MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Thị trường ngày 28/12: Dầu lập đỉnh 3 tháng, vàng tăng nhiều nhất trong 4 tháng

28-12-2019 - 08:57 AM | Thị trường

Hầu hết các thị trường nguyên liệu từ vàng tới đồng, nhôm, nông sản... đồng loạt khởi sắc trong phiên vừa qua do giá dầu duy trì đà tăng và tâm lý lạc quan từ các số liệu kinh tế mới của Mỹ và Trung Quốc.

Dầu lập ‘đỉnh’ 3 tháng do tồn trữ giảm và nhà đầu tư lạc quan về nhu cầu

Giá dầu tiếp tục tăng trong phiên vừa qua để kết thúc tuần tăng thứ 4 liên tiếp do số liệu mới từ Mỹ cho thấy tồn trữ dầu thô của nước này giảm nhiều hơn dự đoán, trong khi số liệu kinh tế khả quan và lạc quan về thỏa thuận thương mại Mỹ - Trung.

Kết thúc phiên này, dầu Brent tăng 24 US cent lên 68,16 USD/thùng, cao nhất kể từ giữa tháng 9/2019; tính từ cuối năm 2018 tới nay Brent đã tăng gần 27%. Dầu Tây Texas (WTI) cũng tăng 4 US cent lên 61,72 USD/thùng, mốc kỷ lục mới cao nhất trong vòng 3 tháng; WTI tăng 36% kể từ cuối năm 2018 tới nay.

Tồn trữ dầu thô của Mỹ trong tuần tới 20/12/2019 đã giảm 5,5%, vượt xa mức giảm 1,7 triệu thùng mà các nhà phân tích dự báo.

Chứng khoán Mỹ tăng điểm càng tạo tâm lý lạc quan cho nhà đầu tư dầu mỏ. Chỉ số S&P 500 đang tiến tới kết thúc một năm tăng nhiều nhất kể từ 1997; trong khi Nasdaq ngày 26/12/2019 vượt ngưỡng 9.000 điểm lần đầu tiên trong lịch sử.

Khối lượng giao dịch không nhiều vì đang là kỳ nghỉ lễ Giáng sinh và Năm mới. Tuy nhiên, thị trường dầu mỏ vẫn thể hiện tâm lý lạc quan một phần cũng bởi số liệu cho thấy lợi nhuận của các công ty công nghiệp Trung Quốc tháng 11/2019 tăng nhanh nhất trong vòng 8 tháng; trong khi đó ở Mỹ, kết quả thăm dò cho thấy doanh số mua hàng trực tuyến trong dịp nghỉ lễ này đạt mức cao kỷ lục.

Vàng có tuần tăng nhiều nhất 4 tháng

Giá vàng đi lên trong phiên giao dịch vừa qua để kết thúc một tuần tăng mạnh nhất trong vòng hơn 4 tháng mặc dù khối lượng giao dịch không nhiều. Lý do bởi hầu hết các nhà đầu tư vàng vẫn lo ngại về triển vọng tăng trưởng kinh tế cũng như khả năng bất ổn trong quan hệ thương mại Mỹ - Trung.

Kết thúc phiên cuối tuần, giá vàng kỳ hạn tháng 2/2020 tăng 0,2% lên 1.518,1 USD/ounce.

Mặc dù mới đây Washington và Bắc Kinh phát đi những thông điệp cho thấy hai bên sắp ký kết thỏa thuận thương mại Giai đoạn 1, tuy nhiên hầu hết các nhà đầu tư vàng vẫn lo lắng khi hai bên chưa đặt bút ký và cũng chưa rõ về nội dung chi tiết của thỏa thuận này. Cuộc chiến thương mại kéo dài 17 tháng giữa 2 nền kinh tế lớn nhất thế giới đã buộc nhiều ngân hàng trung ương phải sử dụng biện pháp nới lỏng tiền tệ. Giá vàng đã tăng đáng kể nhờ môi trường lãi suất thấp.

Bạc giảm, bạch kim và palađi tăng

Kết thúc phiên giao dịch vừa qua, giá bạc giảm 0,3% xuống 17,84 USD/ounce, nhưng tính chung cả tuần tăng gần 4%; bạch kim tăng 0,1% lên 947,58 USD/ounce, trong khi palađi tăng 0,3% lên 1.905,57 USD/ounce và tính chung cả tuần tăng gần 3%.

Đồng cao nhất gần 8 tháng do lạc quan về kinh tế Trung Quốc, nhôm cũng tăng

Giá đồng đã tăng lên mức cao nhất kể từ tháng 5/2019 do lợi nhuận của các công ty công nghiệp Trung Quốc đạt cao nhất 8 tháng và Mỹ - Trung sắp đạt được một thỏa thuận thương mại bước đầu.

Đồng kỳ hạn giao sau 3 tháng trên sàn London trong phiên vừa qua có lúc đạt 6.266,5 USD/tấn, cao nhất kể từ 7/5/2019, trước khi hạ nhẹ để kết thúc ở mức 6.214 USD/tấn. Tính chung cả tuần, giá tăng 0,6%, là tuần tăng thứ 6 liên tiếp – dài nhất trong vòng hơn 2 năm.

Bộ trưởng Thương mại Trung Quốc mới đây cho biết thỏa thuận thương mại Giai đoạn 1 ký với Mỹ sẽ giúp nhanh chóng kết thúc cuộc chiến thương mại kéo dài giữa 2 bên.

Lượng đồng lưu kho ở sàn London đã giảm xuống 147.350 tấn, thấp nhất kể từ 13/3/2019; trong khi đó lượng lưu ở sàn Thương Hải giảm 4,2% trong tuần trước, xuống 123.647 tấn.

Nhôm cũng tăng giá trong phiên vừa qua, thêm 0,6% đạt 1.825 USD/tấn vào lúc đóng cửa, trước đó cùng phiên có lúc đạt mức cao nhất kể từ 12/9. Tuy nhiên, mức cộng giá nhôm nhập khẩu vào Nhật Bản trong quý 1/2020 hiện là 83 USD/tấn, thấp hơn 13% so với quý trước đó trong bối cảnh nhu cầu từ ngành điện tử và ô tô yếu đi.

Khí gas giảm do nhu cầu yếu

Giá khí tự nhiên hóa lỏng (LNG) giao ngay tại Châu Á tuần này giảm trong bối cảnh giao dịch thưa thớt vì đang kỳ nghỉ lễ Giáng sinh – Năm mới.

LNG kỳ hạn tháng 2/2020 giao tới thị trường Đông Bắc Á tuần này có giá trung bình 5,1 USD/triệu đơn vị nhiệt lượng Anh (mmBtu), giảm 0,35 USD/mmBtu so với tuần trước.

Về nhu cầu, tuần này chỉ có 2 khách hàng, trong đó có công ty Gujarat State Petroleum Corp (GSPC) của Ấn Độ mua 1 chuyến tàu kỳ hạn tháng 1/2020. Về phía nguồn cung, từ 2 tuần nay, nguồn cung trên thị trường cho các kỳ hạn tháng 1 và 2 năm 2020 cũng không nhiều.

Giá khí gas tại Châu Á tuần này giảm cũng bởi ảnh hưởng từ giá trên thị trường Châu Âu sau khi Nga và Ukraina mới đây đạt được thỏa thuận theo đó việc vận chuyển khí gas từ Nga sang Châu Âu tiếp tục được đảm bảo, sau khi hợp đồng hiện tại hết hạn vào ngày 31/12/2019.

Hợp đồng khí gas Hà Lan kỳ hạn tháng 1/2020 – hợp đồng tham chiếu cho LNG nhập khẩu vào Châu Âu – tuần qua đã giảm gần 50 US cent xuống cồn 4,17 USD/mmBtu trong ngày 20/12/2019.

Sắt hồi phục

Giá quặng sắt tăng trong phiên giao dịch vừa qua theo xu hướng giá thép và cũng bởi thông báo thành phố sản xuất thép hàng đầu Trung Quốc là Đường Sơn tạm dỡ bỏ các biện pháp chống ô nhiễm khói bụi – động thái có thể đẩy tăng nhu cầu các nguyên liệu sản xuất thép, trong đó có quặng sắt.

Kết thúc phiên giao dịch, quặng sắt kỳ hạn tháng 5/2020 trên sàn Đại Liên tăng 1,2% lên 642,5 CNY (91,83 USD)/tấn. Như vậy, hợp đồng này đã lấy lại gần như toàn bộ những gì đã mất trong mấy ngày trước đó. Trên sàn Singapore, quặng sắt kỳ hạn tháng 1/2020 tăng 0,2% lên 89,75 USD/tấn.

Tuần qua, giá quặng sắt biến động khá mạnh trong bối cảnh nhu cầu không nhiều trước kỳ nghỉ lễ kéo dài. Dự báo thị trường sẽ tiếp tục trầm lắng trong tuần tới và một số ngày đầu năm 2020.

Thị trường ngày 28/12: Dầu lập đỉnh 3 tháng, vàng tăng nhiều nhất trong 4 tháng - Ảnh 1.

Sau khi đạt đỉnh cao 126,5 USD/tấn vào ngày 3/7/2019 do lo ngại nguồn cung khan hiếm, giá quặng sắt hàm lượng 62% nhập khẩu vào Trung Quốc đã liên tiếp giảm do lượng nhập khẩu vào Trung Quốc từ tháng 8/2019 tăng mạnh. Ngày 26/12/2019, giá chỉ còn 91,5 USD/tấn.

Westpac Banking Corp của Australia dự báo giá quặng sắt từ nay tới giữa năm 2020 sẽ quanh mức như hiện nay, nhưng dự báo nguồn cung sẽ tăng hơn nữa trong khi nhu cầu sẽ giảm nên giá vào cuối 2020 sẽ chỉ còn 65 USD/tấn vào cuối năm 2020.

Lúa mì, đậu tương cao nhất kể từ mùa Hè 2018

Giá lúa mì và đậu tương trên sàn Chicago vừa lập kỷ lục cao chưa từng có kể từ mùa Hè năm 2018 do dự báo nhu cầu từ Trung Quốc sẽ mạnh lên sau khi Mỹ - Trung đạt được thỏa thuận thương mại bước đầu.

Trong phiên vừa qua, lúa mì kỳ hạn tháng 3/2020 (hợp đồng được giao dịch nhiều nhất) lúc kết thúc giao dịch tăng 7-1/4 US cent lên 5,56-1/4 USD/bushel, trong phiên có lúc đạt 5,61 USD, cao nhất kể từ tháng 8/2018. Đậu tương giao cùng kỳ hạn cũng có lúc đạt mức cao nhất kể từ tháng 6/2018 là 9,50-1/2 USD/bushel, nhưng kết thúc phiên chỉ còn 9,41-1/2 USD/bushel, giảm 5 US cent so với phiên liền trước. Ngô cũng tăng 1-1/2 US cent lên 3,9 USD/bushel – cao nhất kể từ 1/11/2019.

Thị trường ngũ cốc Chicago tiếp tục hướng sự chú ý vào triển vọng Mỹ có bán thêm được nông sản cho Trung Quốc hay không sau khi hai bên ký được thỏa thuận Giai đoạn 1 – dự kiến trong tháng 12 này.

Cà phê đi lên dù giao dịch ít

Giá cà phê arabica kỳ hạn tháng 3/2020 tăng 5,2 US cent (4,1%) trong phiên vừa qua, lên 1.3250 USD/lb. Lý do chủ yếu bởi đồng real Brazil tăng lên mức cao nhất kể từ đầu tháng 11/2019. Robusta cũng tăng 37 USD trong phiên này (2,7%) lên 1.387 USD/tấn.

Xuất khẩu cà phê Việt Nam năm 2019 dự báo sẽ giảm 13,9% xuống 1,61 triệu tấn.

Cao su hướng lên theo dầu mỏ

Giá cao su trên các sàn giao dịch đồng loạt đi lên trong phiên vừa qua. Tại Tokyo, hợp đồng kỳ hạn tháng 5/2020 tăng 0,9 JPY (0,0082 USD) lên 198,9 JPY/kg, tính chung cả tuần tăng 3%; tại Thượng Hải, hợp đồng kỳ hạn tháng 5/2020 tăng 115 CNY (16,43 USD) lên 12.850 CNY/tấn, loại TSR20 tăng 105 CNY lên 10.720 CNY/tấn; tại Singapore, kỳ hạn tháng 1/2020 tăng 0,3% lên 144 US cent/kg.

Tỉnh sản xuất lợn lớn nhất Trung Quốc phấn đấu đưa sản lượng lợn trở lại bình thường vào năm 2020

Tứ Xuyên – tỉnh sản xuất lợn hàng đầu của Trung Quốc – cam kết sẽ sản xuất 60 triệu con lợn trong năm 2020, tức là tương đương sản lượng cách đây vài năm.

Đàn lợn của Trung Quốc hiện thấp hơn 40% so với một năm trước đây do dịch tả lợn Châu Phi. Sản lượng lợn của Tứ Xuyên cũng giảm 18% trong 3 quý đầu năm 2019, xuống chỉ còn 35,82 triệu con. Năm 2018, tỉnh này sản xuất 66,38 triệu con, nhiều nhất trong số các tỉnh thành của Trung Quốc.

Để đạt mục tiêu, tỉnh sẽ phân bổ chỉ tiêu sản lượng cho từng quận/huyện. Đồng thời, chính quyền các địa phương trong tỉnh sẽ trợ cấp 300 nhân dân tệ (42,89 USD) cho mỗi con lợn nái mới được bổ sung vào đàn, và trợ cấp cho các công ty tái khởi động việc nuôi lợn sau một thời gian dài treo chuồng.

Kể từ tháng 8/2019 tới nay, Tứ Xuyên đã mở 345 trại lợn mới – dự kiến sẽ sản xuất thêm 9 triệu con lợn.

Giá một số mặt hàng chủ chốt sáng nay 28/12

Thị trường ngày 28/12: Dầu lập đỉnh 3 tháng, vàng tăng nhiều nhất trong 4 tháng - Ảnh 2.

Minh Quân

Trí Thức Trẻ

Trở lên trên