MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Bộ trưởng Dũng nói gì về thị trường BĐS năm 2016?

Vấn đề cốt lõi được giải quyết hậu khủng hoảng của thị trường BĐS đó là sự lệch pha Cung-Cầu, bằng nhóm giải pháp đồng bộ, trong đó phát triển nhà xã hội là điểm nổi bật. Điều này giúp thị trường khởi sắc trở lại.

Đó là những chia sẻ của Bộ trưởng Bộ Xây dựng Trịnh Đình Dũng về thị trường bất động sản những năm qua, cũng như triển vọng trong những năm tới.

1.Thưa Bộ trưởng, có thể thấy năm qua thị trường bất động sản đã phục hồi tích cực. Theo ông yếu tố nào đã giúp cho thi trường sôi động hẳn lên?

Bộ trưởng Trịnh Đình Dũng: Như bạn đã biết, giai đoạn 2011-2012 thị trường nhà đất gần như “đóng băng”. Bất động sản tồn tại một ngịch lý, thị trường “bất động” với tồn kho lên tới gần 130 nghìn tỷ đồng, ấy vậy mà đại đa số dân cư đô thị vẫn không thể mua và sở hữu nhà ở.

Lý do là phần lớn các sản phẩm bất động sản khi ấy đều thuộc phân khúc trung và cao cấp, trong khi hơn 80% người dân đô thị có thu nhập trung bình và thấp nên không thể đủ khả năng tiếp cận và sở hữu các sản phẩm bất động sản trên thị trường. Đây chính là hiện tượng lệch pha “cung – cầu”.

Vì thế, để giải quyết vấn đề này, Bộ Xây dựng đã đề xuất với Chính phủ ban hành và tổ chức thực hiện nhóm giải pháp đồng bộ để tháo gỡ khó khăn cho thị trường, đồng thời thực hiện Chiến lược nhà ở quốc gia.

Trong đó, đáng chú ý là: Hoàn thiện cơ chế, chính sách, rà soát phân loại dự án, chuyển đổi nhà thương mại sang nhà xã hội, điều chỉnh cơ cấu căn hộ, miễn tiền sử dụng đất, thuế thu nhập doanh nghiệp, thuế VAT đối với các doanh nghiệp phát triển nhà ở xã hội, đặc biệt là gói tín dụng 30.000 tỉ đồng…

Chính nhờ các giải pháp đồng bộ đó, thị trường  đã phục hồi tích cực. Lượng giao dịch thành công liên tục tăng, bắt đầu từ phân khúc sản phẩm trung bình và thấp, lan dần sang khu vực sản phẩm trung và cao .

2. Vậy theo Bộ trưởng, thị trường đã phục hồi ở điểm nổi bật nào?

Bộ trưởng Trịnh Đình Dũng: Theo tôi, nói về diễn biến nổi bật của thị trường nhà ở Việt Nam năm 2015, trước hết phải nói tới sự tác động của những chính sách mới liên quan đến thị  trường bất động sản, nhà ở trong thời gian qua, đặc biệt là việc Quốc hội thông qua 02 đạo luật quan trọng Luật Nhà ở và Luật Kinh doanh bất động sản vào cuối năm 2014 (có hiệu lực thi hành từ 01/7/2015).

Những đạo luật này đã giúp khắc phục những quy định còn hạn chế trước đây, giúp thị trường phát triển ổn định và lành mạnh. Có nhiều cơ chế, chính sách rất ưu đãi để khuyến khích, hỗ trợ các nhà đầu tư tham gia đầu tư phát triển nhà ở xã hội.

Hơn nữa, thị trường năm qua đã có giao dịch khá sôi động. Tại Hà Nội có khoảng 19.350 giao dịch thành công (tăng 1,7 lần so với cùng kỳ 2014; tại Thành phố Hồ Chí Minh có khoảng 18.700 giao dịch thành công (tăng 1,8 lần so với cùng kỳ 2014).

Tồn kho bất động sản tiếp tục giảm chỉ còn khoảng 50 nghìn tỉ đồng, giảm hơn 60% so với đầu 2013. Cơ cấu hàng hóa bất động sản được điều chỉnh hợp lý.

3. Với đà tăng trưởng mạnh của thị trường BĐS như vậy, có nhiều quan điểm lo ngại bong bỏng có thể xảy ra, quan điểm của Bộ trưởng như thế nào về vấn đề này?

Bộ trưởng Trịnh Đình Dũng: Đúng là hiện thị trường có bước phát triển mạnh. Tuy nhiên, bong bóng bất động sản thường chỉ xảy ra khi hội tụ được các yếu tố:

(1) Nền kinh tế không ổn định, phát triển quá nóng; (2) Các thị trường đầu tư khác không ổn định, kém hấp dẫn (thị trường vàng, ngoại tệ, chứng khoán, lãi suất tiền gửi ngân hàng thấp, …); (3) Nguồn cung quá bất cập, quá thiếu so với nhu cầu; (4) Chính sách tài chính, tín dụng bất động sản bị buông lỏng, hạ chuẩn cấp tín dụng một cách quá dễ dãi; (5) Thiếu sự can thiệp kịp thời, hợp lý của Nhà nước vào thị trường;..

Đối chiếu với các yếu tố nêu trên, và sự điều hành của Chính phủ, nền kinh tế tiếp tục ổn định, cùng với tình hình thị trường hiện nay đang có nguồn cung rất dồi dào ở nhiều phân khúc thì có thể khẳng định chưa có nguy cơ xảy ra “bong bóng” bất động sản. Có “nóng sốt” cũng chỉ xảy ra cục bộ.

4. Cuối cùng, xin hỏi Bộ trưởng về những triển vọng của thị trường năm 2016?

Bộ trưởng Trịnh Đình Dũng: Đánh giá về triển vọng thị trường bất động sản năm 2016, có thể khẳng định:

Một là, nhu cầu mua và sở hữu nhà ở tiếp tục tăng, đặc biệt là phân khúc trung và cấp tại các đô thị lớn. Điều này sẽ giúp thanh khoản thị trường tốt hơn, giảm lượng tồn kho.

Hai là, thị trường sẽ có sự cạnh tranh nhiều hơn giữa doanh nghiệp trong nước và doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài. Doanh nghiệp FDI có tiềm lực mạnh sẽ gia tăng hoạt động M&A với các DN nội tiềm lực yếu. Các doanh nghiệp BĐS nội cũng phải cũng sẽ phải tái cơ cấu đầu tư, nâng cao năng lực và tính chuyên nghiệp để đủ sức cạnh tranh ngay chính trên sân nhà.

Ba là, thị trường văn phòng, dịch vụ, thương mại sẽ có xu thế sôi động hơn.

Tựu trung lại, thị trường bất động sản trong năm 2016 được dự báo sẽ tốt hơn, tiếp tục phát triển, thanh khoản tốt. Giá BĐS có khả năng giữ ổn định hoặc tăng nhẹ.

Xin cám ơn Bộ trưởng!

Gia Bảo

Trí Thức Trẻ

CÙNG CHUYÊN MỤC

XEM
Trở lên trên