MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Thị trường ngày 22/10: Giá dầu đảo chiều giảm hơn 3%, vàng tiếp tục tăng

22-10-2020 - 07:35 AM | Thị trường

Kết thúc phiên đêm qua giá dầu giảm hơn 3% khi số liệu tồn kho của Mỹ chỉ ra nhu cầu nhiên liệu yếu, vàng tiếp đà tăng do các nhà đầu tư lạc quan vào gói cứu trợ của Mỹ. Giá đồng vượt 7.000 USD/tấn lần đầu tiên kể từ tháng 6/2018...

Dầu giảm do nhu cầu yếu

Giá dầu giảm sau khi số liệu tồn kho của Mỹ cho thấy nhu cầu các sản phẩm dầu mỏ đã lọc yếu bởi số ca nhiễm Covid-19 trên toàn cầu tăng vọt.

Chốt phiên 21/10, dầu thô Brent giảm 1,43 USD hay 3,3% xuống 41,73 USD/thùng. Dầu thô WTI giảm 1,67 USD hay 4% xuống 40,03 USD/thùng.

Tồn kho dầu thô của Mỹ giảm 1 triệu thùng trong tuần tính tới ngày 16/10 xuống 488,1 triệu thùng, trong khi tồn kho xăng tăng một dấu ghiệu cho thấy nhu cầu nhiên liệu yếu.

Tổng thể các sản phẩm được cung cấp vẫn giảm 13% trong năm nay và trong 4 tuần qua khi so với cùng kỳ năm trước.

Bổ sung thêm áp lực giảm giá là số ca nhiễm Covid-19 trên toàn cầu tiếp tục tăng, một số nơi của Châu Âu đang áp đặt các biện pháp phong tỏa mới.

Bộ trưởng Năng lượng Nga cho biết còn quá sớm để bàn luận việc hạn chế sản lượng dầu toàn cầu sau tháng 12, chưa đến một tuần sau khi cho biết các kế hoạch giảm việc hạn chế sản lượng sẽ được tiến hành.

Khí tự nhiên của Mỹ lên mức cao nhất 20 tháng

Khí tự nhiên của Mỹ tăng gần 4% lên mức cao nhất 20 tháng trong phiên qua do xuất khẩu khí tự nhiên hóa lỏng tăng và sản lượng giảm.

Khí tự nhiên kỳ hạn tháng 11 tăng 11 US cent hay 3,8% lên 3,023 USD/mmBtu. Đây là lần đầu tiên đóng cửa trên 3 USD kể từ tháng 1/2019 và đẩy hợp đồng này tăng gần 70% kể từ mức thấp gần đây tại 1,795 USD vào ngày 21/9.

Vàng tăng 1%

Giá vàng tăng 1% lên mức cao nhất trong hơn một tuần do các nhà đầu tư lạc quan rằng gói cứu trợ virus corona của Mỹ sẽ được thông báo trước ngày bầu cử Tổng thống 3/11 gây áp lực cho USD và thúc đẩy nhu cầu vàng.

Vàng giao ngay tăng 1% lên 1.924,73 USD/ounce sau khi chạm mức cao nhất kể từ ngày 12/10 tại 1.931,01 USD trong đầu phiên giao dịch. Vàng Mỹ kỳ hạn tháng 12 đóng cửa tăng 0,7% lên 1.929,5 USD/ounce.

Việc đặt cược gia tăng vào bước đột phá cuối cùng trong đàm phán gói cứu trợ đã đẩy USD xuống mức thấp nhất trong gần 2 tháng, khiến vàng rẻ hơn cho người mua bằng các đồng tiền khác.

Một thăm dò của Reuters dự đoán trong khi vàng có thể trung bình chưa tới 2.000 USD/ounce trong năm tới do đà tăng chậm lại, tuy nhiên giá có thể vẫn chạm tới mức cao mới.

Đồng tăng lên trên 7.000 USD lần đầu tiên kể từ tháng 6/2018

Giá đồng nhảy vọt lên trên 7.000 USD/tấn lần đầu tiên kể từ tháng 6/2018, do hy vọng về gói kích thích của Mỹ, đình công tại các mỏ ở Chile, dự đoán nhu cầu mạnh tại Trung Quốc và đồng CNY mạnh lên.

Đồng giao sau 3 tháng trên sàn giao dịch kim loại London (LME) đóng cửa tăng 1,4% lên 6.998,5 USD/tấn sau khi trước đó đạt 7.034 USD/tấn.

Kim loại này sử dụng trong ngành điện và xây dựng đã tăng 60% từ mức thấp hồi tháng 3 khi Trung Quốc nước tiêu thụ một nửa lượng đồng trên thế giới, đã phục hồi từ cú sốc virus corona.

Bổ sung vào tâm trạng lạc quan là kỳ vọng về các gói kích thích lớn hơn nếu ông Joe Binden đắc cử Tổng thống Mỹ và nhu cầu của Trung Quốc nhiều hơn sau cuộc họp giữa các nhà lãnh đạo Trung Quốc vào tuần tới để thảo luận về kích hoạch phát triển 5 năm.

USD giảm xuống mức thấp nhất trong 7 tuần trong khi CNY tăng lên mức cao nhất kể từ tháng 7/2018, và khiến các kim loại rẻ hơn đối với các khách hàng Trung Quốc.

Nhập khẩu của Trung Quốc đang hút hết lượng đồng dư thừa của thế giới.

Mỏ đồng Candelaria của Chile đã dừng hoạt động từ ngày 20/10 sau khi công đoàn kêu gọi đình công. Các công nhân tại Codelco đã xuống đường để từ chối việc sa thải trong ngày 19/10.

Thăm dò của Reuters cho biết giá đồng giao ngay trên sàn LME dự kiến đạt trung bình 6.800 USD/tấn trong năm 2021, nhôm 1.775 USD/tấn, nickel 15.157 USD/tấn và kẽm 2.350 USD/tấn.

Quặng sắt Trung Quốc tăng giá

Giá quặng sắt tại Trung Quốc tăng theo xu hướng giá giao ngay, bất chấp dự đoán nguồn cung tăng từ các công ty khai mỏ trong những tháng tới.

Giá quặng sắt giao ngay hàm lượng 62% xuất sang Trung Quốc tăng 0,5 USD lên 120 USD/tấn trong ngày 20/10, theo số liệu của công ty SteelHome.

Hợp đồng quặng sắt giao tháng 1/2021 trên sàn giao dịch hàng hóa Đại Liên biến động nhẹ trong đầu phiên giao dịch và kết thúc phiên tăng 1,4% lên 797 CNY (119,99 USD)/tấn. Các thành phần sản xuất thép khác cũng tăng.

Thép thanh trên sàn giao dịch kỳ hạn Thượng Hải tăng 0,9% lên 3.650 CNY/tấn.

Thép cuộn cán nóng tăng 1,2% lên 3.788 CNY/tấn. Thép không gỉ tại Thượng Hải giao tháng 12 tăng 1,6% lên 14.695 CNY/tấn.

Doanh thu tài khóa của Trung Quốc trong 3 quý đầu giảm 6,4% so với năm trước, theo Bộ trưởng Tài chính Trung Quốc.

Sản lượng thép thô của Trung Quốc trong tháng 9 giảm 3,8% so với tháng 9/2019 xuống 73,48 triệu tấn, theo số liệu từ Tổng cục Thống kê Quốc gia.

Cao su Nhật Bản lên mức cao nhất 3 năm

Giá cao su Nhật Bản tăng vọt lên mức cao nhất 3 năm do nhu cầu mạnh từ Trung Quốc, khách mua hàng đầu thế giới và các nguồn cung giao ngay hạn chế hơn từ các nhà sản xuất Đông Nam Á do thời tiết xấu.

Hợp đồng cao su trên sàn giao dịch Osaka (OSE) giao tháng 3/2021 đóng cửa tăng 9,9 JPY hay 4,8% lên 217,4 JPY (2,07 USD)/kg, đạt mức cao nhất kể từ ngày 28/9/2017, cũng là ngày tăng theo phần trăm lớn nhất kể từ đầu tháng 12/2019.

Hợp đồng cao su giao tháng 1/2021 trên sàn giao dịch Thượng Hải tăng 520 CNY lên 14.750 CNY (2.216 USD)/tấn, tiếp tục tăng phiên thứ 9 liên tiếp, chuỗi tăng giá dài nhất kể từ tháng 8/2013. Giá đã đạt mức cao nhất kể từ tháng 9/2017 trong đầu phiên giao dịch này.

Các đơn hàng mạnh mẽ từ nhà sản xuất lốp Trung Quốc sau tuần nghỉ lễ hồi đầu tháng này đã siết chặt các nguồn cung giao ngay, thúc đẩy giá của các hợp đồng kỳ hạn gần.

Sản lượng thấp hơn từ các nhà sản xuất Đông Nam Á do mưa kéo dài đã bổ sung lo sợ về nguồn cung, trong khi bất ổn chính trị gần đây tại Thái Lan cũng gây lo ngại về nguồn cung trong tương lai.

Nhu cầu tăng vọt từ các nhà sản xuất găng tay trong bối cảnh đại dịch Covid-19 cũng là một yếu tố tăng giá cao su.

Đường giảm trở lại

Đường thô kỳ hạn tháng 3/2021 đóng cửa giảm 0,04 US cent hay 0,3% xuống 14,50 US cent/lb.

Nhu cầu mua vào của các quỹ dường như đã cạn kiệt sau khi thúc đẩy đà tăng giá gần đây, và việc chốt lời đang gây áp lực cho thị trường đường.

Một thông báo về mức độ trợ cấp xuất khẩu đường của Ấn Độ trong niên vụ 2020/21 đã được rất nhiều người chờ đợi, một số lo ngại rằng các vấn đề tài chính do đại dịch Covid-19 có thể hạn chế sự hỗ trợ của chính phủ với ngành đường của nước này.

Đường trắng kỳ hạn tháng 12 giảm 3,5 USD hay 0,9% xuống 393,3 USD/tấn.

Cà phê giảm

Cà phê arabica kỳ hạn tháng 12 đóng cửa giảm 0,75 US cent hay 0,7% xuống 1.0415 USD/lb. Hợp đồng này đã chạm 1,0335 USD trong phiên này, giá thấp nhất đối với hợp đồng giao tháng tới kể từ ngày 22/7.

Mưa gần đây đã cải thiện triển vọng vụ tới ở Brazil.

Cà phê robusta kỳ hạn tháng 1/2021 giảm 10 USD hay 0,8% xuống 1.279 USD/tấn.

Ngô, đậu tương của Mỹ tăng do hy vọng xuất khẩu, lúa mì giảm

Ngô và đậu tương trên sàn giao dịch Chicago (CBOT) tăng do lo ngại về tình trạng hạn hán tại một số khu vực sản xuất chính trên toàn cầu đã thúc đẩy triển vọng xuất khẩu cả hai mặt hàng này của Mỹ.

Lúa mì đỏ, mềm, mùa đông giảm, do áp lực chốt lời sau 5 ngày tăng liên tiếp. Nhưng lo ngại về đất khô cằn ở khu vực Biển đen đã củng cố thị trường và hạn chế đà giảm.

Lúa mì CBOT giảm 3/4 US cent xuống 6,31-1/4 USD/bushel.

Ngô kỳ hạn tháng 12 tăng 5 US cent lê 4,13-3/4 USD/bushel. Giá đã đạt 4,14-1/4 USD, cao nhất đối với hợp đồng được giao dịch nhiều nhất kể từ ngày 12/8/2019. Ngô đã tăng 6 trong 7 phiên qua.

Đậu tương kỳ hạn tháng 11 tăng 8 US cent lên 10,72 USD/bushel sau khi đạt mức cao nhất 2,5 năm trong phiên này.

Giá một số mặt hàng chủ chốt sáng ngày 22/10

Thị trường ngày 22/10: Giá dầu đảo chiều giảm hơn 3%, vàng tiếp tục tăng - Ảnh 1.

Minh Quân

Trí Thức Trẻ

CÙNG CHUYÊN MỤC

XEM
Trở lên trên