MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Gói 30.000 tỷ: Vì sao lại khó giải ngân?

Nếu không có hướng dẫn cụ thể, và tháo gỡ những điều kiện tiên quyết cho vay thì chính sách ưu đãi vay vốn mua nhà trong gói 30.000 tỷ đồng rất khó đi vào cuộc sống.

Cho đến nay, hiệu lực thi hành của 2 Thông tư là Thông tư số 11 của NHNN quy định cho vay hỗ  trợ nhà ở và Thông tư 07 của Bộ Xây dựng hướng dẫn chi tiết đối tượng cụ thể và điều kiện được vay vốn đã được gần 1 tháng nay (cả 2 thông tư đều có hiệu lực từ 1/6/2013).

Tuy nhiên, qua những ngày vừa qua thực tế giải ngân nguồn vốn trong gói tín dụng 30.000 tỷ, lãi suất ưu đãi 6%/năm này lại chưa đi vào cuộc sống, đặc biệt đối tượng là khách hàng cá nhân, hộ gia đình vẫn đang trông ngóng được vay nguồn vốn giá rẻ này nhưng vẫn vướng mắc trong khâu điều kiện để vay vốn, nên ngân hàng chưa thể giải ngân.

Vướng mắc ở đâu?

Theo thông tin phản ánh của đại diện BIDV, ông Trần Xuân Hoàng, Phó Tổng Giám đốc thì đến nay BIDV mới chỉ giải ngân 1-2 hồ sơ là khách hàng cá nhân. Theo ông Hoàng, điều vướng mắc ở việc giải ngân là vấn đề thu nhập. Mặc dù chấp nhận mức thu nhập thấp là dưới 9 triệu đồng nhưng mức khởi điểm chịu thuế là 9 triệu đồng phải đến 1/7 mới có hiệu lực. Vì vậy, rất nhiều hồ sơ vay vốn có mức thu nhập dưới 9 triệu đồng phải chờ chính sách.

Còn tại Vietcombank thì đến 17/6 đã tiếp nhận được 9 hồ sơ cho vay mua nhà thu nhập thấp nhưng lại gặp phải việc vấn đề xác định bao nhiêu là thu nhập thấp vẫn chưa có ai xác nhận, nên ngân hàng này vẫn chưa thể cho vay, mặc dù lãnh đạo Vietcombank vẫn chỉ đạo sốt sắng các chi nhanh ưu tiên cho vay đối tượng này.

Đại diện một phòng giao dịch của BIDV khu vực Cầu Giấy cho rằng, về chủ trương cho người mua nhà xã hội vay vốn thì rất sẵn sàng. Hiện phòng giao dịch này cũng đang xử lý 4-5 hồ sơ nhưng còn vướng mắc một số quy định.

Theo vị này thì nguyên nhân khó giải ngân về cơ bản không phải do ngân hàng mà do quy định của các Thông tư hướng dẫn còn chặt chẽ quá. Chẳng hạn như Hợp đồng mua bán phải sau ngày 7/1/2013. “Ví dụ cụ thể như chúng tôi có một số khách hàng mua nhà ở dự án Đại Thanh, xét về điều kiện diện tích và giá bán thì đáp ứng so với Thông tư nhưng Hợp đồng lại ký vào năm 2012 nên không được chấp nhận.

Một số khách hàng là công chức, nhưng lại thiếu xác nhận về thực trạng nhà ở của cơ quan nơi công tác nên ngân hàng cũng không thể giải ngân được theo đúng tinh thần của Thông tư.” Đại diện phòng giao dịch này nói.

Có thể thấy, hiện nay một số ngân hàng chưa giải ngân được vốn vay thường vướng ở điều kiện để cho khách hàng vay vốn như hợp đồng mua bán nhà không hợp lệ, chưa có xác nhận thực trạng nhà ở hay mức thu nhập,…

Ngoài ra, khách vay vốn còn đang gặp phải vướng mắc khác về phương án trả nợ ngân  hàng. Theo hướng dẫn của Bộ Xây dựng, đối tượng vay vốn cần “có đủ mức vốn tối thiểu tham gia vào phương án vay theo quy định và đáp ứng khả năng trả nợ theo điều kiện vay vốn của Ngân hàng.” Là đối tượng thu nhập thấp có lẽ không ít trường hợp sẽ bị “vướng” ở điều kiện vay vốn này.

Doanh nghiệp đã có “phần”

Ở dòng vốn 30% trong gói 30.000 tỷ đồng cho doanh nghiệp vay tương đương khoảng 9000 tỷ đồng trong 3 năm. Theo đại diện của NHNN, tỷ lệ giải ngân 30% không phải quy định theo hàng năm mà có thể khác nhau ở từng giai đoạn cụ thể nhưng vẫn đảm bảo không quá 30% trong 3 năm.

Ngay sau khi 2 Thông tư có hiệu lực, một số ngân hàng đã ký kết cũng như cam kết cho các DN vay nguồn vốn này. Agribank đã ký kết hợp đồng cam kết tài trợ khoảng 400 tỷ cho Sudico triển khai dự án nhà ở xã hội tại KĐT Nam An Khánh, và ngân hàng này cũng đã ký kết với 12 DN khác để cho vay gói hỗ trợ này.  Nhu cầu vay vốn ngân hàng  của các dự án này vào khoảng 3.295 tỷ.

Bên cạnh đó, BIDV cam kết đăng ký dành 10.000 tỷ trong gói 30.000 tỷ này để hỗ trợ cho vay nhà ở, trong 2-3 năm đầu, trọng số cho vay đối với doanh nghiệp và người mua nhà dự kiến ở mức khoảng 60%/40%, sau đó giảm dần vào năm thứ tư khoảng 30%/70%.

Dự kiến, trong năm 2013, BIDV sẽ giải ngân khoảng trên 2.700 tỷ đồng cho vay hỗ trợ nhà ở.

Bộ Xây dựng “thúc” ngân hàng cho vay vốn

Với ngân hàng thì cho rằng, các quy định còn chặt chẽ, chưa ai xác định thế nào là thu nhập thấp, chờ chính sách xác định mức thu nhập không phải đóng thuế, các hợp đồng không hợp lệ,…nên việc giải ngân nguồn vốn cho cá nhân, hộ gia đình gặp trở ngại.

Trước thực tế đó, Bộ Xây dựng vừa có Công văn số 1250 gửi NHNN và 5 ngân hàng đang thực hiện cho vay gói 30.000 tỷ này nhằm xác định chi tiết đối tượng, điều kiện cụ thể để được vay vốn.

Theo Bộ Xây dựng, trong trường hợp xác định đối tượng thế nào là thu nhập thấp? Về việc xét duyệt này đã làm rất chặt chẽ theo quy định tại Quyết định 67. Do vậy, khách hàng mà có hợp đồng mua, thuê, thuê mua nhà xã hội sau ngày 7/1/2013 thì được coi là đủ điều kiện được vay trong gói tín dụng hỗ trợ nhà ở. 

Do chủ đầu tư các dự án nhà ở thương mại có giá dưới 15 triệu đồng/m2 và diện tích nhỏ hơn 70m2 không thuộc diện được vay vốn, nhưng cá nhân, hộ gia đình mua nhà ở các dự án này thì được vay vốn. Vì vậy, Bộ Xây dựng yêu cầu các ngân hàng khi xét duyệt hồ sơ thì không xem xét dự án đó có được vay vốn trong gói tín dụng hỗ trợ nhà ở hay không.

Trong trường hợp này, Bộ Xây dựng cho biết, chấp nhận diện tích căn hộ ghi trong hợp đồng là tạm tính nhưng với quy mô nhỏ hơn 70 m2, khi hoàn công có thể thay đổi theo thực tế.

Trong công văn này, Bộ Xây dựng cũng đã đề nghị NHNN khẩn trương chỉ đạo các Ngân hàng được giao, triển khai nhanh việc cho vay vốn.

Việc giải ngân cho vay hỗ trợ nhà ở trong gói 30.000 tỷ sẽ kết thúc khi NHNN giải ngân hết số tiền tái cấp vốn, nhưng tối đa là 36 tháng kể từ ngày 01/6/2013.

Kiều Thuật

thuatvk

Trí Thức Trẻ

CÙNG CHUYÊN MỤC

XEM
Trở lên trên