MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Cứu thị trường bất động sản: Những ai đang tranh cãi?

Nếu như không có ai đứng ra giúp họ dàn xếp, cuộc chiến này sẽ kéo dài và kết quả là những nhà đầu tư nước ngoài sẽ thắng, vì họ đang cầm tiền.

Trả lời câu hỏi tại sao khi ý kiến hãy để thị trường địa ốc Việt Nam “rơi tự do”, không cần giải cứu được đưa ra đã vấp phải sự phản ứng của giới chuyên gia và cộng đồng DN bất động sản Việt Nam? Tiến sĩ Nguyễn Đức Độ - Chuyên gia tài chính cho rằng, việc cứu hay không cứu thị trường BĐS sẽ có ảnh hưởng trực tiếp đến quyền lợi và sự sống còn của 3 nhóm người chính trên thị trường. Cụ thể:

Nhóm thứ nhất chủ yếu bao gồm các doanh nghiệp bất động sản và các nhà đầu tư bất động sản thứ cấp. Họ được coi là những người giàu và chỉ chiếm số ít trong xã hội. Họ đang nắm giữ một lượng lớn bất động sản với giá cao, nhưng hiện nay lại không có ai mua. Phần lớn trong số họ đang vay nợ rất nhiều từ ngân hàng.

Họ đang đứng trước nguy cơ phá sản. Vì vậy, họ kêu gọi Nhà nước giải cứu. Để thuyết phục Nhà nước cũng như mọi người trong xã hội, họ lập luận như sau: “Thị trường bất động sản là xương sống của nền kinh tế. Nếu để thị trường bất động sản sụp đổ, hệ thống ngân hàng và nhiều doanh nghiệp khác cũng sụp đổ theo, tăng trưởng GDP sẽ giảm và thất nghiệp sẽ gia tăng”.

Mặc dù họ là những người mắc sai lầm và đáng phải trả giá, nhưng trong lập luận của họ chứa đựng một phần sự thật và đáng để suy ngẫm.

Nhóm thứ hai đông hơn. Họ có thể là các nhân viên văn phòng, những người buôn bán nhỏ…. Họ có thể không được coi là những người giàu có, nhưng họ có “của ăn, của để”. Có thể, số tiền họ tích cóp được không đủ để mua bất động sản với giá cao như vài năm trước đây, nhưng họ hy vọng rằng khi giá bất động sản điều chỉnh về “giá trị thực”, họ có thể mua được một căn nhà cho riêng mình.

Ủng hộ nhóm này có thể có cả những nhà đầu tư nước ngoài. Họ là những tay chuyên nghiệp mang quân đi đánh xứ người. Lý trí nói với họ rằng, nếu như không có ai trợ giúp, con mồi sẽ yếu dần và một ngày nào đó mình sẽ nhảy vào nhặt xác mà không phải đánh nhau, tranh giành gì cả. Chiến lược của nhóm thứ hai này là đề cao sự công bằng – “ai làm, người đó chịu”.

Nhóm này nêu cao khẩu hiệu “hãy để thị trường tự giải quyết”. Ngoài ra, họ tập trung vào việc buộc tội những người gây ra khủng hoảng, điều mà nhóm đầu tiên không thể chối cãi. Tuy nhiên, nhóm thứ hai này có một điểm yếu.

Họ không chứng minh được rằng, nếu để thị trường tự giải quyết thì nền kinh tế vẫn ổn và không ai bị làm sao, ngoài các doanh nghiệp bất động sản. Nói đúng hơn, họ lờ đi những cái giá mà nền kinh tế phải trả để bảo vệ lý tưởng về một thị trường tự do.

Còn một nhóm thứ ba, đông hơn nhiều 2 nhóm trước. Họ có thể chiếm từ một nửa đến 2/3 dân số. Họ là những nông dân, công nhân hay những người nghèo sống ở nông thôn cũng như thành thị. Họ không có nhu cầu hoặc không có đủ tiền để mua nhà ở thành phố, cho dù thị trường bất động sản có rơi về đâu đi chăng nữa.

Tổng tài sản tiết kiệm mà nhóm này đang nắm giữ, nếu có lên tới 60 tỷ USD, thì tính ra, mỗi người cũng chỉ có khoảng 1.000USD, bởi nhóm này có đến 60 triệu người.

Nếu gộp 4-5 người trong nhóm thành một gia đình, thì số tiền tiết kiệm mà họ có được cũng chỉ vào khoảng 100 triệu VND trở xuống.

Những người trong nhóm này cũng ít khi vào mạng để nắm thông tin hay bình luận này nọ về những vấn đề của thị trường bất động sản.

Nếu chúng ta hỏi họ “nên cứu thị trường bất động sản hay để nó rơi tự do ?”, họ sẽ trả lời “tôi chẳng biết và tôi cũng chẳng quan tâm”.

Tuy nhiên, nhóm này lại chịu ảnh hưởng gián tiếp từ những diễn biến trên thị trường bất động sản. Nếu thị trường bất động sản rơi tự do và hệ thống ngân hàng cùng các doanh nghiệp gặp khó khăn, một phần trong số họ sẽ bị mất việc làm hoặc ít nhất là bị nợ lương. Con cái họ khi đến tuổi trưởng thành sẽ khó tìm được kế sinh nhai.

Như vậy, về cơ bản, thị trường bất động sản là nơi tranh chấp quyền lợi của tầng lớp thượng lưu và trung lưu ở thành phố cùng với các nhà đầu tư nước ngoài.

Nếu như không có ai đứng ra giúp họ dàn xếp, cuộc chiến này sẽ kéo dài và kết quả là nhóm thứ hai sẽ thắng, vì họ đang cầm tiền, và nhóm thứ nhất sẽ thua, vì “nợ vẫn nở ra trong khi tài sản thì co lại” như nhận định của Ủy ban Kinh tế Quốc Hội.

Khánh Linh

hanhle

Trí Thức Trẻ

CÙNG CHUYÊN MỤC

XEM
Trở lên trên