MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Thị trường ngày 21/9: Dầu tiếp đà giảm, Palađi lên cao kỷ lục, quặng sắt có tuần giảm mạnh nhất trong 6 tuần

21-09-2019 - 08:44 AM | Thị trường

Chốt phiên cuối tuần giá dầu giảm nhưng dầu Brent vẫn có tuần tăng mạnh nhất kể từ tháng 1, palađi lên mức cao kỷ lục, vàng có tuần tăng đầu tiên trong 4 tuần, nickel tăng khi Indonesia dự định cấm vận xuất khẩu quặng nickel, trong khi quặng sắt có tuần giảm mạnh nhất trong 6 tuần.

Dầu giảm do lo sợ thương mại Mỹ - Trung Quốc

Giá dầu giảm trong phiên đêm qua do lo sợ về cuộc chiến thương mại Mỹ - Trung Quốc, nhưng tính chung cả tuần vẫn tăng, dầu Brent đánh dấu tuần tăng mạnh nhất kể từ tháng 1, sau cuộc tấn công vào ngành năng lượng của Saudi Arabia cuối tuần trước.

Dầu thô Brent kỳ hạn tháng 11 đóng cửa phiên 20/9 giảm 12 US cent xuống 64,28 USD/thùng, trong khi dầu thô WTI kỳ hạn tháng 10 giảm 4 US cent xuống 58,09 USD/thùng. Tuy nhiên, cả tuần này dầu Brent tăng 6,7%, tăng một tuần nhiều nhất kể từ tháng 1, dầu Brent tăng 5,9%, mạnh nhất kể từ tháng 6.

Giá giảm cùng với các thị trường chứng khoán và ngũ cốc sau khi các quan chức nông nghiệp Trung Quốc dự định thăm các trang trại của Mỹ trong tuần tới đã hủy chuyến đi của họ tới Montana và Nebraska và trở về Trung Quốc sớm hơn dự kiến ban đầu.

Việc hủy bỏ chuyến thăm diễn ra khi các cuộc đàm phán thương mại được tổ chức tại Washington và Tổng thống Mỹ Donald Trump nói rằng ông muốn có một thỏa thuận thương mại hoàn chỉnh với quốc gia Châu Á này, chứ không chỉ là một thỏa thuận để Trung Quốc mua thêm hàng nông sản của Mỹ.

Giá dầu đã giữ một mức phí bảo hiểm rủi ro do căng thẳng thương mại trong khu vực leo thang khi Mỹ và Saudi Arabia đổ lỗi cho Iran về cuộc tấn công hôm 14/9, nhưng Iran đã phủ nhận mọi liên quan.

Trong khi cho các phóng viên thấy mỏ dầu Kurais và cơ sở lọc dầu Abqaiq bị thiệt hại, Aramco cho biết họ đã vận chuyển thiết bị từ Mỹ và Châu Âu để xây dựng lại các cơ sở bị hư hỏng. Đồng thời Aramco cũng cho biết Abqaiq dự kiến sẽ khôi phục hoàn toàn công suất vào cuối tháng này.

Tại Mỹ, cơn bão nhiệt đới Imelda buộc một nhà máy lọc dầu lớn cắt giảm sản lượng trong khi đường ống dẫn dầu, kho cảng và kênh tàu bè tại Texas bị đóng cửa.

Tập đoàn Exxon Mobil đóng cửa một số bộ phận tại nhà máy lọc dầu Beaumont công suất 369.024 thùng/ngày trong khi Valero Energy giảm sản xuất tại nhà máy lọc dầu Port Authur.

Theo công ty dịch vụ năng lượng Mỹ Baker Hughes các công ty năng lượng Mỹ trong tuần này giảm 14 giàn khoan hoạt động, giảm tuần thứ 5 liên tiếp, đưa số giàn khoan xuống 719 giàn, mức thấp nhất kể từ tháng 5/2017.

Palađi tăng lên cao kỷ lục, vàng tăng

Palađi đạt kỷ lục do nguồn cung thiếu hụt trong khi vàng có tuần tăng đầu tiên trong 4 tuần, do các nhà đầu tư tập trung vào căng thẳng ở Trung Đông.

Giá palađi tăng 0,9% lên 1.637,13 USD/ounce, giá đã chạm mức kỷ lục 1.654,56 USD trong phiên. Kim loại này đã tăng hơn 2% trong tuần này và tăng tuần thứ 7 liên tiếp.

Không chỉ những nhà đầu cơ mà cả những nhà sản xuất ô tô đã mua palađi. Người tiêu dùng đang trở nên lo ngại về giá ngày càng tăng và sẽ tốt hơn là mua bây giờ hơn là sau đó.

Vàng giao ngay trên sàn giao dịch LBMA tăng 0,6% lên 1.508,63 USD/ounce, tăng khoảng 1,5% trong tuần qua. Vàng kỳ hạn của Mỹ chốt phiên tăng 0,6% lên 1.515,1 USD/ounce.

Lo lắng về tình hình tại Trung Đông là một trong những lý do nhà đầu tư quan tâm. Bổ sung thêm sự hấp dẫn của vàng là Mỹ cho biết họ đang xây dựng một liên minh ngăn cản những mối đe dọa từ Iran.

Mỹ đang áp dụng các lệnh cấm vận với ngân hàng quốc gia Iran sau cuộc tấn công vào các cơ sở dầu của Saudi Arabia cuối tuần trước.

Yếu tố khác hỗ trợ giá là việc giảm lãi suất lần thứ 2 của Fed trong năm nay, mặc dù ngân hàng trung ương này đưa ra tín hiệu trái chiều về việc cắt giảm trong tương lai.

Các thị trường cũng tập trung vào các cuộc đàm phán Mỹ - Trung Quốc tại Washington trước các cuộc thảo luận cấp cao vào tháng tới.

Nickel tăng

Giá nickel tăng trong phiên qua do các nhà sản xuất thép không gỉ mua vào trước kỳ nghỉ của Trung Quốc và do lệnh cấm xuất khẩu quặng nickel của Indonesia có thể tạo ra tình trạng thiếu hụt.

Nhà sản xuất hàng đầu Indonesia dự định ban hành lệnh cấm xuất khẩu quặng nickel trong 2 năm bắt đầu từ 1/1/2020, và Philippines, nhà sản xuất quặng lớn thứ 2 thế giới có thể dừng 5 công ty khai thác mỏ vào cuối năm nay. Nickel được sử dụng chủ yếu làm hợp kim trong sản xuất thép không gỉ.

Nickel trên sàn giao dịch kim loại London tăng 1% lên 17.455 USD/tấn.

Theo Tổ chức nghiên cứu nickel quốc tế (INSG) thị trường nickel toàn cầu thiếu hụt tới 6.700 tấn trong tháng 7 từ mức thiếu hụt 2.700 tấn ở tháng trước đó.

Quặng sắt Trung Quốc tiếp tục giảm

Quặng sắt Trung Quốc kết thúc một tuần hỗn loạn, giảm tiếp trong phiên cuối tuần bởi lo lắng về triển vọng nhu cầu đối với nguyên liệu sản xuất thép này.

Hợp đồng quặng sắt kỳ hạn tháng 1/2020 trên sàn giao dịch hàng hóa Đại Liên đóng cửa giảm 1,9% xuống 635 CNY (89,57 USD)/tấn, trong đầu phiên giá giảm khoảng 3,5% xuống mức thấp nhất 2 tuần tại 624,5 CNY. Tính chung cả tuần giá quặng sắt giảm 5,2%, giảm mạnh nhất trong 6 tuần.

Sự suy yếu ngày càng tăng trong thị trường thép toàn cầu gây lo lắng cho các nhà đầu tư vốn đã lo sợ về nhu cầu nguyên vật liệu xây dựng và sản xuất tại Trung Quốc trong tương lai.

Theo ANZ Research trong tuần này 3 nhà sản xuất thép lớn của Mỹ đã báo cáo thua lỗ nhiều hơn trong bối cảnh giá suy yếu.

Sản xuất công nghiệp của Trung Quốc tháng 8 tăng ở tốc độ thấp nhất trong 17,5 năm, một dấu hiệu nền kinh tế này ngày càng suy yếu. Nhà phân tích Richard Lu tại công ty tình báo hàng hóa CRU ở Bắc Kinh cho biết nếu Trung Quốc không có bất kỳ biện pháp kích thích kinh tế nào nữa, sản lượng thép trong quý 4 có thể không mạnh như trong 3 quý đầu.

Tuy nhiên, trên sàn giao dịch Singapore, hợp đồng quặng sắt kỳ hạn tháng 10/2019 đã phục hồi tăng 0,3% lên 88,89 USD/tấn vào cuối phiên giao dịch sau khi Bắc Kinh nới lỏng tiền tệ trong tuần này để hỗ trợ kinh tế trong nước.

Hợp đồng thép thanh dùng trong xây dựng trên sàn giao dịch kỳ hạn Thượng Hải giảm 1,7% xuống 3.388 CNY/tấn. Thép cuộn cán nóng giảm 1,8% xuống 3.400 CNY/tấn.

Cao su TOCOM giảm theo xu hướng ở Thượng Hải

Cao su trên sàn giao dịch hàng hóa Tokyo (TOCOM) giảm trong phiên cuối tuần bởi áp lực từ sự suy yếu tại thị trường Thượng Hải.

Hợp đồng cao su TOCOM kỳ hạn tháng 2/2020 đóng cửa giảm 3,2 JPY xuống 166,6 JPY/kg.

Cao su kỳ hạn tháng 1/2020 trên sàn giao dịch kỳ hạn Thượng Hải giảm 30 CNY (4,23 USD) xuống 11.870 CNY/tấn. Cao su TSR 20 của Trung Quốc giảm 45 CNY xuống 10.100 CNY/tấn.

Đường tăng

Đường thô kỳ hạn tháng 10 đóng cửa tăng 0,1 US cent hay 0,9% lên 11,09 US cent/lb.

Các đại lý cho biết thị trường được hỗ trợ trong tuần này bởi giá dầu thô tăng mạnh.

Khả năng thiếu hụt đường trong niên vụ 2019/2020 do sản lượng toàn cầu giảm đã tiếp tục củng cố thị trường.

Giá đường trắng kỳ hạn tháng 12 tăng 3,8 USD hay 1,18% lên 325,7 USD/tấn.

Thời tiết khô hạn tại một số khu vực sản xuất đường của Liên minh Châu Âu đang gây lo ngại khi vụ thu hoạch củ cải đường bắt đầu.

Xuất khẩu bơ từ Peru sẽ tăng 8,5% trong năm 2019

Báo cáo mới nhất về thị trường bơ của công ty tư vấn Maximixe chỉ ra xuất khẩu bơ và các sản phẩm phái sinh năm 2019 sẽ tăng 8,5%, thu về 853 triệu USD, do nhu cầu về bơ tươi tăng từ Hà Lan, Mỹ, Canada, Tây Ban Nha, Anh và Trung Quốc.

Trong năm 2018, xuất khẩu bơ và các sản phẩm phái sinh của nó đạt kim ngạch 786 triệu USD và khối lượng 375.000 tấn, tăng 28,5% về giá trị và 48,7% về khối lượng so với năm trước. Sự chênh lệch giữa khối lượng và giá trị này được giải thích do giá xuất khẩu trung bình sang châu Âu giảm 14% bởi tình trạng dư cung từ Peru và Nam Phi. Xuất khẩu bơ tươi lên tới 455 triệu USD trong nửa đầu năm 2019, tăng 9,3% so với cùng kỳ năm trước.

Giá một số mặt hàng chủ chốt sáng ngày 21/09

Thị trường ngày 21/9: Dầu tiếp đà giảm, Palađi lên cao kỷ lục,  quặng sắt có tuần giảm mạnh nhất trong 6 tuần - Ảnh 1.

Minh Quân

Trí Thức Trẻ

CÙNG CHUYÊN MỤC

XEM
Trở lên trên