Thị trường tài chính từ nay tới cuối năm 2019 sẽ tiềm ẩn nhiều rủi ro
Căng thẳng thương mại Mỹ - Trung đã tác động rất nhiều đến thị trường vàng, chứng khoán, tiền tệ trên thế giới và đang tác động trực tiếp đến Việt Nam.
Nhiều yếu tố tiêu cực trên thị trường tài chính
Thị trường tài chính tiền tệ thế giới đang tiềm ẩn rất nhiều rủi ro nhiều, với mức độ ngày càng tăng từ nay đến cuối năm. Đến năm 2020, rủi ro trên thị trường tài chính thế giới có giảm không tuỳ thuộc rất nhiều vào Mỹ và Trung Quốc có tìm được giải pháp cho chiến tranh thương mại hay không. Chiến tranh thương mại không được giải quyết thì thị trường tài sẽ tiếp tục có biến động tiêu cực.
Đồng Nhân dân tệ hiện (NDT) phá giá lên đến 7,04 NDT đổi 1 USD, xu hướng tiếp tục tăng, việc này sẽ hỗ trợ cho xuất khẩu của Trung Quốc để giảm những ảnh hưởng từ việc Mỹ siết thuế nhập khẩu.
Bên cạnh đó, chiến tranh tiền tệ có thể xảy ra nếu các quốc gia tiếp tục đồng bản tệ của mình bằng phương pháp phổ biến là giảm lãi suất đưa tất cả vào cuộc chiến tranh tiền tệ. Điều này sẽ kéo các nền kinh tế vào sự trì trệ sẽ khiến có thể xảy ra khủng hoảng toàn cầu.
. (Ảnh minh hoạ: KT)
Về tỷ giá, nếu đồng NDT tiếp tục bị phá giá sẽ tạo áp lực cho tiền đồng, khi đó hàng xuất khẩu từ Trung Quốc vào Việt Nam sẽ rẻ hơn, làm phình ra nhập siêu từ Trung Quốc đồng thời hàng xuất khẩu Việt Nam vào Trung Quốc đắt đỏ hơn. Điều này sẽ tác động tiêu cực đến xuất khẩu của Việt Nam.
Giá vàng trên thế giới đã leo lên mốc trên 1.500 USD/oz và có thể lên tới 1.550 - 1.600 USD/oz. Thị trường vàng Việt Nam sẽ chịu tác động của thị trường vàng thế giới, giá vàng trong nước sẽ phản ứng và mức tăng giá song song với thị trường thế giới.
Điều chỉnh tỷ giá cần được cân nhắc
Theo TS. Nguyễn Trí Hiếu - chuyên gia tài chính, trong cả năm 2019, mức độ phá giá của tiền đồng xoay quanh mức 3% là hợp lý. Hiện tại, mức độ phá giá của đồng Việt Nam rất ít nên còn nhiều dự địa điều chỉnh, chúng ta có thể cân bằng những tác động tiêu cực khi đồng NDT mất giá.
Về thị trường chứng khoán việc tiền đồng mất giá sẽ không có lợi, khi các nhà đầu tư ngoại khi thấy tiền đồng mất giá họ sẽ quan ngại đầu tư vào Việt Nam. Từ đầu năm tới nay, thị trường tài chính hấp thu rất nhiều dòng vốn ngoại khi tiền đồng mất giá sâu sẽ ảnh hưởng tới hoạt động đầu tư.
“Hiện nay chưa có hiện tượng dịch chuyển dòng tiền từ chứng khoán, ngân hàng sang đầu tư vàng nhưng giá vàng tăng cao có thể xảy ra hiện tượng đầu cơ cao, từ đó sẽ có sự chuyển dịch tiền gửi từ ngân hàng sang thị trường vàng và thị trường ngoại hối” - TS. Nguyễn Trí Hiếu nói.
TS. Nguyễn Trí Hiếu phân tích thêm, nếu giá vàng, tỷ giá tăng và thị trường chứng khoán xuống thấp không phải điểm tích cực cho kinh tế Việt Nam. Do đó, thời gian sắp tới Chính phủ, Ngân hàng Nhà nước có một chính sách về tiền tệ là rất khó khăn khi phải cân bằng rất nhiều lĩnh vực từ lĩnh vực xuất khẩu, tỷ giá, tăng trưởng kinh tế…
Cuộc chiến tranh thương mại Mỹ - Trung Quốc thì Việt Nam đang hưởng lợi là rất nhiều nhà đầu tư chuyển cơ sở sản xuất từ Trung Quốc sang các nước Đông Nam Á trong đó có Việt Nam. Nhưng nếu không rà soát kỹ để các cơ sở sản xuất để hàng của Trung Quốc vào dán mác hàng Việt Nam đưa sang Mỹ, biến Việt Nam thành điểm trung chuyển sẽ là cơ sở để Mỹ áp thuế vào hàng Việt Nam.
TS. Nguyễn Trí Hiếu cho rằng, trong lúc đầu tư của nước ngoài đang đổ vào Việt Nam thì Chính phủ cần có lựa chọn để hướng việc đầu tư phù hợp với chiến lược phát triển kinh tế của Việt Nam.
VOV