Thị trường ngày 5/2: Dầu tiếp tục rớt giá, quặng sắt thấp nhất gần 3 tháng
Chốt phiên giao dịch ngày 4/2, dầu vẫn thấp nhất 13 tháng, vàng tiếp đà giảm, quặng sắt thấp nhất gần 3 tháng, trong khi palađi cao nhất gần 2 tuần, đồng, cao su, cà phê, đậu tương, ngô và dầu cọ đồng loạt tăng.
- 01-02-2020Thị trường tuần cuối tháng 01/2020: Vàng tăng mạnh nhất 5 tháng, dầu giảm tuần thứ 4 liên tiếp
- 31-01-2020Thị trường ngày 31/01: Dầu, đồng, cao su rớt giá mạnh
- 30-01-2020Thị trường ngày 30/01: Dầu diễn biến trái chiều, vàng quay đầu tăng
Dầu vẫn thấp nhất 13 tháng
Giá dầu giảm khoảng 1% do lo ngại nhu cầu năng lượng sẽ bị ảnh hưởng kéo dài từ virus corona bùng phát, làm lu mờ kỳ vọng cắt giảm sản lượng từ OPEC và các đồng minh.
Chốt phiên giao dịch ngày 4/2, dầu thô Brent giảm 49 US cent tương đương 0,9% xuống 53,96 USD/thùng. Dầu thô Tây Texas WTI giảm 50 US cent xuống 49,61 USD/thùng. Cả hai loại dầu chạm mức thấp nhất kể từ tháng 1/2019
Giá dầu giảm mạnh trong 2 tuần qua do lo ngại về tác động kinh tế toàn cầu của virus corona bùng phát tại Trung Quốc, trong khi OPEC+ đang xem xét cắt giảm sản lượng dầu thô thêm 500.000 thùng/ngày.
Khí tự nhiên rời khỏi mức thấp nhất gần 4 năm
Giá khí tự nhiên tại Mỹ tăng trở lại từ mức thấp nhất gần 4 năm trong phiên trước đó do dự báo thời tiết đến giữa tháng 2/2020 lạnh hơn so với dự kiến trước đó.
Giá khí tự nhiên kỳ hạn tháng 3/2020 trên sàn New York tăng 5,3 US cent tương đương 2,9% lên 1,872 USD/mmBTU, đóng cửa phiên trước đó giá khí tự nhiên chạm mức thấp nhất kể từ tháng 3/2016.
Như vậy, tính đến nay giá khí tự nhiên đã giảm 36% kể từ mức cao nhất 8 tháng (2,905 USD/mmBTU) trong đầu tháng 11/2019.
Vàng tiếp đà giảm, palađi cao nhất gần 2 tuần
Giá vàng giảm hơn 1% khi Trung Quốc sử dụng các biện pháp nhằm giảm thiểu tác động kinh tế của virus corona, khiến các nhà đầu tư quay lưng lại với vàng và tìm kiếm tài sản rủi ro hơn.
Vàng giao ngay trên sàn LBMA giảm 1,61% xuống 1.550,69 USD/ounce, trong phiên có lúc chạm 1.548,7 USD/ounce, thấp nhất kể từ ngày 21/1/2020 và vàng kỳ hạn tháng 4/2020 trên sàn New York giảm 1,7% xuống 1.555,5 USD/ounce.
Những nỗ lực của Bắc Kinh bao gồm việc ký kết thêm chi tiêu của chính phủ, giảm thuế và trợ cấp cho các lĩnh vực bị ảnh hưởng bởi virus. Sự bùng phát virus đã làm suy yếu hoạt động kinh tế của Trung Quốc khi các thành phố bị đóng cửa, hạn chế đi lại và đóng cửa doanh nghiệp.
Ngoài ra, giá vàng chịu áp lực giảm bởi nhập khẩu vàng của Ấn Độ trong tháng 1/2020 giảm 48% so với tháng 1/2019 do giá thị trường nội địa tăng lên gần mức cao kỷ lục, khiến khách mua hàng hạn chế mua vào.
Trong khi đó, giá palađi tăng 4,5% lên 2.423,76 USD/ounce, trong phiên có lúc đạt 2.435 USD/ounce, cao nhất kể từ ngày 24/1/2020.
Đồng tăng trở lại
Giá đồng tại Trung Quốc tăng trở lại sau khi Ngân hàng Trung ương Trung Quốc chuyển sang bù đắp những thiệt hại tăng trưởng kinh tế và nhu cầu từ virus corona tại nước tiêu thụ hàng đầu.
Giá đồng trên sàn London tăng 1,7% lên 5.618 USD/tấn. Tuy nhiên, kể từ ngày 16/1/2020 đến nay, giá đồng đã giảm 13% và chạm mức thấp nhất 5 tháng (5.523 USD/tấn) trong phiên trước đó.
Việc đóng cửa các nhà máy do virus corona đang làm giảm nhu cầu H2SO4 - một sản phẩm phụ của sản xuất đồng và sẽ khiến các nhà máy luyện kim cắt giảm sản lượng.
Quặng sắt thấp nhất gần 3 tháng, thép diễn biến trái chiều
Giá quặng sắt tại Trung Quốc giảm xuống mức thấp nhất gần 3 tháng do lo ngại tác động của virus corona đối với nền kinh tế lớn thứ 2 thế giới.
Giá quặng sắt trên sàn Đại Liên giảm 6,1% xuống 569,5 CNY (81,12 USD)/tấn, thấp nhất kể từ ngày 12/11/2019.
Giá quặng sắt 62% Fe giao ngay sang Trung Quốc ở mức 83,8 USD/tấn. Tính đến nay, giá quặng sắt giảm 13,4% so với mức 96,8 USD/tấn hôm 22/1/2020 và chạm mức thấp nhất kể từ ngày 15/11/2019.
Trên sàn Thượng Hải, giá thép cây tăng 1,6%, giá thép cuộn cán nóng tăng 1,4% song giá thép không gỉ giảm 0,1%.
Cao su tăng tại Tokyo, giảm tại Thượng Hải
Giá cao su tại Tokyo tăng trở lại sau khi giảm xuống mức thấp nhất hơn 3 tháng, do các nhà đầu tư đẩy mạnh mua vào trong khi giá cao su tại Thượng Hải giảm, song các nhà đầu tư vẫn thận trọng do virus corona lây lan tại Trung Quốc.
Giá cao su kỳ hạn tháng 7/2020 trên sàn TOCOM tăng 1,7 JPY lên 174,7 JPY (1,6 USD)/kg, sau khi giảm xuống 165,6 JPY/kg - thấp nhất kể từ ngày 23/10/2019 trong đầu phiên giao dịch.
Trong khi đó, giá cao su kỳ hạn tháng 5/2020 trên sàn Thượng Hải giảm 105 CNY xuống 11.040 CNY (1.579 USD)/tấn, trước đó trong phiên chạm 10.280 CNY/tấn - thấp nhất kể từ ngày 5/8/2019, sau khi giảm 9% trong phiên trước đó.
Sản lượng cao su tự nhiên toàn cầu năm 2020 có khả năng đạt mức cao kỷ lục 14,285 triệu tấn, tăng 3,8% so với năm 2019, do diện tích trồng trọt mở rộng, Hiệp hội Các nước Sản xuất Cao su TỰ nhiên (ANRPC) cho biết.
Đường rời khỏi mức cao nhất 2 năm, cà phê tăng trở lại
Giá đường giảm trở lại từ mức cao nhất 2 năm, trong khi giá cà phê tăng sau khi chạm mức thấp nhất 3 tháng trong phiên trước đó.
Giá đường thô kỳ hạn tháng 3/2020 trên sàn ICE giảm 0,07 US cent tương đương 0,5% xuống 14,82 US cent/lb, trong phiên có lúc đạt 15,13 US cent/lb, cao nhất 2 năm. Giá đường trắng giao cùng kỳ hạn trên sàn London giảm 0,1 USD tương đương 0,02% xuống 416,5 USD/tấn sau khi đạt mức cao nhất 2,5 năm (420 USD/tấn).
Trong khi đó, giá cà phê Arabica kỳ han tháng 3/2020 trên sàn ICE tăng 0,9 US cent lên 98,8 US cent/lb, hồi phục từ mức thấp nhất 3 tháng (97,8 US cent/lb) trong phiên trước đó. Giá cà phê robusta giao cùng kỳ hạn trên sàn London giảm 1 USD tương đương 0,1% xuống 1.289 USD/tấn.
Đậu tương và ngô đều tăng
Giá đậu tương và ngô tại Mỹ tăng, được hỗ trợ bởi thị trường chứng khoán tăng mạnh sau khi giảm do virus corona bùng phát tại Trung Quốc.
Trên sàn Chicago, giá đậu tương kỳ hạn tháng 3/2020 tăng 3-1/4 US cent lên 8,8-1/4 USD/bushel, sau khi giảm xuống 8,68-3/4 USD/bushel - thấp nhất kể từ tháng 5/2019 trong phiên trước đó. Giá ngô giao cùng kỳ hạn tăng 2-1/2 US cent lên 3,81-1/4 USD/bushel. Trong khi giá lúa mì kỳ hạn tháng 3/2020 thay đổi nhẹ ở mcs 5,55-1/2 USD/bushel.
Dầu cọ tăng 1,3%
Giá dầu cọ tại Malaysia tăng phiên thứ 2 liên tiếp mặc dù lo ngại về virus corona bùng phát tại Trung Quốc, song do triển vọng sản lượng giảm và giá dầu đậu tương trên sàn Chicago tăng đã hỗ trợ giá.
Giá dầu cọ kỳ hạn tháng 4/2020 trên sàn Bursa Malaysia tăng 1,3% lên 2.635 ringgit (640,34 USD)/tấn, trong phiên có lúc đạt 2.687 ringgit/tấn, cao nhất kể từ ngày 30/1/2020.
Giá một số mặt hàng chủ chốt sáng ngày 5/02