Thị trường sôi động, nhiều doanh nghiệp và người có liên quan đăng ký bán hàng nghìn tỷ cổ phiếu
Trong bối cảnh thị trường sôi động, không ít doanh nghiệp cùng lãnh đạo và người có liên quan đã đẩy mạnh đăng ký bán cổ phiếu. Đây là điều trái ngược hoàn toàn so với thời điểm cách đây 1 năm khi nhiều doanh nghiệp cũng như ban lãnh đạo công ty liên tục đăng ký mua vào cổ phiếu nhằm bình ổn giá.
Từ cuối năm 2020 tới nay, diễn biến TTCK Việt Nam trở nên tương đối sôi động với sự nhập cuộc mạnh mẽ từ các nhà đầu tư mới, hay còn gọi là "F0". Dòng tiền mới đã đẩy thanh khoản thị trường lên những con số cao kỷ lục, thậm chí gây nghẽn lệnh HoSE.
Kết thúc phiên giao dịch 11/3, chỉ số VN-Index dừng tại 1.181,73 điểm, tăng 7,1% so với đầu năm và tăng khoảng 78% so với thời điểm cuối quý 1/2020 khi thị trường chịu ảnh hưởng nặng nề bởi dịch Covid-19.
Với diễn biến sôi động của thị trường, không ít doanh nghiệp cùng lãnh đạo và người có liên quan đã đẩy mạnh đăng ký bán cổ phiếu. Đây là điều trái ngược hoàn toàn so với thời điểm cách đây 1 năm khi nhiều doanh nghiệp cũng như ban lãnh đạo công ty liên tục đăng ký mua vào cổ phiếu nhằm bình ổn giá trong bối cảnh thị trường giảm sâu bởi dịch Covid-19.
Dựa vào dữ liệu ngày 11/3, ước tính sơ bộ từ đầu năm tới nay, các doanh nghiệp trên sàn đã đăng ký bán lượng cổ phiếu quỹ trị giá hơn 4.500 tỷ đồng. Bên cạnh đó, một số lãnh đạo và người có liên quan tới các doanh nghiệp cũng đăng ký bán khoảng lượng cổ phiếu trị giá khoảng hơn 400 tỷ đồng.
Thống kê sơ bộ một số doanh nghiệp và người có liên quan đăng ký bán cổ phiếu
Trong đó, một số thương vụ đăng ký bán cổ phiếu quỹ có quy mô lớn có thể kể tới như Vietjet Air đăng ký bán 17,8 triệu cổ phiếu VJC, tương ứng quy mô ước tính hơn 2.400 tỷ đồng; Petrolimex đăng ký bán 25 triệu cổ phiếu quỹ, tương ứng giá trị gần 1.400 tỷ đồng, tuy nhiên thương vụ bán của Petrolimex đã lập tức có đối tác Nhật Bản đăng ký mua.
Một trường hợp đáng chú ý là Hoa Sen đã lùi quyết định mua 22 triệu cổ phiếu quỹ và quay ra bán hết hơn 300 nghìn cổ phiếu quỹ đang có, thời gian thực hiện dự kiến trong tháng 3. Hoa Sen cho biết, theo quy định hiện hành, các doanh nghiệp không được mua lại cổ phiếu của chính mình cho đến khi hoàn thành việc xử lý số cổ phiếu quỹ đã mua trước đó. Do đó, công ty đã bán toàn bộ số cổ phiếu quỹ mua trước ngày 1/1/2021 để đáp ứng điều kiện mua cổ phiếu quỹ của chính mình và giảm vốn.
Với ban lãnh đạo doanh nghiệp và người có liên quan, một số giao dịch có quy mô lớn đáng chú ý có ông Nguyễn Điệp Tùng – CEO Chứng khoán FPTS đăng ký bán hơn 6,5 triệu cổ phiếu FTS nhằm cơ cấu danh mục đầu tư, ước tính giá trị khoảng 120 tỷ đồng.
Trong khi đó, ông Nguyễn Vũ Lê, bố thành viên HĐQT Tập đoàn Thép Tiến Lên cũng đăng ký bán toàn bộ hơn 4,87 triệu cổ phiếu TLH để lấy tiền mua nhà ở. Tính theo thị giá ngày 11/3, lượng cổ phiếu TLH mà ông Lê bán ra lên tới 56 tỷ đồng.
Biến động cổ phiếu TLH thời gian gần đây
Tập đoàn Quản lý Tài sản Trí Việt, cổ đông lớn nhất của CTCP Chứng khoán Trí Việt (TVB) mới đây cũng đăng ký bán ra 7 triệu cổ phiếu TVB nhằm mục đích cân đối tài chính với ước tính giá trị khoảng 92 tỷ đồng.
Một trường hợp đáng chú ý khác là ông Nguyễn Tiến Việt, Thư ký HĐQT Sam Holdings đã bán ra toàn bộ hơn 10 triệu cổ phiếu SAM trong tháng 2 và thu về hơn 108 tỷ đồng. Không những vậy, ông Việt cũng bán ra toàn bộ hơn 10 triệu quyền mua cổ phiếu SAM được phân bổ.
Dù nhiều doanh nghiệp cũng như người có liên quan đang có xu hướng bán cổ phiếu ra, tuy nhiên diễn biến chung của thị trường vẫn khá tích cực nhờ sự tham gia của lớp nhà đầu tư mới. Bên cạnh đó, việc bán cổ phiếu của một số doanh nghiệp, người liên quan hiện chưa phải quá mạnh mà chỉ tập trung chủ yếu ở một số doanh nghiệp đã tăng "nóng" hoặc đã có đối tác sẵn sàng mua như trường hợp Petrolimex.