MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

"Điểm mặt" rào cản khiến người dân khó tiếp cận gói 30 nghìn tỷ

Sau một thời gian triển khai, gói 30 nghìn tỷ đã bọc lộ những "rào cản" gây khó cho người dân.

Đã một tháng trôi qua kể từ khi gói tín dụng 30.000 tỷ đồng cho người thu nhập thấp vay để mua, thuê mua nhà ở xã hội và nhà ở thương mại chính thức được triển khai nhưng đến nay, số lượng các hồ sơ được giải ngân vẫn đạt tỷ lệ rất thấp.

Rắc rối chuyện xin xác nhận về tình trạng nhà ở

Để vay được gói 30 nghìn tỷ, những đối tượng thuộc diện có nhu cầu vay tiền phải trải qua công đoạn “xin xác nhận” về hiện trạng nhà ở. Tuy nhiên, mỗi nơi lại có cách giải quyết mỗi khác khiến người dân phải đi lại nhiều lần, chờ đợi trong tâm trạng phấp phỏng.

Người dân mua nhà thu nhập thấp có quy trình bắt buộc là phải đến Ủy ban Nhân dân phường xin xác nhận tình trạng nhà ở. Mặc dù theo mẫu giấy xác nhận chỉ cần ý kiến của Tổ trưởng dân phố nơi cư trú là lãnh đạo phường sẽ xác nhận nhưng một số nơi lại yêu cầu người dân phải nộp lên tổ địa chính của phường, sau đó phường sẽ cử cán bộ xuống xác minh và xác nhận.

Có những trường hợp nộp đến gần cả tháng mà vẫn chưa thấy ngày hẹn trả hồ sơ. Hoặc có nơi chính quyền địa phương chỉ xác nhận có đăng ký thường trú hoặc tạm trú hay không; cơ quan công tác thì chỉ đồng ý xác nhận mức thu nhập hoặc vị trí làm việc chứ không xác nhận tình trạng đã có nhà ở hay chưa.

Nhiều khách hàng là công nhân viên chức nhà nước đi vay vốn nhưng do thiếu xác nhận về thực trạng nhà ở nên ngân hàng từ chối giải ngân khiến nhiều người cảm thấy mệt mỏi, chán nản.

Quy định hợp đồng 3 bên

Không chỉ vướng ở công đoạn xin xác nhận về hiện trạng nhà ở mà hiện quy định hợp đồng 3 bên đang khiến nhiều người đi vay "dở khóc dở cười".

Theo quy định, đối với nhà ở xã hội, nhà thu nhập thấp thì bắt buộc người vay tiền mua nhà phải ký hợp đồng với chủ đầu tư và để đảm bảo việc sử dụng vốn vay đó sẽ trả nợ cho ngân hàng thì phải ký kết hợp đồng 3 bên. Quy định này đã khiến các hồ sơ đang bị "ngâm" tới gần tháng nay.

Theo ý kiến từ các doanh nghiệp kinh doanh BĐS, hợp đồng 3 bên có nhiều điều khoản gây bất lợi cho chủ đầu tư vì thực chất các ngân hàng muốn chủ đầu tư chịu một phần rủi ro. Đơn cử, người đi vay đã ký hợp đồng tín dụng với ngân hàng rồi, còn ký thêm hợp đồng 3 bên nữa. Khi người mua nhà tức người vay tiền có vấn đề gì, ngân hàng bắt chủ đầu tư trả khoản vay, khoản lãi và chi phí khác cho ngân hàng. Đây là điều bất hợp lý bởi những thứ này người đi mua phải chịu chứ không phải chủ đầu tư.

Thêm vào đó, một điều bất hợp lý nữa là khi khách hàng không trả được nợ trong thời gian vay vốn, ngân hàng lại bắt chủ đầu tư phải mua lại căn nhà ở xã hội đó trong thời gian 1 hoặc 2 tháng. Điều này vô hình chung tạo sức ép cho chủ đầu tư. Bởi lẽ, trong thời gian khó khăn này không phải chủ đầu tư nào cũng có sẵn tiền để mua lại tài sản đấy, mà bán nhà ở xã hội còn phải đúng đối tượng, đủ tiêu chuẩn nên rất khó cho chủ đầu tư.

Khó ở tài sản thế chấp

Thực tế cho thấy, những thủ tục, ràng buộc quá khắt khe dù ngân hàng có lối mở cho người mua nhà dùng chính hợp đồng của căn nhà xã hội để làm tài sản thế chấp.

Ngoài tài sản thế chấp là chính căn hộ đang vay vốn để mua, ngân hàng còn yêu cầu khách hàng phải có thêm một tài sản thế chấp cộng với thu nhập ổn định. Người đi vay không có nhà nên mới có nhu cầu mua nhà xã hội, đa phần trong số họ đều là người nghèo đô thị, công chức thì tài sản tích lũy gần như không có.

Thêm vào đó, với người lao động tự do thì không thể chứng minh thu nhập theo yêu cầu của ngân hàng. Do là lao động tự do nên để xác định thu nhập thường xuyên ổn định rất là khó.

Mặt khác, theo tính toán một hộ gia đình trung bình phải có thu nhập từ 15 triệu đồng/tháng trở lên, chia đều mỗi người vợ/người chồng phải có thu nhập 7,5 triệu đồng/tháng, thì mới có thể trả gốc và lãi cho một căn hộ diện tích từ 45 - 70 m², giá 15 triệu đồng/m² có tổng giá từ 675 triệu đồng đến hơn 1 tỉ đồng. Nhưng thực chất với mức lương từ 7,5 triệu đồng/tháng thì đây là mức thu nhập trung bình chứ không còn là mức thu nhập thấp nữa.

                                                                                                                                         Tuệ Minh

ngatt

Trí Thức Trẻ

CÙNG CHUYÊN MỤC

XEM
Trở lên trên