MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Thị trường ngày 3/1: Vàng lập đỉnh 3 tháng, dầu tiếp tục tăng mạnh

03-01-2020 - 08:28 AM | Thị trường

Phiên giao dịch đầu tiên của năm mới trên thị trường quốc tế, giá nhiều mặt hàng nguyên liệu quan trọng tăng mạnh do thị trường lạc quan vào việc Mỹ và Trung Quốc sẽ đạt được thỏa thuận thương mại Giai đoạn 1 vào ngày 15/11 tới.

Dầu tăng vì căng thẳng ở Trung Đông và lạc quan về thương mại

Giá dầu tăng trong phiên vừa qua do căng thẳng gia tăng ở khu vực Trung Đông và những dấu hiệu cho thấy sự cải thiện trong quan hệ thương mại giữa Washington và Bắc Kinh. Tuy nhiên, USD mạnh lên cản trở xu hướng tăng của giá dầu.

Kết thúc phiên, dầu Brent tăng 25 US cent lên 66,25 USD/thùng, trong khi dầu Tây Texas Mỹ (WTI) tăng 12 US cent lên 61,18 USD/thùng.

Đồng USD tăng khoảng 0,5% trong phiên vừa qua, hồi phục khỏi mức thấp nhất 6 tháng ở thời điểm cuối tháng 12/2019. USD tăng khiến cho tất cả những mặt hàng tính theo USD trở nên đắt đỏ hơn đối với những người mua bằng các đồng tiền khác.

Tại Trung Đông, tình hình trở nên căng thẳng sau khi Mỹ không kích vào nơi có các tay súng Kataib Hezbollah tại Iraq và Syria – nhóm được Iran hậu thuẫn. Trung Đông căng thẳng gây lo ngại nguồn cung dầu sẽ bị ảnh hưởng.

Trong khi đó, giới đầu tư ngày càng lạc quan về thỏa thuận "đình chiến" giữa 2 nền kinh tế lớn nhất thế giới – điều sẽ khiến nhu cầu dầu mỏ tăng lên. Tổng thống Mỹ Donald Trump tuyên bố ngày 15/1/2020 hai bên sẽ ký kết thỏa thuận "Giai đoạn 1" – dấu mốc quan trọng của tiến triển tích cực trong quan hệ Mỹ - Trung.

Tháng 1 này cũng là thời điểm Tổ chức các nước xuất khẩu dầu mỏ và Nga (OPEC+) sẽ bắt đầu cắt giảm sản lượng sâu hơn trước. Cụ thể, ngoài mức giảm 1,2 triệu thùng trước đây, bắt đầu từ 1/1/2020 OPEC+ sẽ giảm thêm 500.000 thùng dầu mỗi ngày.

Việc tồn trữ dầu thô của Mỹ giảm cũng hỗ trợ giá dầu tăng. Tuần kết thúc vào ngày 27/12/2019, tồn kho dầu thô của Mỹ đã giảm 7,8 triệu thùng, nhiều gấp đôi mức dự báo của các nhà phân tích là giảm 3,2 triệu thùng.

Vàng đạt ‘đỉnh’ 3 tháng, bạch kim cũng tăng

Giá vàng tăng ở phiên đầu tiên của năm mới do giới đầu tư nghi ngờ khả năng chứng khoán phố Wall sẽ tiếp tục tăng, trong khi bạch kim cũng thêm 3% do nhu cầu mạnh lên.

Cụ thể, vàng giao ngay tăng 0,6% lên 1.525,57 USD/ounce vào cuối phiên giao dịch, sau khi có lúc đạt 1.530,2 USD lúc đầu phiên. Vàng kỳ hạn tháng 2/2020 tăng 0,3% lên 1.528,1 USD/ounce. Nhà phân tích ký thuật cua Reuters, ông Wang Tao, cho biết giá vàng có thể chạm mức kháng cự 1.531 USD/ounce, và nếu vượt ngưỡng này thì sẽ tiến tiếp đến 1.542 USD/ounce.

Chứng khoán Mỹ đang đứng ở mức cao kỷ lục khiến nhà đầu tư lo ngại rằng nguyên nhân chứng khoán tăng mạnh gần đây là do môi trường kinh tế và chính trị bất ổn, và đó là lý do khiến nhà đầu tư lại hướng nhiều hơn tới mặt hàng vàng.

Trong số các kim loại quý khác, bạch kim tăng 3% vào đầu phiên vừa qua lên 991,19 USD/ounce, cao nhất kể từ 5/9/2019, và kết thúc ở mức tăng 0,7% so với đóng cửa phiên trước, đạt 969,29 USD/ounce. Palađi cũng tăng 0,7% lên 1.952,92 USD/ounce, sau khi có lúc đạt mức cao nhất kể từ 17/12/2019 là 1.965,81 USD/ounce. Bạc được bổ sung 0,9% lên 17,98 USD/ounce.

Đồng cao kỷ lục 8 tháng do Trung Quốc nới lỏng chính sách tiền tệ

Giá đồng kỳ hạn giao sau 3 tháng trên sàn London kết thúc phiên tăng 0,2% lên 6.188 USD/tấn; đầu phiên có lúc đạt 6.233 USD/tấn – sát mức cao nhất 8 tháng đạt tới vào tuần trước (6.266,5 USD/tấn). Lý do bởi thị trường kỳ vọng nhu cầu sẽ tăng lên sau khi Trung Quốc thực hiện các biện pháp kích thích kinh tế và tín hiệu cho thấy Mỹ - Trung sắp đạt được thỏa thuận thương mại sơ bộ.

Ngân hàng Trung ương Trung Quốc mới đây đã hạ tỷ lệ dự trữ bắt buộc của các ngân hàng, bơm khoảng 800 tỷ CNY (114,91 tỷ USD) vào các quỹ để thúc đẩy nền kinh tế đang tăng trưởng chậm lại.

Thép giảm

Giá thép tại Trung Quốc tăng vào đầu phiên giao dịch 2/1/2020 do kỳ vọng vào chính sách nới lỏng tiền tệ của Ngân hàng Trung ương nước này, nhưng quay đầu giảm vào cuối phiên do lượng tồn trữ ở Trung Quốc nhiều lên.

Kết thúc phiên giao dịch, thép cây trên sàn Thượng Hải giảm 0,3% xuống 3.547 CNY/tấn, đầu phiên có lúc đạt mức cao nhất 5,5 tháng; thép cuộn cán nóng giảm 0,5% xuống 3.571 CNY8/tấn vào cuối ngày sau khi có thời điểm đạt mức cao nhất 6 tháng.

Ngày 1/1/2020, Ngân hàng TW Trung Quốc thông báo giảm tỷ lệ dự trữ bắt buộc nhằm bơm thêm tiền thúc đẩy nền kinh tế đang tăng chậm lại. Nhờ đó, giá thép tại Trung Quốc năm 2020 dự báo sẽ không thấp. Tuy nhiên, điều đó cũng chứng tỏ kinh tế nước này đang gặp khó.

Tồn trữ thép cây tại Trung Quốc tăng tuần thứ 4 liên tiếp, trong khi tồn trữ thép cuộn cán nóng cũng tăng.

Thị trường ngày 3/1: Vàng lập đỉnh 3 tháng, dầu tiếp tục tăng mạnh - Ảnh 1.

Quặng sắt tăng

Giá quặng sắt tại Trung Quốc và Singapore đều tăng trong phiên vừa qua. Cụ thể, quặng sắt kỳ hạn tháng 5/2020 trên sàn Đại Liên tăng 1,4% so với mức 648,50 CNY (93,03 USD)/tấn của phiên giao dịch trước (ngày 31/12/2019); quặng sắt kỳ hạn tháng 2/2020 trên sàn Singapore tăng 1,3% so với mức 91,25 USD/tấn của phiên giao dịch liền trước.

Mặc dù nhiều thành phố lớn của Trung Quốc cảnh báo về mức ô nhiễm khói bụi song giá quặng sắt vẫn đi lên bởi các nhà máy thép có nhu cầu mua tích trữ giữa lúc sản lượng quặng của mỏ Vale SA (Brazil) dự báo sẽ giảm trong quý I/2020.

Than mạnh lên

Giá than trên sàn Đại Liên những phiên giao dịch gần đây liên tiếp tăng. Nhu cầu than của Trung Quốc vẫn tiếp tục tăng dù Chính phủ nước này đang nỗ lực hạn chế nhiên liệu gây ô nhiễm này. Sau khi giảm từ 2,86 tỷ tấn hồi năm 2015 xuống 2,76 tỷ tấn vào năm 2016, tiêu thụ than ở Trung Quốc liên tục tăng trong các năm tiếp theo, ước tính đạt 2,85 tỷ tấn tới cuối năm 2019 và 2,89 tỷ tấn vào năm 2020, theo Cơ quan Năng lượng Quốc tế.

Giới phân tích đánh giá các biện pháp thúc đẩy kinh tế thông qua đầu tư hạ tầng, nhằm bù đắp tác động của cuộc chiến thương mại kéo dài với Mỹ, là một trong những nguyên nhân kích thích tiêu thụ than tại Trung Quốc. Nhu cầu than tăng lần lượt 7% và 11% trong lĩnh vực kim loại và hóa chất, theo số liệu của Trung tâm Nghiên cứu Năng lượng và Không khí sạch. Việc sử dụng than để sản xuất xi măng và thủy tinh cũng tăng lên. Bên cạnh đó, Trung Quốc còn đang xây dựng thêm các nhà máy nhiệt điện than với tổng công suất dự kiến lên tới 148 gigawatt, gần bằng toàn bộ công suất điện than của Liên minh châu Âu, theo nhóm Giám sát Năng lượng Toàn cầu, một tổ chức phi chính phủ tại Mỹ.

Trong bài phát biểu hồi tháng 10 tại cuộc họp của Ủy ban Năng lượng Quốc gia, Thủ tướng Trung Quốc Lý Khắc Cường kêu gọi phát triển ngành than để đảm bảo an ninh năng lượng. Đây được cho là động thái rút lui khỏi những cam kết trước đây của Bắc Kinh.

Gạo Ấn Độ tăng, Việt Nam vững

Tuần này, giá gạo xuất khẩu của Ấn Độ tuần này tăng do đồng rupee mạnh lên và giá lúa nội địa tăng, trong khi gạo Việt Nam vững.

Đối với loại 5% tấm, gạo Ấn Độ giá tăng từ 360 – 365 USD/tấn cách đây một tuần lên 362 – 366 USD/tấn; gạo Việt Nam vững ở mức khoảng 360 USD/tấn (so với 355 – 360 USD/tấn cách đây một tuần), trong khi thị trường Thái Lan không giao dịch.

Nguyên nhân giá gạo Ấn Độ tăng là bởi đồng rupee mạnh lên, mặc dù nhu cầu gạo xuất khẩu vẫn yếu. Bên cạnh đó, giá lúa trong nước cao cũng góp phần đẩy giá xuất khẩu tăng lên.

Lượng giao dịch ở Việt Nam hiện cũng không nhiều vì tồn trữ còn ít và đang mùa lễ tết. Trong 2 tuần qua, không có hợp đồng mới nào được ký kết mà chỉ có những hợp đồng cũ đang được thực hiện. Số liệu sơ bộ cho thấy sẽ có hơn 100.000 tấn gạo được bốc xếp ở cảng TP HCM trong khoảng từ 1 đến 23/1/2020, chủ yếu để chở tới Tây Phi, Iraq và Hàn Quốc.

Cà phê giảm

Giá cà phê arabica giảm do thị trường tiếp tục điều chỉnh sau khi giá đạt mức cao nhất 2 năm vào giữa tháng 12/2019. Hợp đồng arabica kỳ hạn tháng 3/2020 giảm 2% (2,6 US cent) xuống 1,271 USD/lb. Thị trường arabica đang mất đà sau khi giá tăng mạnh vào tháng 11 và nửa đầu tháng 12/2019, ngày 17/12 hợp đồng kỳ hạn tháng 3 này đã lên tới 1,4245 USD/lb. Có nhiều khả năng hợp đồng kỳ hạn này sẽ còn giảm giá thêm nữa.

Đối với robusta, hợp đồng kỳ hạn tháng 3 cũng mất 2 USD trong phiên vừa qua, xuống 1.380 USD/tấn.

Thị trường cà phê Châu Á tuần này giao dịch thưa thớt vì đang mùa lễ hội. Tại Việt Nam, cà phê robusta loại 2 (5% đen và vỡ) giá cộng 50 USD/tấn so với hợp đồng kỳ hạn tháng 3/2020 trên sàn London, thấp hơn mức + 70 đến +80 USD/tấn cách đây một tuần. Giá thấp khiến nhiều người trồng cà phê không muốn bán ra. Cà phê nhân xô ở Tây Nguyên giá hiện 33.600 đồng (1,45 USD)/kg, không thay đổi so với cách đây một tuần.

Thị trường Indonesia đã mở cửa giao dịch trở lại. Robusta loại 4 (80 hạt lỗi) giá chào cao hơn 250 USD/tấn so với kỳ hạn tháng 3/2020 trên sàn London.

Đường giảm

Giá đường thô kỳ hạn tháng 3 giảm 2,2% trong phiên vừa qua, xuống 13,13 US cent/lb. Thị trường chưa có xu hướng rõ ràng dù đã trải qua 2 tuần thiếu phương hướng. Đường trắng giao cùng kỳ hạn giảm 6,5 USD (1,8%) xuống 352,7 USD/tấn.

Brazil đã xuất khẩu 1,29 triệu tấn đường thô trong tháng 12/2019, giảm so với 1,43 triệu tấn cùng kỳ năm trước. Tuy nhiên, xuất khẩu ethaol tăng lên 146,6 triệu lít, so với 107,4 triệu lít cách đó một năm.

Dầu cọ vượt dầu đậu tương do Ấn Độ giảm thuế nhập khẩu

Giá dầu cọ Malaysia tăng trên 2% trong phiên giao dịch đầu tiên của năm 2020, vượt qua cả dầu đậu tương trên sàn Chicago. Nguyên nhân bởi thuế nhập khẩu vào Ấn Độ được điều chỉnh giảm và dự báo lượng tồn trữ dầu cọ Malaysia tháng 12/2019 cũng vơi đi.

Kết thúc phiên giao dịch, dầu cọ kỳ hạn tháng 3/2020 trên sàn Bursa (Malaysia) tăng 74 ringgit (2,4%) lên 3.126 ringgit (765,24 USD)/tấn, đảo ngược xu hướng giảm của phiên trước. Đầu phiên, có lúc giá lập kỷ lục cao nhất 3 năm là 3.144 ringgit/tấn.

Thị trường Chicago đóng cửa nghỉ lễ Năm mới, nhưng giá giao dịch dầu đậu tương gần đây nhất là tương đương 3.109 ringgit/tấn.

Ngày 31/12/2019, Ấn Độ hạ thuế nhập khẩu dầu cọ thô và dầu cọ tinh luyện từ các nước Đông Nam Á, động thái dự kiến sẽ dẫn tới lượng nhập khẩu tăng lên. Ấn Độ là nước nhập khẩu dầu ăn lớn nhất thế giới. Cụ thể, thuế nhập khẩu dầu cọ thô giảm từ 40% xuống 37,5%, trong khi dầu cọ tinh luyện từ 50% còn 45%.

Thị trường ngày 3/1: Vàng lập đỉnh 3 tháng, dầu tiếp tục tăng mạnh - Ảnh 2.

Đậu tương cao nhất kể từ 2018

Giá đậu tương và các ngũ cốc khác trên thị trường Mỹ đều tăng trong phiên giao dịch đầu tiên của năm mới, đạt mức cao nhất kể từ 2028, do dự báo nhu cầu từ Trung Quốc sẽ tăng lên nếu Mỹ - Trung đạt được thỏa thuận thương mại Giai đoạn 1.

Trên sàn Chicago, đậu tương đã tăng 3/4 US cent lên 9,56-1/4 USD/bushel vào cuối phiên, sau khi đầu phiên có lúc đạt 9,61 USD – cao nhất kể từ 12/6/2018. Lú mì cũng tăng 1-1/2 US cent (0,1%) lên 5,60-1/4 USD/bushel, cao nhất kể từ 20/8/2018; còn ngô tăng 3-3/4 US cent (1%) lên 3,91-1/2 USD/bushel.

Trung Quốc hồi năm 2018 đã áp thuế nhập khẩu lên đậu tương và các sản phẩm khác của Mỹ để trả đũa trong cuộc chiến thương mại, nhưng mới đây đã giảm thuế nhập khẩu các sản phẩm này.

Giá một số mặt hàng chủ chốt sáng nay 3/1

Thị trường ngày 3/1: Vàng lập đỉnh 3 tháng, dầu tiếp tục tăng mạnh - Ảnh 3.

Minh Quân

Trí Thức Trẻ

Trở lên trên