Thị trường ngày 18/6: Giá dầu rời khỏi mức cao nhất nhiều năm, vàng giảm 2%, đồng và đường thấp nhất 2 tháng
Chốt phiên giao dịch ngày 17/6, giá dầu rời khỏi mức cao nhất nhiều năm, vàng, palađi, bạch kim, cà phê, đậu tương, … đồng loạt giảm, đồng và đường thấp nhất 2 tháng, trong khi quặng sắt, thép và cao su tăng.
- 09-06-2021Cơn khát năng lượng xanh sẽ là nguồn cơn của "siêu chu kỳ hàng hoá kéo dài nhiều thập kỷ" tiếp theo?
- 31-05-2021"Gồng mình" trước giá hàng hoá tăng vọt, Trung Quốc đứng trước nguy cơ đứt gãy chuỗi cung ứng
- 27-05-2021WSJ: Trung Quốc siết giá hàng hoá, nhưng được bao lâu?
Giá dầu rời khỏi mức cao nhất nhiều năm
Giá dầu giảm gần 2% từ mức cao nhất nhiều năm do đồng USD tăng mạnh sau khi Cục Dự trữ Liên bang Mỹ cho biết có thể tăng lãi suất sớm nhất vào năm 2023.
Chốt phiên giao dịch ngày 17/6, dầu thô Brent giảm 1,31 USD tương đương 1,8% xuống 73,08 USD/thùng và dầu thô Tây Texas WTI giảm 1,11 USD tương đương 1,5% xuống 71,04 USD/thùng. Trong phiên trước đó, giá dầu Brent đạt mức cao nhất kể từ tháng 4/2019 và dầu WTI đạt mức cao nhất kể từ tháng 10/2018. Tuy nhiên, tính từ đầu năm đến nay cả hai loại dầu đã tăng hơn 40%.
Mối lo ngại về nhu cầu dầu gia tăng, sau khi số trường hợp nhiễm virus corona mới tại Anh tăng và lo ngại về nguồn cung Iran trở lại cũng gây áp lực thị trường.
Đồng USD tăng lên mức cao nhất kể từ giữa tháng 4/2021 so với giỏ tiền tệ chủ chốt khác, sau khi Fed cho biết có thể tăng lãi suất nhanh hơn nhiều so với giả định. Đồng bạc xanh tăng khiến dầu trở nên đắt hơn khi mua bằng tiền tệ khác và điều này làm nhu cầu dầu giảm.
Giá khí tự nhiên tiếp đà tăng
Giá khí tự nhiên tại Mỹ thay đổi nhẹ, do tồn trữ thấp hơn so với dự kiến. Giá khí tự nhiên kỳ hạn tháng 7/2021 trên sàn New York tăng 0,2 US cent tương đương 0,1% lên 3,253 USD/mmBTU.
Giá vàng giảm hơn 2%, palađi và bạch kim giảm
Giá vàng giảm hơn 2%, đồng thời xuất hiện tình trạng bán tháo kim loại quý khi palađi có phiên giảm mạnh nhất hơn 1 năm. Nguyên nhân đến từ việc đồng USD tăng sau khi Cục Dự trữ Liên bang Mỹ đưa ra chiến lược tiền tệ.
Vàng giao ngay trên sàn LBMA giảm 2% xuống 1.776,1 USD/ounce, trước đó trong phiên chạm mức thấp nhất kể từ ngày 3/5/2021 (1.766,29 USD/ounce) và vàng kỳ hạn tháng 8/2021 trên sàn New York giảm 4,7% xuống 1.774,8 USD/ounce.
Đồng thời, giá palađi giảm 10% xuống 2.517,18 USD/ounce và bạch kim giảm 6,6% xuống 1.048,44 USD/ounce.
Giá đồng thấp nhất 2 tháng
Giá đồng giảm xuống mức thấp nhất 2 tháng, sau khi Cục Dự trữ Liên bang Mỹ đưa ra kỳ vọng tăng lãi suất, đẩy đồng USD tăng và nhu cầu kim loại suy giảm.
Giá đồng giao sau 3 tháng trên sàn London giảm 4% xuống 9.285 USD/tấn, sau khi chạm mức thấp nhất kể từ ngày 20/4/2021 (9.276 USD/tấn).
Fed cho biết những thay đổi đối với chính sách bao gồm việc tăng lãi suất và kết thúc việc mua trái phiếu, có thể xảy ra sớm hơn so với dự kiến. Điều này đẩy đồng USD lên mức cao nhất 2 tháng, khiến hàng hóa định giá bằng đồng bạc xanh đắt và ít hấp dẫn hơn tiền tệ khác.
Ngoài ra, giá đồng chịu áp lực giảm bởi nước tiêu thụ hàng đầu – Trung Quốc – có kế hoạch giải phóng kim loại công nghiệp từ kho dự trữ quốc gia để kiềm chế giá hàng hóa tăng cao.
Giá quặng sắt và thép đều tăng
Giá nguyên liệu sản xuất thép tại Trung Quốc tăng, được thúc đẩy bởi sản lượng thép thô hàng tháng đạt mức cao kỷ lục và nhu cầu tăng mạnh.
Trên sàn Đại Liên, giá quặng sắt kỳ hạn tháng 9/2021 tăng 1% lên 1.224 CNY (190,31 USD)/tấn. Giá than luyện cốc tăng 2,3% lên 2.010 CNY/tấn và giá than cốc tăng 1,6% lên 2.754 CNY/tấn.
Đồng thời, trên sàn Thượng Hải giá thép cây kỳ hạn tháng 10/2021 tăng 0,3% lên 5.101 CNY/tấn, giá thép cuộn cán nóng tăng 0,3% lên 5.371 CNY/tấn. Giá thép không gỉ kỳ hạn tháng 7/2021 giảm 0,7% xuống 16.160 CNY/tấn.
Giá cao su tăng
Giá cao su tại Nhật Bản tăng trong phiên giao dịch trầm lắng, do đồng JPY suy yếu so với đồng USD. Tuy nhiên, mối lo ngại động thái ổn định giá hàng hóa của Trung Quốc và nguồn cung gia tăng sau mùa đông đã hạn chế đà tăng giá.
Giá cao su kỳ hạn tháng 11/2021 trên sàn Osaka tăng 0,3 JPY lên 235,5 JPY (2,1 USD)/kg.
Đồng thời, giá cao su kỳ hạn tháng 9/2021 trên sàn Thượng Hải tăng 25 CNY lên 12.780 CNY (1.987 USD)/tấn.
Giá cà phê đồng loạt giảm tại Việt Nam, Indonesia, New York và London
Nguồn cung thắt chặt và nhu cầu suy yếu đã hạn chế doanh số bán cà phê tại Việt Nam, trong khi hoạt động giao dịch tại Indonesia gia tăng khi vụ thu hoạch bắt đầu.
Giá cà phê robusta xuất khẩu của Việt Nam (loại 2, 5% đen & vỡ) có mức trừ lùi 30 USD/tấn so với hợp đồng kỳ hạn tháng 9/2021 trên sàn London và 20-30 USD/tấn 1 tuần trước đó. Tại thị trường nội địa, cà phê nhân xô được bán với giá 34.500-35.600 VND (1,5-1,55 USD)/kg, tăng so với mức giá 33.500-35.000 VND/kg cách đây 1 tuần.
Xuất khẩu cà phê của Việt Nam trong tháng 5/2021 giảm 1,4% so với tháng 4/2021 xuống 130.285 tấn. Trong 5 tháng đầu năm 2021, Việt Nam xuất khẩu 715.263 tấn cà phê, giảm 12% so với cùng kỳ năm ngoái.
Tại Indonesia, giá cà phê robusta loại 4 (80 hạt lỗi) chào bán ở mức cộng 80-90 USD/tấn hợp đồng kỳ hạn tháng 9/2021, giảm so với mức cộng 100-110 USD/tấn hợp đồng kỳ hạn tháng 3-8/2022 cách đây 1 tuần.
Tại New York, giá cà phê Arabica kỳ hạn tháng 9/2021 giảm 3,85 US cent tương 2,5% xuống 1,516 USD/lb, trước đó trong phiên chạm mức thấp nhất kể từ ngày 24/5/2021 (1,58 USD/lb).
Tại London, giá cà phê robusta kỳ hạn tháng 9/2021 giảm 31 USD tương đương 1,9% xuống 1.598 USD/tấn.
Giá đường thấp nhất 2 tháng
Giá đường thô chạm mức thấp nhất gần 2 tháng, do đồng USD tăng, thị trường chứng khoán và thị trường hàng hóa khác giảm, sau khi Cục Dự trữ Liên bang Mỹ cho biết có thể tăng lãi suất sớm hơn so với dự kiến.
Giá đường thô kỳ hạn tháng 7/2021 trên sàn ICE giảm 0,49 US cent tương đương 2,9% xuống 16,55 US cent/lb, trong đầu phiên giao dịch chạm mức thấp nhất kể từ ngày 20/4/2021 (16,52 US cent/lb).
Giá đường trắng kỳ hạn tháng 8/2021 trên sàn London giảm 12 USD tương đương 2,7% xuống 425 USD/tấn, trong phiên có lúc chạm mức thấp nhất hơn 2 tháng (422 USD/tấn).
Giá đậu tương, lúa mì và ngô đều giảm
Giá ngô và đậu tương tại Mỹ giảm trong bối cảnh thời tiết thuận lợi tại khu vực Trung tây Mỹ thúc đẩy năng suất cây trồng.
Trên sàn Chciago, giá ngô kỳ hạn tháng 7/2021 giảm 40 US cent xuống 6,33 USD/bushel, giá đậu tương kỳ hạn tháng 7/2021 giảm 18-3/4 US cent xuống 13,29-3/4 USD/bushel và giá đậu tương kỳ hạn tháng 11/2021 giảm 90-1/2 US cent xuống 12,52-3/4 USD/bushel – dưới ngưỡng 13 USD/bushel – lần đầu tiên kể từ tháng 4/2021. Giá lúa mì kỳ hạn tháng 7/2021 giảm 23-3/4 US cent xuống 6,39 USD/bushel, sau khi giảm xuống 6,37-1/4 USD/bushel – thấp nhất kể từ ngày 14/4/2021.
Giá gạo Ấn Độ thấp nhất 1 tháng, giảm tại Ấn Độ và Thái Lan, tăng tại Việt Nam
Giá gạo xuất khẩu tại Ấn Độ giảm xuống mức thấp nhất kể từ giữa tháng 5/2021 do đồng rupee giảm, song chi phí vận chuyển tăng cao đã hạn chế đà suy giảm.
Tại Ấn Độ - nước xuất khẩu gạo hàng đầu, giá gạo 5% tấm giảm xuống 374-379 USD/tấn so với mức 379-383 USD/tấn cách đây 1 tuần, chủ yếu do đồng rupee chạm mức thấp nhất 1,5 tháng.
Tại Thái Lan, giá gạo 5% tấm giảm xuống 440-486 USD/tấn so với 455-484 USD/tấn tuần trước đó, do nguồn cung tăng gây áp lực giá.
Đối với loại 5% tấm, giá gạo Việt Nam được chào bán ở mức 483-487 USD/tấn, cao hơn so với 480-485 USD/tấn cách đây 1 tuần.
Giá dầu cọ tiếp đà giảm
Giá dầu cọ tại Malaysia đảo ngược mức tăng trước đó và giảm 1%, do nước mua hàng đầu - Ấn Độ - đưa ra kế hoạch cắt giảm thuế nhập khẩu, song đồng ringgit suy yếu đã hạn chế đà suy giảm.
Giá dầu cọ kỳ hạn tháng 9/2021 trên sàn Bursa Malaysia giảm 34 ringgit tương đương 1% xuống 3.370 ringgit (814,4 USD)/tấn, sau khi Ấn Độ đưa ra kế hoạch cắt giảm thuế nhập khẩu.
Trước đó trong phiên, giá dầu cọ đạt 3.452 ringgit/tấn khi Ấn Độ giảm giá nhập khẩu dầu cọ thô cơ bản xuống 1.136 USD/tấn từ mức 1.222 USD/tấn. Ấn Độ sử dụng giá nhập khẩu cơ sở để tính số thuế mà một nhà nhập khẩu cần phải thanh toán.
Giá một số mặt hàng chủ chốt sáng ngày 18/6: