Thị trường ngày 3/12: Giá dầu, thép và lúa mì tăng mạnh, vàng giảm sâu, đường thấp nhất 4 tháng
Thị trường hàng hóa nguyên liệu thế giới phiên 2/12 biến động mạnh, giá liên tục đảo chiều trong bối cảnh bên cạnh nỗi lo về ảnh hưởng của virus biến thể Omicron đối với kinh tế toàn cầu, thị trường còn chịu tác động từ các nhân tố mới như thời tiết, cuộc họp của OPEC+…
Giá dầu tăng trở lại
Giá dầu vừa trải qua một phiên biến động mạnh, giảm vào đầu phiên nhưng ổn định trở lại vào cuối phiên và kết thúc ngày tăng 1% so với phiên liền trước, biên độ dao động giá trong ngày là 5 USD, sau khi OPEC+ gây bất ngờ khi bám sát kế hoạch tiếp tục tăng dần sản lượng.
Kết thúc phiên 2/12, giá dầu Brent tăng 80 US cent, tương đương 1,2%, lên 69,67 USD/thùng, trong khi dầu thô Tây Texas của Mỹ (WTI) tăng 93 cent, tương đương 1,4%, lên 66,50 USD.
Thị trường có lúc đột ngột bán tháo mạnh sau khi Tổ chức Các nước Xuất khẩu Dầu mỏ và các đồng minh (OPEC +) gây bất ngờ bởi quyết định bám sát kế hoạch tăng sản lượng hàng tháng thêm 400.000 thùng/ngày.
Vàng giảm hơn 1%
Giá vàng giảm mạnh, mất hơn 1% xuống mức thấp nhất một tháng do các nhà đầu tư nhận định chính sách tiền tệ của Mỹ sẽ xoay trục sang hướng thắt chặt với tốc độ nhanh chóng để kiềm chế giá tiêu dùng tăng mạnh kéo dài.
Giá vàng giao ngay kết thúc phiên 2/12 giảm 1,1% xuống 1.764,00 USD/ounce, trong phiên có lúc gí chạm mức thấp nhất trong vòng một tháng; vàng kỳ hạn tháng 12 cũng giảm 1,2% xuống 1.762,70 USD.
Jim Wyckoff, nhà phân tích cấp cao của Kitco Metals, cho biết: “Sự thay đổi chính sách của Fed và ám chỉ rằng những lo ngại về lạm phát giảm dần sẽ ‘đánh tan cánh buồm’ tăng giá (của mặt hàng vàng)”. Ông cho rằng giá dầu thô giảm có thể cũng cho thấy áp lực lạm phát đang dịu lại.
Giá đồng tăng
Giá đồng tăng trong phiên vừa qua do dữ liệu kinh tế mạnh mẽ của Mỹ và thị trường chứng khoán Mỹ tăng làm át đi lo ngại về sự lây lan của virus biến thể Omiron - có thể làm giảm nhu cầu dầu mỏ.
Giá đồng kỳ hạn giao sau 3 tháng trên sàn London kết thúc phiên tăng 0,5% lên 9.490,50 USD/tấn.
Nhà phân tích Nitesh Shah của WisdomTree cho biết giá đồng từ đầu năm đến nay vẫn tăng hơn 20%. Tuy nhiên, lĩnh vực bất động sản của Trung Quốc suy yếu chắc chắn sẽ ảnh hưởng đến giá đồng trong thời gian tới.
Đậu tương, lúa mì và ngô đồng loạt tăng
Giá lúa mì kỳ hạn tương lai giao dịch ở cả Mỹ và Châu Âu đều tăng vọt trong phiên vừa qua sau khi có một loạt các cuộc đấu thầu nhập khẩu và lo ngại mưa ở Australia có thể ảnh hưởng đến vụ thu hoạch của nước này, làm át đi những lo ngại về sự lây lan của virus biến thể Omicron – có thể ảnh hưởng đến nhu cầu. Giá đậu tương và ngô cũng tăng theo xu hướng lúa mì.
Thị trường lúa mì toàn cầu đang lo ngại về tình trạng dự trữ lúa mì – loại xay xát – bị thắt chặt, sau khi nhà cung cấp hàng đầu thế giới là Nga xem xét bổ sung các hạn chế đối với xuất khẩu mặt hàng này, và nguồn cung từ Australia – được kỳ vọng sẽ thay thế nguồn cung từ Nga – trở nên không chắc chắn vì bất chợt bị ảnh hưởng bởi lớn.
Kết thúc phiên này, lúa mì Mỹ giao dịch trên sàn Chicago tăng 24-1/2 US cent lên 8,15 USD/bushel; đậu tương tăng 16 cent lên 12,44-1/4 USD/bushel, trong khi ngô tăng 5-1/4 US cent lên 5,76-3/4 USD/bushel.
Đường thấp nhất 4 tháng
Giá đường thô kỳ hạn tương lai trên sàn ICE có lúc giảm xuống mức thấp nhất trong vòng 4 tháng trước khi hồi phục vào cuối phiên trong bối cảnh nhà đầu tư vẫn lo ngại rằng virus biến thể mới có thể ảnh hưởng đến sự hồi phục kinh tế trên toàn cầu.
Đường thô kỳ hạn tháng 3 kết thúc phiên này tăng 0,2% so với cuối phiên trước, lên 18,62 cent/lb, nhưng trước đó có lúc chạm mức thấp nhất kể từ đầu tháng 8, là 18,46 cent.
Đường trắng giao tháng 3 đóng cửa phiên giao dịch cũng tăng 0,1% lên 484,70 USD/tấn, sau khi chạm mức thấp nhất 2-1/2 tháng, là 482,50 USD.
Giá cà phê tăng
Giá cà phê arabica kỳ hạn tháng 3 tăng 1,4% ở mức 2,3660 USD/lb. Nhà sản xuất hàng đầu thế giới là Brazil chỉ xuất khẩu 175.104 tấn cà phê nhân trong tháng 11, so với 275.841 tấn một năm trước đó.
Cà phê robusta giao tháng 1 tăng 0,9% lên 2.335 USD/tấn.
Thép tăng, quặng sắt giảm
Giá thép tại Trung Quốc tăng mạnh trong phiên vừa qua do nhu cầu dự kiến sẽ hồi phục trở lại sau mùa tiêu thụ chậm.
Giá thép cây trên sàn Thượng Hải phiên này tăng 1,3% lên 4.288 nhân dân tệ (679,53 USD)/tấn, kéo dài chuỗi tăng sang ngày thứ tư liên tiếp. Giá thép cuộn cán nóng cũng tăng phiên thứ ba liên tiếp và kết thúc ở mức tăng 1,1% lên 4.703 nhân dân tệ/tấn.
Trái với thép, giá quặng sắt phiên này giảm. Trên sàn Đại Liên, quặng kỳ hạn tháng 1 giảm 3,5% xuống 601 nhân dân tệ/tấn, trong khi quặng sắt hàm lượng 62% Fe nhập khẩu vào Trung Quốc ở mức 105,5 USD/tấn.
Cao su giảm giá
Giá cao su châu Á đồng loạt giảm do lo ngại virus biến thể Omicron có thể làm chậm lại đà hồi phục kinh tế toàn cầu cũng như nhu cầu đối với nguyên liệu này.
Kết thúc phiên 2/11, giá cao su kỳ hạn tháng 5 trên sàn Osaka giảm 2,3 yên, tương đương 0,9%, xuống 243,6 yên (2,2 USD)/kg. Trên sàn Thượng Hải, hợp đồng giao cùng kỳ hạn cũng giảm 350 nhân dân tệ xuống 14.745 nhân dân tệ (2.313 USD)/tấn; trong khi trên sàn Singapore, hợp đồng kỳ hạn tháng 1 ở mức 173 US cent/kg, giảm 3,3%.
Giá một số mặt hàng chủ chốt sáng 3/12: