Thị trường ô tô Việt Nam năm 2022 hướng tới mốc doanh số chưa từng có
Tiêu thụ ô tô tại Việt Nam có thể lần đầu tiên đạt cột mốc doanh số quan trọng, có thể vươn mình thành một trong những thị trường ô tô lớn của khu vực.
- 15-12-2022Mẫu ô tô điện nhỏ xinh giá siêu rẻ chỉ 135 triệu đống, hứa hẹn bùng nổ khi lên kệ
- 14-12-2022Ô tô chở tiền được thanh lý với giá siêu rẻ, chỉ hơn 200 triệu đồng
- 10-12-2022Ô tô ngoại nhập ‘chạy’ vào Việt Nam tăng cao kỷ lục
Không còn là dự báo, thị trường ô tô Việt Nam có thể sắp hướng tới cột mốc kỷ lục về doanh số sau khi năm 2022 kết thúc.
Doanh số kỷ lục
Theo thống kê từ Hiệp hội các nhà sản xuất ô tô Việt Nam (VAMA), doanh số của các nhà sản xuất thuộc hiệp hội đã đạt 369.334 xe sau 11 tháng. Tính gộp cả một số nhà sản xuất đã công bố doanh số gồm TC Motor với 72.037 xe thuộc thương hiệu Hyundai và VinFast với 18.052 xe, tổng mức tiêu thụ của thị trường ô tô Việt Nam đã đạt 459.323 xe.
Như vậy, chỉ cần tiêu thụ khoảng hơn 40.000 xe nữa trong tháng 12, thị trường ô tô Việt Nam sẽ cán mốc doanh số 500.000 xe. Đây là con số không khó để đạt được nếu dựa theo thông số của VAMA, Hyundai và VinFast khi trung bình mỗi tháng thị trường Việt đã tiêu thụ hơn 41.000 xe trong 11 tháng qua. Trong khi đó vào tháng 12 này, nhiều hãng sản xuất cũng đang đẩy mạnh các chiến dịch giảm giá, khuyến mại để chạy doanh số cuối năm, phục vụ mùa Tết.
Cũng cần nhớ rằng con số hơn 459.000 xe bán ra là chưa tính đến doanh số của một số hãng lớn không công bố thông tin như Nissan, Volkswagen, Subaru hay một số hãng xe sang như Mercedes-Benz, Audi, Volvo hay Jaguar Land Rover.
Trong 3 năm gần nhất, doanh số thị trường ô tô Việt Nam đều đạt mốc xấp xỉ 410.000 xe trong khi các năm trước đó, sức tiêu thụ chỉ đạt hơn 200.000-300.000 xe/năm.
Doanh số thị trường ô tô Việt Nam từ năm 2015 đến nay. Số liệu: VAMA, TC Motor, VinFast.
Theo chia sẻ của cựu giám đốc một hãng xe lớn ở Việt Nam, mốc 500.000 xe rất quan trọng bởi đây là mốc đánh dấu một thị trường ô tô được xem là lớn trong khu vực. Hiện tại ở Đông Nam Á, có 3 thị trường đạt mức doanh số trên 500.000 xe gồm Thái Lan, Indonesia và Malaysia.
Sau 10 tháng đầu năm nay, tiêu thụ ô tô tại Indonesia đạt 851.000 xe, vượt qua mốc doanh số của cả năm 2021 (hơn 703.000 xe), trong khi Thái Lan là 750.000 xe còn Malaysia đạt 577.000 xe.
Việc thị trường ô tô đạt mốc doanh số 500.000 xe đã được dự báo từ trước bởi sau 2 năm dồn nén vì đại dịch, dễ hiểu khi sức mua ô tô tăng mạnh khi nhu cầu đi lại của người dân lên cao. Bên cạnh đó, khi kinh tế đi lên, việc người dân tìm đến những phương tiện an toàn, hiện đại hơn như ô tô là tất yếu.
Thậm chí, một số dự báo còn cho rằng sức mua 500.000 xe/năm của năm nay vẫn chưa phản ánh hết nhu cầu của thị trường khi tình trạng gián đoạn chuỗi cung ứng nghiêm trọng trong năm nay đã làm ảnh hưởng không ít đến doanh số của nhiều hãng lớn. Có những giai đoạn nhiều mẫu xe hot liên tục cháy hàng, khiến người dùng phải chờ đợi hoặc trả tiền chênh nếu muốn nhận xe sớm.
Việt Nam sản xuất ô tô nhiều thứ 4 Đông Nam Á
Là thị trường tiêu thụ ô tô lớn thứ 4 Đông Nam Á, Việt Nam cũng đồng thời sản xuất ô tô nhiều thứ 4 khu vực, xếp sau các trung tâm sản xuất ô tô như Thái Lan, Indonesia và Malaysia.
Theo số liệu của Tổng cục Thống kê, lượng ô tô sản xuất, lắp ráp tại Việt Nam sau 10 tháng đầu năm 2022 đạt 362.500 xe, tăng 16,4% so với cùng kỳ năm 2021. Trong khi đó, theo số liệu từ Hiệp hội ô tô Đông Nam Á (AAF), Thái Lan đang là quốc gia sản xuất ô tô nhiều nhất khu vực với 1,599 triệu xe sau 10 tháng đầu năm, tiếp đến là Indonesia với 1,201 triệu xe và Malaysia 567.752 xe. Các quốc gia này lần lượt ghi nhận mức tăng trưởng 17,1%, 34,5% và 53,7% so với cùng kỳ năm 2021.
Lượng ô tô sản xuất nội địa tại một số thị trường Đông Nam Á. Số liệu: AAF, Tổng cục Thống kê Việt Nam.
Thái Lan, Indonesia từ lâu được xem là các trung tâm sản xuất ô tô tại châu Á. Đây cũng là nơi các mẫu xe được nhập về Việt Nam nhiều bậc nhất, bên cạnh Trung Quốc. Trong khi đó, Malaysia nổi tiếng với các mẫu xe sản xuất và tiêu thụ nội địa từ thương hiệu Proton hay Perodua.
Với mức sản xuất còn thua khá xa so với các đối thủ, các chuyên gia dự đoán Việt Nam sẽ phải mất thêm một khoảng thời gian để có thể bứt phá so với các trung tâm sản xuất còn lại. Trước mắt, Malaysia chính là mục tiêu để ngành sản xuất ô tô Việt Nam vượt qua, đặc biệt là khi Việt Nam có một thương hiệu ô tô riêng đặt mục tiêu sản xuất xe điện số lượng lớn phục vụ thị trường trong nước và xuất khẩu đi Mỹ và châu Âu là VinFast.
Bên cạnh đó, một số hãng xe mới như Skoda hay Chery cũng đang lên kế hoạch liên kết với các đối tác trong nước để tiến hành lắp ráp xe tại Việt Nam trong 1-2 năm tới. Cùng với đó, TC Motor và Hyundai cũng vừa khánh thành thêm một nhà máy mới ở Ninh Bình với công suất lên đến 180.000 xe/năm.
Nhịp sống kinh tế