MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Giảm tín dụng bất động sản: Liệu có rút vốn ồ ạt?

BĐS dư cung, nỗi lo thời hạn siết TD phi sản xuất về 22%, lượng TD hàng trăm ngàn tỷ đồng đổ vào lĩnh vực này, có ý kiến lo lắng tình trạng rút vốn với các dự án BĐS.

Thị trường bất động sản (BĐS) đang rất trầm lắng bởi tình trạng dư cung và nỗi lo thời hạn siết tín dụng phi sản xuất về 22% đã cận kề. Với lượng tín dụng hàng trăm ngàn tỷ đồng đổ vào lĩnh vực này, đây đó đã có ý kiến lo lắng về tình trạng rút vốn ồ ạt đối với các dự án BĐS. Tuy nhiên, nỗi lo này có vẻ hơi sớm…

Để siết tín dụng phi sản xuất theo đúng quy định tại Chỉ thị 01/2011/CT-NHNN, các ngân hàng đã rất chặt chẽ trong việc ứng vốn cho lĩnh vực phi sản xuất. Bà Nguyễn Thị Ngọc Vân, Phó tổng giám đốc DongA Bank cho biết, Ngân hàng đã dừng cho vay cầm cố chứng khoán từ lâu. Còn với BĐS, lâu nay DongA Bank cũng chỉ tập trung hỗ trợ vốn cho những khách hàng cá nhân có nhu cầu vốn mua nhà, căn hộ để ở cũng như sửa chữa nhà… Tuy nhiên, bà Vân cho biết, kể từ khi Ngân hàng Nhà nước (NHNN) đưa ra chủ trương giảm dần dư nợ ở lĩnh vực phi sản xuất, trong đó có tín dụng BĐS tiêu dùng, hoạt động cơ cấu lại nợ trong lĩnh vực này tại DongA Bank được thực hiện quyết liệt hơn.

Theo ACB, chủ trương của Ngân hàng lâu nay là không đưa vốn vào lĩnh vực BĐS kinh doanh, nên khi chủ trương giảm dần tín dụng nhà, đất được đưa ra cũng không ảnh hưởng nhiều đến hoạt động. Tuy nhiên, để thực hiện chủ trương giảm dần dư nợ phi sản xuất, ACB có chọn lọc hơn với khách hàng mua nhà để ở.

Lãnh đạo Sacombank cũng cho hay, tín dụng BĐS hiện chỉ chiếm một phần rất nhỏ trong tổng dư nợ. Sacombank tập trung cho vay mua nhà để ở và cho vay phát triển BĐS, còn cho vay các dự án rất thấp. Ngân hàng cũng đã lập ban chỉ đạo để thực hiện giảm dần tín dụng phi sản xuất về mức 16% tổng dư nợ vào cuối năm…

Tuy nhiên, trên thị trường không phải không có những ngoại lệ. TS. Lê Thẩm Dương, Trưởng Khoa Quản trị kinh doanh, Đại học Ngân hàng TP. HCM cho rằng, trong bối cảnh cạnh tranh khá gay gắt, một số ngân hàng, nhất là các đơn vị nhỏ đã huy động vốn với lãi suất vượt trần quy định 14%/năm khá xa, dù quản trị rất kém. Điều đáng ngại hơn là các khoản vốn huy động giá cao này được không ít nhà băng nhỏ mạnh tay đẩy vào BĐS, trong đó không loại trừ một số ngân hàng có dư nợ ở lĩnh vực này chiếm đến 50 - 55% trên tổng dư nợ.

Và thực tế, không ít ngân hàng khó giảm được tỷ lệ dư nợ ở lĩnh vực phi sản xuất về mức 22% vào cuối tháng này do đã cho vay BĐS quá nhiều. Đáng chú ý, theo Thống đốc NHNN Nguyễn Văn Giàu, trong số các ngân hàng chưa giảm được tỷ lệ dư nợ phi sản xuất thì có một nhà băng tỷ lệ dư nợ ở lĩnh vực này còn chiếm hơn 50% trong tổng dư nợ cho vay. Sau khi có chủ trương của NHNN, ngân hàng này vẫn cố tình không giảm dư nợ phi sản xuất, ngược lại còn đẩy tăng dư nợ BĐS lên 23,96%, tiêu dùng lên 15,76%, chứng khoán lên 30,4% tổng dư nợ.

Vì thế, tín dụng BĐS được xem là vấn để nóng, cần được báo động. Bởi với áp lực lãi suất cho vay thỏa thuận đứng ở mức khá cao (20 - 24%/năm), các chủ dự án cũng như cá nhân vay tiền mua nhà để ở khó có thể cầm cự được lãi mẹ đẻ lãi con, trong khi thị trường nhà, đất vẫn trầm lắng.

Tuy nhiên, theo Thống đốc NHNN, tính đến cuối tháng 5/2011, dư nợ phi sản xuất toàn ngành ngân hàng đã giảm 9,46%, chỉ chiếm 16,92% tổng dư nợ. Trong đó, dư nợ BĐS đã giảm từ mức 235.000 tỷ đồng xuống còn 222.000 tỷ đồng. Do đó, không nên quá lo ngại về thông tin bong bóng tín dụng BĐS có khả năng vỡ, nhất là tại thị trường TP. HCM. Trên thực tế, con số dư nợ 95.000 tỷ đồng trong lĩnh vực BĐS tại khu vực TP. HCM chưa phải là con số quá lớn.

Mặc dù vậy, người đứng đầu ngành ngân hàng cũng cho rằng, việc sàng lọc các dự án BĐS trước khi cấp vốn cần được thực hiện chặt chẽ hơn. Bởi trước diễn biến khó lường của kinh tế thế giới và trong nước, nợ xấu tăng lên là điều cần quan tâm. Tuy tính đến nay, tỷ lệ nợ xấu của ngành chưa có gì nghiêm trọng, nhưng nợ quá hạn đến tháng 5/2011 đã ở mức 2,72% tổng dư nợ, tăng 0,6% so với cuối năm 2010.

Theo Thùy Vinh

ĐTCK

kyanh

CÙNG CHUYÊN MỤC

XEM
Trở lên trên