MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Thị trường ngày 4/8: Vàng đảo chiều giảm do USD mạnh lên, than cốc và quặng sắt tăng cao

04-08-2020 - 08:29 AM | Thị trường

Giá vàng giảm nhẹ trong phiên vừa qua do USD mạnh lên. Trong khi đó, các mặt hàng khác, từ dầu tới kim loại công nghiệp, sắt thép… đều tăng mạnh bởi số liệu sản xuất lạc quan trên khắp thế giới.

Dầu tăng hơn 1% bởi kỳ vọng kinh tế hồi phục

Giá dầu thô tăng trên 1% trong phiên giao dịch vừa qua sau khi có hàng loạt thông tin tích cực về các nền kinh tế Mỹ, Châu Âu và Châu Á, mặc dù các nhà đầu tư vẫn lo ngại về tình trạng số ca nhiễm Covid-19 tăng trên toàn cầu và lo ngại thị trường dầu mỏ có thể dư cung khi OPEC bắt đầu hạ mức cắt giảm sản lượng.

Kết thúc phiên giao dịch, dầu Brent tăng 63 US cent (1,5%) lên 44,15 USD/thùng, trong khi dầu Tây Texas Mỹ (WTI) tăng 74 US cent (1,8%) lên 41,01 USD/thùng.

Tháng 7/2020, hoạt động sản xuất của Mỹ tăng mạnh nhất trong vòng gần 1,5 năm khi số đơn đặt hàng tăng mặc dù số ca mới nhiễm Covid-19 vẫn tiếp tục tăng; sản xuất ở Khu vực đồng euro cũng tăng tháng đầu tiên kể từ đầu năm 2019 (theo kết quả khảo sát), trong khi sản xuất ở Châu Á cũng tăng trưởng tích cực. Sản xuất tăng sẽ kéo nhu cầu dầu tăng theo.

Tuy nhiên, các nhà đầu tư tiếp tục lo ngại về đà hồi phục kinh tế khi số ca nhiễm Covid-19 vẫn chưa ngừng tăng, hiện đã đạt gần 18 triệu người trên toàn cầu. Nhiều quốc gia đang áp đặt các hạn chế mới, hoặc duy trì những hạn chế đã áp đặt với mục tiêu kiểm soát đại dịch. Thị trường cũng lo ngại tình trạng dư cung sẽ xảy ra khi các thành viên OPEC+ hạ mức cắt giảm sản lượng của nhóm từ 9,3 triệu thùng/ngày xuống 7,7 triệu thùng/ngày kể từ tháng 8/2020 cho đến hết năm.

Vàng giảm khỏi mức cao kỷ lục do USD tăng

Giá vàng trong phiên 3/8 đã giảm khỏi mức cao kỷ lục do USD mạnh lên khi nhà đầu tư trở nên lạc quan hơn sau các số liệu sản xuất tích cực trên khắp thế giới.

Vàng giao ngay kết thúc phiên đã giảm 0,1% xuống 1.927.52 USD/ounce, trong phiên có thời điểm đạt mức cao kỷ lục 1.984,66 USD; trong khi vàng kỳ hạn tháng 12/2020 vững ở 1.986,3 USD/ounce.

Các nhà đầu tư đang chờ đợi những thông tin tiếp theo về gói kích thích kinh tế mới của Mỹ. Bob Haberkorn, chiến lược gia cao cấp về thị trường của RJO Futures cho biết: "Việc giá vàng giảm chỉ mang tính kỹ thuật vì giá vàng đang gần sát 2.000 USD/ounce và tiếp tục quan sát xem Quốc hội Mỹ sẽ làm gì".

Đồng USD đã tăng 0,3% trong phiên vừa qua so với các đồng tiền chủ chốt khác, khiến cho giá vàng trở nên đắt đỏ hơn đối với những nhà đầu tư mua bằng các loại tiền tệ khác.

Các nhà phân tích vẫn lạc quan về triển vọng giá vàng sẽ tăng tiếp. Ngân hàng ANZ cho biết đã điều chỉnh tăng dự báo về giá vàng trong 6 và 12 tháng tới lên 2.300 USD/ounce. Tuy nhiên, ngân hàng này lưu ý rằng nếu kinh tế tiếp tục được cải thiện thì nhu cầu vàng sẽ bị cản trở.

Đồng và nhôm tăng

Giá đồng lúc đầu phiên giao dịch vừa qua chạm mức thấp nhất 3 tuần, sau đó nhanh chóng đảo chiều tăng trở lại bởi số liệu sản xuất tích cực ở Trung Quốc làm dấy lên hy vọng nhu cầu sẽ hồi phục ở nước tiêu thụ đồng lớn nhất thế giới này.

Từ mức thấp nhất 4 năm hồi tháng 3/2020, giá đồng đã tăng dần lên mức cao nhất 2 năm vào giữa tháng 7/2020, và kể từ đó tới nay dao động trong biên độ hẹp khi số ca nhiễm Covid-19 tiếp tục gia tăng gây lo ngại ảnh hưởng tới hoạt động sản xuất.

Trong phiên 3/8, đồng kỳ hạn giao sau 3 tháng trên sàn London kết thúc ở mức tăng 1,1% lên 6.483 USD/tấn, sau khi đầu phiên có thời điểm chạm mức thấp nhất kể từ ngày 10/7 (6.301 USD/tấn).

Giá nhôm trên sàn London cũng tăng 2,1% lên 1.749 USD/tấn, cao nhất kể từ 14/2/2020.

Quặng sắt tăng mạnh nhất trong vòng 8 tuần

Giá quặng sắt Trung Quốc trong phiên giao dịch vừa qua tăng mạnh nhất trong vòng 8 tuần do nhu cầu mạnh từ phía các nhà sản xuất thép.

Quặng sắt kỳ hạn tháng 9 trên sàn Đại Liên tăng 4,2% lên 873 CNY (125,11 USD)/tấn, mức tăng mạnh nhất kể từ 8/6/2020. Trên sàn Singapore, quặng sắt giao cùng kỳ hạn cũng tăng 3,4% lên 109,57 USD/tấn. Phiên 31/7, giá quặng sắt nhập khẩu vào Trung Quốc đạt mức cao nhất gần 12 tháng, là 109,5 USD/tấn.

Mặc dù chi phí nguyên liệu cao, các nhà máy thép Trung Quốc tiếp tục duy trì tỷ lệ sử dụng công suất sản xuất ở các lò cao ở mức cao, kéo theo nhu cầu than và quặng sắt tăng. Theo công ty Sinosteel Futures Co Ltd ở Bắc Kinh, sản lượng sắt nóng chảy trung bình hàng ngày của các nhà máy thép đã lập kỷ lục cao mới, là 2,5 triệu tấn, chủ yếu do các lò cao hoạt động gần hết công suất.

Than cốc tăng mạnh nhất 12 tháng

Giá than cốc trên sàn Đại Liên cuối phiên 3/8 tăng 2,5% lên 2.021 CNY/tấn, sau khi có thời điểm trong cùng ngày đạt 2.032 CNY, mức cao nhất kể từ 29/7/2019. Nguyên nhân chủ yếu do sản xuất thép của Trung Quốc đang duy trì tỷ lệ công suất cao.

Dự trữ than cốc tại 110 nhà máy thép của Trung Quốc (theo kết quả khảo sát của Mysteel) đã tăng 2% trong tuần qua, lên 5 triệu tấn vào ngày 30/7, mức cao nhất trong vòng 6 tháng qua.

Cacao tăng mạnh

Giá cacao trên sàn New York tăng mạnh trong phiên vừa qua khi các thương gia lạc quan rằng triển vọng nhu cầu nguyên liệu làm socola sẽ tăng. Tuy nhiên, dự báo vụ mùa 2020/21 sẽ dư cung cacao đã hạn chế đà tăng giá.

Kết thúc phiên giao dịch, cacao kỳ hạn tháng 9/2020 trên sàn New York tăng 69 USD (2,9%) lên 2.469 USD/tấn, cao nhất kể từ đầu tháng 6/2020; hợp đồng kỳ hạn tháng 12/2020 trên sàn London tăng 41 GBP (2,5%) lên 1.679 GBP/tấn.

Đường cao nhất bốn tháng rưỡi

Giá đường thô tiếp tục tăng theo xu hướng giá dầu mặc dù triển vọng nguồn cung tiếp tục mạnh.

Kết thúc phiên giao dịch vừa qua, đường thô kỳ hạn tháng 10 tăng 0,08 US cent (0,6%) lên 12,72 US cent/lb, mức cao nhất kể từ 10/3, mặc dù đồng real Brazil yếu đi. Trái lại, đường trắng kỳ hạn tháng 10 giá giảm 6,4 USD (1,7%) xuống 375,2 USD/tấn.

Thị trường gia tăng lo ngại về triển vọng sản lượng của Thái Lan, trong khi Trung Quốc mua đường nhiều hơn dự kiến, mặc dù hầu hết các dự báo cho rằng thị trường đường sẽ dư cung trong năm 2020/21. Nhu cầu đường từ Indonesia và Pakistan mạnh cũng đang hỗ trợ giá mặt hàng này.

Xuất khẩu đường Brazil tháng 7/2020 đã tăng hơn 90% so với cùng kỳ năm ngoái do sản lượng tăng và nhu cầu từ bên ngoài mạnh.

Cao su lập ‘đỉnh’ gần 2 tháng

Giá cao su trên sàn Nhật Bản tăng lên mức cao nhất trong vòng gần 2 tháng do những dữ liệu về mới công bố cho thấy hoạt động sản xuất hồi phục ở khắp Châu Á, mặc dù dịch Covid-19 ảnh hưởng nghiêm trọng đến tăng trưởng cũng như nhu cầu hàng hóa trên toàn cầu.

Trên sàn Osaka, giá cao su kỳ hạn tháng 1/2021 kết thúc phiên tăng 3,4 JPY (2,1%) lên 167 JPY (1,58 USD)/kg, trong phiên có thời điểm đạt 167,2 JPY, cao nhất kể từ 8/6. Trên sàn Thượng Hải, cao su kỳ hạn tháng 9 tăng 35 CNY lên 10.860 CNY/tấn.

Chè Ấn Độ tăng mạnh do sản lượng giảm vì Covid-19

Giá chè tại Ấn Độ - nước sản xuất chè lớn thứ 2 thế giới – đã tăng vọt lên mức kỷ lục trong tháng 7 vừa qua do sản lượng ở những khu vực sản xuất chính giảm vì lũ lụt và việc hạn chế đi lại để ngăn chặn dịch Covid-19.

Giá chè tại các phiên đấu giá đã tăng lên mức cao kỷ lục 232,6 rupee (3,11 USD)/kg, cao hơn 57% so với một năm trước đây.

Thị trường ngày 4/8: Vàng đảo chiều giảm do USD mạnh lên, than cốc và quặng sắt tăng cao - Ảnh 1.

Giá cà phê arabica kỳ hạn tháng 9 giảm 1,05 US cent (0,9%) trong phiên vừa qua, xuống 1,179 USD/lb; trái lại, robusta giao cùng kỳ hạn tăng 7 USD (0,5%) lên 1.351 USD/tấn.

Một nhà môi giới Brazil cho biết, giá cà phê tăng gần đây đã thúc đẩy hoạt động giao dịch trên thị trường physical ở Brazil – nước sản xuất cà phê arabica lớn nhất thế giới. Ông này cho biết thêm, thời tiết khô hạn quá mức ở Brazil có thể ảnh hưởng tới sản lượng vụ mới.

Giá một số mặt hàng chủ chốt sáng 4/8

Thị trường ngày 4/8: Vàng đảo chiều giảm do USD mạnh lên, than cốc và quặng sắt tăng cao - Ảnh 2.

Minh Quân

Trí Thức Trẻ

CÙNG CHUYÊN MỤC

XEM
Trở lên trên