MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Thị trường ngày 18/12: Dầu, đồng, than, cao su… đồng loạt đi lên, lập nhiều kỷ lục cao

18-12-2019 - 08:55 AM | Thị trường

Thị trường hàng hóa nguyên liệu vừa qua một phiên khởi sắc khi giá dầu, đồng, ngũ cốc, đường, cao su… đồng loạt đi lên, lập nhiều kỷ lục cao.

Dầu tăng vượt 65 USD

Giá dầu tăng hơn 1% trong phiên vừa qua do hy vọng thỏa thuận thương mại Mỹ - Trung sẽ thúc đẩy nhu cầu dầu trong năm 2020 . Dầu Brent tăng 76 US cent (1,2%) lên 66,10 USD/thùng, trong khi dầu Tây Texas Mỹ (WTI) tăng 73 US cent (1,2%) lên 60,94 USD/thùng.

Một cố vấn hàng đầu của Nhà Trắng, Larry Kudlow, cho biết rằng thỏa thuận Giai đoạn 1 giữa Mỹ và Trung Quốc đã "hoàn tất hoàn toàn".

Một số ngân hàng, trong đó có JP Morgan và Godman Sachs đã nâng dự báo về giá dầu năm 2020 do kỳ vọng triển vọng thương mại được cải thiện và thỏa thuận mới của Tổ chức các nước xuất khẩu dầu mỏ (OPEC) và đồng minh nhằm cắt giảm sản lượng sâu hơn nữa.

Vàng vững, palađi giảm sau khi tiến sát mốc 2000 USD

Giá vàng tiếp tục đi ngang trong phiên vừa qua do số liệu sản xuất của Mỹ tích cực làm gia tăng nhu cầu đối với những tài sản rủi ro, trong khi nghi ngờ về thực tế thương mại Mỹ - Trung lại hỗ trợ nhu cầu đối với những tài sản an toàn như vàng.

Cuối phiên giao dịch, vàng giao ngay vững ở 1.476,23 USD/ounce, trong khi vàng kỳ hạn tháng 2/2020 cũng duy trì ở mức 1.480,6 USD/ounce.

Sản lượng công nghiệp của Mỹ tháng 11/2019 tăng nhiều hơn dự đoán khiến chứng khoán phố Wall tăng lên sát mức cao kỷ lục.

Về mặt hàng palađi, kết thúc phiên vừa qua, giá giảm 1,7% xuống 1.944,6 USD/ounce, nhưng trước đó có thời điểm đạt mức cao kỷ lục của mọi thời đại là 1.998,43 USD. Kim loại quý này có nhiều khả năng sẽ còn tăng hơn nữa do nhu cầu ngày càng cao vì mục tiêu chống khí thải carbon ngày càng cao trên toàn cầu (palađi được dùng trong sản xuất bộ chuyển đổi xúc tác cho ô tô). Nguồn cung palađi trên toàn cầu ngày càng khan hiếm, trong khi nhu cầu tăng theo xu hướng hồi phục kinh tế toàn cầu.

Cũng trong phiên vừa qua, giá bạch kim giảm 0,3% xuống 926,73 USD/ounce, trong khi bạc giảm 0,1% xuống 17,01 USD/ounce.

Đồng cao kỷ lục 7 tháng do lo ngại về nguồn cung

Giá đồng đã chạm mức cao nhất trong vòng 7 tháng do các nhà đầu tư bắt đầu tính tới việc thỏa thuận thương mại Mỹ - Trung có thể dẫn tới thiếu cung đồng trong năm tới vì sản xuất mặt hàng này đang gặp nhiều vấn đề. Chênh lệch giữa giá đồng giao ngay và kỳ hạn 3 tháng đã giảm còn -6 USD/tấn, mức thấp nhất 7,5 tháng, cho thấy nguồn cung gần hạn sẽ bị thắt chặt. Lượng đồng lưu kho trên sàn này đã giảm xuống 162.225 tấn, thấp nhất kể từ 13/3.

Kết thúc phiên giao dịch trên sàn London, đồng kỳ hạn 3 tháng ở mức 6.200 USD/tấn, trước đó có lúc đạt 6.223 USD/tấn, cao nhất kể từ 8/5. Capital Economics dự báo giá sẽ còn tăng tiếp lên 6.400 USD/tấn vào cuối năm 2020.

Sắt, thép giảm tiếp

Giá quặng sắt kỳ hạn trên sàn Đại Liên giảm phiên thứ 2 liên tiếp do các nhà khai thác lớn trên thế giới tăng cường xuất khẩu và số liệu kinh tế của Trung Quốc không khả quan.

Trên sàn Đại Liên, quặng sắt kỳ hạn tháng 555/2020 phiên vừa qua có thời điểm giảm 2,9%, lúc kết thúc giao dịch giảm 2,8% xuống 635 CNY (90,21 USD)tấn.

Xuất khẩu quặng sắt từ Brazil và Australia tăng lên 22,15 triệu tấn trong tuần qua, cao hơn 462.000 tấn so với tuần trước đó, theo số liệu của Mysteel.

Thép cũng giảm giá trong phiên vừa qua. Trên sàn Thượng Hải, thép cây kỳ hạn tháng 5/2020 giảm 0,8% xuống 3.484 CNY/tấn, thép cuộn cán nóng cũng giảm 0,4% xuống 3.540 CNY/tấn.

Số liệu chính thức từ Trung Quốc cho thấy đầu tư trong lĩnh vực bất động sản tháng 11/2019 tăng chậm lại, chỉ đạt 8,4% so với cùng kỳ năm ngoái, trong khi số công trình mới xây tháng 11/2019 giảm so với tháng 10.

Than tiếp diễn đà tăng

Giá than luyện cốc trên sàn Đại Liên tăng 0,4% trong phiên vừa qua, lên 1.245 CNYtấn, trong khi than cốc tăng 0,7% lên 1.855 CNY/tấn.

Cơ quan Năng lượng Quốc tế (IEA) dự báo nhu cầu than trên toàn cầu sẽ tiếp tục ổn định cho tới năm 2024 do tăng trưởng của Châu Á mạnh bù lại cho nhu cầu chậm lại ở Châu Âu và Mỹ.

Đậu tương, ngô và lúa mì tăng phiên thứ 4 liên tiếp, dầu đậu tương cao nhất gần 2 năm

Giá đậu tương trên sàn Chicago tăng phiên thứ 4 liên tiếp, lên mức cao nhất kể từ 8/11, sau khi giá dầu đậu tương lập ‘đỉnh’ 2 năm. Ngô và lúa mì cũng tăng do các quỹ hàng hóa tích cực mua vào sau khi Mỹ - Trung đạt được thỏa thuận Giai đoạn 1.

Kết thúc phiên, đậu tương kỳ hạn tháng 1/2020 tăng 6-3/4 US cent lên 9,28-3/4 USD/bushel, dầu đậu tương giao cùng kỳ hạn tăng 2,2% lên 33,82 US cent/lb, cao nhất kể từ 5/1/2018.

Ngô kỳ hạn tháng 3/2020 tăng 2 US cent lên 3,9 USD/bushel, trong khi lúa mì đỏ mềm vụ Đông tăng 6-1/2 US cent lên 5,56-1/4 USD/bushel.

Quyết định tăng thuế nông sản của Argentina càng góp phần đẩy giá ngũ cốc đi lên trong phiên vừa qua. Cụ thể, Chính phủ Argentina muốn tăng thuế xuất khẩu lúa mì và ngô từ 12% lên 15% và đậu tương từ 30% lên 33%.

Cà phê arabica giảm khỏi mức cao nhất 2 năm

Giá cà phê arabica đã mất mốc cao nhất hơn 2 năm do giới đầu tư thận trọng sau đợt tăng giá vừa qua. Kết thúc phiên, arabica kỳ hạn tháng 3/2020 giảm 6,3 US cent (4,5%) xuống 1,3265 USD/lb, trước đó có lúc đạt 1,4245 USD, cao nhất kể từ tháng 9/2017. Robusta giao cùng kỳ hạn giảm 21 USD, tương đương 1,45%, xuống 1.429 USD/tấn. Các thương gia cho biết xuất khẩu cà phê từ Việt Nam – nước sản xuất robusta hàng đầu thế giới – bắt đầu tăng lên sau giai đoạn mưa gần đây làm cho việc thu hoạch bị chậm lại.

Đường tăng

Giá đường thô kỳ hạn tháng 3/2020 trên sàn New York tăng 0,04 US cent (0,3%) lên 13,33 US cent/lb, không thấp hơn nhiều so với mức cao nhất hơn 1 năm đạt được vào tuần trước – 13,67 US cent. Đường trắng trên sàn London cũng tăng, thêm 1,9 USD (0,5%) lên 353,6 USD/tấn (kỳ hạn tháng 3/2020).

Các quỹ hàng hóa đang mua vào khá tích cực, trong khi các nhà máy đường ở Brazil vẫn còn tương đối nhiều đường để bán.

Cao su tăng

Giá cao su trên cả 2 sàn Tokyo và Thượng Hải đều tăng trong phiên vừa qua do lạc quan về thỏa thuận thương mại mà Mỹ và Trung Quốc vừa đạt được.

Trên sàn Tokyo, cao su kỳ hạn tháng 5/2020 tăng 1,1 JPY (0,0101 USD) lên 200,9 JPY/kg, trong khi đó trên sàn Thượng Hải, cao su kỳ hạn tháng 5/2020 tăng 165 JPY (23,44 USD) lên 13.265 CNY/tấn. Loại TSR20 của Trung Quốc cũng tăng 160 JPY lên 11.080 JPY/tấn.

Hành Trung Quốc khó cạnh tranh với hành Hà Lan

Thị trường hành quốc tế phụ thuộc khá nhiều vào thị trường hành Hà Lan. Tổng khối lượng nguồn cung trên thị trường hành Hà Lan năm nay tăng so với năm ngoái nhờ thời tiết thuận lợi.

Trung Quốc cũng là nhà sản xuất hành lớn, nhưng giá hành ở Trung Quốc cũng bị ảnh hưởng bởi giá ở Hà Lan. Trung Quốc xuất khẩu hành chủ yếu sang Malaysia, Bangladesh và Sri Lanka. Khối lượng xuất khẩu của Trung Quốc năm nay giảm do giá hành Hà Lan năm nay rẻ hơn hành Trung Quốc. Ví dụ, hành vàng Hà Lan xuất sang Malaysia giá 320 USD/tấn, trong khi hành vàng Trung Quốc giá 390 USD/tấn.

Thị trường ngày 18/12: Dầu, đồng, than, cao su… đồng loạt đi lên, lập nhiều kỷ lục cao - Ảnh 1.

Các thương gia trong ngành dự báo giá hành Trung Quốc sẽ giảm xuống bởi chất lượng hành Hà Lan cao mà giá lại rẻ, và các nước Đông Nam Á (thị trường tiêu thụ chủ yếu của Trung Quốc) cũng sắp vào mùa thu hoạch hành. Khi Ấn Độ, Bangladesh, Thái Lan và Myanmar có hành vụ mới thì thị phần của Trung Quốc sẽ giảm dần, do đó giá dự báo cũng sẽ giảm theo.

Giá một số mặt hàng chủ chốt sáng nay 18/12

Thị trường ngày 18/12: Dầu, đồng, than, cao su… đồng loạt đi lên, lập nhiều kỷ lục cao - Ảnh 2.

Minh Quân

Trí Thức Trẻ

Trở lên trên