MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Thị trường tuần đến ngày 28/9: Dầu, nhôm, than đá cùng lao dốc hơn 3%; vàng biến động liên tục

28-09-2019 - 08:43 AM | Thị trường

Thị trường hàng hóa nguyên liệu đã trải qua một tuần mất mát khi giá hầu hết các mặt hàng đều đi xuống. Căng thẳng Mỹ - Trung nóng trở lại và kinh tế Trung Quốc suy yếu gây lo ngại giá sẽ còn giảm nữa.

Dầu giảm hơn 3% trong tuần

Giá dầu giảm trong phiên cuối tuần và tính chung cả tuần cũng giảm do sản lượng của Saudi Arabia hồi phục nhanh hơn dự kiến giữa bối cảnh các nhà đầu tư lo ngại về nhu cầu dầu thô toàn cầu và kinh tế Trung Quốc tăng trưởng chậm lại.

Phiên vừa qua, dầu Brent giảm 83 US cent (1,3%) xuống 61,91 USD/thùng; dầu Tây Texas giảm 50 US cent (0,9%) xuống 55,91 USD/thùng. Tính chung cả tuần, Brent mất 3,7% - nhiều nhất kể từ đầu tháng 8/2019; WTI mất 3,6% - nhiều nhất kể từ giữa tháng 7/2019.

Ở mức hiện tại, giá dầu Brent chỉ cao hơn chút ít so với ngày trước khi các cơ sở lọc dầu của Saudi Arabi bị tấn công, hôm 14/9.

Saudi Arabia là yếu tố chính gây biến động giá dầu thế giới trong hầu như suốt tháng 9 này, tạo ra những kỷ lục về mức thay đổi giá hàng tuần cũng như hàng tháng. Báo chí đưa tin quốc gia này đã khôi phục công suất dầu về mức 11,3 triệu thùng/ngày. Tuy nhiên, hãng Aramco chưa lên tiếng xác nhận sản lượng của họ đã được khôi phục hoàn toàn.

Triển vọng nhu cầu dầu trở nên u ám hơn khi Cơ quan Năng lượng Quốc tế cho biết có thể hạ mức dự báo về nhu cầu dầu mỏ thế giới trong các năm 2019 và 2020 nếu kinh tế toàn cầu tiếp tục suy yếu. Các doanh nghiệp Trung Quốc thông báo lợi nhuận đã bị thu hẹp trong tháng 8/2019.

Chỉ số cước phí vận chuyển dầu chính từ Trung Đông đến Châu Á đã tăng mạnh 28% trong phiên vừa qua do Mỹ áp lệnh trừng phạt lên 2 công ty con của Tập đoàn Vận tải biển Trung Quốc (COSCO) gồm Cosco Shipping Tanker và Cosco Shipping Tanker Seaman and Ship Management vì liên quan tới việc đã giúp Iran xuất khẩu dầu mỏ. Đội tàu của COSCO chiếm khoảng 7,5% tổng số tàu trong đội tàu siêu tốc của thế giới, theo số liệu của Refinitiv.

Vàng, bạc và bạch kim giảm, palađi tăng

Giá vàng biến động liên tục trong phiên vừa qua, đầu tiên giảm hơn 1%, sau đó hồi phục nên cuối phiên chỉ còn giảm nhẹ bởi các nhà đầu tư lựa chọn tài sản này cho an toàn sau khi Mỹ thông báo đang xem xét đưa các công ty Trung Quốc ra khỏi các sàn giao dịch chứng khoán Mỹ.

Vàng giao ngay giảm 0,5% xuống 1.498,07 USD/ounce vào cuối phiên, sau khi có lúc chạm mức thấp nhất kể từ 19/8 là 1.486,6 USD lúc đầu phiên; tính chung cả tuần vẫn mất khoảng 1,2%. Vàng kỳ hạn tháng 12/2019 giảm 0,6% xuống 1.506,4 USD/ounce.

Chính quyền của Tổng thống Mỹ Donald Trumg đang xem xét cấm các công ty Trung Quốc niêm yết trên các sàn chứng khoán của Mỹ và bắt buộc hủy niêm yết với các công ty đã niêm yết trước đó. Các quỹ đầu tư hưu trí của Mỹ cũng sẽ bị hạn chế tiếp cận thị trường Trung Quốc. Cổ phiếu của các tập đoàn Trung Quốc như Alibaba, JD.com, Pinduoduo, Baidu, Vipshop Holdings, Baozun và IQIYI đã giảm từ 2% đến 4% ngay sau khi có thông tin trên.

Số liệu được Ủy ban đánh giá kinh tế và an ninh Mỹ-Trung công bố cho thấy tính đến cuối tháng 2/2019, giá trị vốn hóa thị trường của 156 công ty Trung Quốc, bao gồm ít nhất 11 công ty nhà nước, được niêm yết trên 3sàn giao dịch lớn nhất của Mỹ đã đạt tới con số 1,2 nghìn tỷ USD.

Về các kim loại quý khác, bạch kim giảm 0,1% xuống 929,02 USD/ounce, tính chung cả tuần giảm mạnh nhất trong vòng một tháng, bạc giảm 1,5% xuống 17,54 USD/oune, trong khi palađi tăng 0,9% lên 1.682,56 USD/ounce và tính chung cả tuần tăng gần 2,5% - tuần tăng thứ 8 liên tiếp.

Thị trường tuần đến ngày 28/9:  Dầu, nhôm, than đá cùng lao dốc hơn 3%; vàng biến động liên tục - Ảnh 1.

Nhôm giảm nhiều nhất kể từ 2017

Giá nhôm vừa trải qua tuần giảm mạnh nhất kể từ tháng 10 năm ngoái do giá alumina giảm và triển vọng nhu cầu yếu bởi kinh tế sa sút thì những lĩnh vực như vậy tải hay đóng gói – sử dụng nhiều nhôm – cũng kém theo.

Cuối phiên, trên sàn London, nhôm kỳ hạn giao sau 3 tháng giảm 0,1% xuống 1.735 USD/tấn, trong phiên có lúc xuống chỉ 1.721,5 USD, và tính chung cả tuần giảm hơn 3%.

Nhà phân tích Xiao Fu của Bank of China International cho biết, nhu cầu yếu là bởi hoạt động công nghiệp chậm lại, và điều này có thể còn gây áp lực giảm giá hơn nữa. Lợi nhuận của các công ty công nghiệp Trung Quốc sụt giảm trong tháng 8/2019 sau 3 tháng tăng trước đó.

Sắt thép các loại biến động trái chiều

Mặc dù khối lượng giao dịch ít, giá quặng sắt trên sàn Đại Liên đã tăng 1,6% trong phiên vừa qua lên 642,5 CNY/tấn. Tuy nhiên, quặng sắt hàm lượng 62% nhập khẩu vào Trung Quốc giảm xuống 92,5 USD/tấn từ mức 93 USD/tấn của phiên trước.

Hãng khai mỏ Brazil, Vale SA, vừa hạ dự báo về sản lượng quặng năm 2019 của hãng xuống 43 triệu tấn, từ mức 45 triệu tấn dự báo trước đây, nhưng cho biết điều đó sẽ không ảnh hưởng đến doanh số.

Giá thép không gỉ trên sàn Thượng Hải tăng 0,1% lên 15.725 CNY/tấn, trong khi thép cây giá giảm 1,1% xuống 3.437 CNY/tấn, và thép cuộn cán nóng giảm 1,4% xuống 3.443 CNY/tấn.

Than đá có tuần giảm mạnh nhất trong 11 tháng

Giá than tại Trung Quốc giảm trong phiên vừa qua và tính chung cả tuần giảm mạnh nhất kể từ tháng 11/2018 do tăng trưởng kinh tế chậm lại và cuộc chiến thương mại với Mỹ phủ bóng lên triển vọng nhu cầu mặt hàng này.

Than luyện cốc kỳ hạn tháng 1/2020 trên sàn Đại Liên giảm 1,5% xuống 1.236 CNY (173,38 USD)/tấn; tính chung cả tuần giảm 4,4%; than cốc giảm 0,9% xuống 1.876 CNY/tấn và giảm 3,6% trong cả tuần – nhiều nhất trong vòng 2 tháng.

Nhiều nhà máy thép Trung Quốc đã được lệnh ngừng sản xuất hoặc giảm sản lượng bắt đầu từ tuần này để hạn chế ô nhiễm không khí trong dịp kỷ niệm 70 năm ngày Quốc khánh.

Đường tăng tuần thứ 2 liên tiếp

Giá đường không thay đổi trong phiên vừa qua, nhưng tính chung cả tuần tăng tuần thứ 2 liên tiếp do dự báo nguồn cung trong những tháng tới sẽ trở nên khan hiếm.

Cuối phiên, đường thô kỳ hạn tháng 3/2019 vững ở 12,62 US cent/lb, phiên liền trước đã đạt mức cao nhất kể từ 16/8 là 12,72 US cent, tính chung cả tuần tăng 4,6%. Đường trắng cùng phiên tăng 1,6 USD hay 0,5% lên 341,4 USD/tấn, chỉ thấp hơn chút ít so với mức cao nhất 6 tháng của phiên trước – 342 USD/tấn; tính chung cả tuần tăng 4,8%.

Thị trường đang có động lực đi lên bởi dự báo niên vụ 2019/20 sẽ thiếu hụt nguồn cung, mặc dù khả năng Ấn Độ xuất khẩu nhiều đường cản trở đà tăng. Các nhà phân tích tính rằng Ấn Độ sẽ xuất khẩu khoảng 3-4 triệu tấn đường trong năm 2019.

Dầu cọ giảm

Giá dầu cọ Malaysia phiên cuối tuần đi xuống và tính chung cả tuần giảm mạnh nhất trong vòng 3 tháng theo xu hướng giá dầu thực vật nói chung.

Trên sàn Bursa (Malaysia), dầu cọ kỳ hạn tháng 12/2019 giảm 0,9% xuống 2.150 ringgit/tấn; tính chung cả tuần giảm 3,4%, nhiều nhất kể từ 28/6/2019.

Dorab Mistry, Giám đốc công ty hàng tiêu dùng Godrej International của Ấn Độ, dự báo giá dầu cọ tham chiếu sẽ tăng lên 2.500 ringgit/tấn vào tháng 3/2020. Trong khi đó, Malaysia dự báo giá sẽ vào khoảng 2.200 – 2.300 ringgit/tấn trong quý 4/2019.

Theo Giám đốc Ủy ban Dầu cọ Malaysia, Ahmad Parveez Ghulam Kadir, tồn trữ dầu cọ ở nước sản xuất lớn thứ 2 thế giới này đã tăng lên mức cao nhất gần 2 thập kỷ là 3,2 triệu tấn vào cuối năm 2018, sau đó giảm xuống mức thấp nhất 6 tháng vào tháng 8/2018, là 2,25 triệu tấn. Ông nhận định giá sẽ trong khoảng 2.200 ringgit (525 USD) đến 2.300 ringgit trong giai đoạn tháng 10-12/2019. Đồng thời ông cũng hạ dự báo về sản lượng dầu cọ Malaysia năm nay xuống 20 triệu tấn, thấp hơn chút ít so với 20,3 triệu tấn dự báo trước đây, nhưng cho rằng sản lượng năm 2020 sẽ tăng lên 20,5 triệu tấn. Xuất khẩu của Malaysia năm 2019 dự báo tăng ít nhất 10% so với năm trước, đạt 18,2 triệu tấn, so với 16,5 triệu tấn năm 2018.

Cao su thấp nhất 1 tháng

Giá cao su tại Tokyo giảm xuống mức thấp nhất 1 tháng trong phiên vừa qua do các nhà đầu tư nghỉ sớm trước ngày Quốc khánh của Trung Quốc.

Hợp đồng tháng 3 năm sau trên sàn Tokyo giảm 4,8 JPY tương đương 2,9% xuống 161,5 JPY (1,5 USD)/kg, đầu phiên có lúc chạm mức thấp nhất kể từ 26/8 là 156,6 JPY. Tính chung cả tuần, giá giảm 3,1%.

Trên sàn Thượng Hải, cao su kỳ hạn tháng 1/2020 giảm 305 CNY xuống 11.425 CNY (1.603 USD)/tấn, loại TSR 20 giảm 195 CNY xuống 9.785 CNY/tấn.

Sầu riêng Thái Lan có thể mất thị phần Trung Quốc trong vòng 5-10 năm tới

Hiện sầu riêng tươi của Thái Lan chiếm khoảng 80% tổng khối lượng sầu riêng nhập khẩu vào Trung Quốc. Theo số liệu của Bộ Thương mại Thái Lan, nước này đã xuất khẩu trị giá 668 triệu USD trái cây tươi sang Trung Quốc trong 4 tháng đầu năm 2019, tăng 152,7% so với cùng kỳ năm trước, trong đó riêng sầu riêng đạt 418 triệu USD, chiếm 62,57%.

Loại đắt nhất trên thị trường là sầu riêng gối vàng, một trong những loại sầu riêng ngon nhất của Thái Lan, thường được bán với giá 30 CNY/0,5 kg. Tuy nhiên, giá cũng có sự khác biệt lớn tùy chất lượng. Nhu cầu sầu riêng ở Trung Quốc cao đến nỗi kể cả loại B và C cũng khó mua được trên thị trường. Do đó, giá đã tăng mạnh. Tuy nhiên, trong 5-10 năm tới, dự báo sầu riêng Thái không còn độc quyền ở thị trường Trung Quốc nữa.

Sầu riêng Malaysia vào năm 2011 mới chỉ được xuất khẩu sang Trung Quốc dưới dạng đã qua chế biến để đông lạnh, như xay nhuyễn hoặc bột, còn sầu nguyên vỏ không được phép bởi vỏ có thể gây hại. Sau nhiều cuộc đàm phán tích cực giữa 2 nước, đến 30/5/2019, sầu riêng các loại Malaysia đã tiếp cận được thị trường Trung Quốc. Thứ trưởng Nông nghiệp Malaysia tin tưởng xuất khẩu sầu riêng sang Trung Quốc sẽ tiếp tục mở rộng trong tương lai với giá cả ổn định.

Giá một số mặt hàng chủ chốt sáng 28/9

Thị trường tuần đến ngày 28/9:  Dầu, nhôm, than đá cùng lao dốc hơn 3%; vàng biến động liên tục - Ảnh 2.

Minh Quân

Trí Thức Trẻ

Trở lên trên