Thị trường ngày 11/02: Giá dầu thấp nhất 13 tháng, vàng cao nhất 1 tuần
Chốt phiên đêm qua dầu tiếp tục giảm xuống mức thấp nhất trong 13 tháng, kẽm, quặng sắt cũng giảm, trong khi vàng lên cao nhất một tuần, đậu tương tăng phiên thứ 6 liên tiếp.
- 07-02-2020Thị trường ngày 7/2: Vàng, quặng sắt, thép đồng loạt tăng cao, dầu diễn biến trái chiều
- 06-02-2020Thị trường ngày 6/2: Giá dầu và vàng bật tăng trở lại, đồng cao nhất 1 tuần
- 05-02-2020Thị trường ngày 5/2: Dầu tiếp tục rớt giá, quặng sắt thấp nhất gần 3 tháng
Dầu xuống mức thấp nhất trong 13 tháng
Giá dầu giảm xuống mức thấp nhất kể từ tháng 12/2018 do nhu cầu dầu mỏ của Trung Quốc suy yếu hơn bởi sự bùng phát của virus corona và các thương gia chờ đợi liệu Nga có tham gia cắt giảm sản lượng cùng với các nhà sản xuất khác hay không.
Dầu đã giảm hơn 25% từ mức đỉnh trong tháng 1 sau khi virus lây lan nhanh chóng ảnh hưởng tới nhu cầu tại quốc gia nhập khẩu dầu mỏ lớn nhất thế giới này và gây ra lo ngại về dư cung.
Chốt phiên 10/2, dầu thô Brent đã giảm 1,2 USD, hay 2,2% xuống 53,27 USD/thùng, thấp nhất kể từ ngày 28/12/2019. Dầu thô WTI giảm 75 US cent hay 1,5% xuống 49,57 USD/thùng, đóng cửa thấp nhất kể từ ngày 7/1/2018. Chênh lệch giữa dầu Brent và dầu WTI xuống thấp nhất kể từ tháng 8/2019.
Trung Quốc là nước tiêu thụ nguyên liệu thô lớn nhất thế giới, tiếp tục có tác động mạnh mẽ đến các mặt hàng chủ chốt khiến thế giới đang phải đối mặt với cú sốc nhu cầu lớn nhất kể từ cuộc khủng hoảng tài chính toàn cầu năm 2009. Nhập khẩu dầu thô và khí đốt của Trung Quốc sụt giảm, do hầu hết các nhà máy lọc dầu Trung Quốc giảm hoạt động đáng kể trong khi các kho nhập khẩu giảm đơn hàng mới.
Bắc Kinh đã phối hợp hỗ trợ các công ty và thị trường tài chính trong tuần qua và các nhà đầu tư hy vọng sẽ có thêm nhiều kích thích hơn để hỗ trợ nền kinh tế lớn thứ 2 thế giới này.
Nhưng lo lắng về nguồn cung không giảm bớt khi Nga cho biết cần thêm thời gian để quyết định khuyến nghị từ Ủy ban kỹ thuật về việc OPEC và các đồng minh cắt giảm sản lượng thêm 600.000 thùng/ngày.
Các nhà kinh doanh dầu mỏ lo ngại mức đề xuất giảm sản lượng sẽ không đủ để thắt chặt thị trường toàn cầu, do các nhà máy lọc dầu của Trung Quốc sẽ cắt giảm nguyên liệu tinh chế khoảng 940.000 thùng/ngày trong tháng này.
Vàng cao nhất 1 tuần
Vàng tăng lên mức cao nhất một tuần do lo ngại ảnh hưởng của virus corona làm tăng sức hấp dẫn của các tài sản trú ẩn an toàn, sau khi số người chết vì virus tiếp tục tăng.
Vàng giao ngay tăng 0,4% lên 1.575,71 USD/ounce, trong phiên có lúc giá đã đạt 1576,21 USD, cao nhất kể từ ngày 4/2. Vàng Mỹ kỳ hạn tháng 4 chốt phiên tăng 0,4% lên 1.579,5 USD/ounce.
USD tăng lên mức cao nhất trong 4 tháng so với rổ tiền tệ đã kiềm chế đà tăng của vàng.
Nền kinh tế lớn thứ hai thế giới đã phải chịu đựng khó khăn từ cuối tháng 1 do hoạt động sản xuất, kinh doanh bị ngưng trệ kéo dài và hạn chế đi lại từ sự bùng nổ virus giữa kỳ nghỉ Tết Nguyên đán.
Vàng được xem như kênh đầu tư an toàn trong giai đoạn khủng hoảng, đã tăng gần 4% trong năm nay sau khi tăng khoảng 18% trong năm 2019.
Kẽm xuống thấp nhất nhiều năm
Giá kẽm giảm xuống mức thấp nhất kể từ tháng 7/2016 sau khi dự trữ tăng vọt và lo lắng về nhu cầu tại Trung Quốc khi các trường hợp nhiễm virus corona tiếp tục tăng.
Dự trữ kẽm trên sàn giao dịch kim loại London (LME) đã xuống mức thấp nhất gần 3 thập kỷ trong tuần trước, nhưng giới phân tích cho biết điều này không đúng vì kim loại được giữ ở các kho khác.
Hợp đồng kẽm giao sau 3 tháng đã giảm 0,5% xuống 2.135 USD/tấn, trong phiên giá đã chạm 2.117 USD/tấn, thấp nhất kể từ ngày 8/7/2016.
Ngân hàng Citibank đã thận trọng hơn về ảnh hưởng của virus corona tới nhu cầu tại Trung Quốc, nước tiêu thụ kim loại lớn nhất thế giới.
Dự trữ kẽm của LME tăng vọt lên 71.150 tấn, cao nhất kể từ tháng 8/2019, tăng 43% so với tuần trước.
Giá kẽm giao ngay trên sàn LME thấp hơn so với hợp đồng kẽm giao sau 3 tháng tới 4,5 USD, cao nhất kể từ tháng 8/2019, cho thấy nguồn cung của kim loại tăng trong hệ thống LME.
Quặng sắt giảm
Quặng sắt tại Trung Quốc giảm, do số người chết bởi virus corona ngày càng tăng làm giảm triển vọng nhu cầu đối với nguyên liệu thô sản xuất thép và dự trữ tăng tại các cảng của quốc gia này khi ngành công nghiệp đóng cửa.
Hợp đồng quặng sắt kỳ hạn tháng 5/2020 trên sàn giao dịch Đại Liên giảm 4 CNY hay 0,7% xuống 581,5 CNY (83,3 USD)/tấn. Giá quặng sắt này đã giảm 11% trong tuần trước, đánh dấu tuần giảm mạnh nhất trong 6 tháng.
Trên sàn giao dịch Singapore, hợp đồng quặng sắt kỳ hạn tháng 3 giảm 1,2% xuống 79,65 USD/tấn.
Quặng sắt giao ngay cũng giảm trong tuần trước, quặng sắt 62% giao sang Trung Quốc giảm 14,3% xuống 83 USD/tấn, theo cơ quan tư vấn SteelHome.
Bệnh dịch đã gây gián đoạn tại nền kinh tế lớn thứ 2 thế giới, các chuyến bay bị hủy, nhà máy, trường học phải đóng cửa. Tuy nhiên, công nhân ở Trung Quốc bắt đầu trở lại làm việc trong ngày 10/2 do Chính phủ nới lỏng một số hạn chế về làm việc và du lịch.
Trong bối cảnh nhu cầu yếu và nhiều cảng tại Trung Quốc vẫn đóng cửa sau kỳ nghỉ Tết Nguyên đán kéo dài, quặng sắt tồn kho tại các cảng đã tăng lên 131,1 triệu tấn trong tuần trước, mức cao nhất kể từ đầu tháng 11/2019, theo SteelHome.
Nhu cầu các sản phẩm thép có thể chậm lại vào đầu mùa xuân ở Trung Quốc thay vì tăng theo mùa như dự kiến.
Thép thanh dùng trong xây dựng trên sàn giao dịch kỳ hạn Thượng Hải giảm 0,1%, trong khi thép cuộn cán nóng ổn định.
Đường tăng
Đường thô kỳ hạn tháng 3 đóng cửa tăng 0,12 US cent hay 0,8% lên 15,04 US cent/lb.
Đường trắng kỳ hạn tháng 3 tăng 1,8 USD hay 0,4% lên 429,9 USD/tấn sau khi chạm mức cao nhất 2,5 năm tại 433,4 USD.
Nhà kinh doanh hàng hóa Trung Quốc COFCO cho biết họ không mong đợi sự phục hồi sớm trong vụ mía đường ở Thái Lan, với sản lượng niên vụ 2019/20 có thể giảm 28% xuống 10,5 triệu tấn, thấp nhất 9 năm. Thái Lan là nhà xuất khẩu đường lớn thứ 2 thế giới.
Các đại lý cho biết trong khi có một số lo ngại rằng các quỹ đang không mua thêm – có thể do yếu tố vĩ mô như sự bùng phát của virus corona – thị trường đường nói chung đang phục hồi và có thể tăng tiếp trong ngắn hạn.
Nhà phân tích Green Pool đã cắt giảm dự báo sản lượng đường Thái Lan trong niên vụ này xuống 9,55 triệu tấn, giảm mạnh từ 14,75 triệu tấn trong niên vụ trước.
Cà phê trái chiều
Cà phê arabica kỳ hạn tháng 5 tăng 1,6 US cent hay 1,5% lên 1,021 USD/lb, rời khỏi mức thấp 3,5 năm thiết lập vào tuần trước.
Các nhà đầu cơ cà phê arabica trên sàn ICE chuyển sang bán ròng 2.097 hợp đồng trong tuần kết thúc vào ngày 4/2, giảm 8.627 hợp đồng.
Cà phê robusta kỳ hạn tháng 5 giảm 5 USD hay 0,5% xuống 1.285 USD/tấn, giá đã chạm mức thấp nhất 3 tháng tại 1.280 USD/tấn.
Đậu tương tiếp tục tăng
Đậu tương của Mỹ có phiên tăng thứ 6 liên tiếp do dự kiến Bắc Kinh sẽ thực hiện mục tiêu mua hàng trong thỏa thuận thương mại giai đoạn 1 với Washington, mặc dù lo ngại về sự bùng phát của virus corona đã hạn chế đà tăng.
Hợp đồng đậu tương được giao dịch nhiều nhất trên sàn Chicago đóng cửa tăng 0,34% lên 8,74-1/4 USD/bushel.
Cố vấn Nhà Trắng, ông Larry Kudlow cho biết Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình Trung Quốc nói sẽ đáp ứng mục tiêu mua hàng trong thỏa thuận thương mại giai đoạn 1 mặc dù có sự chậm trễ liên quan tới virus corona.
Giá trị xuất khẩu của Thái Lan sang Trung Quốc có thể giảm 65 triệu USD trong quý 1
Người phát ngôn Bộ Giao thông Vận tải Thái Lan tuyên bố rằng sự bùng phát của dịch corona ở Trung Quốc đã có tác động đáng kể đến việc xuất khẩu rau quả của Thái Lan sang thị trường này. Giá trị xuất khẩu trong quý 1/2020 dự kiến sẽ giảm 65 triệu USD so với cùng kỳ năm ngoái.
Vua của các loại trái cây Thái Lan là sầu riêng, vô cùng nổi tiếng đối với người tiêu dùng Trung Quốc. Trung Quốc đã nhập khẩu 593 nghìn tấn sầu riêng từ Thái Lan trong 11 tháng đầu năm 2019, tăng 41,9% so với cùng kỳ năm trước với giá trị nhập khẩu đạt 10,7 CNY (1,5 tỷ USD), tăng 54,8% so với năm trước. Số lượng lớn người mua Trung Quốc đã đến Thái Lan để thăm các khu vực sản xuất trái cây.
Giá một số mặt hàng chủ chốt sáng ngày 11/02