Thị trường ngày 26/07: Giá dầu tăng, vàng giảm mạnh, sắt thép tăng trở lại
Giá các hàng hóa biến động trái chiều trong phiên hôm qua trong đó dầu tăng do căng thẳng giữa phương Tây với Iran còn vàng chạm mức thấp nhất 1 tuần
- 25-07-2019Thị trường ngày 25/07: Giá thép giảm phiên thứ 6 liên tiếp, quặng sắt cũng rớt mạnh, vàng bật tăng
- 24-07-2019Thị trường ngày 24/07: Dầu, cao su tăng giá trong khi vàng, sắt thép cùng giảm
- 23-07-2019Thị trường ngày 23/07: Giá dầu tiếp tục tăng, sắt thép hạ nhiệt
Dầu tăng do căng thẳng của Phương Tây với Iran
Giá dầu tăng trong phiên giao dịch đêm qua được hỗ trợ bởi căng thẳng giữa phương Tây và Iran đồng thời dự trữ dầu thô của Mỹ giảm mạnh, nhưng mức tăng bị hạn chế do lo lắng kéo dài về tăng trưởng kinh tế đang chậm lại có thể làm giảm nhu cầu nhiên liệu.
Dầu thô Brent kỳ hạn tháng 9/2019 đóng cửa ngày 25/7 tăng 21 US cent hay 0,33% lên 63,39 USD/thùng, trong phiên giá đã lên mức cao 64,23 USD/thùng. Dầu thô Tây Taxas WTI cùng kỳ hạn tăng 14 US cent hay 0,25% lên 56,02 USD/thùng.
Một tuần sau khi Iran bắt giữ tàu chở dầu mang cờ Anh trong vùng Vịnh, Anh bắt đầu cử tàu chiến đi kèm với tất cả các tàu của Anh qua eo biển Hormuz, một sự thay đổi trong chính sách được thông báo trong ngày 25/7.
Mỹ, Anh và các quốc gia khác sẽ nhóm họp tại Florida để bàn về cách thức bảo vệ việc vận chuyển trong vùng Vịnh. Saudi Arabia, nhà xuất khẩu dầu lớn nhất thế giới cũng kêu gọi các khách hàng dầu mỏ trên thế giới đảm bảo các chuyến chở dầu qua eo biển Hormuz, nơi khoảng 20% lượng dầu toàn cầu vận chuyển qua đó mỗi ngày. Vương quốc này cũng có mục tiêu nâng công suất đường ống đông – tây của họ thêm 40% trong 2 năm để xuất khẩu nhiều dầu hơn tránh qua eo biển Hormuz.
Giá dầu cũng được hỗ trợ bởi dự trữ dầu thô của Mỹ giảm gần 11 triệu thùng trong tuần trước.
Tuy nhiên, giá bị áp lực giảm từ những lo ngại về tăng trưởng kinh tế toàn cầu trong bối cảnh những dấu hiệu thiệt hại từ cuộc chiến tranh thương mại Mỹ - Trung ngày càng tăng.
Bộ Thương mại Trung Quốc xác nhận các nhà đàm phán Trung Quốc và Mỹ sẽ nhóm họp cho vòng đàm phán tiếp theo tại Thượng Hải trong 2 ngày bắt đầu từ thứ ba.
Vàng giảm 1% xuống mức thấp nhất một tuần
Giá vàng giảm 1% xuống mức thấp nhất một do số liệu kinh tế của Mỹ mạnh hơn dự đoán, làm lu mờ tác động của Ngân hàng Trung ương Châu Âu ECB về chính sách hỗ trợ tiền tệ, đồng thời các nhà đầu tư tập trung vào cuộc họp của Fed trong tuần tới.
Vàng giao ngay giảm 0,8% xuống 1.414,6 USD/ounce, trong phiên giá đã chạm mức 1.410,77 USD/ounce, thấp nhất kể từ ngày 17/7. Vàng kỳ hạn tháng 8/2019 của Mỹ đóng cửa giảm 0,6% xuống 1.414,7 USD/ounce.
Trước đó giá vàng tăng khoảng 0,5% lên 1.433,46 USD/ounce, cao nhất một tuần, sau khi ECB giữ lãi suất không đổi song để ngỏ cánh cửa cho việc giảm lãi suất trong tương lai.
Số lượng đơn xin trợ cấp thất nghiệp của Mỹ giảm xuống mức thấp nhất 3 tháng trong tuần trước cho thấy thị trường lao động mạnh, trong khi đơn hàng mới đối với hàng hóa Mỹ tăng 1,9% trong tháng 6/2019. Những tín hiệu lạc quan về kinh tế làm người ta giảm nhu cầu đầu tư với các hàng hóa an toàn như vàng.
Nickel giảm mạnh
Giá nickel giảm hơn 3% trong phiên qua, khi ngân hàng trung ương Châu Âu ECB mở cửa cắt giảm lãi suất trong bối cảnh hoạt động sản xuất giảm mạnh tại khu vực đồng euro.
Nickel trên sàn giao dịch kim loại London LME đóng cửa giảm 3,3% xuống 14.075 USD/tấn.
Giá nickel đã đạt 15.115 USD/tấn, cao nhất trong một năm vào ngày 18/7 sau khi tăng hơn 20% trong hơn 2 tuần. Sự gia tăng này phần lớn bởi các nhà đầu cơ và đã được chứng minh là không đúng khi các yếu tố cung cầu cho thấy thị trường cân bằng.
ECB đã điều chỉnh hướng dẫn thay đổi lãi suất và chuẩn bị các lựa chọn để nới lỏng chính sách hơn nữa, mở ra cơ hội cắt giảm lãi suất và mua trái phiếu mới. Cuộc họp chính sách của Fed tiếp theo trong tuần tới cũng dự kiến giảm lãi suất. Việc nới lỏng chính sách tích cực của hai ngân hàng trung ương sẽ giúp giá kim loại thông qua hỗ trợ tăng trưởng kinh tế.
Hoạt động sản xuất toàn cầu chậm lại đã thúc đẩy giá kim loại giảm, tâm lý kinh doanh của Đức giảm nhiều hơn dự kiến trong tháng 7/2019, xuống mức thấp nhất kể từ tháng 4/2013. Suy thoái đang lan rộng khắp lĩnh vực công nghiệp của Đức.
Dự trữ nickel tại các kho LME khoảng 145.000 tấn, thấp nhất kể từ năm 2013.
Quặng sắt Trung Quốc kết thúc chuỗi giảm 3 ngày
Giá quặng sắt kỳ hạn tháng 9/2019 trên sàn giao dịch Đại Liên đảo chiều tăng 1,2% lên 871,5 CNY/tấn, đóng cửa lần đầu tiên tăng trong 4 phiên. Giá đã giảm 4,1% từ đầu tuần tới nay.
Các nhà phân tích thuộc SP Angel cho biết quặng sắt đã được bán tháo mạnh trong tuần này do tâm lý thị trường chuyển đổi sau một loạt các chỉ số giảm giá. Với khối lượng tại các cảng ở Trung Quốc đang tăng, lợi nhuận của các nhà máy giảm, dự trữ thép tăng và dự đoán giá quặng sắt giảm.
Hợp đồng thép cây trên sàn giao dịch kỳ hạn Thượng Hải đóng của tăng 1% lên 3.940 CNY/tấn, phục hồi sau 6 phiên giảm liên tiếp. Thép cuộn cán nóng tăng 1% lên 3.866 CNY/tấn
Đường giảm
Đường thô kỳ hạn tháng 10/2019 chốt phiên giảm 0,06 US cent hay 0,5% đóng cửa tại 12 US cent/lb.
Thị trường tiếp tục bị áp lực của dấu hiệu nguồn cung dồi dào trong ngắn hạn.
Lượng giao hàng lớn gần đây đối với đường thô tháng 7 và đường trắng tháng 8 đã làm tăng lo ngại về dự trữ vượt trội và nhu cầu yếu ở Châu Á kể cả khi dự báo thị trường thiếu hụt trong vụ tới.
Giá đường thế giới dự báo tăng vào cuối năm nay với thiếu hụt toàn cầu dự kiến trong niên vụ 2019/20.
Đường trắng kỳ hạn tháng 10/2019 đóng cửa giảm 1,2 USD hay 0,4% xuống 320 USD/tấn.
Gạo Châu Á: Hạn hán ở Thái Lan làm tăng nỗi lo về nguồn cung
Tình trạng hạn hán tại Thái Lan gây lo ngại về nguồn cung ngay cả khi đồng baht mạnh trong tuần này khiến giá xuất khẩu của gạo Thái Lan cao hơn so với các đối thủ cạnh tranh ở Châu Á, trong khi lũ lụt tàn phá mùa màng tại Bangladesh.
Giá gạo 5% tấm của Thái Lan giảm xuống 390 – 395 USD/tấn FOB Bangkok trong ngày 25/7 so với mức 401 – 402 USD một tuần trước, nhưng vẫn đắt hơn so với giá các nơi khác. Nhu cầu gạo của Thái Lan vẫn ổn định.
Trong khi đó, hạn hán tại hơn một chục tỉnh đã gây lo lắng về nguồn cung. Cục khí tượng báo cáo lượng mưa tại các khu vực trồng gạo chính là thấp nhất trong 10 năm.
Chính phủ Thái Lan đã yêu cầu nông dân tại các khu vực bị hạn hán hoãn trồng lúa vì việc bơm nước từ hồ chứa để tưới tiêu đe dọa nguồn cung cho các hộ gia đình.
Các nhà xuất khẩu gạo Thái Lan giảm mục tiêu xuất khẩu hàng năm xuống 9 triệu tấn từ mức 9,5 triệu tấn, sau khi xuất khẩu giảm mạnh trong nửa đầu năm.
Tại Bangladesh, theo đánh giá sơ bộ của Bộ Nông nghiệp lũ lụt đã nhấn chìm hơn 50.000 ha ruộng lúa.
Tại Ấn Độ, giá gạo đồ 5% tăng lên 381 – 384 USD/tấn từ mức 374 – 377 USD một tuần trước do giá lúa tăng vọt ngay cả khi nhu cầu từ các khách hàng Châu Á và Châu Phi trầm lắng.
Xuất khẩu gạo trắng gần như đã dừng lại, trong khi xuất khẩu gạo đồ giảm mạnh do giá lúa tăng. Trong khi đó, mùa mưa dưới trung bình đã nâng lo ngại về sản lượng vụ gieo trồng mùa hè.
Tại Việt Nam, giá gạo 5% tấm không đổi ở mức 350 USD/tấn.
Các thương gia cho biết xuất khẩu từ Việt Nam trong tháng 7 có thể giảm đáng kể. Số liệu sơ bộ cho thấy 194.400 tấn sẽ được chất lên tàu tại kho cảng ở Thành phố Hồ Chí Minh so với 311.700 tấn trong tháng 6/2019.
Cà phê giảm
Cà phê arabica kỳ hạn tháng 9/2019 kết thúc phiên giảm 0,35 US cent hay 0,4% xuống 1.0065 USD/lb sau khi giảm xuống mức thấp nhất 1 tháng tại 1,003 USD/lb.
Các nguồn cung đồi dào trở được tập trung trở lại khi mối đe dọa của sương giá gây thiệt hại cho cây trồng ở Brazil đã thoái lui.
Cà phê rubusta kỳ hạn tháng 9/2019 giảm 2 USD hay gần 0,2% xuống 1.358 USD/tấn.
Tại Việt Nam giá cà phê giảm tiếp trong ngày 25/7 so với một tuần trước, hoạt động giao dịch dự kiến vẫn chậm cho tới vụ 2019/20 bắt đầu vào tháng 10/2019.
Nông dân tại Tây Nguyên đã bán cà phê ở mức 33.300 đồng/kg, giảm từ 34.500 – 35.000 đồng một tuần trước.
Việc giao dịch cà phê tại Việt Nam tiến triển chậm trong nhiều tuần vào cuối niên vụ 2018/19 do nguồn cung thấp và giá không hấp dẫn.
Vụ thu hoạch tới tại Việt Nam dự kiến bắt đầu vào quý 4/2019 và các thương nhân cho biết điều kiện thời tiết hiện nay thuận lợi cho vụ mới.
Các thương nhân tại Việt Nam chào bán cà phê robusta loại 2 với 5% hạt đen và vỡ ở mức cộng 140 USD/tấn so với hợp đồng kỳ hạn tháng 9/2019 trên sàn ICE.
Trong khi đó, cà phê robusta loại 4 khiếm khuyết 80 được chào ở mức cộng 150 USD/tấn so với hợp đồng kỳ hạn tháng 9/2019, mức cộng một tuần trước là 150 – 180 USD.
Mức cộng giảm do giá tại London tiếp tục đi xuống. Các khách hàng cũng coi giá tại Lampung là đắt, dẫn tới giao dịch tương đối thấp trong tuần này. Vụ thu hoạch cà phê đang tiếp tục tại Lampung.
Giá một số mặt hàng chủ chốt sáng ngày 26/07