MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Thị trường ngày 22/4: Giá dầu lao dốc 43%, đường thấp nhất 12 năm

22-04-2020 - 07:40 AM | Thị trường

Sự hoảng loạn của thị trường dầu mỏ đang khiến cho thị trường hàng hóa toàn cầu xáo trộn rất phức tạp. Nhiều nhà đầu tư bán tháo hàng hóa với tâm lý chờ xem sự “sụp đổ” của thị trường năng lượng có lan sang các hàng hóa khác hay không. Đó là nguyên nhân khiến hầu hết các mặt hàng giảm sâu trong phiên giao dịch vừa qua.

Dầu Brent mất 24%, WTI mất 43% vì lo sợ dư cung quá nhiều

Giá dầu tiếp tục giảm trong phiên giao dịch vừa qua, kéo dài chuỗi ngày hoảng loạn khi tình trạng dư cung trên thị trường này dường như chưa thấy hồi kết do đại dịch Covid-19 gây sụt giảm nghiêm trọng nhu cầu năng lượng.

Trên sàn giao dịch New York, giá dầu sau khi rơi vào vùng âm ở phiên 20/4, đến phiên 21/4 đã đánh dấu một sự thay đổi lớn khi hơn 2 triệu hợp đồng được trao tay – phiên giao dịch sôi động nhất trong lịch sử, theo đánh giá của CME Group.

Kết thúc phiên này, dầu Brent kỳ hạn tháng 6 giảm 24% xuống còn 19,33 USD/thùng – mức thấp nhất kể từ tháng 2/2002; dầu ngọt nhẹ Mỹ (WTI) giao cùng kỳ hạn giảm 8,86 USD, tương đương 43%, chốt ở 11,57 USD/thùng.

Hợp đồng dầu WTI kỳ hạn tháng 5/2020 – đã hết hạn trong ngày 21/4 – hồi phục trở lại khi tăng lên 10,01 USD/thùng, từ mức âm 37,63 USD của phiên 20/4.

Kể từ đầu tháng 3/2020 – khi Saudi Arabia, Nga và các đồng minh dầu mỏ liên kết cắt giảm sản lượng, dầu tồn trữ thô đã tăng thêm rất nhiều do Covid-19 ngày càng nghiêm trọng. Đại dịch này đã làm giảm khoảng 30% nhu cầu nhiên liệu trên toàn cầu.

"Toán học khá đơn giản. Sản xuất dầu hiện tại vào khoảng 90 triệu thùng/ngày, nhưng nhu cầu chỉ 75 triệu thùng/ngày", ông Gregory Leo, Giám đốc đầu tư và đồng thời là Giám đốc quản lý tài sản toàn cầu của IDB Bank cho biết.

Cả Saud Arabia và Nga ngày hôm qua đều cho biết họ sẵn sàng bổ sung các biện pháp để ổn định thị trường dầu mỏ cùng với các nước sản xuất khác, nhưng chưa đưa ra cụ thể hành động đó sẽ là gì.

Palađi mất hơn 15%, vàng và các kim loại quý khác cũng giảm sâu

Giá vàng phiên vừa qua đã giảm gần 2% xuống mức thấp nhất gần 2 tuần, trong khi palađi mất 15,5% do các nhà đầu tư rút tiền mặt để bù lỗ cho các khoản đầu tư vào những tài sản rủi ro khác, chủ yếu do sự cố giá dầu xuống mức âm bởi Covid-19.

Cuối phiên giao dịch, vàng giao ngay giảm 1,3% xuống 1.671,68 USD/ounce, trước đó có thời điểm giá chạm mức thấp nhất kể từ ngày 9/4, là 1.659,68 USD/ounce; vàng kỳ hạn tháng 6/2020 giảm 1,4% xuống 1.687,80 USD/ounce.

Trầm trọng hơn, giá palađi giảm 9,5% xuống 1.958,00 USD/ounce vào cuối phiên, sau khi có thời điểm xuống chỉ 1.827,92 USD. Bạch kim cũng giảm 3,3% xuống 745,29 USD/ounce, và bạc giảm 4,3% xuống 14,71 USD/ounce.

Gần đây, giá vàng thỏi đã chuyển hướng sang biến động theo sát thị trường chứng khoán, nhất là khi xảy ra những đợt bán tháo mạnh ở các thị trường lớn – buộc các nhà đầu tư phải bán kim loại quý để bù lỗ cho chứng khoán.

Thị trường ngày 22/4: Giá dầu lao dốc 43%, đường thấp nhất 12 năm - Ảnh 1.

Kim loại cơ bản đi xuống vì ảnh hưởng từ giá dầu

Giá kim loại cơ bản đồng loạt đi xuống trong phiên giao dịch vừa qua, trong đó đồng giảm hơn 2%, do thị trường dầu mỏ đang gây xáo trộn tâm lý các nhà đầu tư và đẩy thị trường chứng khoán toàn cầu giảm thấp trong khi khiến USD tăng lên.

Trên sàn London (LME), kết thúc phiên giao dịch vừa qua, giá đồng kỳ hạn giao au 3 tháng giảm 2,7% xuống 5.045 USD/tấn, trong phiên có lúc chạm mức thấp nhất 4 năm là 4.37USD/tấn. Hoạt động tinh luyện trên toàn cầu đã giảm từ tháng 3, trong đó sản lượng đồng tinh luyện của Trung Quốc giảm xuống 771.000 tấn, thấp nhất kể từ tháng 5/2019.

Sản lượng chì và kẽm của Trung Quốc trong tháng 3 vừa qua cũng giảm, phản ánh nhu cầu suy yếu. Giá chì trong phiên vừa qua giảm 1,5% xuống 1.663,5 USD/tấn, trong khi kẽm giảm 1,7% xuống 1.914 USD/tấn. Các kim loại khác cũng giảm, trong đó nhôm mất 0,8% xuống 1.490,5 USD/tấn, nickle giảm 2,3% xuống 12.225 USD/tấn và thiếc giảm 2,5% xuống 14.840 USD/tấn.

Quặng sắt đi xuống

Giá quặng sắt trên thị trường Trung Quốc trong phiên giao dịch vừa qua quay đầu đi xuống sau khi lập kỷ lục cao nhất 8,5 năm ở phiên liền trước. Nguyên nhân bởi lo ngại nguồn cung sẽ dư thừa do dịch Covid-19 làm giảm nhu cầu ở các thị trường bên ngoài Trung Quốc.

Kết thúc phiên này, quặng sắt kỳ hạn tháng 9/2020 trên sàn Đại Liên giảm 2,8% xuống 602 CNY (85 USD)/tấn, trong phiên có lúc giảm mạnh 3,4% xuống 599 CNY/tấn.

Giá thép giảm đã gây tác động tới thị trường quặng sắt. Thép cây kỳ hạn tháng 10 trên sàn Thượng Hải giảm 1,2% xuống 3.337 CNY/tấn. Thép cuộn cán nóng giảm 1,4% xuống 3.185 CNY/tấn, trong khi thép không gỉ giảm 1,3% xuống 13.030 CNY/tấn.

Fitch Solutions đã hạ dự báo về tăng trưởng của lĩnh vực xây dựng Trung Quốc năm nay xuống 1,8%, so với mức 5,2% dự báo ban đầu. Nippon Steel Corp, hãng sản xuất thép lớn nhất của Nhật Bản, ngày 21/4 thông báo sẽ tạm thời đóng cửa lò luyện thứ 3 ở Nhật Bản tới giữa tháng 5 để phù hợp với nhu cầu - hiện đang sụt giảm vì Covid-19.

Smartphone tại Trung Quốc sẽ tăng giá 8,3% trong năm 2020

Hãng nghiên cứu IDC dự báo giá điện thoại thông minh tại Trung Quốc năm 2020 sẽ tăng trung bình 8,3% so với mức trung bình 322 của năm 2019 do có thêm nhiều mẫu trung/cao cấp mới của các hãng như Apple OnePlus và sự ra mắt của mạng 5G. Điện thoại OnePlus 8 có màn hình cải tiến và các tính năng của mạng 5G đã ra mắt với giá khởi điểm là 3.999 CNY (571 USD). Apple cũng ra mắt iPhone SE mới từ ngày 17/4 với giá khởi điểm 3.299 CNY.

Ngô thấp nhất kể từ tháng 9/2019

Giá ngô Mỹ phiên vừa qua đã giảm 1,4% xuống mức thấp nhất 10,5 năm do nhu cầu nhiên liệu sụt giảm vì Covid-19 đe dọa đến ngành sản xuất ethanol.

Kết thúc phiên giao dịch, giá ngô kỳ hạn tháng 7/2020 giảm 5 US cent xuống 3,17-1/4 USD/bushel, trong phiên có thời điểm xuống thấp chỉ 3,09 USD/bushel, mức chưa từng lặp lại kể từ ngày 11/9/2009.

Lúa mì cũng đi xuống trong phiên vừa qua, loại lúa mì đỏ mềm vụ Đông kỳ hạn giao tháng 7/2020 giảm 1-1/4 US cent xuống 5,46-1/4 USD/bushel.

Riêng đậu tương đi lên khi thị trường kỳ vọng xu hướng giá giảm gần đây sẽ kích thích nhu cầu của một số nhà nhập khẩu. Đậu tương kết thúc phiên tăng 4-1/2 US cent, với hợp đồng kỳ hạn tháng 7 đạt 8,40-3/4 USD/bushel mặc dù có thời điểm xuống mức 8,18-1/2 USD, thấp nhất kể từ 23/5/2019.

Đường thấp nhất 12 năm

Giá đường thô phiên vừa qua đã giảm xuống mức thấp chưa từng có trong vòng 12 năm do tác động từ thị trường dầu mỏ. Kết thúc phiên này, đường thô kỳ hạn tháng 5 giảm 0,31 US cent (3,1%) xuống 9,75 US cent/lb, trong phiên có thời điểm xuống chỉ 9,58 US cent, thấp nhất kể từ tháng 6/2008.

Đường trắng giao tháng 8 tới cũng giảm 7,1 USD (2,2%) xuống 2.318 USD/tấn.

Cà phê thấp nhất 1 tháng

Giá cà phê arabica kỳ hạn tháng 7 đã giảm 3,75 US cent (3,3%) xuống 1,115 US cent/lb, thấp nhất trong vòng 1 tháng; robusta giao cùng kỳ hạn giảm 38 USD (3,2%) xuống 1.139 USD/tấn.

Nhà phân tích kỹ thuật Axel Rudolph của Commerzbank cho biết, hợp đồng kỳ hạn tháng 7 – đang được giao dịch nhiều nhất – đã phá vỡ ngưỡng đáy trung bình của 200 phiên gần đây.

Cao su trải qua phiên tồi tệ nhất 3 tuần

Giá cao su trên sàn Tokyo (TOCOM) giảm mạnh nhất trong vòng 3 tuần theo xu hướng giá ở Thượng Hải sau khi dầu mỏ giảm mạnh trong phiên 20/4.

Kết thúc phiên giao dịch vừa qua, cao su kỳ hạn tháng 9 trên sàn TOCOM giảm 3,7 JPY (2,8%) xuống 150,6 JPY/kg. Đây là mức giảm mạnh nhất kể từ 30/3. Trên sàn Thượng Hải, giá cũng giảm 3,2% xuống 9.800 CNY/tấn.

Dầu cọ chạm "đáy" 6 tháng do ảnh hưởng của dầu mỏ

Giá dầu cọ trên thị trường Malaysia giảm xuống mức thấp nhất trong vòng hơn 6 tháng sau khi giá dầu thô giảm xuống dưới 0 USD. Dầu cọ thô kỳ hạn tháng 7/2020 trên sàn Bursa (Malaysia) giảm 94 ringgit (4,2%) xuống 2.138 ringgit (487,29 USD)/tấn.

Thị trường ngày 22/4: Giá dầu lao dốc 43%, đường thấp nhất 12 năm - Ảnh 2.

Giá thịt lợn tại Trung sẽ lập kỷ lục mới vào tháng 9/2020

Vụ trưởng Vụ Chăn nuôi – Bộ Nông nghiệp Trung Quốc, ông Yang Zhenhai, cảnh báo tình trạng khan hiếm thịt lợn hiện nay trong khi nhu cầu tăng dần có thể khiến giá thịt lợn tại nước này tăng lên mức cao kỷ lục mới vào tháng 9 tới.

Tháng 10/2019, giá thịt lợn tại nước này đã từng đạt mức cao kỷ lục 53,79 CNY (7,59 USD)/kg, cao gấp gần 3 lần so với một năm trước đó, sau khi dịch tả lợn làm chết hàng triệu con lợn ở quốc gia sản xuất thịt lợn nhiều nhất thế giới này. Mặc dù nguồn cung thịt lợn dần được cải thiện, sông vẫn trong tình trạng khan hiếm. Sản lượng thịt lợn ở Trung Quốc trong 3 tháng đầu năm 2020 thấp hơn 29% so với một năm trước đó.

Giá một số mặt hàng chủ chốt sáng 22/4

Thị trường ngày 22/4: Giá dầu lao dốc 43%, đường thấp nhất 12 năm - Ảnh 3.

Minh Quân

Trí Thức Trẻ

Trở lên trên