Thị trường ngày 17/9: Giá dầu WTI tăng vọt gần 5%, vàng và các hàng hóa khác đồng loạt leo cao
Thị trường hàng hóa nguyên liệu vừa kết thúc một phiên khởi sắc khi giá hầu hết các mặt hàng quan trọng đều tăng.
- 15-09-2020Thị trường ngày 15/9: Giá vàng tăng do USD yếu đi, đồng cao nhất 26 tháng
- 12-09-2020Thị trường ngày 12/9: Vàng đảo chiều giảm, đồng và quặng sắt cùng tăng cao
- 11-09-2020Thị trường ngày 11/9: Giá dầu giảm gần 2%, vàng tiếp đà tăng do USD suy yếu
Dầu tăng hơn 4% do bão ở Vịnh Mexico
Giá dầu tăng hơn 4% trong phiên vừa qua, do lượng tồn trữ xăng dầu của Mỹ giảm và bão Sally buộc các cơ sở sản xuất dầu ngoài khơi của Mỹ phải tạm dừng hoạt động.
Kết thúc phiên, dầu Brent tăng 1,69 USD (4,2%) lên 42,22 USD/thùng; dầu Tây Texas Mỹ (WTI) tăng 1,88 USD (4,9%) đạt 40,16 USD/thùng.
Tồn trữ dầu thô của Mỹ giảm 4,4 triệu thùng trong tuần vừa qua, xuống 496 triệu thùng, mức thấp nhất kể từ tháng 4, theo Cơ quan Thông tin năng lượng Mỹ. Con số này trái ngược hoàn toàn với dự đoán của các nhà phân tích qua cuộc thăm dò của Reuters – là tăng 1,3 triệu thùng. Tồn trữ xăng cũng giảm 400.000 thùng.
Vàng tăng trước khi Fed công bố quyết định chính sách
Giá vàng tăng trong phiên vừa qua bởi dự báo Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) sẽ tái khẳng định lập trường chính sách tiền tệ ôn hòa đề hỗ trợ nền kinh tế hồi phục sau dịch Covid-19.
Cuối phiên giao dịch, vàng giao ngay giá tăng 0,3% lên 1.960 USD/ounce, vàng kỳ hạn tháng 12/2020 tăng 0,2% lên 1.970,50 USD/ounce.
Các nhà đầu tư kỳ vọng Fed sẽ duy trì lãi suất thấp trong một thời gian dài, và tiếp tục mục tiêu lạm phát 2%. Cuộc họp này là cuộc họp chính sách đầu tiên của Fed kể từ sau khi họ công bố lập trường tập trung mũi nhọn vào lạm phát.
Kẽm cao nhất 16 tháng
Giá kẽm phiên vừa qua đạt mức cao nhất 16 tháng do triển vọng nhu cầu mạnh từ Trung Quốc và đồng CNY tăng giá, làm cho kim loại nói chung trở nên hấp dẫn đối với khách hàng Trung Quốc.
Kết thúc phiên trên sàn London, kẽm giao sau 3 tháng tăng 1,2% lên 1.526 USD/tấn, là phiên tăng giá thứ 4 liên tiếp. Giá kim loại này ngày 1/9 đã đạt 2.583 USD/tấn.
Quặng sắt giảm do cung tăng
Giá quặng sắt trên thị trường Trung Quốc giảm hơn 5% trong phiên vừa qua do thị trường bớt lo ngại về tình trạng khan hiếm nguồn cung trên toàn cầu, trong khi biên độ lợi nhuận ngành thép giảm dẫn tới giảm nhu cầu quặng sắt.
Kết thúc phiên giao dịch, quặng sắt kỳ hạn tháng 1/2021 trên sàn Đại Liên giảm 5,1% xuống 796,5 CNY/tấn, mức thấp nhất kể từ 3/8 và là mức giảm trong 1 ngày nhiều nhất trong vòng gần 6 tháng. Trên sàn Singapore, giá quặng sắt giảm 3,8% xuống 119,15 USD/tấn.
Mấy tuần gần đây, thị trường quặng sắt nóng lên, giá lập mức cao nhất trong vòng hơn 6 năm do nguồn cung hạn hẹp và xuất hiện những dấu hiệu cho thấy nhu cầu thép hồi phục. Tuy nhiên, việc nhập khẩu mạnh từ Australia và Brazil đã khiến lượng quặng lưu trữ tại các cảng biển Trung Quốc tuần qua tăng lên mức cao nhất kể từ tháng 4/2020, theo số liệu của SteelHome.
Bộ trưởng Bộ Địa chất và khai thác khoáng sản Brazil khẳng định họ không lo ngại việc sẽ không đáp ứng đủ nhu cầu quặng sắt của Trung Quốc. Nước này đã xuất khẩu 76 triệu tấn quặng sắt trong thời gian đó, cao hơn 8% so với xuất khẩu trong quý 1/2020; trị giá xuất khẩu đạt tổng trị giá 5 tỷ USD trong quý 2/2020, cao hơn 6% so với quý 1/2020.
Thép giảm
Giá thép tại Trung Quốc giảm trong phiên vừa qua. Cụ thể, trên sàn Thượng Hải, thép cây kỳ hạn tháng 1/2021 giảm 65 CNY (khoảng 9,58 USD) xuống 3.575 CNY/tấn; thép cuộn cán nóng giao cùng kỳ hạn giảm 78 CNY xuống 3.689 CNY/tấn.
Tại hội nghị ngạnh do Hiệp hội Sắt thép Trung Quốc (CISA) tổ chức hôm 9/9, chín hãng sản xuất thép Trung Quốc, bao gồm Tập đoàn Baowu - lớn nhất của Trung Quốc, Tập đoàn Shougang và Tập đoàn Ansteel, đã yêu cầu Hiệp hội tăng cường giám sát thương mại thép, đẩy mạnh việc sáp nhập tái cấu trúc ngành thép, và giảm bớt áp lực về cung – cầu nguyên liệu, mà cụ thể là ngăn chặn việc gia tăng mạnh nhập khẩu các kim loại công nghiệp, và nới lỏng chính sách nhập khẩu phế liệu.
Những tháng gần đây, Trung Quốc đã tăng cường nhập khẩu thép cuộn cán nóng và thép bán thành phẩm, bởi giá trên thị trường quốc tế giảm. Nhập khẩu thép Trung Quốc trong 8 tháng đầu năm 2020 đã tăng 59,6% so với cùng kỳ năm trước.
Đậu tương cao nhất 2 năm do nhu cầu từ Trung Quốc
Giá đậu tương đã tăng lên mức cao kỷ lục 2 năm do Trung Quốc tiếp tục mua mạnh đậu tương Mỹ.
Trên sàn Chicago, đậu tương kỳ hạn tháng 11 tăng 19-3/4 US cent lên 10,11-1/4 nUSD/bushel vào lúc đóng cửa, sau khi có thời điểm đạt 10,13-3/4 USD, cao nhất kể từ tháng 6/2018.
Đường thô hồi phục
Giá đường thô tiếp tục tăng sau khi vượt ngưỡng 12 US ccent do USD giảm tiếp và giá dầu tăng tiếp.
Kết thúc phiên, đường thô kỳ hạn tháng 10 tăng 0,27 US cent (2,2%) lên 12,35 US cent/lb, trong phiên có lúc đạt 12,43 US cent, cao nhất kể từ 13/9.
Đồng USD giảm giá trị làm cho những mặt hàng tính bằng USD trở nên rẻ hơn đối với những khách hàng mua bằng các loại tiền tệ khác. Trong khi đó, dầu tăng giá khiến các nhà máy đường Brazil tăng sản xuất ethanol và giảm sản xuất đường.
Ngân hàng Citi dự báo "Giá đường thô sẽ duy trì ở mức vừa phải trong 6 tháng cuối năm 2020, khoảng 12,25 US cent/lb. Sang năm 2021, giá sẽ ở mức 14 US cent vì giá dầu tiếp tục tăng".
Đường trắng kỳ hạn tháng 12 tăng 4,7 USD (1,3%) lên 358 USD/tấn.
Cà phê arabica giảm tiếp
Giá cà phê arabica giảm tiếp sau khi đã chạm mức thấp nhất 1 tháng.
Kết thúc phiên, arabica kỳ hạn tháng 12 giảm 1,95 US cent (1,6%) xuống 1,1985 USD/lb, đã mất tổng cộng gần 10% giá trị chỉ sau 2 phiên vừa qua do dự báo sẽ có mưa đủ ở Brazil.
Trái với arabica, robusta tiếp tục tăng, với hợp đồng kỳ hạn tháng 11 tăng 1 USD lên 1.392 USD/tấn.
Cao su tăng phiên thứ 3 liên tiếp
Giá cao su kỳ hạn tại Nhật Bản đã tăng phiên thứ 3 liên tiếp, theo xu hướng tăng ở sàn Thượng Hải, sau khi sản lượng công nghiệp và bán lẻ của Trung Quốc đều tăng nhanh.
Trên sàn Osaka, cao su kỳ hạn tháng 2/2021 tăng 1,4 JPY (0,8%) lên 184,6 JPY/kg, cao nhất kể từ 3/9. Trên sàn Thượng Hải, cao su kỳ hạn tháng 1/2021 tăng 0,8% lên 12.475 CNY/tấn.
Giá một số mặt hàng chủ chốt sáng 17/9