Giá bất động sản sẽ tăng theo tỷ giá?
"Theo nguyên tắc, khi chi phí đầu vào tăng thì chi phí đầu ra cũng sẽ có chiều hướng đi lên. Nhưng trong giai đoạn thị trường BĐS như hiện nay thì giá nhà ở có tăng hay không phải còn xem xét ở nhiều yếu tố", đây là quan điểm của ông Nguyễn Ngọc, Phó Giám đốc Công ty Cổ phần Bất động sản Hà Nội.
- 22-07-2015Địa ốc Tp.HCM: Tỷ lệ hấp thụ văn phòng cho thuê tăng 6%, giá nhà ở ổn định
- 09-07-2015Chung cư tăng giá, người mua nhà có “chùn chân”?
- 03-07-2015Đất Long Thành tăng chóng mặt, có bị "thổi" giá?
Tóm tắt
Tỷ giá đã được NHNN nâng lên mức 21.890 đồng/USD. Động thái này được nhiều chuyên gia đánh giá là sẽ có tác động không nhỏ đến thị trường bất động sản. Theo ông Nguyễn Ngọc, Phó Giám đốc Công ty Cổ phần Bất động sản Hà Nội, tỷ giá tăng sẽ khiến chi phí đầu vào của một dự án tăng. Tuy nhiên, tỷ giá tăng cũng sẽ thúc đẩy nguồn cầu mua nhà của người nước ngoài tại Việt Nam
Sáng ngày 19/8, NHNN bất ngờ quyết định nâng tỷ giá bình quân liên ngân hàng thêm 1%, từ 21.167 đồng lên 21.890 đồng/USD. Đồng thời biên độ tỷ giá được nới lên +/-3% thay vì mức +/-2%. Quyết định này đưa ra đúng 1 tuần sau khi NHNN nới biên độ tỷ giá từ +/-1% lên +/-2%.
Như vậy, từ đầu năm tới nay, tỷ giá đã được điều chỉnh 3 lần, tổng cộng 3% và biên độ tỷ giá cũng được nới lên 2 lần, từ 1% lên 3%. So với đầu năm, tỷ giá trần áp dụng cho các ngân hàng thương mại như vậy đã tăng xấp xỉ 5%, từ 21.458 đồng lên 22.547 đồng.
Động thái này được nhiều chuyên gia đánh giá là sẽ có tác động không nhỏ đến thị trường bất động sản. Trao đổi với chúng tôi, ông Nguyễn Ngọc, Phó Giám đốc Công ty Cổ phần Bất động sản Hà Nội cho hay: "Khi tỷ giá tăng, thì nguyên vật liệu đầu vào của một dự án như sắt, thép, xi măng, nội thất... sẽ tăng theo khiến chi phí đầu vào của dự án bị đẩy lên".
Tuy nhiên, ông Ngọc cũng nhấn mạnh, với tình hình thị trường như hiện nay dù chi phí đầu vào có tăng nhưng giá nhà ở sẽ không bị ảnh hưởng nhiều: "Theo nguyên tắc, khi chi phí đầu vào tăng thì chi phí đầu ra cũng sẽ có chiều hướng đi lên. Nhưng trong giai đoạn thị trường BĐS như hiện nay thì giá nhà ở có tăng hay không phải còn xem xét ở nhiều yếu tố. Bởi hiện sức mua thị trường còn yếu, nếu tiếp tục tăng thì sản phẩm không tiêu thụ được. Đây là một vấn đề mà các các chủ đầu tư còn phải xem xét".
"Tôi nghĩ trong giai đoạn hiện nay, các chủ đầu tư có khi còn phải cân nhắc giảm những chi phí khác để bồi đắp vào chi phí đầu vào tăng để giữ dự án không tăng giá", ông Ngọc cho hay.
Khi tỷ giá biến động manh, có nhiều ý kiến cho rằng sự biến động của tỷ giá ngoại tệ, giá vàng và thị trường chứng khoán cũng như sự suy giảm mạnh của lãi suất tiết kiệm trong thời gian qua sẽ dẫn tới việc người dân chuyển sự chú ý của họ nhiều hơn tới đầu tư BĐS - loại hình đầu tư tài sản cố định với giá trị luôn tăng theo thời gian. Tuy nhiên, theo ông Ngọc có thể sẽ có một xu hướng ngược lại bởi trong giai đoạn như hiện nay, với tác động của tỷ giá thì nhà đầu tư còn phải xem xét nên mua nhà hay nên đầu tư vào ngoại tệ.
"Trong giai đoạn vừa rồi chứng khoán đã đi xuống rất lớn nhưng dòng tiền quay vào BĐS không lớn. Đôi khi dòng tiền lại ngược lại với quy luật trên, khi chứng khoán mà phát triển tốt người ta lại có nhiều tiền đầu tư vào BĐS hơn. Trong giai đoạn này, việc dòng tiền có chảy mạnh vào BĐS hay không còn phải xem xét".
Dù tỷ giá khiến chi phí đầu vào của dự án tăng theo gây khó khăn cho doanh nghiệp nhưng ông Ngọc cũng cho biết, việc nới lỏng tỷ giá ở một khía cạnh khác lại giúp thúc đẩy nguồn cầu BĐS phân khúc cao cấp tăng mạnh: "Với việc nới lỏng tỷ giá cùng với những điều kiện hết sức mở của Luật kinh doanh BĐS và Luật nhà ở 2014 tạo điều kiện cho người nước ngoài mua nhà tại Việt nam. Việc nới lỏng tỷ giá khiến cho giá nhà tại Việt Nam trong mắt người nước ngoài rẻ hơn, việc sở hữu nhà tại Việt Nam trở nên thuận lợi nhất".
"Nếu như có một nguồn khách hàng tiềm năng thì đây là thời điểm tốt cho cả người mua và cả những chủ đầu tư có sản phâm hướng đến phân khúc nhà cho người nước ngoài", Phó Giám đốc Công ty Cổ phần Bất động sản Hà Nội khẳng định.