Thị trường ngày 31/10: Giá dầu giảm, vàng hồi phục, cao su đi xuống mạnh
Giá hàng hóa nguyên liệu trong phiên 30/10 biến động nhẹ, xu hướng giảm vẫn chiếm đa số do làn sóng Covid-19 thứ 2 bùng nổ nghiêm trọng hơn so với làn sóng thứ nhất.
- 30-10-2020Thị trường ngày 30/10: Giá dầu tiếp tục lao dốc, vàng sụt mạnh xuống thấp nhất 1 tháng
- 29-10-2020Thị trường ngày 29/10: Dầu lao dốc 5% xuống thấp nhất 4 tháng; cao su tăng gần 8% lập đỉnh 12 năm
- 28-10-2020Thị trường ngày 28/10: Giá dầu, vàng, đồng, nông sản đều tăng, cao su tăng 8 phiên liên tiếp
Dầu giảm do lo ngại nhu cầu yếu, có tháng giảm thứ 2 liên tiếp
Giá dầu thô giảm trong phiên 30/10, khép lại tháng giảm thứ 2 liên tiếp, giữa bối cảnh số ca nhiễm Covid-19 tại Châu Âu và Mỹ gia tăng mạnh gây thêm lo ngại về triển vọng nhu cầu tiêu thụ nhiên liệu.
Kết thúc phiên này, dầu Brent kỳ hạn tháng 11/2020 – đáo hạn vào ngày 30/10 - giảm 19 US cent xuống 37,46 USD/thùng, trong phiên liền trước có thời điểm chạm mức thấp nhất 5 tháng là 36,64 USD/thùng. Hợp đồng Brent kỳ hạn tháng 1/2021 giảm 32 US cent trong phiên này. Giá dầu Tây Texas Mỹ (WTI) giảm 38 US cent xuống 35,79 USD/thùng, phiên liền trước cũng có thời điểm chạm mức giá thấp nhất kể từ tháng 6 là 34,92 USD/thùng.
Tính chung cả tháng 10, dầu WTI giảm 11%, trong khi dầu Brent giảm 10%.
Pháp và Đức đã quyết định đóng cửa trở lại khi làn sóng lây nhiễm Covid-19 lần thứ 2 dâng lên tại Châu Âu trước khi mùa Đông đến. Mỹ cũng đang đối mặt thực tế là số ca nhiễm mới tăng mạnh, vượt tất cả những kể lục của quá khứ.
Vàng đi lên vì USD dừng tăng
Giá vàng đảo chiều tăng trở lại trong phiên vừa qua do đà tăng của đồng USD tạm dừng, trong khi thị trường lo ngại vì số ca nhiễm Covid-19 gia tăng và sự thiếu chắc chắn xung quanh cuộc bầu cử Tổng thống Mỹ khiến nhà đầu tư lại tìm tới nơi ‘trú ẩn an toàn’.
Đóng cửa phiên này, giá vàng giao ngay tăng 0,6% lên 1.879,01 USD/ounce; trái với xu hướng giảm liên tục 2 phiên trước đó; vàng kỳ hạn tháng 12/2020 tăng 0,6% lên 1.879,9 USD/ounce.
Tai Wong, người phụ trách mảng phái sinh kim loại quý của BMO, cho biết: "Nhà đầu tư nhận định giá vàng đang bắt đáy và đã đến lúc mua vàng vào trước khi cuộc bầu cử ở Mỹ diễn ra vào tuần tới – với khả năng nước Mỹ sẽ quay lại ‘chính phủ một đảng’ – đồng nghĩa với việc các gói kích thích kinh tế sẽ lớn hơn và được đưa ra nhanh hơn nhiều so với trước kia".
Chỉ số đồng USD phiên này ổn định, sau khi đã tăng lên mức cao nhất 1 tháng ở phiên trước đó.
Giá vàng đã tăng 24% từ đầu năm đến nay do các chính sách kích thích kinh tế mạnh mẽ của các ngân hàng trung ương khiến nhà đầu tư giảm nhu cầu đối với các tài sản rủi ro cao để chuyển hướng tập trung vào vàng – được coi là một công cụ ‘chống lại’ lạm phát và sự mất giá của tiền tệ.
Đồng giảm
Giá đồng giảm trong phiên vừa qua do nhà đầu tư thất vọng vì chương trình kinh tế 5 năm của Trung Quốc không vạch ra những kế hoạch cụ thể, trong khi sự bất trắc gia tăng khi ngày bầu cử Tổng thống Mỹ đến gần.
Lúc đóng cửa phiên giao dịch, đồng kỳ hạn giao sau 3 tháng trên sàn London giảm 0,2% xuống 6.716 USD/tấn. Tính chung cả tuần qua, giá đồng đã mất gần 5% giá trị, sau khi đạt mức cao kỷ lục 28 tháng ở tuần trước.
Quặng sắt tăng do kỳ vọng vào Trung Quốc
Giá quặng sắt Trung Quốc tăng trong phiên vừa qua do lượng thép lưu kho của các nhà máy nước này sụt giảm, có thể khiến nhu cầu nguyên liệu sản xuất thép, trong đó có quặng sắt, tăng trong thời giản tới.
Quặng sắt trên sàn Đại Liên phiên này tăng 3,2% lên 803 CNY (119,8 USD)/tấn, là phiên tăng thứ 4 liên tiếp. Trên sàn Singapore, giá quặng sắt cũng thêm 1% lên 112,29 USD/tấn.
Lượng sản phẩm thép mà 184 nhà máy thép Trung Quốc đang tích trữ đã giảm tuần thứ 3 liên tiếp (trong tuần 22-28/10) do nhu cầu tiêu thụ mạnh lên.
Tuy nhiên, tính chung cả tháng Mười, giá mặt hàng này vẫn giảm do nhà đầu tư bớt lo ngại về khả năng nguồn cung bị sụt giảm.
Lúa mì giảm do nhà đầu tư bán kiếm lời và thời tiết ở Mỹ tốt lên
Giá lúa mì Mỹ giảm trong phiên vừa qua, kết thúc 5 phiên liên tiếp tăng trước đó, do các quỹ hàng hóa bán mạnh và triển vọng sản lượng ở các đồng bằng phía Nam của Mỹ sẽ cao.
Lúa mì đỏ mềm kết thúc phiên giảm 5-1/4 US cent xuống 5,98-1/2 US cent/bushel vào cuối phiên, sau khi có thời điểm chạm mức thấp nhất kể từ 14/10 là 5,95-1/4 USD/bushel.
Đường giảm
Giá đường giảm trong phiên vừa qua do hoạt động bán tháo diễn ra trong bối cảnh các thị trường tài chính lao dốc vì số ca nhiễm Covid-19 gia tăng.
Kết thúc phiên, đường thô kỳ hạn tháng 3 giảm 0,04 US cent (0,3%) xuống 14,36 US cent/lb, lùi xa mức cao nhất 8 tháng của phiên trước đó (15,04 US cent). Giá đường trắng kỳ hạn tháng 12/2020 tăng 3,9 USD (1%) lên 390,5 USD/tấn.
Cà phê tăng do lo ngại về thời tiết mưa bão ở Việt Nam
Giá cà phê robusta kỳ hạn tháng 1/2021 tăng 14 USD (1%) lên 1.351 USD/tấn do lo ngại mưa bão có thể gây thiệt hại tới nhiều diện tích cà phê ở Việt Nam. Trong phiên vừa qua, có thời điểm giá hợp đồng này lên mức cao nhất kể từ 28/9 là 1.381 USD/tấn.
Trong khi đó, cà phê arabica kỳ hạn tháng 12 giảm 0,2 US cent (0,2%) xuống 1,044 USD/lb. Công ty tư vấn Safras & Mercado cho biết các thương gia đang xem xét lại đánh giá về sản lượng cà phê Brazil niên vụ này, có thể đạt tới 72 triệu bao, nhưng cũng có thể chỉ là 60 triệu bao.
Cao su giảm vì số ca nhiễm tăng trên toàn cầu
Giá cao su trên thị trường Nhật Bản giảm phiên thứ 2 liên tiếp do số ca nhiễm Covid-19 tăng trên toàn cầu, làm chững lại đà tăng giá của mặt hàng cao su.
Kết thúc phiên này, cao su kỳ hạn tháng 4/2021 trên sàn Osaka giảm 11,8 JPY (4,5%) xuống 250,2 JPY/kg.
Mặc dù 2 phiên vừa qua giảm, song mặt hàng cao su vẫn tăng giá gần 8% trong tuần qua, và tính chung cả tháng Mười tăng 36%, là tháng tăng nhiều nhất kể từ ít nhất là đầu thập kỷ 1990.
Sắn Thái Lan tăng giá
Hiệp hội Sản xuất Khoai sắn Thái Lan thông báo giá sàn xuất khẩu sắn 10 ngày giữa tháng 10/2020 là 255 - 258 USD/tấn FOB - Băng Cốc, tăng 3 USD/tấn so với 10 ngày đầu tháng; giá sắn nguyên liệu được giữ ổn định ở mức 2,0 - 2,3 Baht/kg; giá sàn tinh bột sắn cũng được giữ nguyên ở 450 USD/tấn, giá thu mua tinh bột sẵn giữ ở 13,1 Baht/kg.
Trong 8 tháng đầu năm 2020, Thái Lan đã xuất khẩu 2,29 triệu tấn sắn lát, trị giá 15,34 tỉ Baht (tương đương 490,81 triệu USD), tăng 10,8% về lượng và tăng 9,6% về trị giá so với cùng kì năm 2019. Gần như toàn bộ sắn lát xuất khẩu của Thái Lan là sang thị trường Trung Quốc; còn xuất khẩu tinh bột sắn sang các thị trường: Trung Quốc, Đài Loan (TQ), Nhật Bản, Mỹ, Indonesia.
Giá một số mặt hàng chủ chốt sáng 31/10
Theo Trí thức trẻ