Thị trường ngày 26/10: Giá dầu bật tăng khi chứng khoán lên điểm, cao su thấp nhất 2 năm
Chứng khoán phương Tây tăng điểm đã hỗ trợ giá dầu tăng trong phiên vừa qua, nhưng gây áp lực giảm lên giá vàng.
- 25-10-2018Thị trường ngày 25/10: Giá đường cao nhất 9 tháng rưỡi, than cao nhất 2 tuần
- 24-10-2018Thị trường ngày 24/10: Dầu thô bị bán tháo khiến giá lao dốc xuống thấp nhất 2 tháng, vàng cao nhất 3 tháng
- 23-10-2018Thị trường ngày 23/10: Chứng khoán Trung Quốc bùng nổ mạnh nhất 4 năm đẩy giá dầu và kim loại lên cao
Chỉ số Dow Jones chấm dứt chuỗi giảm ba phiên liên tiếp trong khi S&P500 xanh phiên đầu tiên trong 7 phiên nhờ nhóm tiêu dùng và công nghệ. Tuy nhiên, chứng khoán châu Á đóng cửa phiên vừa qua vẫn trong sắc đó, với chỉ số Nikkei thấp nhất trong vòng 7 tháng. Chứng khoán bấp bênh khiến các nhà đầu tư phải dè chừng với hàng hóa – được coi là tài sản rủi ro cao. Trên thực tế, vẫn còn quá sớm để tin rằng sự hồi phục của thị trường chứng khoán sẽ bền vững.
Dầu hồi phục
Giá dầu tăng 1% trong phiên vừa qua nhờ chứng khoán Mỹ cũng hồi phục sau khi giảm mạnh nhất kể từ 2011 ở phiên trước đó và Bộ trưởng Năng lượng Saudi Arabia tỏ ý rằng các nước sản xuất dầu mỏ chủ chốt có thể sẽ ngừng can thiệp vào thị trường.
Dầu Brent kết thúc phiên tăng 72 US cent lên 76,89 USD/thùng nhờ cổ phiếu Mỹ tăng sau báo cáo thu nhập tốt của các công ty. Tuy nhiên, so với thời điểm 3/10/2018 dầu Brent hiện vẫn thấp hơn gần 10 USD/thùng. Dầu Tây Texas Mỹ (WTI) tăng 51 US cent lên 67,33 USD/thùng.
Chứng khoán hồi phục nên các nhà đầu tư không còn lo ngại về vấn đề tăng trưởng kinh tế toàn cầu mà chỉ tập trung vào các yếu tố cơ bản của thị trường dầu. Việc Bộ trưởng Năng lượng Saudi Arabia, Khalid Al-Falih, phát biểu rằng có thể không cần can thiệp để giảm lượng tồn trữ dầu sau khi giá tăng những tháng gần đây cũng góp phần hỗ trợ giá "vàng đen".
Tại trung tâm trung chuyển dầu thô Mỹ Cushing ở Oklahoma, dự trữ dầu thô tới thời điểm 23/10/2018 đã tăng lên 33 triệu thùng, cao hơn gần 1,8 triệu thùng so với 1 tuần trước đó.
Vàng giảm do USD và chứng khoán đi lên
Giá vàng giảm trong phiên vừa qua khi USD mạnh lên và chứng khoán xanh trở lại. Vàng giao ngay giảm 0,3% xuống 1229,43 USD/ounce, tuy nhiên đầu phiên vừa qua có lúc đạt 1.239,22 USD/ounce, gần sát mức cao nhất 3 tháng; vàng giao sau tiếp tục tăng thêm 1,3 USD tương đương 0,11% lên 1.232,40 USD/ounce.
Thép tiếp tục tăng
Giá thép xây dựng tại Trung Quốc tăng phiên thứ 4 liên tiếp trong bối cảnh nhu cầu vững và tồn trữ giảm. Không giống như kim loại cơ bản, thị trường thép đang miễn nhiễm với việc chứng khoán toàn cầu cũng như giá các kim loại cơ bản trong phiên liền trước cùng sụt giảm.
Thép cây kỳ hạn giao tháng 1/2019 trên sàn Thượng Hải tăng 0,8% lên 4.192 CNY (503,54 USD)/tấn, cao nhất kể từ 10/9/2018, trong khi thép cuộn cán nóng tăng 1,4% lên 3.914 CNY/tấn.
Các yếu tố cơ bản đang rất có lợi cho xu hướng giá tăng. Tồn trữ các sản phẩm thép của các thương gia Trung Quốc giảm 370.000 tấn xuống 10,3 triệu tấn trong tuần tới 19/10/2018.
Giá thép giao ngay đang cao hơn khoảng 600 1 so với các hợp đồng kỳ hạn, và tiêu chuẩn quốc gia (mới) đối với mặt hàng thép cây – sẽ được đưa ra vào ngày 1/11/2018 – sẽ đẩy chi phí tăng thêm 200 CNY/tấn.
Sắt cũng tăng theo sát thép
Quặng sắt cũng tăng phiên thứ 4 liên tiếp cùng chiều với thép. Trên sàn Đại Liên, quặng sắt tăng 1% lên 533 CNY/tấn, cao nhất kể từ 7/3/2018. "Tình trạng khan hiếm quặng năm nay chắc chắn sẽ còn tiếp diễn trong ngắn hạn. Các biện pháp cải cách nguồn cung của Trung Quốc sẽ giữ nhu cầu quặng chất lượng cao ở mức cao", ngân hàng ANZ nhận định. Theo ANZ, chiến dịch cải tổ ngành công nghiệp nặng của Trung Quốc có thể làm cho công suất sản xuất thép thô của nước này giảm 16 triệu tấn trong quý 4/2018 và quý 1/2019 so với cùng kỳ năm trước.
Than tăng giá
Giá than tăng do nhu cầu mạnh. Tại Trung Quốc, than cốc giao dịch trên sàn Đại Liên đã tăng 2,2% trong phiên vừa qua lên 2.495 CNY/tấn , trong khi than luyện cốc tăng 2,3% lên 1.410 CNY/tấn. Nhu cầu mạnh từ lĩnh vực luyện thép đang hỗ trợ giá mặt hàng này tăng nhanh.
Tại Ấn Độ, nhu cầu than cũng đang ở mức cao. Nhập khẩu than nhiệt vào Ấn Độ quý 3/2018 tăng nhanh nhất trong vòng 3,5 năm do nhu cầu tăng trong khi hạ tầng cơ sở trong nước bị tắc nghẽn. Trong quý 3 năm nay, Ấn Độ đã nhập khẩu 42,7 triệu tấn than nhiệt, tăng 35% so với cùng kỳ năm ngoái. Tính chung trong 9 tháng đầu năm, nhập khẩu đạt 124,6 triệu tấn, tăng 20%.
Cao su thấp nhất 2 năm
Giá cao su trên sàn Tokyo đã giảm phiên thứ 3 liên tiếp do các nhà đầu tư tháo chạy khỏi thị trường hàng hóa khi thấy sắc đỏ vẫn bao trùm thị trường chứng khoán toàn cầu, kể cả chứng khoán Nhật Bản. Giới đầu tư ngày càng lo ngại kinh tế thế giới tăng trưởng chậm lại.
Cao su giao tháng 3 năm sau trên sàn Tokyo đã giảm 1,8 JPY tương đương 1,1% xuống 165 JPY (1,47 USD)/kg vào cuối phiên, trong ngày có lúc chỉ 163 JPY, thấp nhất kể từ 3/10/2016.
Trên sàn Thượng Hải, hợp đồng giao tháng 1 năm sau cũng giảm 130 CNY xuống 11.785 CNY (1.697 USD)/tấn vào cuối ngày, sau khi có lúc chạm 11.535 CNY, thấp nhất kể từ 3/8/2018.
Gạo Việt Nam tăng, Ấn Độ và Thái Lan giảm
Giá gạo Ấn Độ tuần này giảm xuống mức thấp nhất 21 tháng do nhu cầu yếu và dự báo sản lượng sẽ bội thu. Nước này sẽ thu hoạch lúa sau 2 tuần nữa, và các thương gia Ấn Độ không đoán được giá sắp tới vì gần đây Chính phủ đã nâng giá hỗ trợ đối với lúa gạo mà Chính phủ thu mua trong nước. Sản lượng vụ Hè dự báo sẽ tăng 1,8% lên 99,24 triệu tấn.
Trong khi đó, gạo Thái Lan cũng giảm giá do thiếu vắng nhu cầu trong khi giữa tháng 11 tới sẽ thu hoạch vụ lúa mới. Riêng gạo Việt Nam tăng bởi nhu cầu của các doanh nghiệp tăng lên và lo ngại nguồn cung trong nước sụt giảm. Tuy nhiên, hoạt động xuất khẩu khá trầm lắng vì giá gạo Việt chào bán cao hơn các xuất xứ khác.
Đối với loại 5% tấm xuất khẩu, Ấn Độ đang chào giá khoảng 361 – 367 USD/tấn (thấp nhất kể từ tháng 1/2017) so với 365-370 USD/tấn cách đây một tuần; Thái Lan chào giá 400 – 402 USD/tấn, FOB Bangkok, so với 405 – 407 USD/tấn tuần trước, trong khi Việt Nam chào giá 410 – 415 USD/tấn, so với 405 – 410 USD/tấn.
Lúa mì thấp nhất trong năm 2018, ngô và đậu tương cũng giảm
Giá lúa mì trên sàn Chicago đã giảm hơn 2% xuống mức thấp nhất kể từ tháng 1/2018 do nhu cầu lúa mì Mỹ xuất khẩu thấp và USD mạnh lên. Hợp đồng kỳ hạn tháng 12 giảm 12-1/4 US cent xuống 4,87-1/4 USD/bushel vào cuối phiên, trước đó có lúc chỉ 4,85-1/2 USD, thấp nhất kể từ 24/1/2018. Trên thế giới, Ủy ban Ngũ cốc Quốc tế (IGC) vừa nâng dự báo vê sản lượng lúa mì toàn cầu niên vụ 2018/19 lên 728,8 triệu tấn từ mức 716,7 triệu tấn dự báo trước đây, trong đó sản lượng của Trung Quốc được dự báo sẽ đạt 134,7 triệu tấn (cao hơn mức 122,5 triệu tấn dự báo trước đây), của Liên minh châu Âu, Nga và Algeria cũng được điều chỉnh tăng, song của Argentina và Australia bị hạ xuống.
Ngô và đậu tương cũng giảm trong phiên vừa qua bởi số liệu cho thấy xuất khẩu của Mỹ tuần qua thấp trong khi vụ mùa phát triển thuận lợi. Ngô giao tháng 12 trên sàn Chicago giảm 7-1/4 US cent xuống 3,61 USD/bushel vào cuối phiên sau khi có lúc chạm mức thấp nhất 2 tuần là 3,60-1/2 USD; đậu tương giao tháng 11 giảm 8-1/2 US cent xuống 8,41-3/4 USD/bushel sau khi có lúc cũng thấp nhất 1 tháng là 8,40 USD.
Trên thế giới, yếu tố cơ bản đối với ngô và đậu tương vẫn khá tích cực. IGC dự báo sản lượng ngô thế giới niên vụ 2018/19 sẽ đạt 1,074 tỷ tấn, còn đậu tương đạt 369 triệu tấn (so với 370 triệu tấn dự báo trước đây). Theo IGC, tiêu thụ các ngũ cốc này trong các ngành thức ăn chăn nuôi, thực phẩm cũng như công nghiệp sẽ vẫn tiếp tục xu hướng tăng.
Cà phê arabica tăng, robusta giảm
Giá cà phê biến động trái chiều giữa 2 thị trường chủ chốt. Arabica giao tháng 12/2018 tăng 0,9 US cent tương đương 0,8% lên 1,2115 USD/lb vào cuối phiên, trước đó có lúc đạt 1,231 USD, nhờ hoạt động mua mạnh trong bối cảnh đồng real Brazil mạnh lên. Như vậy, kể từ giữa tháng 9 (khi giá xuống thấp nhất 12,2 năm) tới nay, arabica đã tăng khoảng 30%.
Tuy nhiên, robusta giao tháng 1 năm sau đã giảm 10 USD tương đương 0,6% trong phiên vừa qua, xuống 1.707 USD/tấn, mặc dù có tin xuất khẩu cà phê Ấn Độ có thể giảm 8% xuống 230.000 tấn trong năm 2019 do sản lượng dự báo thấp nhất 5 năm vì lũ lụt ở những bang trồng cà phê chủ chốt.
Trên thị trường châu Á, giá tại Việt Nam tăng trái chiều với giá quốc tế, trong khi mức cộng của cà phê Indonesia vững do nguồn cung thấp vì cuối vụ thu hoạch.
Cà phê loại 2 (5% đen & vỡ) của Việt Nam hiện giá trừ lùi 70 – 90 USD/tấn so với hợp đồng giao tháng 1/2019 trên sàn London, so với mức trừ lùi 60- 70 USD/tấn cách đây một tuần. Cà phê nhân xô tại Tây Nguyên giá cũng giảm từ 38.000 – 38.500 đồng xuống 36.800-37.000 đồng. Mặc dù giá giảm và cuối vụ thu hoạch nhưng nông dân vẫn bán hàng ra.
Tại Indonesia, cà phê robusta loại 4 (80 hạt lỗi) vững ở cộng 0-20 USD/tấn so với hợp đồng giao tháng 1/2019 trên sàn London.
Trái hồng giảm 30%
Nhiều người dự đoán giá hồng tại Trung Quốc trong "mùa sương xuống" sẽ tăng mạnh, nhưng năm nay trái lại giá giảm khá nhanh. Chỉ trong vòng một tuần qua, giá đã giảm khoảng 30%. Theo phong tục truyền thống của người Trung Quốc, "Mùa sương xuống" (từ 23/10 đến 7/11) là "mùa" ăn hồng đỏ. Do đó giá đã tăng lên mức cao nhất trong ngày đầu tiên của "mùa". Tuy nhiên, sau đó giá giảm rất nhanh.
Giá một số mặt hàng chủ chốt sáng 26/10