MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Thị trường ngày 4/6: Giá vàng tăng vọt lên cao nhất 3 tháng, sắt thép sụt giảm mạnh

04-06-2019 - 08:58 AM | Thị trường

Lo ngại căng thẳng giữa Mỹ với Trung Quốc và Mexico gia tăng đã gây áp lực giảm giá tới hầu hết các hàng hóa nguyên liệu như dầu thô, kim loại công nghiệp, cao su… Đó cũng là lý do khiến giá vàng tăng mạnh.

Dầu giảm do lo ngại nhu cầu trên toàn cầu yếu đi

Giá dầu giảm trong phiên giao dịch đầu tuần do bất đồng thương mại gia tăng giữa Mỹ với Trung Quốc và Mexico gây lo ngại sẽ làm xói mòn nhu cầu dầu thô toàn thế giới. Chứng khoán mất điểm càng gây áp lực lên các hợp đồng dầu thô giao tương lai. Tuy nhiên, nỗ lực cắt giảm sản lượng của Saudi Arabia đã giúp hạn chế phần nào đà giảm.

Kết thúc phiên giao dịch đêm qua, dầu Brent giảm 71 UScent tương đương 1,2% xuống 61,28 USD/thùng, trong khi dầu Tây Texas Mỹ (WTI) giảm 25 UScent tương đương 0,5% xuống 53,25 USD/thùng.

Giữa lúc cuộc chiến thuế quan Mỹ - Trung đang nóng lên thì nguy cơ có thêm cuộc chiến thuế quan mới Mỹ - Mexico khiến cho thị trường dầu mỏ chuyển hướng tập trung từ nguồn cung sang nhu cầu, bởi những bất đồng này kéo dài sẽ ảnh hưởng tới nhu cầu dầu thô trong tương lai. Mexico cho biết họ sẽ từ chối đề cập tới vấn đề những người xin tị nạn ở Trung Mỹ trong cuộc đàm phán với Tổng thống Mỹ Donald Trump trong tuần này.

Trong khi đó, Saudi Arabia khẳng định Tổ chức các nước xuất khẩu dầu mỏ sẽ tiếp tục hành động để ổn định thị trường dầu mỏ trong 6 tháng cuối năm nay. Việc giá dầu giảm gần đây do hoạt động bán tháo khiến các nhà phân tích cho rằng Saudi Arabia muốn duy trì việc cắt giảm sản lượng. Quốc gia này đã bơm 9,65 triệu thùng dầu/ngày trong tháng 5/2019, thấp hơn nhiều so với mức 10,3 triệu thùng/ngày mà họ cam kết trong thỏa thuận cắt giảm sản lượng của OPEC+.

Vàng lập "đỉnh" 3 tháng, bạc và palađi cũng tăng

Giá vàng đã tăng 1,5% lên mức cao nhất trong vòng 3 tháng trong phiên vừa qua bởi lo ngại căng thẳng Mỹ - Trung và việc Washington đe dọa áp thuế lên hàng hóa Mexico sẽ ảnh xưởng xấu tới kinh tế toàn cầu.

Kết thúc phiên giao dịch, giá vàng giao ngay tăng 1,4%, lên 1.323,62 USD/ounce, trước đó trong cùng phiên có lúc giá tăng 1,6% đạt mức cao nhất kể từ 28/2/2019 (1.325,72 USD/ounce). Vàng giao tháng 8/2019 cũng tăng 1,28% lên 1.327,9 USD/ounce.

Quan hệ giữa Mỹ và Trung Quốc vốn đã căng thẳng do vấn đề thương mại nay lại thêm căng thẳng sau khi 2 nước "đụng độ" tại Đối thoại Shangri-La ở Singapore vào Chủ nhật vừa qua về vấn đề Biển Đông. Trong khi đó, Ngoại trưởng Mexico Marcelo Ebrard cảnh báo việc Mỹ áp thuế trừng phạt đối với nước ông cũng không ngăn được làn sóng di cư từ Trung Mỹ đến biên giới phía nam của Hoa Kỳ. Những yếu tố này đã gây áp lực giảm điểm lên các thị trường chứng khoán, trong khi nhà đầu tư tìm tới những nơi "trú ẩn" như đồng franc Thụy Sỹ hay vàng.

Hoạt động sản xuất từ khắp Châu Á đến Châu Âu trong tháng qua đều chậm lại bởi lo ngại về suy thoái kinh tế toàn cầu cũng khiến vàng trở nên hấp dẫn hơn trong mắt nhà đầu tư. Theo kết quả khảo sát mới nhất, tăng trưởng sản xuất của Mỹ tháng 5/2019 chậm nhất trong vòng 2 năm rưỡi.

Dự báo Mỹ duy trì lãi suất thấp khiến đồng USD cũng không tăng lên nhưng trái lại hỗ trợ giá vàng và các kim loại quý khác. Bạc trong phiên vừa qua tăng 1,5% lên 14,79 USD/ounce sau khi có lúc chạm mức cao nhất 2 tuần (14,80 USD) và bạch kim tăng hơn 4% lên 824,75 USD/ounce, mức tăng trong ngày nhiều nhất kể từ tháng 1/2017.

Thị trường ngày 4/6: Giá vàng tăng vọt lên cao nhất 3 tháng, sắt thép sụt giảm mạnh - Ảnh 1.

Đồng thấp nhất 5 tháng

Giá đồng lao dốc xuống mức thấp nhất 5 tháng trong phiên vừa qua do căng thẳng thương mại Mỹ - Trung leo thang gây lo ngại hoạt động sản xuất vốn đã có dấu hiệu trì trệ sẽ càng xấu đi, khiến cho nhu cầu các kim loại công nghiệp giảm theo.

Đối với hợp đồng tham chiếu trên sàn London (kỳ hạn giao sau 3 tháng), giá lúc đầu phiên chỉ 5.801 USD/tấn, thấp nhất kể từ 4/1/2019. Tuy nhiên, về cuối phiên giá hồi phục nhẹ lên 5.842 USD/tấn, tức là tăng 0,2% so với phiên giao dịch trước khi các quỹ hàng hóa tranh thủ cơ hội giá hời để mua vào.

Trên sàn Thượng Hải, giá đồng cũng giảm xuống mức thấp nhất 2 năm là 46.050 CNY/tấn.

Thép và nguyên liệu ngành thép thấp nhất nhiều tháng

Giá thép và các nguyên liệu sản xuất thép đồng loạt giảm trong phiên vừa qua do nguy cơ nhu cầu sẽ sụt giảm trong tương lai gần.

Trên sàn Thượng Hải, thép cây kỳ hạn tháng 10/2019 có lúc giảm mạnh 1,9% xuống 3.699 CNY (535,71 USD)/tấn, thấp nhất kể từ 16/5/2019 và chốt phiên ở mức giảm 1,6% xuống 3.707 CNY/tấn. Thép cuộn cán nóng có lúc cũng giảm 1,8% xuống 3.569 CNY/tấn, thấp nhất kể từ 4/4/2019, trước khi hồi phục phần nào còn giảm 1,5% chốt ở 3.577 CNY/tấn.

Đối với nguyên liệu thép, giá quặng sắt giảm 7,6% xuống 774,5 CNY/tấn mặc dù mới hôm 28/5/2019 đạt mức cao kỷ lục. Giá than cốc tại Đại Liên giảm 3,9% xuống 2.098,5 CNY/tấn vào cuối phiên, trước đó lúc đầu phiên giảm 4,4% còn 2.086,5 CNY/tấn, thấp nhất kể từ 15/5/2019; than cốc giảm 2,1% xuống 1.369 CNY/tấn.

Kết quả khảo sát chính thức cho thấy, hoạt động sản xuất của các nhà máy Trung Quốc tháng 5/2019 đã giảm nhiều hơn dự kiến, gây sức ép buộc Bắc Kinh phải tung ra nhiều kích thích hơn nữa để hỗ trợ nền kinh tế đang sa sút do cuộc chiến thương mại với Mỹ. Hoạt động xây dựng tại Trung Quốc cũng đang chậm lại, càng khiến nhu cầu thép giảm.

Cà phê arabica có lúc cao nhất 4 tháng

Giá cà phê biến động khá mạnh trong phiên vừa qua. Đầu phiên, arabica có lúc đạt mức cao nhất 4 tháng (1,0565 USD/lb đối với phiên hợp đồng giao tháng 7/2019) do lo ngại thời tiết mưa nhiều ở một số nơi của Brazil có thể ảnh hưởng tới sản lượng. Tuy nhiên, sau đó giá đã có sự điều chỉnh, và kết thúc ở mức giảm 0,85 UScent tương đương 0,8% so với phiên trước, chốt ở 1,0375 USD/lb. Tuần qua, hợp đồng này đã tăng mạnh 12% do lo ngại về thời tiết ở Brazil giữa lúc đồng real hồi phục so với USD.

Robusta trong phiên vừa qua tiếp tục tăng, hợp đồng giao tháng 7/2019 tăng 2 USD tương đương 0,1% lên 1.480 USD/tấn.

Cao su thấp nhất 1 tuần

Giá cao su kỳ hạn trên sàn Tokyo giảm xuống mức thấp nhất 1 tuần do lo ngại căng thẳng giữa Mỹ với Trung Quốc và Mexico leo thang sẽ ảnh hưởng tới nhu cầu cao su toàn cầu.

Kết thúc phiên, hợp đồng giao tháng 11/2019 trên sàn Tokyo giảm 2 JPY tương đương 1% xuống 192,2 JPY (1,78 USD)/kg, sau khi có lúc chạm mức thấp nhất kể từ 24/5/2019 là 190 JPY lúc đầu phiên.

Hợp đồng giao tháng 9/2019 trên sàn Thượng Hải – được giao dịch nhiều nhất – cũng giảm 280 CNY xuống 11.900 CNY (1.723 USD)/tấn).

Giữa bối cảnh này, Thái Lan đã đề nghị các nhà xuất khẩu cắt giảm xuất khẩu cao su từ ngày 20/5/2019 và không trì hoãn thỏa việc thực hiện thuận với các nước sản xuất khác trong khu vực nữa.

Giá đào có thể tăng do sản lượng của tỉnh Hồ Bắc (Trung Quốc) giảm

Trung Quốc bước vào mùa thu hoạch đào. Tuy nhiên, sản lượng của Hồ Bắc – nguồn cung đào lớn của nước này – năm nay dự kiến sẽ giảm nhẹ so với năm trước. Đào là loại quả dễ dập nên việc thu hoạch và vận chuyển phải rất cẩn thận. Trong khi đó, một số khu vực sản xuất đã gặp mưa lớn trong quá trình cây còn trên quả, nên nhiều trái đào bị rụng, ảnh hưởng đến năng suất đối với những diện tích đào trồng bên ngoài. Tuy nhiên, sản lượng đào trong nhà kính vẫn ổn định. Kích cỡ trái đào năm nay cũng nhỏ hơn năm ngoái do lúc tăng trưởng gặp thời tiết khô hạn. May thay hương vị đào vẫn ngon. Giá đào dự báo sẽ tăng lên.

Giá một số mặt hàng chủ chốt sáng nay

Thị trường ngày 4/6: Giá vàng tăng vọt lên cao nhất 3 tháng, sắt thép sụt giảm mạnh - Ảnh 2.

Theo Trí thức trẻ

Minh Quân

Trí Thức Trẻ

Trở lên trên