Thị trường ngày 23/6: Giá dầu giảm khoảng 3%, vàng tăng, quặng sắt thấp nhất 16 tuần
Ảnh minh họa.
Chốt phiên giao dịch 22/6 lo lắng kinh tế suy thoái khiến giá dầu giảm khoảng 3%, vàng tăng, đồng xuống thấp nhất 15 tháng, quặng sắt thấp nhất 16 tuần, cao su giảm, lúa mì tăng khi Nga tấn công vào cảng của Ukraine.
- 21-06-2022Thị trường ngày 21/6: Giá dầu tăng, đồng, cao su, cà phê giảm, quặng sắt lao dốc 11%
- 18-06-2022Thị trường ngày 18/6: Giá dầu quay đầu lao dốc, vàng, đồng, sắt thép và cà phê… đồng loạt giảm
- 17-06-2022Thị trường ngày 17/6: Giá dầu, vàng và cao su tăng, nhôm thấp nhất gần 1 năm
Dầu giảm khoảng 3%
Giá dầu giảm khoảng 3% do nhà đầu tư lo lắng rằng Cục dự trữ Liên bang tăng lãi suất có thể đẩy kinh tế Mỹ rơi vào suy thoái, làm giảm nhu cầu nhiên liệu.
Chốt phiên 22/6, dầu thô Brent giảm 2,91 USD hay 2,5% xuống 111,74 USD/thùng, trong phiên có lúc giá giảm xuống 107,03 USD/thùng, mức thấp nhất kể từ ngày 19/5. Dầu WTI đóng cửa giảm 3,33 USD hay 3% xuống 106,19 USD/thùng, giá đã chạm 101,53 USD/thùng, thấp nhất kể từ ngày 11/5 cũng trong phiên này.
Các nhà đầu tư đánh giá việc tăng lãi suất để hạ nhiệt lạm phát đang tăng có thể cản trở sự phục hồi kinh tế như thế nào.
Tuy nhiên, giá dầu đã bớt sụt giảm trong phiên này sau khi Chủ tịch Fed cam kết tăng lãi suất để giảm lạm phát.
Tổng thống Mỹ Joe Biden kêu gọi Quốc hội thông qua việc bỏ thuế xăng liên bang trong 3 tháng để hạ giá thành và cung cấp cứu trợ tạm thời cho các gia đình người Mỹ trong mùa hè này. Trong khi đó giá xăng giảm có thể thực sự thúc đẩy nhu cầu nhiên liệu và hỗ trợ giá dầu thô, các nhà kinh doanh lo lắng chính quyền của Biden có thể thực hiện các biện pháp tiếp theo để hạ nhiệt giá năng lượng cao. Các nhà lập pháp của cả hai đảng lớn đã bày tỏ phản đối việc bỏ thuế xăng liên bang.
Nhà Trắng yêu cầu giám đốc điều hành của 7 công ty dầu mỏ nhóm họp trong ngày 23/6 để bàn luận cách thức tăng công suất và giảm giá xăng xuống khoảng 5 USD/gallon.
Công suất lọc dầu của Mỹ giảm năm thứ hai liên tiếp trong năm 2021, do việc đóng cửa nhà máy tiếp tục ảnh hưởng tới khả năng sản xuất xăng và dầu diesel.
Cơ quan Năng lượng Quốc tế IEA cho biết 2,4 nghìn tỷ USD sẽ được đầu tư trong ngành năng lượng trên toàn cầu trong năm nay, gồm chi tiêu kỷ lục cho năng lượng tái tạo nhưng không ngăn cản được thiếu hụt nguồn cung và giải quyết vấn đề biến đổi khí hậu
Vàng tăng
Giá vàng tăng do lợi suất trái phiếu Kho bạc Mỹ và USD giảm thúc đẩy sức hấp dẫn của vàng trong bối cảnh lo ngại suy thoái ngày càng tăng.
Vàng giao ngay tăng 0,4% lên 1.840,39 USD/ounce và vàng Mỹ kỳ hạn tháng 8 đóng cửa tại 1.838,4 USD/ounce.
Chủ tịch Cục dự trữ Liên bang Jerome Powell cho biết Fed cam kết mạnh mẽ trong việc giảm lạm phát và tốc độ tăng lãi suất trong tương lai sẽ tiếp tục phụ thuộc vào số liệu sắp tới và triển vọng kinh tế. Chỉ số USD giảm sau phát biểu của Powell.
Những lo lắng về kinh tế cộng với giá lương thực tăng vọt đã đẩy lạm phát giá tiêu dùng của Anh lên mức cao nhất 40 năm trong tháng trước.
Đồng giảm xuống mức thấp nhất 15 tháng
Giá đồng giảm xuống mức thấp nhất trong hơn một năm do lo sợ ngày càng tăng về lãi suất tiết kiệm tăng nhanh chóng sẽ đẩy nền kinh tế toàn cầu rơi vào suy thoái, trong khi Trung Quốc vật lộn với phong tỏa Covid-19, ảnh hưởng tới nhu cầu kim loại.
Đồng giao sau 3 tháng trên sàn giao dịch kim loại London giảm 2,7% xuống 8.757 USD/tấn, sau khi giảm xuống mức thấp nhất kể từ ngày 4/3/2021 tại 8.656 USD/tấn.
Triển vọng kỹ thuật của nhiều kim loại LME đang xấu đi và giá đồng phá vỡ mức hỗ trợ 8.700 USD sẽ khiến giá giảm thêm.
Theo thăm dò của Reuters, Cục dự trữ Liên bang Mỹ sẽ tăng lãi suất tiếp 75 điểm cơ bản trong tháng 7, rồi tăng tiếp nửa điểm phần trăm trong tháng 9.
Thị trường đồng đã tinh chế dư thừa 3.000 tấn trong tháng 4 so với thiếu hụt 22.000 tấn trong tháng 3, theo Tổ chức Nghiên cứu Đồng Quốc tế.
Quặng sắt Đại Liên giảm xuống mức thấp nhất 16 tuần
Giá quặng sắt Đại Liên giảm xuống mức thấp nhất trong 16 tuần, trong khi việc bán tháo tiếp tục tại Singapore, do lo lắng về dư cung thép tại Trung Quốc, nước sản xuất vật liệu xây dựng và gia công lớn nhất thế giới.
Quặng sắt kỳ hạn tháng 9 trên sàn giao dịch hàng hóa Đại Liên, Trung Quốc đóng cửa giảm 6% xuống 709,5 CNY (105,57 USD)/tấn, tiếp tục giảm giá phiên thứ 9 liên tiếp. Giá đã giảm xuống 698,5 CNY trong phiên này, mức thấp nhất kể từ ngày 1/3.
Hợp đồng quặng sắt giao tháng 7 tại Singapore giảm 5,6% xuống 108,45 USD/tấn sau một ngày phục hồi từ 8 phiên sụt giảm.
Trong thị trường giao ngay, quặng sắt hàm lượng 62% Fe xuất sang Trung Quốc giao dịch ở mức 117,5 USD/tấn trong ngày 21/6, theo số liệu của công ty SteelHome, phục hồi từ mức thấp nhất 6 tháng tại 115,5 USD/tấn đạt được trong ngày liền trước.
Lo lắng về những hạn chế mới làm giảm nhu cầu tổng thể trong nước khi Trung Quốc tiếp tục phát hiện những trường hợp nhiễm virus corona mới ngày này qua ngày khác.
Những gián đoạn trong hoạt động xây dựng bởi mùa mưa ở một số nơi của Trung Quốc cũng dẫn tới tồn kho thép tăng, thúc đẩy các nhà máy thép dừng hoạt động lò cao để cắt giảm lỗ.
Thép thanh tại Thượng Hải giảm 1,4%, trong khi thép cuộn cán nóng giảm 1,5%. Thép không gỉ giảm 0,6%.
Giá cao su Nhật Bản giảm theo thị trường Thượng Hải
Giá cao su ở Nhật Bản giảm theo xu hướng yếu kém trên thị trường Thượng Hải và giá nguyên liệu thô thấp tại Thái Lan, nhà sản xuất cao su hàng đầu thế giới.
Tuy nhiên, đà giảm bị hạn chế do đồng JPY yếu hơn khiến các tài sản định giá bằng đồng tiền này giá cả rẻ hơn khi mua bằng các đồng tiền khác.
Hợp đồng cao su kỳ hạn tháng 11 trên sàn Osaka đóng cửa giảm 0,7 JPY, hay 0,3% xuống 254 JPY (1,86 USD)/kg.
Giá cao su tại Thượng Hải giảm chủ yếu do tình trạng không rõ ràng về Covid-19 của Trung Quốc và nhu cầu cao su tự nhiên thấp hơn dự kiến tại nước này.
Hợp đồng cao su tại sàn giao dịch Thượng Hải giao tháng 9 giảm 175 CNY xuống 12.500 CNY (1.858,71 USD)/tấn sau khi xuống mức thấp nhất kể từ ngày 10/5 tại 12.455 CNY.
Cà phê tăng
Giá cà phê arabica kỳ hạn tháng 9 đóng cửa tăng 4,05 US cent hay 1,7% lên 2,364 USD/lb, cao nhất hai tuần.
Dự trữ cà phê của sàn ICE giảm tiếp xuống 975.821 bao, thấp nhất trong 22 năm. Các đại lý cho biết dự trữ cà phê sẽ tiếp tục giảm ít nhất cho tới tháng 10, khi vụ mới từ Hondura được thu hoạch.
Trong ngắn hạn hơn, cà phê tăng được hỗ trợ do các nhà đầu tư tài chính bắt đầu rút tiền khỏi chứng khoán và tiền ảo chuyển sang hàng hóa.
Đợt khô hạn kéo dài trong tháng 6 ở các khu vực trồng cà phê của Brazil cũng hỗ trợ giá.
Cà phê robusta kỳ hạn tháng 9 tăng 12 USD hay 0,6% lên 2.113 USD/tấn.
Đường giảm
Đường thô kỳ hạn tháng 7 đóng cửa giảm 0,21 US cent hay 1,1% xuống 18,45 US cent/lb.
Đường đang tìm thấy nhu cầu quanh mức 18,5 US cent, nhưng vẫn chủ yếu dựa vào tâm lý trong thị trường tài chính đang tiêu cực.
Tình trạng thiếu đường tại Philippines ngày càng trầm trọng hơn do sản xuất trong nước thấp hơn dự báo và do chậm trễ trong kế hoạch nhập khẩu tới 200.000 tấn đường trắng.
Giá đường trắng kỳ hạn tháng 8 giảm 6.60 USD hay 1,2% xuống 553 USD/tấn.
Lúa mì mạnh, đậu tương yếu, ngô trái chiều
Giá lúa mì của Mỹ tăng sau khi giảm mạnh trong đầu phiên, do các nhà đầu tư đóng lại vị thế bán khi Nga tấn công vào cảng của Ukraine.
Đậu tương giảm lần thứ 7 trong 8 phiên, xuống mức thấp nhất trong hơn một tháng khi thị trường dầu thô giảm. Ngô trái chiều với các hợp đồng vụ cũ tăng trong khi dự báo thời tiết tốt cho quá trình thụ phấn vào đầu tháng 7 khiến các hợp đồng vụ mới giảm.
Lúa mì vụ đông mềm đỏ giao tháng 7 trên sàn giao dịch Chicago CBOT đóng cửa tăng 3/4 US cent lên 9,76-1/2 USD/bushel.
Ngô kỳ hạn tháng 7 tăng 7-1/4 US cent lên 7,68 USD/bushel và ngô kỳ hạn tháng 12 giảm 7-3/4 US cent xuống 6,03-3/4 USD/bushel.
Đậu tương kỳ hạn tháng 7 giảm 28-1/2 US cent xuống 16,52-3/4 USD/bushel, chạm mức thấp nhất kể từ ngày 18/5.
Giá một số mặt hàng chủ chốt sáng ngày 23/6