Thị trường ngày 3/7: Giá đồng phục hồi, giá đường tăng 6,9% một tuần, cao su thấp nhất 8 tháng
Kết thúc phiên giao dịch ngày 2/7 giá dầu biến động nhẹ, vàng tăng khi số liệu việc làm của Mỹ lạc quan, giá đồng phục hồi khi nhiều nhà đầu tư săn giá hời, quặng sắt có tuần giảm giá thứ 2 liên tiếp, cao su giảm xuống mức thấp nhất 8 tháng.
- 01-07-2021Cơn "sốt" giá hàng hóa chuyển từ kim loại sang năng lượng
- 28-06-2021Chi phí hàng hóa quá cao tác động tiêu cực đến sản xuất công nghiệp Trung Quốc
- 27-06-2021Thép và ethanol tăng giá mạnh nhất trong thị trường hàng hóa năm nay
Giá dầu biến động nhẹ
Giá dầu biến động nhẹ trong phiên cuối tuần sau khi các bộ trưởng OPEC+ khôi phục cuộc đàm phán nâng sản lượng dầu một ngày.
Tổ chức các nước xuất khẩu dầu mỏ và đồng minh đang họp lại sau khi UAE phản đối đề xuất, nói rằng họ muốn hạn ngạch của mình tăng lên. Đợt tăng giá kéo dài có thể bị phá bỏ nếu các quốc gia OPEC+ đi theo các con đường riêng và bổ sung nguồn cung khi thấy phù hợp.
Chốt phiên 2/7, dầu thô Brent tăng 33 US cent lên 76,17 USD/thùng sau khi tăng 1,6% trong phiên trước. Dầu thô WTI giảm 7 US cent xuống 75,16 USD/thùng.
Dầu thô WTI tăng 1,5% trong tuần này do hoạt động lọc dầu phục hồi để đáp ứng nhu cầu xăng đang tăng. Trong khi đó, giá dầu Brent ổn định do thị trường lo ngại về nhu cầu nhiên liệu tại nhiều khu vực ở Châu Á, nơi các trường hợp nhiễm biến thể Delta đang gia tăng.
Theo công ty dịch vụ năng lượng Baker Hughes, các công ty năng lượng Mỹ đã bổ sung 5 giàn khoan dầu và khí lên 475 giàn trong tuần, tính tới ngày 2/7, mức cao nhất kể từ tháng 4/2020.
Giá LNG Châu Á tăng lên 14 USD/mmBtu
Giá khí tự nhiên hóa lỏng (LNG) giao ngay tại Châu Á tuần này lập đỉnh mới (tính theo mùa) trong 8 năm do nhu cầu mạnh trên toàn cầu để phát điện trong mùa hè.
Giá LNG trung bình giao trong tháng 8 sang đông bắc Á ước tính khoảng 14 USD/mmBtu, tăng 1,5 USD so với một tuần trước. Đây là mức giá giao ngay cao nhất tại thời điểm này trong năm kể từ năm 2013.
Giá khí tự nhiên trên toàn cầu cũng ở mức cao. Nhiệt độ cao thúc đẩy nhu cầu điện tại bắc bán cầu. Các nhà đầu tư tại một số khu vực cũng đang bổ sung hàng dự trữ trước mùa đông.
Giá vàng tăng
Giá vàng tiếp tục tăng từ mức thấp nhất 2 tháng, do USD yếu và các nhà đầu tư cân nhắc về triển vọng thắt chặt chính sách của Cục dự trữ Liên bang Mỹ sau khi báo cáo việc làm của Mỹ được công bố với nhiều tín hiệu lạc quan.
Vàng giao ngay tăng 0,4% lên 1.784,21 USD/ounce, cao nhất kể từ ngày 18/6. Vàng Mỹ kỳ hạn tháng 8 đóng cửa tăng 0,4% len 1783,3 USD/ounce.
Số liệu cho thấy số lượng việc làm trong lĩnh vực phi nông nghiệp ở Mỹ tăng 850.000 việc trong tháng 6, mạnh hơn dự kiến mặc dù tỷ lệ thất nghiệp tăng lên 5,9% so với 5,8% trong tháng trước.
Các quan chức của Fed gần đây đã gợi ý rằng ngân hàng trung ương nên bắt đầu giảm mua tài sản trong năm nay.
Lợi suất trái phiếu kho bạc Mỹ và USD giảm sau báo cáo này, hỗ trợ vàng do lợi suất thấp làm giảm chi phí.
Số ca nhiễm đang tăng và tốc độ tiêm chủng giảm tại một số nơi của Mỹ khiến một số nhà đầu tư tin rằng Fed sẽ thận trọng tăng lãi suất, hỗ trợ giá vàng trong dài hạn. Tuy nhiên trong ngắn hạn, vàng đang đối mặt với mức kháng cự kỹ thuật quanh 1.790 USD và có thể giữ ở mức này cho tới khi có số liệu kinh tế yếu hơn dự kiến.
Giá đồng phục hồi do nhà đầu tư săn giá hời
Giá đồng tăng do một số nhà đầu tư coi đợt suy thoái gần đây như cơ hội để mua vào và số liệu việc làm của Mỹ lạc quan.
Đồng giao sau 3 tháng trên sàn giao dịch kim loại London (LME) tăng 0,6% lên 9.381 USD/tấn sau khi giảm khoảng 9% trong tháng 6. Tại Mỹ giá đồng trên sàn Comex tăng 1,1% lên 4,28 USD/lb.
Hợp đồng đồng giao tháng 8 trên sàn giao dịch Thượng Hải đóng cửa giảm 0,7% xuống 68.260 CNY (10.531,84 USD)/tấn, tính chung cả tuần giảm 0,9%.
Giá các kim loại tăng sau khi số liệu cho thấy tăng trưởng việc làm của Mỹ tăng tốc trong tháng 6.
Hoạt động luyện đồng trên toàn cầu giảm trong tháng 6 khi các nhà máy Trung Quốc đóng cửa để bảo dưỡng.
Sự đảo chiều của USD cũng góp phần khiến giá đồng tăng. Trước đó, USD đã đạt mức cao nhất 3 tháng so với các đồng tiền chủ chốt nhưng sau đó giảm khiến các kim loại định giá bằng USD rẻ hơn cho người giữ các đồng tiền khác.
Quặng sắt Đại Liên có tuần giảm giá
Giá quặng sắt đại liên có tuần giảm thứ hai liên tiếp, mặc dù đã tăng nhẹ trong phiên giao dịch này. Nhà sản xuất thép hàng đầu thế giới Trung Quốc đang tăng cường nỗ lực hạn chế sản lượng để đáp ứng mục tiêu khí thải carbon.
Quặng sắt kỳ hạn tháng 9 trên sàn giao dịch hàng hóa Đại Liên tăng 0,8% lên 1.182,5 CNY (182,41 USD)/tấn, sau khi giảm tới 2,6% trước đó.
Quặng sắt kỳ hạn tháng 8 tại Singapore giảm 0,1% xuống 204,7 USD/tấn.
Sản lượng thép thô của Trung Quốc đạt cao kỷ lục 99,5 triệu tấn trong tháng 5, khiến tổng sản lượng 5 tháng đầu năm đạt 466,3 triệu tấn, tăng 13% so với cùng kỳ năm trước.
Giá thép và quặng sắt tại Trung Quốc đạt cao kỷ lục trong tháng 5 do nhu cầu mạnh. Tuy nhiên, giá đã giảm trở lại do chính phủ Trung Quốc hành động để hạ nhiệt đà tăng một phần do đầu cơ, và do nhu cầu thép trong nước yếu theo mùa.
Giá quặng sắt giao ngay tại Trung Quốc ở mức 218 USD/tấn trong ngày 1/7, giảm 2 USD so với tuần trước và giảm 6,2% so với mức kỷ lục, theo công ty tư vấn SteelHome.
Thép thanh tại Thượng Hải và thép cuộn cán nóng đều giảm 0,6% sau 7 phiên tăng liên tiếp. Thép không gỉ giảm 3%.
Cao su Nhật Bản giảm xuống mức thấp nhất 8 tháng
Cao su Nhật Bản tiếp tục giảm phiên thứ 5 liên tiếp, xuống mức thấp nhất 8 tháng do số liệu sản xuất yếu từ Trung Quốc và số ca nhiễm Covid-19 tăng vọt trên thế giới.
Hợp đồng cao su kỳ hạn tháng 12 trên sàn giao dịch Osaka đóng cửa giảm 1,8 JPY hay 0,8% xuống 218,2 JPY (2 USD)/kg. Giá đã giảm xuống mức thấp nhất kể từ ngày 11/11/2020 tại 214,8 JPY trong phiên này. Tính chung cả tuần cao su giảm 9%, sụt giảm mạnh nhất kể từ tháng 12/2020.
Cao su kỳ hạn tháng 9 tại Thượng Hải giảm 35 CNY xuống 12.705 CNY (1.959 USD)/tấn.
Tồn trữ cao su tại các kho của sàn giao dịch Thượng Hải tăng 0,4% so với một tuần trước.
Cao su kỳ hạn tháng 8 tại sàn giao dịch SICOM, Singapore giảm 0,9% xuống 156,4 US cent/kg.
Giá đường thô tăng 6,9% trong một tuần
Đường thô kỳ hạn tháng 10 đóng cửa tăng 0,21 US cent hay 1,2% lên 18,15 US cent/lb, một ngày sau khi đạt mức cao nhất kể từ cuối tháng 2. Giá đường thô đã tăng 6,9% trong tuần này.
Các đại lý cho biết sương giá có thể ảnh hưởng tới diện tích trồng mía tại Brazil. Nước này đã xuất khẩu 2,75 triệu tấn đường trong tháng 6 so với 2,71 triệu tấn một năm trước.
Đường trắng kỳ hạn tháng 8 mất 0,4 USD hay 0,1% xuống 450,3 USD/tấn.
Giá cà phê trái chiều
Cà phê arabica kỳ hạn tháng 9 đóng cửa giảm 3,35 US cent hay 2,1% xuống 1,5305 USD/lb, giá đã đạt cao nhất kể từ đầu tháng 6 trong phiên trước. Giá cà phê giảm 3,25% trong tuần qua.
Các nhà môi giới và phân tích cho rằng hầu hết các diện tích cà phê của Brazil ít bị thiệt hại từ sương giá. Quốc gia này đã xuất khẩu 174.239 tấn cà phê nhân trong tháng 6 so với 141.557 tấn một năm trước.
Xuất khẩu cà phê từ Honduras, nhà xuất khẩu cà phê arabica hàng đầu trung Mỹ tăng 28,4% trong tháng 6 so với một năm trước.
Cà phê robusta kỳ hạn tháng 9 tăng 6 USD hay 0,4% lên 1,707 USD/tấn, trong phiên giá đã đạt cao nhất 2,5 năm tại 1.737 USD/tấn.
Robusta thấp hơn so với arabica khiến robusta hấp dẫn hơn. Các kho dự trữ robusta của sàn giao dịch ICE cũng đang bắt đầu giảm.