MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Ngân hàng tiết kiệm nhà ở có thể ra đời vào năm 2017

Việc thành lập mô hình Ngân hàng tiết kiệm nhà ở vừa huy động được nguồn tiền nhàn rỗi của người dân, vừa tạo được ý thức tiết kiệm của các hộ gia đình cho việc xây dựng nhà ở.

Sáng 6/12, Bộ Xây dựng đã phối hợp với ngân hàng tiết kiệm nhà ở Bausparkasse Schwäbisch Hall (Đức) tổ chức hội thảo về mô hình tiết kiệm nhà ở.

Phát biểu tại hội thảo, Thứ trưởng Nguyễn Trần Nam cho biết, trong những năm qua, việc phát triển nhà ở nói chung và phát triển nhà ở cho người thu nhập thấp, người nghèo và các đối tượng chính sác xã hội nói riêng luôn được Nhà nước Việt Nam coi là một trong những nhiệm vụ quan trọng. Tuy nhiên, bên cạnh những thành tựu đã đạt được thì việc phát triển nhà ở cũng đã và đang phát sinh nhiều tồn tại, bất cập, đặc biệt là về vấn đề huy động tài chính cho hoạt động này.

Theo ông Nam, thời gian qua, nguồn tài chính phục vụ cho phát triển nhà ở chủ yếu được huy động từ 4 kênh chính sau đây:

Một là: Từ sự hỗ trợ của Nhà nước thông qua việc cấp vốn từ ngân sách, hỗ trợ lãi suất tín dụng, hỗ trợ miễn, giảm tiền sử dụng đất và các loại thuế, phí…Do nguồn vốn của Nhà nước có hạn nên chủ yếu là dùng để hỗ trợ cho một số đối tượng nhất định như: người có công với cách mạng, học sinh, sinh viên, người thu nhập thấp, hộ nghèo...

Hai là: Huy động từ các tổ chức tín dụng thương mại, đây được coi là kênh huy động vốn chủ yếu để phục vụ việc phát triển nhà ở thương mại của các doanh nghiệp kinh doanh bất động sản.

Ba là: Huy động từ các thành phần kinh tế bằng nguồn vốn tự có của các tổ chức, cá nhân tham gia phát triển nhà ở, vốn hợp tác đầu tư, vốn liên doanh liên kết, vốn từ tiền mua nhà trả trước của người có nhu cầu.

Bốn là: Huy động từ các định chế tài chính khác như các Quỹ đầu tư phát triển, Ngân hàng Đầu tư phát triển Việt Nam, Ngân hàng chính sách xã hội…

Do ngân sách nhà nước còn nhiều hạn chế, các nguồn vốn từ các định chế tài chính cũng còn hạn hẹp nên trong những năm vừa qua, việc phát triển nhà ở chủ yếu phụ thuộc vào nguồn vốn tín dụng thương mại. Khi khủng hoảng tài chính xảy ra, các tổ chức tín dụng thắt chặt hoặc dừng việc cho vay đã dẫn đến tình trạng các doanh nghiệp đầu tư phát triển nhà ở gặp nhiều khó khăn do thiếu vốn, thị trường bất động sản trầm lắng, đóng băng, gây tác động xấu đến nền kinh tế.

"Bộ Xây dựng cho rằng, ngoài hệ thống tín dụng thương mại như hiện nay thì Luật Nhà ở (sửa đổi) cần phải có quy định để hình thành thêm các định chế tài chính mới vừa để đa dạng hóa các kênh huy động vốn, vừa để thu hút nguồn tiền nhàn rỗi của người dân cho phát triển nhà ở như: Quỹ phát triển nhà ở, Quỹ tín thác bất động sản và đặc biệt là mô hình Ngân hàng tiết kiệm nhà ở. Đây là tổ chức tài chính chuyên nhận tiền gửi và cho vay trong lĩnh vực nhà ở đang được nhiều nước trên thế giới áp dụng như: Trung Quốc, CHLB Đức, CH Séc và các nước Châu Âu khác…", Thứ Trưởng Nguyễn Trần Nam nhận mạnh.

Cũng theo Thứ trưởng, việc thành lập mô hình Ngân hàng tiết kiệm nhà ở vừa huy động được nguồn tiền nhàn rỗi của người dân để phục vụ cho phát triển nhà ở, vừa tạo được ý thức tiết kiệm của các hộ gia đình, cá nhân cho việc xây dựng nhà ở.

Thứ trưởng Nguyễn Trần Nam dự kiến nội dung tiết kiệm nhà ở sẽ được đưa ngay vào dự thảo Luật Nhà ở sửa đổi và một số điều luật khác để trình Quốc hội xem xét vào kỳ họp đầu tiên của năm tới. Nếu được thông qua, dự kiến đến đầu năm 2017, mô hình ngân hàng tiết kiệm nhà ở sẽ chính thức được triển khai và áp dụng trên phạm vi cả nước.
Thanh Ngà

ngatt

Trí Thức Trẻ

CÙNG CHUYÊN MỤC

XEM
Trở lên trên