Thị trường ngày 27/8: Giá vàng đảo chiều tăng nhẹ, cà phê robusta lập đỉnh 8 tháng
Giá nhiều nguyên liệu chủ chốt tăng trong phiên vừa qua, trong đó vàng đảo chiều đi lên sau mấy phiên giảm, cà phê và cao su đạt mức cao nhất hơn nửa năm, đồng cao nhất 2 năm.
- 25-08-2020Thị trường ngày 25/8: Giá dầu tăng do sắp bão, vàng giảm tiếp
- 22-08-2020Thị trường ngày 22/08: Dầu, vàng cùng rớt giá
- 21-08-2020Thị trường ngày 21/08: Dầu, đồng, quặng sắt... rớt giá mạnh, vàng giao ngay vẫn tăng
Dầu WTI tăng nhẹ, Brent giảm
Giá dầu biến động nhẹ trong phiên vừa qua do tác động cân bằng từ hai yếu tố trái chiều: lo ngại về triển vọng nhu cầu xăng dầu do đại dịch Covid-19 gây áp lực giảm nhưng việc các nhà sản xuất dầu Mỹ ở khu vực Vịnh Mexico phải tạm dừng hoạt động trước cơn bão Laurau đẩy giá tăng
Kết thúc phiên giao dịch, dầu Brent giảm nhẹ 22 US cent xuống 45,64 USD/thùng, trong khi dầu Tây Texas (WTI) tăng 4 US cent lên 43,39 USD/thùng.
Cơn bão Laura đang tiến thẳng vào trung tâm sản xuất dầu ngoài khơi Vịnh Mexico của Mỹ, dự báo sẽ mạnh thành bão cấp 4 với mưa cực nhiều và gió 209 km/h. 9 nhà máy chế biến dầu của Mỹ có công suất tổng cộng gần 2,9 triệu thùng dầu thô mỗi ngày (khoảng 15% công suất chế biến dầu của nước Mỹ) đã phải tạm dừng hoạt động.
Trước cơn bão này, xuất khẩu dầu thô của Mỹ trong tuần qua đã tăng mạnh nhất kể từ tháng 2/2019, lên gần 3,4 triệu thùng/ngày, theo Cơ quan Thông tin Năng lượng Mỹ.
Trong khi đó, tồn trữ dầu thô của nước này đã giảm 4,7 triệu thùng trong tuần đến 21/8, nhiều hơn mức dự đoán là giảm 3,7 triệu thùng/ngày.
Vàng tăng hơn 1%
Giá vàng tăng hơn 1% trong phiên vừa qua do USD giảm trước khi Chủ tịch Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (FED) Jerome Powell có bài phát biểu tại hội nghị chuyên đề Jackson Hole vào ngày 27/8. Nhà đầu tư vàng đánh cược rằng Mỹ sẽ có thêm các biện pháp kích thích mới để giảm thiểu tác động của Covid-19.
Cuối phiên giao dịch, giá vàng giao ngay tăng 1% lên 1.948,07 USD/ounce, trước đó cùng phiên có lúc giá giảm xuống mức thấp nhất 2 tuần; vàng kỳ hạn tháng 12/2020 tăng 1,5% lên 1.952,5 USD/ounce.
Bài phát biểu của ông Powell được dự báo sẽ cung cấp cái nhìn rõ hơn về chiến lược của FED đố với chính sách tiền tệ và lạm phát.
Đồng cao nhất 2 năm
Giá đồng tăng lên mức cao kỷ lục 2 năm do lượng đồng lưu kho trên sàn London giảm xuống mức thấp nhất 14 năm và thị trường chứng khoán Mỹ tăng lên mức cao kỷ lục mới.
Kết thúc phiên giao dịch trên sàn London (LME), đồng kỳ hạn giao sau 3 tháng tăng 0,9% lên 6.588,50 USD/tấn, gần sát mức cao 6.707 USD/tấn đạt được hôm 19/8.
Nhân dân tệ tăng giá mạnh nhất so với đồng USD kể từ tháng 1, khiến kim loại trở nên rẻ hơn đối với các khách hàng Trung Quốc.
Các nhà đầu tư lạc quan hơn về triển vọng kinh tế toàn cầu, khi các quan chức Mỹ và Trung Quốc tái khẳng định cam kết về thỏa thuận thương mại giai đoạn I và hy vọng FED sẽ có thêm biện pháp kích thích kinh tế. "Dự báo lạm phát sẽ đẩy tăng nhu cầu kim loại – vốn là một tài sản có thể giúp phòng ngừa lạm phát", nhà phân tích Nitesh Shah của WisdomTree cho biết.
Lượng đồng lưu kho trên sàn LME hiện chỉ 90.025 tấn, thấp nhất kể từ 2006 và giảm nhiều so với 280.000 tấn hồi tháng 5. Citibank cho biết, nhu cầu đồng của Trung Quốc trong tháng 7/2020 so với cùng kỳ năm trước tăng mạnh nhất kể từ tháng 2/2017, đồng thời dự báo giá kim loại này có thể đạt 6.800 USD/tấn trong vòng 3 tháng tới.
Trong khi đó, các cuộc biểu tình của công nhân ở Grasberg của Indonesia - mỏ đồng lớn thứ hai thế giới – đã bước sang ngày thứ 3, làm gián đoạn sản xuất ở mỏ này.
Thép không gỉ tăng do thiếu nguyên liệu
Giá thép không gỉ kỳ hạn giao sau trên thị trường Trung Quốc tăng trong phiên vừa qua do tình trạng thiếu quặng nickel và ferronickel.
Kết thúc phiên giao dịch, thép không gỉ kỳ hạn tháng 10/2020 tăng 1,2% lên 15.165 CNY (2.198,59 USD)/tấn. Đầu phiên có lúc giá đạt 15.200 CNY.
Nguồn cung (nickel) từ Philippines bị thắt chặt và dự trữ ferronickel giảm sút đã đẩy giá nguyên liệu sản xuất thép không gỉ tăng lên. Dự báo nguồn cung 2 kim loại này sẽ chưa được cải thiện trong tương lai gần.
Về các loại thép khác, giá thép cây trên sàn Thượng Hải giảm 0,5% xuống 3.777 CNY/tấn; thép cuộn cán nóng giảm 0,7% xuống 3.928 CNY/tấn. Trong khi đó, quặng sắt trên sàn Đại Liên giá tăng 0,7% lên 829 CNY/tấn.
Nhôm tăng
Giá nhôm trên sàn LME tăng 0,2% trong phiên vừa qua, lên 1.779 USD/tấn.
Hãng nhôm Rusal của Nga thông báo kế hoạch thoái vốn trong liên doanh ở miền Nam Trung Quốc - North United Aluminium (Thâm Quyến) - vì lo ngại về việc lượng tiêu thụ thấp. Tuy nhiên, hãng này đang mở một văn phòng mới ở thành phố Thượng Hải (Trung Quốc) để tăng cường sự hiện diện tại thị trường Trung Quốc nói riêng, nơi tiêu thụ nhôm nhiều nhất thế giới, và Châu Á nói chung. Người phát ngôn của Russal cho biết, việc mở văn phòng ở Thượng Hải nằm trong chiến lược tăng doanh số bán sản phẩm ở Châu Á và để tiếp thị aluminin hàm lượng carbon thấp. Châu Á chiếm 27% tiêu thụ nhôm của Russal trong giai đoạn tháng 4-6/2020.
Cà phê robusta cao nhất 8 tháng
Giá cà phê robusta tăng lên mức cao kỷ lục 8 tháng do nhu cầu mua duy trì ở mức cao trong khi lượng hàng lưu kho giảm.
Trên sàn London, cà phê robusta kỳ hạn tháng 11 tăng 6 USD (0,4%) lên 1.427 USD/tấn vào cuối phiên, trong phiên có lúc đạt mức cao nhất 8 tháng là 1.444 USD/tấn.
Các yếu tố cơ bản đang hỗ trợ cho giá robusta, như sản lượng ở Việt Nam trong niên vụ 2020/21 dự báo giảm. Các đại lý cho biết, việc người tiêu dùng chuyển sang tiêu thụ cà phê ở nhà thay vì ở ngoài hàng đã khiến nhu cầu robusta tăng lên, và lượng lưu trong các kho của sàn London giảm xuống chỉ còn 109.080 tấn vào ngày 25/8/2020, so với 150.000 tấn một năm trước đó.
Các thương hiệu bán lẻ thường sử dụng nguyên liệu pha trộn giữa arabica và robusta, trong khi các cửa hàng cà phê chủ yếu chỉ sử dụng arabica. Cà phê hòa tan – được sử dụng rộng rãi ở các gia đình – được sản xuất từ robusta.
Trong phiên vừa qua, arabica kỳ hạn tháng 12 giảm 0,85 US cent (0,7%) xuống 1,221 USD/lb.
Đường giảm
Giá đường thô kỳ hạn tháng 10 giảm 0,18 US cent (1,4%) xuống 12,58 US cent/lb; đường thô giao cùng kỳ hạn cũng giảm 2,8 USD (0,8%) xuống 359,5 USD/tấn.
Các đại lý cho biết, thị trường đường đang không có xu hướng giá rõ rệt, do sản lượng ở Brazil tăng nhưng dự báo ở Thái Lan, Liên minh Châu Âu và Nga dự báo giảm.
Một nhà môi giới ở Mỹ cho biết, có dấu hiệu cho thấy khách hàng Trung Quốc đang dừng mua trong thời gian gần đây (việc Trung Quốc mua mạnh là yếu tố chính đẩy giá tăng gần đây).
Cacao giảm dù sản lượng của Nigeria dự báo giảm
Giá cacao trên sàn New York kỳ hạn tháng 12 giảm 11 USD (0,4%) xuống 2.476 USD/tấn, trong khi đó trên sàn London giảm 32 GBP (1,9%) xuống 1.683 GBP/tấn.
Mặc dù giá giảm trong phiên vừa qua, song các đại lý cho biết, thị trường vẫn trong xu hướng tăng giá bởi khô hạn có thể ảnh hưởng tới sản lượng cacao ở Tây Phi trong vụ 2020/21 sắp tới. Hiệp hội Cacao Nigeria dự báo sản lượng của họ sẽ giảm ít nhất 20% thời tiết khô hạn và virus gây bệnh trên cây.
Cao su lập ‘đỉnh’ gần 6 tháng
Giá cao su kỳ hạn giao sau trên thị trường Nhật Bản tăng lên mức cao kỷ lục 6 tháng trong phiên vừa qua do lo ngại tình trạng thiếu nhân lực ở Thái Lan do Covid-19 có thể dẫn tới thiếu hụt nguồn cung ở nước sản xuất số 1 thế giới này.
Trên sàn Osaka, cao su kỳ hạn tháng 2/2020 tăng 2,5 JPY lên 181,5 JPY (1,7 USD)/kg. Đầu phiên có thời điểm giá đạt 181,9 JPY, cao nhất kể từ 27/2.
"Tình trạng thiếu nhân lực ở Thái Lan do đại dịch có thể khiến nguồn cung sụt giảm trong thời gian tới", nhà phân tích Toshitaka Tazawa của Fujitomi Co. nhận định.
Trái với xu hướng giá ở Nhật Bản, giá cao su trên sàn Thượng Hải (kỳ hạn tháng 1/2021) giảm 35 CNY xuống 12.575 CNY (1.825 USD)/tấn, do các nhà đầu tư tranh thủ bán kiếm lời sau khi giá đạt mức cao nhất kể từ 21/1.
Giá một số mặt hàng chủ chốt sáng 27/8