Đà Nẵng chính thức thu hồi 5 dự án “ngâm” ven biển
Đó là các dự án dạy nghề lướt ván, khu du lịch Đệ Nhất, khu thể thao giải trí Huy Khánh, khu du lịch Biển Đông mở rộng và biệt thự - khu nghỉ mát Bãi Trẹm. Nhiều dự án khác đang tiếp tục rà soát!
- 09-06-2015Đà Nẵng: "Tối hậu thư” cho dự án của Liên đoàn Xiếc Việt Nam
- 08-06-2015Đà Nẵng: Nợ gần 1.000 lô đất tái định cư
- 06-06-2015Đà Nẵng: Đấu giá hàng loạt khu đất
Tại phiên chất vấn sáng 9/7, kỳ họp thứ 14 HĐND TP Đà Nẵng khóa VIII, ông Trần Văn Sơn, Giám đốc Sở KH-ĐT cho hay, hiện ở khu vực ven biển Đà Nẵng có 52 dự án đầu tư với tổng vốn đăng ký 58.000 tỉ đồng, tổng diện tích 1.640ha. Trong đó có 14 dự án FDI với tổng vốn đầu tư đăng ký 22.000 tỉ đồng, tổng diện tích 605ha và 38 dự án đầu tư trong nước với tổng vốn đăng ký 36.000 tỉ đồng, tổng diện tích 1.035ha.
Qua rà soát, có 20/52 dự án (gồm 4 dự án FDI và 16 dự án đầu tư trong nước) đã đưa vào hoạt động một phần và triển khai theo hình thức cuốn chiếu. Các dự án này đã đưa vào khai thác hơn 4.000 phòng khách sạn tiêu chuẩn 4 – 5 sao và giải quyết việc làm cho hơn 8.000 lao động trên địa bàn TP.
Trong số 32 dự án chậm triển khai và chưa triển khai thì có 10 dự án FDI (tổng vốn đầu tư đăng ký khoảng 13.000 tỉ đồng, tổng diện tích khoảng 295ha) và 22 dự án đầu tư trong nước (tổng vốn đăng ký khoảng 39.800 tỉ đồng, tổng diện tích khoảng 784ha).
Đối với 10 dự án FDI ven biển chậm triển khai, qua kiểm tra, rà soát, UBND TP Đà Nẵng đã mời các nhà đầu tư đến ký cam kết tiến độ triển khai. Đã có 5 dự án ký lại cam kết gồm DAP, DAP 1, DAP 2 của Indochina Capital, khu biệt thự - khách sạn Phương Đông và khu nghỉ dưỡng cao cấp ven biển Nam Phát.
Có 3 dự án mà TP Đà Nẵng sẽ tiếp tục làm việc với nhà đầu tư nước ngoài để xử lý các vướng mắc trong quá trình triển khai thực hiện, gồm khu đô thị quốc tế Đa Phước, khu phố nhà vườn – biệt thự Thanh Bình, dự án bất động sản và bến du thuyền Đà Nẵng. 2 dự án còn lại chưa triển khai.
Đối với 22 dự án trong nước chậm và chưa triển khai, qua rà soát đã mời chủ đầu tư 15 dự án lên ký cam kết và dự kiến sẽ triển khai trong năm 2015 – 2016. Có 7 dự án chưa ký cam kết tiến độ với UBND TP Đà Nẵng, gồm khu du lịch thể thao giải trí Temple, khu giải trí biển Huy Khánh, khu du lịch sinh thái biển Ghềnh Vàng – Bãi Đa, khu nhà phố - biệt thự Thanh Bình, vệt biệt thự nghỉ mát Bãi Trẹm, khu du lịch Biển Đông mở rộng (Bãi Rạng) và khu du lịch sinh thái biển Tiên Sa.
“Thực hiện kết luận của Thành ủy tại Thông báo số 364, UBND TP Đà Nẵng sẽ xử phạt và thu hồi 3 dự án, gồm dự án dạy nghề lướt ván (diện tích khoảng 800m2), dự án khu du lịch Đệ Nhất (khoảng 8.000m2) và dự án khu thể thao giải trí Huy Khánh (khoảng 4.000m2). Bên cạnh đó, Sở TN-MT cũng đã hoàn thành thủ tục thu hồi 2 dự án, gồm khu du lịch Biển Đông mở rộng (25.609m2) và vệt thự - khu nghỉ mát Bãi Trẹm (26.049m2).
UBND TP Đà Nẵng đã chỉ đạo giao 2 dự án này cho Trung tâm Phát triển quỹ đất tiến hành đấu giá để mời các nhà đầu tư mới, đồng thời tiếp tục rà soát dự án Temple của Công ty dịch vụ thương mại San Hô. Ngoài ra, TP cũng chỉ đạo Sở TN-MT tiếp tục rà soát, thu hồi các dự án mà nhà đầu tư không có khả năng triển khai và mang tính chất đầu cơ!” – ông Trần Văn Sơn cho hay.
Ông Trần Thọ, Bí thư Thành ủy, Chủ tịch HĐND TP Đà Nẵng chuyển đến Giám đốc Sở KH-ĐT Trần Văn Sơn câu hỏi mà các cử tri nhắn tin vào điện thoại của ông: “Sở KH-ĐT có lừng khừng trong việc thu hồi các dự án đầu cơ, nói mãi không chịu làm hay không?”.
Ông Trần Văn Sơn trả lời: “Cái này trong chủ trương chung thôi. Trong đợt rà soát vừa qua thì Sở KH-ĐT cũng đã tham mưu cho UBND TP, Thường vụ Thành ủy và trước mắt cũng đã xử lý thu hồi 3 dự án, còn các dự án hiện nay chậm thì cũng phải theo trình tự thủ tục của Luật Đất đai”.
Ông Trần Thọ yêu cầu đối với các dự án mà lãnh đạo TP đã có chủ trương rồi, Giám đốc Sở KH-ĐT cần khẩn trương tổ chức thực hiện một cách nghiêm túc. Đồng thời tiếp tục rà soát các dự án “ngâm” quá lâu và sớm có đề xuất với lãnh đạo TP.
Ông Trần Thọ nhấn mạnh: “Làm nhanh hay chậm, đúng hay sai, lừng khừng hay không lừng khừng là do Giám đốc Sở KH-ĐT. Giám đốc Sở mà tham mưu thường xuyên, phát hiện kịp thời, phối hợp đồng bộ với các ngành trình lên Chủ tịch UBND TP giải quyết thì mới nhanh, chứ còn lừng khừng, cả nể, sợ mất lòng, sợ ảnh hưởng môi trường đầu tư, cứ cà rề, cá rề thì qua quận luôn, coi như xong. Mình nói thì ghê gớm lắm, đền hồi làm lại đu đưa thì dân người ta phát hiện, người ta dòm ngó đấy!”.
Infonet