Thị trường ngày 22/9: Giá dầu lao dốc gần 5%, vàng thấp nhất hơn 1 tháng
Mối lo ngại về các trường hợp nhiễm virus corona trên toàn cầu gia tăng, kéo giá dầu và vàng giảm mạnh. Chốt phiên giao dịch ngày 21/9, giá dầu giảm 5%, vàng, bạc và nickel thấp nhất hơn 1 tháng, cà phê thấp nhất 1,5 tháng, các hàng hóa khác đồng loạt giảm.
- 18-09-2020Thị trường ngày 18/9: Giá dầu tăng tiếp hơn 2%, vàng và sắt thép giảm
- 17-09-2020Thị trường ngày 17/9: Giá dầu WTI tăng vọt gần 5%, vàng và các hàng hóa khác đồng loạt leo cao
- 16-09-2020Thị trường ngày 16/9: Giá dầu tăng hơn 2%, đồng cao nhất gần 2 năm
Giá dầu giảm gần 5%
Giá dầu giảm gần 5%, do các trường hợp nhiễm virus corona tăng dấy lên mối lo ngại về nhu cầu dầu toàn cầu và khả năng Libya sản xuất trở lại làm gia tăng lo ngại dư cung.
Chốt phiên giao dịch ngày 21/9, dầu thô Brent giảm 1,71 USD tương đương 3,96% xuống 41,44 USD/thùng và dầu thô Tây Texas WTI giảm 1,8 USD tương đương 4,38% xuống 39,31 USD/thùng. Cả hai đều có phiên giảm mạnh nhất trong 2 tuần.
Giá dầu thô theo xu hướng thị trường chứng khoán và các hàng hóa giảm, do các trường hợp nhiễm Covid-19 tại châu Âu và các nước khác gia tăng, thúc đẩy các biện pháp đóng cửa mới và ảnh hưởng đến sự phục hồi nền kinh tế.
Giá dầu giảm bất chấp tồn trữ dầu thô và xăng của Mỹ giảm trong tuần trước, trong khi tồn trữ các sản phẩm chưng cất bao gồm diesel tăng.
Goldman Sachs dự báo giá dầu Brent sẽ đạt 49 USD/thùng vào cuối năm nay và 65 USD/thùng vào quý 3/2021, bất chấp Libya thúc đẩy sản lượng. Trong khi Barclays nâng triển vọng giá dầu Brent năm 2020 lên 43 USD/thùng và 53 USD/thùng vào năm tới.
Giá khí tự nhiên thấp nhất 7 tuần
Giá khí tự nhiên tại Mỹ giảm hơn 10% xuống mức thấp nhất 7 tuần, do dự báo nhu cầu trong 2 tuần tới giảm hơn so với dự kiến bởi xuất khẩu khí tự nhiên hóa lỏng giảm.
Giá khí tự nhiên kỳ hạn tháng 10/2020 trên sàn New York giảm 21,3 US cent tương đương 10,4% xuống 1,835 USD/mmBTU, phiên giảm mạnh nhất kể từ tháng 1/2019 xuống mức thấp nhất kể từ ngày 31/7/2020.
Tính đến nay, giá khí tự nhiên giảm 33% kể từ mức cao nhất 8 tháng (2,743 USD/mmBTU) trong ngày 28/8/2020 và chênh lệch giá so với hợp đồng kỳ hạn tháng 11/2020 lên mức cao kỷ lục 89 US cent.
Giá vàng và bạc thấp nhất hơn 1 tháng
Giá vàng giảm hơn 3% xuống mức thấp nhất hơn 1 tháng, do thị trường nước ngoài bán tháo bởi sự không chắc chắn về các biện pháp kích thích tài chính của Mỹ gây áp lực đối với giá vàng, trong khi thúc đẩy đồng USD tăng mạnh.
Vàng giao ngay trên sàn LBMA giảm 2,1% xuống 1.909,05 USD/ounce, trong đầu phiên giao dịch giảm mạnh 3,4% xuống mức thấp nhất kể từ ngày 12/8/2020 và vàng kỳ hạn tháng 12/2020 trên sàn New York giảm 2,6% xuống 1.910,6 USD/ounce.
Tuy nhiên, tính đến nay giá vàng giảm gần 10% kể từ mức cao nhất đạt được hồi đầu tháng 8/2020, do giảm bớt kỳ vọng các biện pháp kích thích hơn nữa.
Các chỉ số chủ yếu của chứng khoán phố Wall chạm mức thấp nhất gần 7 tuần, trong khi chỉ số đồng USD tăng 0,8% so với các đồng tiền chủ chốt khác, mức tăng mạnh nhất kể từ ngày 19/3/2020.
Đồng thời, giá bạc giảm 8,3% xuống 24,53 USD/ounce, thấp nhất hơn 1 tháng.
Giá đồng giảm trở lại, nickel thấp nhất hơn 1 tháng
Giá đồng giảm từ mức cao nhất hơn 2 năm, do các trường hợp nhiễm Covid-19 tăng, đe dọa hạn chế hoạt động kinh tế và nhu cầu kim loại.
Giá đồng giao sau 3 tháng trên sàn London giảm 1,7% xuống 6.700 USD/tấn, sau khi đạt mức cao nhất kể từ tháng 6/2018 (6.877,5 USD/tấn).
Hầu hết giá kim loại công nghiệp đều suy yếu cùng với giá dầu thô và thị trường chứng khoán châu Âu, xuống mức thấp nhất 7 tuần khi các trường hợp nhiễm virus corona tại châu Âu tăng, thúc đẩy các biện pháp đóng cửa mới tại một số nước, trong khi thiếu các biện pháp kích thích của Mỹ cũng gây áp lực thị trường.
Đồng thời, giá nickel giảm 2,5% xuống 14.530 USD/tấn, trong phiên có lúc chạm 14.300 USD/tấn, thấp nhất kể từ ngày 14/8/2020.
Giá quặng sắt và thép đều giảm
Giá quặng sắt tại Trung Quốc giảm 3%, chịu ảnh hưởng bởi nhu cầu từ lĩnh vực hạ nguồn giảm và các hạn chế môi trường tại khu vực sản xuất thép chủ yếu.
Giá quặng sắt kỳ hạn tháng 1/2021 trên sàn Đại Liên giảm 2,9% xuống 788,5 CNY (116,49 USD)/tấn, sau khi giảm mạnh 3,3% trong đầu phiên giao dịch.
Đồng thời, trên sàn Thượng Hải giá thép cây giảm 1,6% xuống 3.553 CNY/tấn, giá thép cuộn cán nóng giảm 1,4% xuống 3.677 CNY/tấn và giá thép không gỉ kỳ hạn tháng 11/2020 giảm 0,3% xuống 14.000 CNY/tấn.
Thành phố sản xuất thép hàng đầu – Đường Sơn – Trung Quốc đã đưa ra các hạn chế hoạt động thiêu kết tại một số nhà máy thép do điều kiện thời tiết bất lợi.
Giá cà phê thấp nhất 1,5 tháng
Giá cà phê Arabica giảm phiên thứ 6 liên tiếp xuống mức thấp nhất 1,5 tháng, sau khi có tuần giảm mạnh nhất 22 năm trong tuần trước đó, trong bối cảnh triển vọng cây trồng tại nước sản xuất hàng đầu – Brazil – cải thiện.
Giá cà phê Arabica kỳ hạn tháng 12/2020 trên sàn ICE giảm 1,5 US cent tương đương 1,3% xuống 1,12 USD/lb, sau khi giảm mạnh 14% trong tuần trước đó.
Đồng thời, giá cà phê robusta kỳ hạn tháng 11/2020 trên sàn London giảm 9 USD tương đương 0,7% xuống 1.347 USD/tấn, trước đó trong phiên chạm mức thấp nhất kể từ đầu tháng 8/2020. Trong tuần trước đó, giá cà phê robusta giảm 5,4%.
Giá đường giảm
Giá đường giảm sau 4 phiên tăng liên tiếp trong tuần trước đó, do giá dầu và cổ phiếu giảm bởi lo ngại các trường hợp nhiễm virus corona gia tăng.
Giá đường thô kỳ hạn tháng 10/2020 trên sàn ICE giảm 0,22 US cent tương đương 1,7% xuống 12,55 US cent/lb, chấm dứt chuỗi tăng 4 phiên liên tiếp.
Đồng thời, giá đường trắng kỳ hạn tháng 12/2020 trên sàn London giảm 4,7 USD tương đương 1,3% xuống 366,8 USD/tấn.
Giá đậu tương, lúa mì và ngô đồng loạt giảm
Giá đậu tương, ngô và lúa mì tại Chicago giảm do lo ngại về việc đóng cửa mới khi các trường hợp nhiễm virus corona trên toàn cầu gia tăng.
Trên sàn Chicago, giá đậu tương kỳ hạn tháng 11/2020 giảm 21 US cent xuống 10,22-1/2 USD/bushel. Giá ngô kỳ hạn tháng 12/2020 giảm 8,75 US cent xuống 3,69-3/4 USD/bushel và giá lúa mì mềm, đỏ vụ đông kỳ hạn tháng 12/2020 giảm 20-1/4 US cent xuống 5,54-3/4 USD/bushel.
Giá dầu cọ cao nhất hơn 8 tháng
Giá dầu cọ tại Malaysia đạt mức cao nhất hơn 8 tháng, theo xu hướng giá dầu trên sàn Đại Liên và xuất khẩu trong tháng 9/2020 tăng.
Giá dầu cọ kỳ hạn tháng 12/2020 trên sàn Bursa Malaysia tăng phiên thứ 5 liên tiếp, tăng 15 ringgit tương đương 0,26% lên 3.095 ringgit (753,04 USD)/tấn, cao nhất kể từ ngày 13/1/2020.
Giá dầu cọ trong tuần trước đó tăng 9,6% và có tuần tăng mạnh nhất 5 năm, do Trung Quốc đẩy mạnh mua vào trước tuần nghỉ lễ dài ngày bắt đầu ngày 1/10/2020.
Indonesia sẽ thực hiện đánh thuế cao đối với dầu cọ thô, khiến nhu cầu chuyển sang nước sản xuất lớn thứ 2 – Malaysia – nơi miễn giảm thuế xuất khẩu đối với một số sản phẩm dầu cọ, bởi vậy đã hỗ trợ giá dầu cọ tại Malaysia.
Giá một số mặt hàng chủ chốt sáng ngày 22/9