tích cực từ cuộc họp trực tuyến giữa các nhà lãnh đạo của 2 nền kinh tế lớn nhất thế giới.
Giá đồng trên sàn London giảm 1,3% xuống 9.549 USD/tấn.
Đồng USD tăng lên mức cao nhất 16 tháng, khiến đồng và các kim loại khác được định giá bằng đồng bạc xanh kém hấp dẫn hơn khi mua bằng tiền tệ khác. Đồng thời, tồn trữ đồng tại London đạt mức cao nhất trong gần 1 tháng (53.175 tấn).
Capital Economics dự kiến giá đồng sẽ giảm đến năm 2022, do nguồn cung tăng và nhu cầu giảm, chủ yếu là do lĩnh vực xây dựng của Trung Quốc chậm lại.
Giá than luyện cốc, quặng sắt và thép cây đều giảm
Giá than luyện cốc tại Trung Quốc giảm hơn 9% - phiên thứ 3 liên tiếp, trong bối cảnh nguồn cung than tăng và nhu cầu tại các nhà máy than luyện cốc giảm.
Trên sàn Đại Liên, giá than luyện cốc kỳ hạn tháng 1/2022 giảm 9% xuống 1.874 CNY/tấn – thấp nhất kể từ ngày 20/7/2021, trong phiên có lúc giảm 9,4% xuống 1.867 CNY (292,76 USD)/tấn. Giá than cốc giảm 4,3% xuống 2.685 CNY/tấn. Giá quặng sắt giảm 1,1% xuống 541 CNY/tấn. Giá quặng sắt 62% Fe giao ngay sang Trung Quốc không thay đổi ở mức 90 USD/tấn, công ty tư vấn SteelHome cho biết.
Trên sàn Thượng Hải, giá thép cây giảm 1,5% xuống 4.128 CNY/tấn, giá thép cuộn cán nóng giảm 2,2% xuống 4.371 CNY/tấn. Giá thép không gỉ tăng 1% lên 17.405 CNY/tấn.
Giá cao su tại Nhật Bản giảm
Giá cao su tại Nhật Bản giảm nhẹ, xói mòn mức tăng trước đó sau cuộc họp trực tuyến giữa Tổng thống Mỹ Joe Biden và chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình, dấy lên kỳ vọng về mối quan hệ tốt hơn giữa 2 cường quốc thế giới.
Giá cao su kỳ hạn tháng 4/2022 trên sàn Osaka giảm 0,3 JPY xuống 227,3 JPY/kg.
Trong khi đó, giá cao su kỳ hạn tháng 1/2022 trên sàn Thượng Hải tăng 1,4% lên 14.695 CNY/tấn.
Giá cà phê giảm
Giá cà phê arabica giảm, sau khi đạt mức cao nhất 7 năm trong phiên trước đó, bất chấp xuất khẩu từ nước sản xuất hàng đầu – Brazil – bị chậm lại và các dấu hiệu nhu cầu hồi phục.
Giá cà phê arabica kỳ hạn tháng 3/2022 trên sàn ICE giảm 0,2% xuống 2,245 USD/lb, sau khi đạt mức cao nhất 7 năm (2,2825 USD/lb) trong phiên trước đó.
Đồng thời, giá cà phê robusta kỳ hạn tháng 1/2022 trên sàn London giảm 1,2% xuống 2.237 USD/tấn.
Giá đường tăng
Giá đường thô kỳ hạn tháng 3/2022 trên sàn ICE tăng 1,3% lên 19,99 US cent/lb.
Đồng thời, giá đường trắng kỳ hạn tháng 3/2022 trên sàn London tăng 0,8% lên 513,7 USD/tấn.
Giá lúa mì, đậu tương và ngô đều giảm
Giá lúa mì tại Mỹ giảm do hoạt động bán ra chốt lời khi giá lúa mì đạt mức cao nhất 9 năm.
Trên sàn Chicago, giá lúa mì đỏ mềm, vụ đông kỳ hạn tháng 12/2021 giảm 16 US cent xuống 8,1-1/4 USD/bushel, ngày giảm mạnh nhất kể từ ngày 13/10/2021. Giá đậu tương kỳ hạn tháng 1/2022 giảm 6 US cent xuống 12,51-1/4 USD/bushel và giá ngô kỳ hạn tháng 12/2021 giảm 5-1/2 US cent xuống 5,71 USD/bushel.
Giá dầu cọ tiếp đà tăng
Giá dầu cọ tại Malaysia tăng, theo xu hướng giá dầu cọ trên sàn Đại Liên và xuất khẩu dầu cọ trong nửa đầu tháng 11/2021 tăng.
Giá dầu cọ kỳ hạn tháng 2/2022 trên sàn Bursa Malaysia tăng 20 ringgit tương đương 0,42% lên 4.786 ringgit (1.149,24 USD)/tấn.
Xuất khẩu sản phẩm dầu cọ của Malaysia trong nửa đầu tháng 11/2021 tăng 10% so với cùng tháng năm ngoái và 29% so với tháng trước đó.
Giá một số mặt hàng chủ chốt sáng ngày 17/11: